Lá thư xúc động gửi những học sinh đã tốt nghiệp Trường Đồi Ngô

26/06/2012 06:30
Độc giả Nguyễn Thành Long
(GDVN) - Sản phẩm đầu ra của nền giáo dục không phải cái bằng mà là một con người. Nếu con người ấy không được giáo dục đúng đắn thì sẽ trở thành què cụt, khuyết thiếu. Thử hỏi xã hội ấy sẽ đi tới đâu, hay tất cả cùng chung tay dắt nhau... xuống hố.
LTS: Sau hàng loạt clip tố cáo tiêu cực tại Bắc Giang được đăng tải, Tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam nhận được rất nhiều thư bày tỏ quan điểm cá nhân của độc giả. Từ đây, câu chuyện tại Đồi Ngô không chỉ nằm trong ý nghĩa giáo dục nữa, mà còn nhân rộng ra thành ý nghĩa xã hội. Sau đây là bức thư của độc giả Nguyễn Thành Long gửi đến các thí sinh đã đỗ tốt nghiệp tại Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang.

“Chú bé chăn cừu”,
một câu chuyện ngụ ngôn của Lev Tolstoy có lẽ đã rất thân thuộc với tuổi thơ của bất cứ ai. Tôi đã luôn nhớ câu nói của cô giáo: “Nếu người ta biết được con nói dối một lần, mãi mãi người ta sẽ không còn tin con nữa". Thế nhưng, càng lớn, tôi càng hẫng hụt khi nhận ra, gian dối hằng ngày vẫn tồn tại nhan nhản quanh mình.  

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa kết thúc được một ngày, hàng loạt clip tiêu cực tại THPT DL Đồi Ngô được phát tán trên mạng, gây xôn xao nền giáo dục vốn vẫn "phẳng lặng" của nước nhà. Có lẽ không chỉ những thí sinh đã tham dự kỳ thi tại THPT DL Đồi Ngô mà còn không ít người đã giật mình khi nhìn thấy hình ảnh của mình trong clip đó. Bởi quay cóp từ lâu đã song hành trong môi trường giáo dục như một điều dĩ nhiên.
Hình ảnh lấy từ clip tố cáo tiêu cực tại THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang
Hình ảnh lấy từ clip tố cáo tiêu cực tại THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang
Khi nhìn thấy hình ảnh của mình trên clip, không hiểu điều đầu tiên các em học sinh Đồi Ngô sẽ nghĩ tới là gì? Đi tìm người quay clip hay lo sợ bài thi của mình bị hủy? Tiếp theo đó là những ngày dài đen tối khi trượt tốt nghiệp, bố mẹ mắng, không xin được việc...

Trong suy nghĩ, các khi nào các em lo lắng thực sự cho tương lai của mình, và cảm thấy cắn rứt lương tâm vì đã quay cóp? Bước vào đời với một tấm bằng đậu tốt nghiệp, nhưng vốn kiến thức thì thật thảm hại, các em sẽ làm được gì có ích cho xã hội? Cuộc đời còn vô số những cuộc thi khắc nghiệt khác nữa, các em sẽ đối diện với nó như thế nào khi hành trang có được thật bé nhỏ?
Ngay sau đó, Sở GD – ĐT Bắc Giang đã quyết định chấm thanh tra toàn bộ bài thi của thí sinh ở hội đồng thi Đồi Ngô với 273 thí sinh dự thi. Khi đó hẳn không ít thí sinh mừng rơi nước mắt. Kết quả nhận được là THPT dân lập Đồi Ngô (Lục Nam) - nơi xảy ra tình trạng ném phao, quay bài có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp (78,4%). Tôi nghĩ rằng, số liệu này đã là khá cao nếu xét trên thực chất kết quả học tập của các em. Nếu tổ chức thi lại tại Trường THPT Đồi Ngô, đỗ 40% cũng là quá cao. Đó là sự lạc quan của riêng tôi, còn với những chuyên gia am hiểu sâu sắc về giáo dục như GS. Văn Như Cương thì khẳng định rằng trường Đồi Ngô đỗ thực 10% cũng là cao rồi. Liệu trong số gần 80% đã đỗ tốt nghiệp này, ai là người học hành thực chất, ai là người "may mắn"? Câu nghị luận xã hội của đề Văn năm nay xoay quanh chủ đề "gian dối" được dư luận đặc biệt quan tâm bởi tính thời sự của nó. Các thí sinh cũng vậy, dù tự suy luận hay mở tài liệu, các em đều viết... rất dài. Liệu có thí sinh nào đã đưa ra“bài học thực tế” về sự dối trá ngay tại chính ngôi trường các em đang học? Đó là bài học về quay cóp, tiêu cực trong thi cử.
Đối với em thí sinh S. quay clip thí sinh gian lận trong thi cử, tôi cho rằng em đã hoàn thành bài làm môn ngữ văn của mình một cách xuất sắc. Bằng hành vi tố cáo tiêu cực, bằng những clip sống động em đã cho cả xã hội nhận ra những giá trị thật, giả bấy lâu nay bị đảo lộn. Như vậy, tất cả chúng ta không thể hời hợt, vô cảm trước số phận này được. Có thể, bài văn trong kỳ thi của em đạt điểm không cao, nhưng hành động dũng cảm quay clip thì được xã hội chấm điểm tuyệt đối.

Theo tôi, nếu coi S. là người có công trong phát hiện tiêu cực, chống sai phạm trong thi cử thì không những không kỷ luật mà phải khen thưởng, tôn vinh. Đồng thời cần phải có ngay biện pháp thích hợp để bảo vệ an toàn cho em. Thế nhưng, thời điểm đó những người có trách nhiệm đã thật sự lúng túng trong cách xử lý gây ít nhiều tổn thương, không có lợi cho S. Đó là sự nhẫn tâm đối với một cậu bé có tấm lòng can đảm, trung thực, mà không phải ai cũng có.

Sự việc đã qua, S. cũng đủ điểm để đỗ tốt nghiệp. Thế nhưng những gì còn sâu thẳm trong em lại là những vết sẹo dài. S. hẳn sẽ luôn giằng xé, day dứt giữa thiện và ác. Em sẽ lớn lên trong sự mâu thuẫn giữa lý tưởng sống và thực tế khắc nghiệt. Em có đủ tự tin để tố cáo những tiêu cực tiếp theo hay không? Trong khi nhiều người mắng chửi, xỉ vả em? Dù có bước qua thời niên thiếu đến khi trưởng thành thì có lẽ kỷ niệm về một lần chống tiêu cực của em sẽ còn mãi. 

Những học sinh học tốt thì đỗ kỳ thi tốt nghiệp là một kết quả đương nhiên, hoàn toàn xứng đáng với các em. Nhưng có khi nào các em sẽ bị tổn thương? Bao nhiêu năm mài đũng quần trên ghế nhà trường để rồi các em nhận ra rằng: Không học cũng có thể đỗ với điểm cao. Đó là sự bất công. Công sức các em bỏ ra đã không được ghi nhận một cách xứng đáng. Điều đó làm các em nhụt chí, trong những cuộc thi tiếp theo các em dễ bị nản lòng, dần dẫn đến tiêu cực.

Các em thật là những học sinh đáng tuyên dương khi sống giữa xã hội tâm lý bằng cấp vẫn chi phối. Đa phần các bậc phụ huynh và giáo viên đều vô tình hay cố ý gây hại cho thế hệ trẻ. Đó là điều đáng lo ngại nhất. Tất cả chạy theo một mục tiêu thành tích mà phụ huynh quên đi mất trách nhiệm, giáo viên quên đi lương tâm, còn học sinh quên mất danh dự của mình. Cả một nền giáo dục quên mất mục tiêu căn bản trước hết là vì con người. 
Đối với những học sinh học chỉ để cho qua, để chống đối, có lẽ các em chỉ mong muốn đến ngày được nhận bằng cấp III, để lập gia đình, sinh con rồi đi làm những công việc lao động chân tay. Khi trở về với đồng ruộng, có lẽ tấm bằng tốt nghiệp chỉ để... treo chơi trong nhà mà thôi. Sẽ thật đáng sợ nếu những người bất tài, vô dụng lại tiếp tục gian lận trong thi cử, đỗ cao, học cao, sau này làm những chức vụ cao. Nhưng tôi vẫn tin rằng: "Gieo nhân nào thì gặt quả ấy", cuộc đời còn nhiều cuộc sát hạch khó khăn hơn nhiều. Bước qua kỳ thi tốt nghiệp là bước khởi đầu, nếu không có sự trung thực cùng tài năng, các em dễ dàng bị loại bỏ. 
Thế nhưng, trước khi trách các em chúng ta hãy nên xem lại nền giáo dục nước nhà. Vì sao lại dẫn đến tình trạng học tập sa sút như vậy? Có lẽ học với các em đang là một cực hình chăng? Các em không thích cách học ở trường, suốt ngày chỉ có học, chép và làm bài tập. Và đương nhiên, các em học cho xong, chẳng hào hứng gì. Dù có rao giảng về ích lợi của việc học với tương lai sau này, nhưng các em không hề thấy hứng thú.

Đó là một nền giáo dục không xuất phát từ tâm lý, lợi ích của mỗi học sinh mà chỉ nhăm nhăm vào thành tích và kết quả. Phần lớn người học muốn có bằng cấp nhưng ít tốn công sức, đi học thật dễ dàng để trở thành ông Nghè, ông Cử. "Có cung ắt có cầu", đây cũng là cơ hội cho không ít thành phần: "Đục nước béo cò" ngay trong ngành giáo dục.

Sản phẩm đầu ra của nền giáo dục không phải cái bằng mà là một con người. Nếu con người ấy không được giáo dục đúng đắn thì sẽ trở thành què cụt, khuyết thiếu. Thử hỏi xã hội ấy sẽ đi tới đâu, hay tất cả cùng chung tay dắt nhau... xuống hố. 

Thực tế đã diễn ra những cảnh bát nháo trường thi như ở Hà Tây (cũ) và nhiều địa phương khác năm 2006, và ngày hôm nay lại tiếp diễn tại Hội đồng thi THPT Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang có giúp các em soi lại mình?Khi mà sự dối trá được công khai tiếp tay từ chính thầy cô thì thử hỏi đâu sẽ là lẽ sống thật sự?

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Lá thư cảm động của một giáo viên sau vụ quay cóp ở trường Đồi Ngô

Chùm ảnh: Ký ức một thời lớp học trong kháng chiến 

"Chưa bao giờ nền giáo dục kém và đáng xấu hổ thế này"

Scandal "chảnh" của SV Ngoại thương bị gắn vào phim "Kẻ diệt chủng"

Đắng lòng nhà trọ ổ chuột sinh viên (P10)

Những hình ảnh "ấn tượng" chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 12


ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Độc giả Nguyễn Thành Long