Bài viết “Hãy mạnh dạn bỏ kì thi Quốc gia!” trên Giáo dục Việt Nam thu hút nhiều quan tâm của bạn đọc, cùng với những bình luận trái chiều về kì thi trung học phổ thông quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức từ nhiều năm vừa qua.
Nhiều bạn đọc hiểu rằng, bỏ thi quốc gia nghĩa là “bỏ luôn kì thi đại học” hay “học không cần thi” là chưa đúng với tinh thần bài viết mà tác giả muốn nói.
Có thể liệt kê những cách hiểu như thế qua các bình luận để lại dưới bài đăng như sau:
TRẦN LƯƠNG: “Nếu bỏ kì thi quốc gia này, trong khi nhiều trường đại học không có khả năng tổ chức kì thi riêng và những trường đó lại không có danh tiếng thì ai đăng kí vào?
Những năm gần đây điểm thi quốc gia là thước đo chuẩn của những trường đại học để tuyển sinh.
NGUYÊN: Không nên bỏ thi quốc gia, nếu bỏ thì vẫn phải thi vào đại học. Những thí sinh học tốt không bao giờ sợ thi mà rất muốn được thi.
Kiểm soát của các kỳ thi chặt như thế mà còn gian lận, nếu chỉ xét học bạ thì không ổn. Thử nghĩ lực học yếu mà có học bạ tốt xét vào trường Y, Luật… thì hậu quả sẽ như thế nào?
Nếu tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đề xuất Chính phủ xét đặc cách tốt nghiệp năm nay. (Ảnh minh hoạ: Daidoanket.vn) |
NGUYỄN VĂN QUÂN: Trong thời điểm này xét tốt nghiệp cho các em là hợp lý. Nhưng bỏ kỳ thi quốc gia là chưa được, vì nếu các trường đại học xét tuyển dựa vào kết quả học bạ thì không công bằng (kết quả học bạ có thể không thực chất).
HUYỀN: Không thi còn lâu học sinh mới học nhé! Học sinh đã nghe ngóng từ những bài báo như này rồi, chỉ chờ một tiếng “bỏ thi” là buông sách ngay.
Còn điểm ở trường ư? Thầy cô chưa thật sự công tâm và nghiêm túc để có thể tin tưởng hoàn toàn. Không thi thì rất không công bằng với các em học sinh có ý chí, chuyên tâm đèn sách lâu nay.
TIÊU LAN: Thi cử là đánh giá kết quả của một quá trình học. Mục đích của nó là để khuyến khích các em học để tiếp thu kiến thức có nền tảng cho việc học sau này. Không thi cử, thử hỏi có học sinh nào còn muốn học?
Nếu phải nghỉ kéo dài, bỏ thi, xét tốt nghiệp Trung học phổ thông là tối ưu |
Trở lại với bài viết, chúng tôi đưa ra hai phương án cho kì thi quốc gia năm 2020 là:
Nếu dịch bệnh Covid-19 phức tạp thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giao kì thi trung học phổ thông quốc gia về cho từng Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương tổ chức thi để xét tốt nghiệp hoặc xét đặc cách tốt nghiệp; còn tuyển sinh vào đại học thì để cho từng trường quyết định (tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển học bạ).
Và cho dù xét đặc cách tốt nghiệp thì học sinh cũng phải trải qua các kì kiểm tra – kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì, chứ không phải học không cần thi.
Vậy cơ sở nào để tổ chức thi quốc gia hay xét đặc cách tốt nghiệp?
Thứ nhất, việc thi hay không thi tốt nghiệp trước hết phải dựa vào Luật Giáo dục bắt đầu có hiệu hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Cụ thể, Luật Giáo dục 2019 quy định “học sinh học hết phổ thông, dự thi và đạt thì được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.”
Vì luật chỉ quy định, học sinh học hết phổ thông (nếu đủ điều kiện) thì được dự thi (không quy định thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh, cấp trường; không quy định thi môn nào, thi mấy môn... mà giao cho cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định), cho nên Sở Giáo dục và Đào tạo của từng địa phương (hoặc trường trung học phổ thông) có thể tổ chức thi để xét tốt nghiệp.
Việc ra đề thi vẫn theo đúng cấu trúc của đề tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, còn giới hạn chương trình, nội dung thế nào thì do từng địa phương quyết định, vì việc học theo tiến độ của khung phân phối chương trình của mỗi tỉnh là khác nhau.
Duy trì thi quốc gia như hiện nay là lợi bất cập hại |
Thứ hai, lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học lần thứ hai, Bộ đã lùi thời gian kết thúc năm học trước ngày 25/7 và kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tổ chức từ ngày 8 đến ngày 11/8.
Nếu dịch bệnh kéo dài sang tháng 5, tháng 6 hoặc dài hơn nữa thì Bộ phải tính đến chuyện xét đặc cách tốt nghiệp, vì không thể kéo dài khung thời gian thêm nữa.
Việc xét đặc cách tốt nghiệp có thể lấy kết quả học bạ của 5 học kì (lớp 10, 11 và học kì 1 của lớp 12) để tính điểm trung bình chung.
Như thế, việc tuyển sinh đại học thì từng trường có thể tổ chức một kì thi riêng sau đó hoặc xét điểm học bạ.
Bởi, Khoản 2, Khoản 3, Điều 34 của Luật Giáo dục Đại học nêu rõ về tổ chức tuyển sinh như sau:
Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển; cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ban hành quy chế tuyển sinh.
Thực tế những năm qua, rất nhiều trường đại học – cả công lập và tư thục – đều xét tuyển theo phương thức lấy điểm thi học bạ của lớp 12.
Riêng năm học này, một số trường đại học ở phía Nam đã có phương án tuyển sinh xét tuyển học bạ của 5 học kì trung học phổ thông (trừ học kì 2 của lớp 12).
“Điều này cho thấy các trường đại học tin tưởng vào chất lượng giảng dạy, kết quả đánh giá của các trường trung học phổ thông.
Đây là điều hiển nhiên, vì tất cả học sinh đều muốn được lên lớp, thậm chí công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông đều phải trải qua các kỳ kiểm tra, kỳ thi do chính các trường tổ chức đánh giá”, Báo Tuổi trẻ dẫn lời Tiến sĩ Phan Hồng Hải (Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định. [3]
Từ kì nghỉ phòng dịch Covid-19 kéo dài, thiết nghĩ, đây cũng chính là cơ hội để Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lại kì thi tốt nghiệp cho từng địa phương, giao việc tuyển sinh đại học về cho các trường đại học quyết định.
Như thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo trở về đúng với vai trò lãnh đạo trong giáo dục và là cơ quan đưa ra các chính sách quốc gia về giáo dục và đào tạo đúng với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định – “không làm những công việc quản lý hành chính, tổ chức thi cử, vì đây là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục địa phương”(theo Giáo sư Nguyễn Xuân Thu khi bàn về vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng trên Giáo dục Việt Nam). [4]
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hay-manh-dan-bo-ki-thi-quoc-gia-post208376.gd
[2] //tuoitre.vn/co-the-bo-ky-thi-thpt-quoc-gia-do-dich-benh-20200408181546668.htm
[3] //thanhnien.vn/giao-duc/thi-thpt-quoc-gia-2020-on-theo-de-tham-khao-nhung-ngong-phuong-an-thi-moi-1207130.html
[4] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vai-tro-cua-bo-giao-duc--lanh-dao-hay-quan-ly-post199941.gd