LTS: Ngày 22/3 vừa qua, Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) công bố quyết định kỉ luật giáng chức đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Đô sau nhiều sai phạm bị các giáo viên tố cáo.
Cụ thể hình thức kỷ luật được đưa ra với bà Nguyệt là giáng chức từ Hiệu trưởng xuống Hiệu phó, tức từ công chức xuống viên chức, đồng thời biệt phái chuyển về Phòng giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm.
Trước đó, theo thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng có một vài Hiệu trưởng bị kỉ luật ở một cơ sở giáo dục nhưng lại được điều động về làm Hiệu trưởng một cơ sở giáo dục khác hoặc giữ chức vụ ở Phòng Giáo dục và Đào tạo một quận, huyện nào đó.
Hôm nay, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được ý kiến của một giáo viên (đề nghị giấu tên) hiện đang công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh về bất cập trong vấn đề hình thức kỉ luật của ngành giáo dục hiện nay.
Tòa soạn rất mong nhận được thêm ý kiến đóng góp của các chuyên gia, thầy cô về vấn đề này. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Có nên điều chuyển Hiệu trưởng khi bị kỉ luật về Phòng Giáo dục và Đào tạo công tác?
Đúng là nhiều Ban giám hiệu khi là giáo viên, do có một số thành tích nhất định nên được điều động làm cán bộ quản lí.
Nhưng cũng có một số Ban giám hiệu yếu về năng lực chuyên môn, chưa có thành tích đáng kể nhưng do sự quen biết, do sự nịnh nọt mà được cất nhắc làm Ban giám hiệu.
Đối với những cán bộ quản lí này, chắc chắn giáo viên sẽ không tôn trọng và nể phục về tài năng lãnh đạo cũng như công tác chuyên môn.
Tuy nhiên, hiện nay có một bất cập tồn tại trong ngành giáo dục đó là “nếu Ban giám hiệu bị kỉ luật thì sẽ được nhận quyết định về phòng giáo dục làm chuyên viên”.
Lạ thật, Ban giám hiệu cứ bị kỉ luật là được về Phòng Giáo dục! (Ảnh: Trần Việt) |
Chính điều này, đã vô hình chung trở nên một tấm đỡ vững chắc và trở thành “một điểm tựa” đối với ban giám hiệu để họ đinh ninh rằng: “Cứ bị kỉ luật sẽ về phòng giáo dục làm chuyên viên, không bao giờ xuống làm giáo viên và sẽ hưởng mức lương của chuyên viên”.
Làm việc tại Phòng Giáo dục và Đào tạo trong một thời gian, các vị này lại tiếp tục được phân công để làm quản lí của một trường khác trong quận.
Chính vì “điểm tựa” này nên khi còn ngồi ở chiếc ghế Ban giám hiệu, một số Hiệu trường, Hiệu phó đã tự tung tự tác, trở thành “bà la sát”, “tôi đã nói và quyết là không được cãi”.
Quyền hành ấy đã “giúp” một Ban giám hiệu làm việc không theo một quy định, cố ý làm trái các văn bản và quy định của ngành, tự đặt ra các quy định một cách vô tội vạ: lợi dụng vấn đề xã hội hóa giáo dục để tận thu của phụ huynh; tuyển học sinh trái tuyến; đề ra các quy ước thi đua như trừ điểm thi đua nếu không tham gia các cuộc thi;…
Liệu có thực sự công minh khi trong tay vẫn còn quyền hành?
Thực tế, khi còn ở trường, Ban giám hiệu chỉ quản lí khoảng 50-60 giáo viên, nhân viên.
Khi quyền hạn bị hạn chế trong một môi trường nhỏ hẹp như thế mà vẫn không làm tròn chức năng nhiệm vụ của mình.
Bộ Giáo dục quy định tiết dạy đối với Hiệu trưởng, Hiệu phó(GDVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông. |
Thử hỏi, khi bị kỉ luật lại được điều động về phòng làm chuyên viên, các vị này sẽ đảm nhận chuyên môn của cả một quận, có quyền triển khai các hoạt động liên quan đến chuyên môn như dự giờ thăm lớp các giáo viên trong quận, làm ban giám khảo các cuộc thi,…
Vậy khi ở cương vị mới, quản lí cả nghìn giáo viên trong tay, liệu những giáo viên đã từng tố cáo các sai phạm của Ban giám hiệu có được đối xử công bằng hay không?
Liệu các giáo viên trước đây đã dũng cảm tố cáo các sai phạm của Ban giám hiệu có được yên ổn trong suốt quá trình công tác hay không?
Do vậy, theo tôi, khi xảy ra sai phạm nên để Ban giám hiệu xuống làm giáo viên để họ có cơ hội tiếp tục phấn đấu, đạt các thành tích giống như trước khi họ làm Ban giám hiệu.
Vì chỉ khi nào Ban giám hiệu mắc sai phạm buộc phải xuống làm giáo viên thì lúc đó “giá đỡ về phòng làm chuyên viên” sẽ không còn, Ban giám hiệu sẽ ý thức về trách nhiệm và vai trò của mình trong vấn đề quản lí.
Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức, góc nhìn riêng của tác giả.