Làm sao để hội thi khoa học kĩ thuật của học sinh phổ thông đi vào thực chất?

01/01/2024 06:52
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc tổ chức nghiên cứu khoa học, kĩ thuật bảo đảm phù hợp với năng lực, sở trường, hứng thú và sự tự nguyện tham gia của học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo Thông tư ban hành Quy chế Hội thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Người viết (giáo viên trung học phổ thông) xin có đôi điều trao đổi nhằm giúp hội thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật của học sinh phổ thông đi vào thực chất hơn.

Ảnh minh họa: Bộ Giáo dục và Đào tạo.Ảnh minh họa: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ nhất, dự thảo Thông tư bỏ nội dung "Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học".

Như thế, giáo viên giữ vai trò chính trong quá trình hướng dẫn học sinh thực hiện dự án. Để dự án đi vào thực chất hơn, thầy cô giáo bảo trợ cần tư vấn giúp các em vận dụng những phạm vi kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Nhiều năm hướng dẫn học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh thi khoa học kĩ thuật, tôi thấy rằng, các em chủ yếu lựa chọn lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi (dự thảo sửa đổi tên gọi là Khoa học xã hội) để nghiên cứu.

Lĩnh vực này rộng, phù hợp với nhận thức và trình độ của học sinh phổ thông từ lớp 8 đến lớp 12 nên giáo viên có năng lực dạy các môn tự nhiên hay xã hội đều có thể hướng dẫn được.

Tôi đã hướng dẫn học sinh trung học phổ thông thực hiện một số đề tài về lĩnh này khá hiệu quả. Tuy các em chưa đạt giải cao nhưng tôi cảm thấy rất hài lòng vì người hướng dẫn ít can thiệp vào dự án.

Năm đầu tiên tôi hướng dẫn học sinh thực hiện dự án "Khắc phục tật nói lắp cho học sinh phổ thông". Dự án chỉ đạt giải khuyến khích và tôi nhận ra một điều, mức độ can thiệp của tôi vào dự án còn nhiều.

Những năm sau, tôi hướng dẫn các em thực hiện một số đề tài phù hợp, thiết thực hơn như: "Khảo sát thực trạng đọc truyện ngôn tình của học sinh phổ thông - đề xuất giải pháp"; "Phương pháp giúp học sinh phổ thông học online hiệu quả"; "Ứng dụng ChatGPT giúp học sinh phổ thông học tiếng Anh hiệu quả"...

Thứ hai, dự thảo Thông tư có nội dung (hội thi) "góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; thúc đẩy giáo dục STEM trong phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học".

Nội dung này cho thấy, các dự án thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật phải góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường phổ thông.

Đáng chú ý, muốn thúc đẩy giáo dục STEM trong trường học, theo tôi, giáo viên cần định hướng học sinh tham gia câu lạc bộ nghiên cứu khoa học và hoạt động ngoài giờ chính khóa là chủ yếu.

Thực tiễn nghiên cứu khoa học cho thấy, hầu như học sinh đều thích thú khi tham gia làm ra sản phẩm STEM. Bởi vì, dụng cụ, nguyên vật liệu của dự án rất dễ tìm, rẻ tiền, do học sinh/nhóm tự chuẩn bị trước, rất sáng tạo.

Cùng với đó, giáo viên hướng dẫn cần kết hợp với các tổ chuyên môn tổ chức không gian trải nghiệm STEM trong trường học. Từ đó, giới thiệu thư viện học liệu số, thí nghiệm ảo, mô phỏng, phần mềm học tập để học sinh tìm hiểu, khám phá các thí nghiệm, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong thực tiễn.

Cùng với đó, giáo viên hướng dẫn và học sinh thực hiện dự án không nên chọn những đề tài cao siêu, lớn lao. Một dự án khoa học, kĩ thuật cần phù hợp với năng lực, phẩm chất của học sinh như mục tiêu đổi mới giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, học sinh thực hiện dự án bảo đảm phù hợp với năng lực, sở trường, hứng thú và sự tự nguyện tham gia của các em.

