Đã xuất hiện thông tin cho rằng dự án trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc được đầu tư xây dựng gần 100 tỷ đồng bị bỏ hoang do quy hoạch chồng với tuyến đường song song đường sắt Hà Nội – Lào Cai.
Để thông tin khách quan, phóng viên đã làm việc với các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Vĩnh Phúc làm sáng tỏ thông tin nói trên.
Từ những thông tin do các bên liên quan cung cấp, có thể thấy thông tin “dự án bị bỏ hoang, quy hoạch chồng” là chưa hiểu đầy đủ về dự án.
Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch thực hiện theo đúng quy định và trình tự từ quy hoạch thị xã Vĩnh Yên cho đến quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc.
Sau khi có những bất cập về quy hoạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh chóng điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Trường Văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc (Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc cơ sở 2 ) hiện vẫn hoạt động bình thường. (Ảnh: Hồ Ngọc) |
Trước đó, ngày 31/12/2004, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 5135/2004/QĐ – UB phê duyệt quy hoạch chung thị xã Vĩnh Yên.
Trong đó, tuyến đường song song phía nam đường sắt Hà Nội – Lào Cai đoạn đi qua trung tâm Vĩnh Yên được định hướng với mặt cắt 11,25m (chiều rộng 20,25m tính từ tim đường sắt).
Ngày 7/3/2006, Sở Xây dựng có tờ trình số 304/TTr – SXD – QH thẩm định địa điểm Dự án Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật và du lịch Vĩnh Phúc (Trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật, Trường Văn hoá nghệ thuật).
Ngày 19/7/2011, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 1732/QĐ – Ủy ban Nhân dân phê duyệt hướng tuyến đường song song phía Nam đường sắt Hà Nội – Lào Cai:
Theo đó, hướng tuyến đường chiều rộng được điều chỉnh từ 11,25m lên thành 24,0m (chiều rộng tính từ tim đường sắt tăng từ 20,25m lên 33,5m) để phù hợp với quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc.
Chính việc điều chỉnh mở rộng này, làm cho một phần diện tích xây dựng dự án trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc nằm trên tuyến đường song song đường sắt Hà Nội – Lào Cai.
Nguyên nhân là do tại thời điểm 2006, khi lập địa điểm thực hiện dự án xây dựng trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc chưa có ý tưởng xây dựng tuyến đường song song đường sắt Hà Nội – Lào Cai với mặt cắt 24,0m.
Như nêu ở trên, khi đó định hướng tuyến đường song song đường sắt Hà Nội – Lào Cai, tiếp giáp danh giới địa điểm dự án xây dựng trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc chỉ có mặt cắt ngang là 11,5m.
Năm 2012, sau khi Ủy ban Nhân dân Thành phố Vĩnh Yên kiểm kê bồi thường Giải phóng mặt bằng tuyến đường phát hiện công trình toà nhà Mỹ thuật – Thư viện của trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc đang xây dựng đến tầng 2 nằm trong phạm vi tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai.
Sau đó Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản số 2429/UBND – CN1 chỉ đạo “Không điều chỉnh hướng tuyến đường song song với đường sắt Hà Nội – Lào Cai tại vị trí đi qua đất tại dự án Trường cao đẳng văn hoá nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc đang xây dựng.
Yêu cầu Trường Trung cấp nghệ thuật Vĩnh Phúc dừng thi công các hạng mục công trình…”
Muốn huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục, cần dẹp bỏ các mô hình này |
Để giải quyết những vướng mắc này, ngày 7/3/2017, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị cùng các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân thành phố Vĩnh Yên, cùng các chủ đầu tư dự án kiểm tra hiện trạng, đề xuất phương án giải quyết.
Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Nhân dân Thành phố Vĩnh Yên và sự đồng thuận của các cơ quan, sở, ngành, chủ đầu tư dự án, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc có văn bản số 638/SXD – QHKT ngày 07/3/2017 báo cáo, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh phương án:
Giảm mặt cắt ngang đường từ 24,0m xuống 19,5m tại vị trí qua khu Trường Văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc;
Trong đó, giữ nguyên lòng đường mỗi bên 8,0m; thu hẹp vỉa hè phía giáp đường sắt từ 1,5m xuống 1,0m;
Thu hẹp giải phân cách giữa từ 2,0m xuống còn 1,0m; Thu hẹp vỉa hè tiếp giáp với khu trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc từ 4,5m xuống còn 1,5m.
