Ký túc xá Trường đại học Thủ đô Hà Nội bị chia nhỏ để cho thuê

02/12/2018 06:16
Vũ Phương
(GDVN) - Mùi xăng, dầu bốc ra nghẹt thở, sân ký túc xá Đại học Thủ đô Hà Nội chật kín ô tô, xe máy, sinh viên muốn ra ngoài phải lách qua khe hẹp.

Gửi xe sân ký túc xá ngày đêm 1,6 triệu đồng

Nhiều năm nay không ít sinh viên sống trong ký túc xá Trường đại học Thủ đô Hà Nội phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam những bức xúc trước việc khoảng sân rộng của ký túc xá biến thành bãi gửi xe ô tô, xe máy.

Điều này có nghĩa  không gian sinh hoạt chung của sinh viên ở ký túc xá không còn nữa, thay vào đó là khói bụi, tiếng ồn, nguy hiểm bởi hàng ngày có nhiều lượt ô tô, xe máy của người lạ ra vào sân ký túc xá.

Đúng như sinh viên phản ánh, theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, khoảng sân ký túc xá của Trường đại học Thủ đô Hà Nội luôn trong tình trạng chật kín ô tô, xe máy.

Không ít sinh viên ở ký túc xá thẳng thắn cho biết, chủ yếu xe ở ký túc xá là của người ngoài vào gửi. Xe ô tô của cán bộ, giáo viên để ở sân trường chứ không để ở sân ký túc xá.

Sân ký túc xá Trường đại học Thủ đô Hà Nội chật kín xe ô tô, xe máy, sinh viên ở ký túc xá chỉ còn một khoảng không hẹp để về ký túc xá. Ảnh: Vũ Phương.
Sân ký túc xá Trường đại học Thủ đô Hà Nội chật kín xe ô tô, xe máy, sinh viên ở ký túc xá chỉ còn một khoảng không hẹp để về ký túc xá. Ảnh: Vũ Phương. 
Lãnh đạo Trường đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, khoảng 2 năm nay trường ký hợp đồng với một đơn vị ngoài làm công tác trông giữ xe tại ký túc xá. Ảnh: Vũ Phương
Lãnh đạo Trường đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, khoảng 2 năm nay trường ký hợp đồng với một đơn vị ngoài làm công tác trông giữ xe tại ký túc xá. Ảnh: Vũ Phương

Một sinh viên năm 3 ở ký túc xá bức xúc cho biết: “Sân ký túc xá rộng như vậy, nhưng giờ lúc nào cũng chật kín xe ô tô, xe máy gửi ngày đêm. Họ chỉ bớt cho sinh viên một lối đi nhỏ vào ký túc. Những chiếc ghế đá ở sân ký túc xá không thể ngồi được vì xe đỗ rất sát.

Nhìn sân ký túc xá trường mình với ký túc xá của các bạn trường khác mà thèm. Gần như chúng em đi học lên phòng ngay vì thiếu không gian, muốn xuống sân chơi hay đọc sách cũng không thể. Sân chật kín xe không có chỗ ngồi, có ngồi được ghế đá cũng phải co chân lên, hơn nữa mùi xăng, khói bụi rất khó chịu”.

Để nắm rõ thực hư số xe ô tô, xe máy gửi trong sân ký túc xá của ai, phóng viên được một bảo vệ cho phóng viên biết, vẫn còn chỗ gửi xe ô tô, phí gửi xe ô tô cả ngày đêm bao gồm cả ngày nghỉ 1,6 triệu đồng/tháng. Xe gửi ban ngày các ngày trong tuần cả ngày nghỉ là 1 triệu đồng/tháng. Xe chỉ gửi ngày làm việc trong tuần 800 ngàn đồng/tháng.

Sinh viên ở ký túc xá phải lách qua khe hẹp giữa những xe ô tô để trong sân để đi ra ngoài cũng như vào ký túc xá. Ảnh: Vũ Phương.
Sinh viên ở ký túc xá phải lách qua khe hẹp giữa những xe ô tô để trong sân để đi ra ngoài cũng như vào ký túc xá. Ảnh: Vũ Phương.  
Những chiếc ghế đá trở lên vô duyên và không thể ngồi được vì chật kín xe ô tô, xe máy để sát. Ảnh: Vũ Phương.
Những chiếc ghế đá trở lên vô duyên và không thể ngồi được vì chật kín xe ô tô, xe máy để sát. Ảnh: Vũ Phương. 