Một số giáo viên đã từng chia sẻ với tôi rằng, thay vì học sinh nhờ thầy cô hướng dẫn dự án thì nhiều người làm ngược lại. Nghĩa là, thầy cô "áp" đề tài cho học sinh, không cần quan tâm năng lực các em đến đâu, là điều nên tránh.

Thứ ba, theo dự thảo Thông tư, yêu cầu đối với dự án dự thi "bảo đảm tính trung thực trong nghiên cứu khoa học; không gian lận, sao chép trái phép, giả mạo; không sử dụng hay trình bày nội dung, kết quả nghiên cứu của người khác như là của mình".

Có thể nhận thấy, nội dung này đã cụ thể hoá về liêm chính khoa học đối với người hướng dẫn (giáo viên) và người thực hiện dự án (học sinh).

Để tránh việc gian lận, giả mạo, sao chép trái phép... trong khi thực hiện dự án, giáo viên và học sinh nhất thiết cần phải trung thực, minh bạch và có trách nhiệm trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Cụ thể, không được đạo văn, nghĩa là việc sử dụng các ý tưởng, đoạn văn, số liệu hoặc tài sản trí tuệ của người khác mà không trích dẫn nguồn.

Không bịa đặt, ví dụ trình bày và báo cáo những thí nghiệm không thực hiện, bịa ra và ghi chép những dữ liệu không có thật. Hoặc ngụy tạo, tức là hành vi nhào nặn, cắt xén dữ liệu, kết quả nghiên cứu để phù hợp với ý đồ chủ quan của mình hay người khác.

Vì vậy, dự thảo Thông tư quy định "công chức, viên chức tham gia tổ chức hội thi có hành vi vi phạm quy chế sẽ bị xử lí kỉ luật theo quy định của pháp luật về xử lí kỉ luật cán bộ, công chức, viên chức".

Theo tôi, đây là quy định rất đúng đắn, nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức tham gia hội thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật.

Thứ tư, phần Phụ lục dự thảo Thông tư quy định tiêu chí đánh giá dự thi, trong đó phần "trình bày" chiếm 35 điểm/100 điểm, thiết nghĩ là số điểm quá cao, chú trọng tính hình thức của dự án hơn là nội dung.

Thay vào đó, cần chú trọng tính hiệu quả, tính ứng dụng của dự án trong thực tiễn đời sống. Nên chăng, quy định tăng tính sáng tạo lên 35 điểm (thay vì 25 điểm) và tăng phần phỏng vấn lên 35 điểm (thay vì 25 điểm), chỉ để lại phần trình bày 15 điểm là hợp lí.

Thay lời kết

Nhìn chung, học sinh tham gia thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật sẽ góp phần giúp các em nâng cao hiệu quả học tập đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong quá trình nghiên cứu, học sinh được tiếp cận nhiều phạm vi kiến thức khác nhau như: qua nghiên cứu tài liệu, sách, báo trên Internet,... Qua đó, các em tạo cho mình cách học tập khoa học và khơi gợi khả năng sáng tạo.

Muốn làm tốt điều này, ngành giáo dục cần quy định cụ thể hơn chế độ ưu tiên đối với giáo viên và học sinh đạt giải ở các cấp, nhằm khuyến khích phát triển những ý tưởng khoa học hay, đóng góp nhiều đề tài có tính thiết thực cho xã hội.

Theo dự thảo Thông tư, những người tham gia tổ chức hội thi và thí sinh có nhiều đóng góp tích cực, có thành tích trong được khen thưởng theo quy định hiện hành. Theo tôi, cần quy định rõ hơn nội dung này để tránh mỗi địa phương thực hiện một kiểu.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/bo-gddt-lay-y-kien-du-thao-quy-che-hoi-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-post239203.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên