Tại cuộc họp trực tuyến của ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 10/4, về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Hữu Độ cho hay, nếu dịch kiểm soát được, học sinh đi học trước ngày 15/6, vẫn đảm bảo chương trình cho học sinh, năm học có thể kết thúc vào ngày 15/7.
Đồng thời, học sinh vẫn có thể tiếp tục thi quốc gia theo đúng kế hoạch vào tháng 8/2020 và theo đúng Luật Giáo dục.
Nhưng nếu thời gian đi học chậm hơn, tức sau 15/6, học sinh vẫn sẽ phải học trực tuyến thì Bộ sẽ có báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có phương án thi phù hợp.
Như vậy, học sinh khối 12 trên cả nước phải chuẩn bị ôn tập tốt nhất để sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng này.
Cô Lê Hải Châu, giáo viên Ngữ Văn. Ảnh: Giáo viên cung cấp |
Dựa trên đề thi minh họa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mới đây, cô Lê Hải Châu, giáo viên Ngữ Văn – Trường Trung học phổ thông Ban Mai (Hà Đông – Hà Nội) đã phân tích và chia sẻ một số kinh nghiệm để làm tốt nhất bài thi môn này.
Về cấu trúc, đề thi tham khảo năm 2020 vẫn theo cấu trúc 3 phần giống như mọi năm.
Đối với phần đọc-hiểu: Vẫn xây dựng theo 4 mức độ là nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.
Đối với phần nghị luận xã hội: Yêu cầu vẫn rút ra từ ngữ liệu ở phần đọc-hiểu.
Đối với phần nghị luận văn học: Nội dung nằm trong chương trình học 12 và bám sát chương trình giảm tải của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về nội dung đề thi minh họa, cô Lê Hải Châu cho rằng, đối với phần làm văn ở câu 2 (Nghị luận văn văn học): Câu lệnh nên rõ ràng để học sinh biết yêu cầu là viết đoạn văn hay bài văn.
“Độ khó đối với đề thi minh họa, theo cá nhân tôi phần đa học sinh sẽ làm được khoảng 6-7 điểm”, cô Châu nhận định.
Tuy nhiên, theo cô Châu, học sinh cũng cần lưu ý, đề minh họa cũng chỉ để tham khảo, chưa phải là cấu trúc đề chính thức.
Các em cần dành nhiều thời gian cho phần làm văn, đặc biệt là câu nghị luận văn học vì đây là câu chiếm nhiều điểm nhất trong cấu trúc đề thi Ngữ văn.
Đặc biệt, kinh nghiệm làm từng phần mà cô Châu đúc rút ra được trong quá trình học tập và giảng dạy được phân tích cụ thể.
Thứ nhất: Đối với phần đọc-hiểu, các em nên trả lời trực tiếp vào câu hỏi, ngắn gọn, đầy đủ, chính xác tránh việc trả lời dài dòng, trả lời những ý đề không hỏi.
Thứ hai: Đối với phần làm văn học sinh cần tập trung và dành nhiều thời gian nhất vì đây là phần chiếm hệ số điểm lớn nhất trong đề thi.
Câu nghị luận xã hội: Các em cần xác định dung lượng yêu cầu đề ra cho đoạn văn khoảng bao nhiêu dòng, bao nhiêu câu, không viết quá dài tránh lan man hay quá ngắn tránh sơ sài, thiếu ý.
Làm rõ 3 thao tác cơ bản trong làm văn nghị luận xã hội đó là giải thích, bàn luận và đánh giá, mở rộng.
Hai phương án cho kì thi Quốc gia |
Câu nghị luận văn học: Đối với phân tích một đoạn thơ, ngoài việc nêu những nét cơ bản về tác giả, tác phẩm thì học sinh lưu ý cần đặt đoạn thơ trong cả bài thơ; Tiếp đó xác định nội dung nghệ thuật của đoạn thơ đó; Sau đó xác định đoạn thơ, bài thơ mà các em sẽ dùng để so sánh; Cuối cùng các em cần định hướng được thao tác nghị luận mà mình sẽ dùng để làm sáng rõ đoạn thơ mà đề bài yêu cầu.
Cô Châu lưu ý học sinh là trong quá trình nghị luận, cần tránh diễn xuôi ý thơ, mà phải chú ý chọn lọc và bám sát các phương tiện nghệ thuật (từ ngữ, hình ảnh, âm điệu, giọng điệu, các biện pháp tu từ về từ, tu từ về câu…để phân tích, bình giảng …qua đó làm rõ ý thơ của đoạn thơ, bài thơ)
Đối với phân tích một đoạn trích văn xuôi các bạn cần vạch ra những ý cơ bản như sau: Đôi nét về tác giả, tác phẩm, dẫn vào đoạn trích; Nêu nội dung vắn tắt của phần trước (Nếu đoạn trích là phần đầu của tác phẩm thì không cần thao tác này); Xác lập luận điểm dựa trên nhóm câu có cùng chung nội dung; Chú ý các câu văn, hình ảnh có sử dụng nghệ thuật; Đoạn văn này được đặt trong chỉnh thể của tác phẩm nên khi các em cảm nhận thì phải có sự liên kết với nội dung chung và giá trị chung của tác phẩm đó; Sau khi cảm nhận hết đoạn trích thì cảm nhận đoạn sau đó một cách sơ lược (Nếu như là đoạn kết tác phẩm thì thôi)
Để đạt được điểm cao trong kỳ thi sắp tới, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19, học sinh cần phải tập trung, nỗ lực và lên kế hoạch học tập theo lộ trình, giai đoạn cụ thể, bám sát chương trình tinh giản của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cô Lê Hải Châu lấy ví dụ học sinh có thể đặt ra lộ trình ôn tập như sau:
Giai đoạn 1: Ôn nghị luận văn học (Câu chiếm nhiều điểm nhất trong cấu trúc đề thi Trung học phổ thông Quốc gia)
Giai đoạn 2: Ôn nghị luận xã hội (3 thao tác cơ bản trong khi viết văn nghị luận xã hội:giải thích; bàn luận; mở rộng vấn đề)
Giai đoạn 3: Ôn kiến thức phần đọc-hiểu về phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ…