Kỹ thuật phần mềm dù tiềm năng nhưng khó cạnh tranh với ngành Khoa học máy tính

18/04/2024 06:25
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Sinh viên tốt nghiệp Kỹ thuật phần mềm có thể làm việc ở những lĩnh vực khác nhau, đặc biệt nhiều cơ hội thăng tiến trong ngành công nghệ thông tin.

Với xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ cao thì cơ hội và nhu cầu việc làm của ngành Kỹ thuật phần mềm là rất lớn, chính vì vậy, ngành này ngày càng thu hút đông đảo các thí sinh theo học.

Ngành học có tiềm năng phát triển và thu hút nhân lực

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Trọng Hợp - Trưởng khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ, Kỹ thuật phần mềm là một ngành trong nhóm ngành về Máy tính và Công nghệ thông tin, đây cũng là ngành thu hút nhiều nhân sự nhất trong nhóm ngành này trong những năm gần đây.

Sinh viên học ngành này được trang bị các kiến thức chung phổ quát, bên cạnh đó, sinh viên còn được trang bị trình độ chuyên môn, kỹ năng phát triển phần mềm chuyên nghiệp, có năng lực nghiên cứu và tư duy sáng tạo.

Đồng thời nắm vững được quy trình xây dựng phát triển phần mềm, có khả năng phân tích, thiết kế xây dựng các phần mềm có giá trị thực tiễn cao, có tính sáng tạo.

Sinh viên tham dự hội thảo cơ hội việc làm và tuyển dụng trực tiếp tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường
Sinh viên tham dự hội thảo cơ hội việc làm và tuyển dụng trực tiếp tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường

Để đào tạo được các sinh viên với năng lực như trên, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm sẽ bao gồm đủ các khối kiến thức như: Kiến thức cơ sở khối ngành máy tính và công nghệ thông tin nói chung; Kiến thức cơ sở nền tảng cho ngành kỹ thuật phần mềm; Kiến thức chuyên ngành.

Cùng bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ Quách Xuân Trưởng - Trưởng Khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên chia sẻ, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm của nhà trường đào tạo cử nhân/kỹ sư nắm vững kiến thức cơ bản của Công nghệ thông tin và chuyên môn về phát triển phần mềm.

Sinh viên sẽ có khả năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi quyền hạn của một chuyên viên hoặc quản lý trong lĩnh vực công nghệ phần mềm như phân tích nhu cầu thực tế (phân tích hệ thống, lập kế hoạch dự án phần mềm, phân tích yêu cầu), phát triển phần mềm (thiết kế phần mềm, lập trình, kiểm thử),…

Bên cạnh đó, nhà trường luôn liên kết với nhiều công ty, doanh nghiệp phần mềm nhằm bám sát thực tế, liên tục cập nhật các công nghệ mới nhất để nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập.

Hiện cả nước có một số trường đào tạo ngành này, mỗi trường sẽ có những định hướng đào tạo riêng. Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Trọng Hợp cho biết, trên cơ sở sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và triết lý giáo dục của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm của nhà trường cũng có những đặc thù riêng và định hướng đào tạo cho sinh viên như sau:

Thứ nhất, sinh viên có hiểu biết về kinh tế, chính trị: có các kiến thức cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn phù hợp với chuyên ngành được đào tạo để đóng góp hữu hiệu vào sự phát triển bền vững của xã hội, cộng đồng.

Thứ hai, sinh viên có kiến thức cơ bản về toán học, khoa học tự nhiên, đáp ứng cho việc tiếp thu các kiến thức giáo dục chuyên nghiệp và khả năng học tập ở trình độ cao hơn.

Thứ ba, các em có hiểu biết sâu rộng về kiến thức cơ sở nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập các môn chuyên ngành, nghiên cứu chuyên sâu, tiếp cận dễ dàng với các công nghệ mới.

Thứ tư, có kiến thức chuyên ngành đáp ứng được nhu cầu của xã hội về lĩnh vực Kỹ thuật phần mềm như: các nguyên tắc khoa học, phương pháp, công nghệ, kỹ thuật, để phát triển hệ thống phần mềm, vận hành, bảo trì phần mềm.

Cuối cùng, sinh viên sẽ có kỹ năng cá nhân, nghề nghiệp, giao tiếp, làm việc nhóm đủ để làm việc trong môi trường làm việc liên ngành, đa văn hóa, đa quốc gia.

Còn theo thầy Trưởng, triết lý xuyên suốt của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên là trường đại học ứng dụng, vì vậy các chương trình đào tạo nói chung và Kỹ thuật phần mềm nói riêng luôn bám sát tư tưởng trên và được xây dựng sát với các yêu cầu công việc và kỹ năng được doanh nghiệp phần mềm yêu cầu.

Ngay từ năm học đầu tiên trong chương trình đào tạo của ngành đã có nội dung trải nghiệm doanh nghiệp giúp sinh viên tiếp cận với văn hóa doanh nghiệp trong lĩnh vực phần mềm.