Đáng nói, không ít sinh viên trường này còn phản ánh, dãy nhà trong khu ký túc xá quay ra mặt đường Dương Quảng Hàm cũng bị “xẻ thịt”cho thuê nhằm thu tiền. Trong khi đó, sinh viên ký túc xá thiếu phòng sinh hoạt động đồng, phòng tự học.

Việc sinh viên ở ký túc xá không chỉ bị chiếm mất sân làm bãi gửi xe, dãy nhà nằm trong khuôn viên ký túc xá cũng được tận dụng cho các hộ kinh doanh thuê.  

Trao đổi với phóng viên, một bạn sinh viên tên T. cho biết, dãy cửa hàng từ ăn uống, tạp hóa, hiệu thuốc, đến các trung tâm ngoại ngữ, luật… được nhà trường cho thuê vốn là dãy nhà phục vụ sinh viên ký túc xá học tập, sinh hoạt.

Nhà trường tận dụng dãy nhà của ký túc xá để cho thuê nhằm thu tiền, trong khi đó sinh viên thiếu không gian sinh hoạt, điều kiện học tập. Không chỉ sân ký túc xá bị mất, mà cuộc sống của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở ký túc xá cũng bị ảnh hưởng bởi những tiếng ồn, mùi xăng dầu từ ô tô, xe máy bốc ra.

Theo quan sát của phóng viên, đối diện cổng chính Trường đại học Thủ đô Hà Nội là khu ký túc xá. Một dãy cửa hàng hơn chục cửa hàng kinh doanh luôn tấp nập người ra vào nằm trong khuôn viên ký túc xá của Trường đại học Thủ đô Hà Nội.

Dãy ki-ốt phía mặt ngoài của khu ký túc xá được Trường đại học Thủ đô Hà Nội nói là liên kết, hợp tác. Ảnh: Vũ Phương.
Dãy ki-ốt phía mặt ngoài của khu ký túc xá được Trường đại học Thủ đô Hà Nội nói là liên kết, hợp tác. Ảnh: Vũ Phương. 
Cửa hàng kinh doanh này Trường đại học Thủ đô Hà Nội cho thuê, hợp tác để sinh viên của trường thực hành, thực tập. Ảnh: Vũ Phương.
Cửa hàng kinh doanh này Trường đại học Thủ đô Hà Nội cho thuê, hợp tác để sinh viên của trường thực hành, thực tập. Ảnh: Vũ Phương. 

Làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, về nội dung sân ký túc xá biến thành bãi gửi xe ô tô, xe máy, ông Đỗ Hồng Cường – Phó hiệu trường Trường đại học Thủ đô Hà Nội cho biết: “Khoảng 2 năm trước Trường có hợp tác với một đơn vị tổ chức trông giữ xe cho giáo viên, sinh viên tại ký túc xá.

Hầu hết xe ô tô, xe máy là của giáo viên, sinh viên, nếu có xe ngoài thì chỉ có rất ít xe của những giảng viên, cán bộ nhà trường đã nghỉ hưu. Trong biên bản hợp tác với đơn vị trông giữ xe, Trường yêu cầu không trông xe ô tô, xe máy bên ngoài trường”.

Trước thông tin phóng viên cung cấp về việc bảo vệ vẫn nhận xe ô tô ngoài, ông Đỗ Hồng Cường cho biết sẽ cho kiểm tra và yêu cầu đơn vị trông giữ xe nghiêm túc thực hiện.

Nhiều lần ông Đỗ Hồng Cường khẳng định, số xe ô tô, xe máy đỗ chật kín sân ký túc xá là của cán bộ, giáo viên, sinh viên của trường.

Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu nhà trường cung cấp danh sách cán bộ, giáo viên đăng ký đi xe ô tô đến trường để đối chiếu, nhưng lãnh đạo Trường đại học Thủ đô Hà Nội không cung cấp được và nói sẽ cung cấp sau khi bộ phận hành chính tổng hợp, báo cáo.

Ông Đỗ Hồng Cương cũng cho biết, nếu chúng tôi cho gửi xe ô tô bên ngoài vào sẽ chật kín bởi nhu cầu gửi xe của người dân gần trường rất lớn.

Ông Đỗ Hồng Cường - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Thủ đô Hà Nội khẳng định, nhà trường không cho người ngoài gửi ô tô, xe máy, nhưng không cung cấp cho phóng viên danh sách giáo viên của trường đăng ký đi ô tô đến trường. Ảnh: Vũ Phương.
Ông Đỗ Hồng Cường - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Thủ đô Hà Nội khẳng định, nhà trường không cho người ngoài gửi ô tô, xe máy, nhưng không cung cấp cho phóng viên danh sách giáo viên của trường đăng ký đi ô tô đến trường. Ảnh: Vũ Phương. 

Không báo cáo Thành phố Hà Nội

Liên quan đến việc dãy nhà của khu ký túc xá bị “cắt” ra cho các đơn vị khác thuê kinh doanh, ông Đỗ Hồng Cường cho biết: “Dãy ki-ốt mặt ngoài phố khu tý túc xá đã tồn tại rất lâu, từ các thế hệ lãnh đạo nhà trường trước đã có.

Những cửa hàng, ki-ốt đó không phải chúng tôi cho thuê mà là ký hợp đồng nhiều dịch vụ nhằm cung cấp những dịch vụ cho cán bộ, sinh viên của trường. Trong đó có ki-ốt cung cấp bữa ăn trưa cho giảng viên, sinh viên.

Một vài ki-ốt làm công tác hỗ trợ, đào tạo cho trường như về tin học, tư vấn luật… Ki-ốt ngoài cùng là Circle K, trường ký với đơn vị này thị để phục vụ cho sinh viên ngành văn hóa du lịch được thực hành, thực tập tại đó.

Về mặt chính quyền, trường đã báo cáo việc này với Ủy ban nhân dân phường, phường là nơi quản lý về đất đai nên chúng tôi phải báo cáo”.

 

Ký túc xá Trường đại học Thủ đô Hà Nội bị chia nhỏ để cho thuê ảnh 9Đất công tại Trường ĐH Thủy Lợi đang được "băm nát" để cho thuê, trục lợi

Trước câu hỏi của phóng viên, Trường đại học Thủ đô Hà Nội trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, vậy việc trường tự ý ký kết, hợp tác cho thuê dãy nhà của ký túc xá trường có báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội?

Về việc này, ông Đỗ Hồng Cường cho biết: “Đúng chức trách, chúng tôi chỉ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp phường. Ngày báo cáo gần đây nhất là ngày 30/10/2018”.

Ông Đỗ Hồng Cường cũng cho biết, nhà trường không báo cáo việc này lên Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Đáng chú ý, ông Đỗ Hồng Cường khẳng định, tất cả các ki-ốt, nhà trường ký kết hợp tác nhằm phục vụ cho sinh viên, cán bộ, giáo viên của trường. Nhưng lãnh đạo Trường đại học Thủ đô Hà Nội lại từ chối cung cấp các văn bản ký kết hợp tác với các đơn vị cung ứng dịch vụ với trường.

Theo quan sát thực tế của phóng viên, dãy nhà Trường đại học Thủ đô Hà Nội nói là ký  kết, hợp tác với các đơn vị nhưng toàn bộ dãy ki-ốt cho thuê họ bán đủ các mặt hàng từ cửa hàng thuốc tây; Trung tâm ngoại ngữ, tin học, luật; quần áo; đồ dùng; photocopy; phụ kiện điện thoại; café đồ uống…

Trước câu hỏi của phóng viên, sinh viên Trường đại học Thủ đô Hà Nội thực tập, thực hành như thế ở các cửa hàng này?

Ông Đỗ Hồng Cường cho biết: “Sinh viên sẽ được thực tập các khâu của quá trình bán hàng”.

Vũ Phương