Phương án này đảm bảo việc giữ nguyên được công trình mà dự án trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc đã xây dựng, tránh lãng phí trong đầu tư công, giữ nguyên được phần lòng đường dành cho xe chạy, không làm thay đổi lớn về mặt cắt ngang đường.
Tiếp đó, ngày 03/4/2017, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ trì cuộc họp và có Thông báo số 61/TB – UBND đồng ý với phương án “Chấp thuận cho điều chỉnh cục bộ hướng tuyến và mặt cắt ngang đường song song phía Nam đường sắt Hà Nội – Lào Cai tại vị trí qua Trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc với phương án giảm mặt cắt ngang từ 24,0m xuống 19,5m, làm cơ sở để Ủy ban Nhân dân Thành phố Vĩnh Yên và Trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc thực hiện các thủ tục tiếp theo.
Đồng thời, giao trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc rà soát toàn bộ hồ sơ liên quan để dự án đầu tư xây dựng nhà trường, tiếp tục triển khai các thủ tục để đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình nhà Mỹ thuật – Thư viện theo quy định”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Ủy ban Nhân dân Thành phố Vĩnh Yên đã hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự án đường sông song phía Nam đường sắt Hà Nội – Lào Cai (trong đó, điều chỉnh mặt cắt đoạn qua trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc từ 24,0m xuống còn 19,5m) và được Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt Quyết định số 3482/QĐ – UBND ngày 13/12/2017.
Đối với công trình nhà Mỹ thuật – Thư viện của dự án trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã giao chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện công trình từ thời điểm 03/4/2017 (Theo thông báo số 61/TB – UBND tỉnh Vĩnh Phúc), nhưng đến nay công trình chưa được tiếp tục triển khai.
Nguyên nhân của việc này là do ngày 17/1/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 98/QĐ – UBND về việc sáp nhập Trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật vào Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên cơ sở vật chất của trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh lại giao Sở Văn hoá thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc quản lý.
Phóng viên có làm việc với Sở Văn hoá thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc về việc theo công văn của Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, giao Sở quản lý cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc, vậy tại sao nhà Mỹ thuật – Thư viện của trường không được tiếp tục xây dựng.
Lý giải cho việc trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc bị bỏ hoang và dùng để nuôi gà hay không.
Ông Đào Ngọc Anh, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Vĩnh Phúc (nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng (Trung cấp) Văn hoá nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc) khẳng định không có chuyện đó và hiện nay trường vẫn hoạt động bình thường.
Trường Văn Hiến được nhà nước giao đất, tư nhân vay tiền để xây trường |
Ông Đào Ngọc Anh chia sẻ: Từ khi sáp nhập đến nay, lượng học sinh sụt giảm nguyên nhân chính là do các học sinh khu vực huyện Lập Thạch, Tam Dương, Sông Lô, Vĩnh Tường… học sinh các địa phương này ít học về du lịch, ngoài ra ngại đi lại do sáp nhập vào Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc đóng tại Thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Mặt khác, các học sinh phân tâm về việc bằng cấp khi ra trường. Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều trường Đại học để học sinh lựa chọn, từ đó Trường không tuyển được học sinh.
Ông Đào Ngọc Anh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc cho biết thêm: Hiện nay, cơ sở vật chất của trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc (cũ) đang giao tạm thời cho Sở Văn hoá thể thao và Du lịch quản lý, nên cũng đang gặp khó khăn trong việc thu hút học sinh đăng ký học tại trường.
Để đáp ứng nhu cầu tuyển sinh, Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cho phép vị trí Trường Văn hoá nghệ thuật mới sáp nhập vào trường Cao đẳng Vĩnh Phúc làm cơ sở 2. Tuy nhiên tỉnh Vĩnh Phúc chưa có câu trả lời.
Vậy có thể khẳng định, việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc triển khai đầu tư xây dựng dự án trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc là không lãng phí, không gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Về thông tin cho rằng Sở Xây dựng là đơn vị duyệt dự án cũng là thiếu chính xác, bởi vì phê duyệt dự án này là Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, đơn vị thẩm định là Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở hồ sơ thiết kế dự án do chủ đầu tư lập và chịu trách nhiệm theo quy định của Luật Xây dựng 2004.