Bên cạnh đó, sinh viên được đào tạo liên tục 3 kỳ trong năm học, từng học phần được phân bố theo tiến trình giúp sinh viên luôn giữ được mạch kiến thức. Mặt khác, sinh viên và giáo viên có thể đánh giá hoặc tự đánh giá được mức độ tiếp thu kiến thức của cá nhân để có thể điều chỉnh cách học sao cho đạt mục tiêu.

Nhà trường cũng trang bị sinh viên với các công nghệ mới nhất và công cụ phát triển phần mềm để người học có thể áp dụng kiến thức một cách hiệu quả trong thực tế. Đồng thời, khuyến khích sinh viên tham gia vào cộng đồng phát triển phần mềm, như việc tham gia vào dự án mã nguồn mở, tham gia các sự kiện, hội thảo, workshop.

Việc kết hợp các phương pháp này sẽ tạo ra một môi trường học tập chuyên sâu và thực tế, giúp sinh viên phát triển kỹ năng và kiến thức cần thiết để thành công trong lĩnh vực công nghệ phần mềm.

Hoạt động của sinh viên tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên. Ảnh: Website nhà trường.
Hoạt động của sinh viên tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên. Ảnh: Website nhà trường.

Ngành học còn ít được nhắc đến so với ngành Công nghệ thông tin hay Khoa học máy tính

Chia sẻ về những thách thức còn gặp phải trong công tác đào tạo ngành này, thầy Hợp chia sẻ, mặc dù là một trong những ngành phát triển và thu hút nhân lực nhất trong nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin trong những năm vừa qua, tuy nhiên ngành Kỹ thuật phần mềm lại ít được nhắc đến như ngành Công nghệ thông tin hay Khoa học máy tính.

Do đó các cơ sở giáo dục đào tạo cũng gặp phải một số thách thức như: Học sinh thường ưu tiên chọn nguyện vọng ngành Công nghệ thông tin hoặc Khoa học máy tính trước ngành Kỹ thuật phần mềm.

Cùng với đó, công nghệ phần mềm là lĩnh vực có sự thay đổi mạnh mẽ, kiến thức và công cụ cho nhân sự ngành này luôn luôn thay đổi và đòi hỏi người học cũng như giảng viên phải thường xuyên cập nhật để có thể đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Cũng theo thầy Hợp, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong những năm vừa qua, Kỹ thuật phần mềm cũng là lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng và có nhiều công việc bị đe dọa thay thế bởi AI.

Cùng bàn về vấn đề trên, thầy Trưởng chia sẻ, vì là ngành đặc thù nên thu hút và giữ chân giảng viên giỏi và có kinh nghiệm thực tế là một thách thức với các trường đại học công lập.

Cùng với đó, đây là một trong lĩnh vực công nghệ có tốc độ thay đổi cực nhanh nên trong quá trình đào tạo cần thiết kế một chương trình đào tạo linh hoạt và thích ứng. Cần đảm bảo rằng chương trình đào tạo phản ánh được xu hướng mới nhất trong ngành công nghiệp, bao gồm cả công nghệ mới và yêu cầu nghề nghiệp để có thể điều chỉnh nhanh chóng khi có sự thay đổi trong ngành. Đây cũng là 1 thách thức không nhỏ với ngành Kỹ thuật phần mềm.

Có nhiều cơ hội việc làm và thăng tiến

Chia sẻ về cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật phần mềm, theo Trưởng Khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên: Sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành các kỹ sư phần mềm có thể làm việc trong các dự án phần mềm vừa và lớn như các công ty phát triển phần mềm, thiết kế website, gia công phần mềm, game; bộ phận vận hành và phát triển Công nghệ thông tin của các cơ quan, nhà máy, trường học, các doanh nghiệp có ứng dụng Công nghệ thông tin, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin.

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở bộ phận công nghệ thông tin hoặc cần ứng dụng công nghệ thông tin của tất cả các đơn vị có nhu cầu (hành chính sự nghiệp, ngân hàng, viễn thông, hàng không, xây dựng…).

Cùng chia sẻ về những cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho hay, kỹ sư ngành Kỹ thuật phần mềm có nhiều cơ hội thăng tiến trong ngành Công nghệ thông tin và các lĩnh vực liên quan.

Sau khi có kinh nghiệm làm việc, sinh viên có thể chuyển sang các vị trí chuyên sâu trong phát triển phần mềm như kiến ​​trúc sư phần mềm, lãnh đạo kỹ thuật, công nghệ.

Sinh viên có thể phát triển sự nghiệp của mình trong việc quản lý dự án phần mềm, điều hành các dự án phần mềm từ việc lập kế hoạch đến triển khai dự án.

Với kỹ năng quản lý dự án và kỹ năng kỹ thuật, sinh viên có thể chuyển sang các vị trí quản lý trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, như quản lý sản phẩm, quản lý dự án, hoặc quản lý công nghệ thông tin.

“Những cơ hội thăng tiến này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm kỹ năng, kinh nghiệm, và mạng lưới quan hệ của sinh viên. Tuy nhiên, với sự đổi mới liên tục trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, cơ hội thăng tiến cho sinh viên Kỹ thuật Phần mềm là rất rộng lớn”. Thầy Hợp thông tin thêm.

Bàn về cơ hội thăng tiến trong ngành này, thầy Trưởng cho biết, có nhiều cơ hội và lộ trình phát triển, thăng tiến sự nghiệp khác nhau khi bạn làm kỹ sư phần mềm (Software Engineer).

Nếu thăng tiến theo chiều dọc, một kỹ sư phần mềm sau nhiều năm kinh nghiệm, có năng lực lãnh đạo và các kỹ năng cần thiết sẽ là trở thành một nhà quản lý, trưởng phòng hay giám đốc. Tuy nhiên, nếu thăng tiến theo chiều ngang, kỹ sư phần mềm trải qua quá trình nghiên cứu, trải nghiệm sẽ trở thành những chuyên gia hàng đầu trong ngành.

Bên cạnh đó, lộ trình sự nghiệp của kỹ sư phần mềm theo chiều dọc bao gồm nhiều vị trí với yêu cầu cho từng vị trí khác nhau: Kỹ sư tập sự (Junior Developer); Kỹ sư Phần mềm (Senior Developer); Trưởng nhóm công nghệ (Tech lead); Giám đốc công nghệ (CTO).

Chia sẻ về những hoạt động hợp tác kết nối với doanh nghiệp để tăng cơ hội việc làm cho sinh viên, thầy Hợp cho biết, hiện nay khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang có hợp tác với 300 doanh nghiệp: FDI như Samsung, LG, … các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như FPT, Misa, các doanh nghiệp outsourcing, các doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp cho các đối tác Nhật, Mỹ, Anh như Rikkei, VTI, ….

Doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của khoa cho sinh viên từ năm thứ nhất, ngay khi nhập học vào khoa Công nghệ thông tin , các em được doanh nghiệp tư vấn giới thiệu về xu hướng công nghệ, nhu cầu tuyển dụng và thị trường lao động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin để các em có cái nhìn về ngành nghề mình đã chọn và có động lực học tập.

Năm thứ 2 sinh viên sẽ đi tham quan doanh nghiệp để tìm hiểu môi trường thực tế của các doanh nghiệp, từ đó có định hướng chuyên sâu cho mình.

Năm 3 và năm cuối, khoa đã hợp tác với các doanh nghiệp cử sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp, năm 3 đã có khoảng 20% sinh viên thực tập có lương, trước khi tốt nghiệp 90% sinh viên đã làm việc với các vị trí thực tập/ thử việc/ chính thức, tất cả đều có lương. Hàng năm nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động hợp tác doanh nghiệp.

Còn tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, thầy Trưởng chia sẻ, nhà trường luôn kết nối với các đơn vị sử dụng lao động và doanh nghiệp để cung cấp cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên ngành công nghệ phần mềm do vậy nhà trường rất chú trọng và quan tâm đến công tác này.

Nhà trường cũng tổ chức các buổi seminar, workshop, hoặc hội thảo với sự tham gia của các doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp với các chuyên gia trong ngành. Tạo ra các chương trình hợp tác dài hạn với các doanh nghiệp, bao gồm cả việc thực hiện dự án tốt nghiệp và nghiên cứu phát triển sản phẩm.

Về cơ hội học bổng đối với ngành này, nhà trường đã thực hiện kết nối với các doanh nghiệp có thể cung cấp học bổng với điều kiện sinh viên cam kết làm việc cho họ sau khi tốt nghiệp. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân tài năng, mà còn giúp sinh viên có cơ hội thực tập và tìm hiểu về doanh nghiệp từ sớm.

Bạn Nguyễn Thu Trang, sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ, theo học ngành này sinh viên được tham gia các ngày hội việc làm và các kỳ thi như Olympic Tin học do nhà trường tổ chức.

Để tạo điều kiện cho sinh viên có định hướng về ngành trong tương lai ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, khoa và trường có rất nhiều hoạt động, hội thảo giúp cho các sinh viên có cơ hội hiểu hơn về vị trí việc làm cũng như các kiến thức thực tế.

Bên cạnh đó, các chương trình học với kiến thức chuyên ngành khá bám sát vào thực tế, trường còn có hệ thống điện tử giúp sinh viên có thể học tập trước khi lên lớp; kiến thức chuyên ngành mà sinh viên được học khá bám sát vào thực tế.

Để học tốt ngành Kỹ thuật phần mềm, theo Trang, vì là ngành học đặc thù nên điều đầu tiên sinh viên cần rèn luyện tính cẩn thận, chăm chỉ. Vào các giờ giảng trên lớp cần chú ý nghe thầy cô giảng bài và tự tổng hợp lại kiến thức cho bản thân.

Bên cạnh đó, để có thêm cơ hội được trao đổi kiến thức với các bạn hay anh chị cùng ngành, sinh viên nên tham gia vào các Câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin trực thuộc khoa bởi đây cũng là một cách để sinh viên được trao đổi, học tập và nâng cao kiến thức cho bản thân.

Thu Trang