Mục tiêu của đề án 89 là đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, trong đó 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài;
3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học nước ngoài đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, có một thực tế từ hai đề án trước đây là 322 và 911 cũng như một số đề án cử học viên ra nước ngoài học tập của các địa phương như: Đà Nẵng, Quảng Ngãi… thì vấn đề làm sao để “thu hút” nhân tài trở về được xem là yếu tố quyết định sự thành công của đề án.
Ngoài ra sự ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý, đó là hợp đồng, cam kết giữa học viên và cơ sở đào tạo thì những chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc của các Trường cũng là động lực để các học viên chọn con đường trở về.
Môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ phải tốt
Phó Giáo sư Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng nhìn nhận, có một thực tế là nhiều giảng viên được cử đi học nước ngoài xong không muốn trở về hoặc trở về thì công tác được một thời gian ngắn rồi ra ngoài đi làm cho các doanh nghiệp khác với mức lương cao hơn.
Các trường Đại học đặt ra những chế độ đãi ngộ tốt để cuốn hút "nhân tài" về giảng dạy, nghiên cứu. (Trong ảnh: Trao bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ tại Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng). Ảnh: TT |
“Bất cập của các đề án trước là tỷ lệ Tiến sĩ sau khi hoàn thành nghiên cứu tại nước ngoài, trở về làm việc trong thực tế còn chưa cao.
Tình trạng này tồn tại có nhiều nguyên nhân nhưng tồn đọng lại do 2 nguyên nhân chính, một là do chính sách lương bổng, đãi ngộ và thứ hai là do điều kiện làm việc.
Để giải quyết bất cập trên thì các cơ sở đào tạo phải đề ra mức thu nhập cạnh tranh, đồng thời tạo môi trường làm việc tốt, đảm bảo điều kiện để giảng viên có thể chuyên tâm giảng dạy và nghiên cứu khoa học”.
Thầy Vinh nói thêm, đối với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thì nhà trường đang dự thảo triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào những việc chính như: Nâng cao thu nhập của giảng viên hàng năm.
Hỗ trợ tiến sĩ về nước các chính sách ưu đãi về tài chính và ưu tiên trong việc thực hiện các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học.
Tạo các đội nhóm làm việc chuyên sâu trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Tạo cơ chế ưu tiên trong việc tuyển dụng các cá nhân đi đào tạo theo đề án 89….
Ngoài ra, còn có các ưu đãi khác về hỗ trợ nhà ở, đời sống tinh thần của giảng viên…. Tất cả nhằm tạo ra một cơ chế đãi ngộ tốt nhất có thể đối với các “nhân tài”.
“Thu hút” người tài bằng mối gắn kết giữa trường và người học
Cũng chung niềm trăn trở làm sao “hút” nhân tài đề án 89 về trường làm việc, Phó Giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho rằng, ngoài các chế độ, chính sách đãi ngộ tốt thì cái quan trọng nhất là giữ được sợi dây liên kết giữa nhà trường và học viên đi học.
“Dù học viên đi học ở nước ngoài nhưng vẫn thường xuyên liên lạc, sinh hoạt trực tuyến với các khoa, nhà trường. Họ có thể được phân công vào các nhóm nghiên cứu khoa học, để vừa học vừa tham gia nghiên cứu các công trình ở nhà.
Qua đó, nhà trường có thể nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng cũng như chia sẻ những khó khăn của các học viên ở nơi xứ người.
Nếu trường đại học tạo được một môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhân văn, tình cảm thì điều đó sẽ phần nào ảnh hưởng rất lớn đến quyết định việc ở hay về của các học viên”, thầy Trang nói.
Trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, khi nhiều giảng viên của nhà trường đi học bị mắc kẹt ở nước ngoài chưa kịp trở về đã nhận được thư hỏi thăm, động viên của thầy Hiệu trưởng.
Trong đó, thầy Trang nhắn nhủ các học viên yên tâm ở lại học tập, nghiên cứu và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh tại nước sở tại.
“Ở Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, ngoài các chế độ báo cáo định kỳ theo quy định thì các học viên luôn nhận được sự quan tâm từ phía công đoàn, Hiệu trưởng nhà trường.
Bên cạnh các chế độ lương thưởng được nhận như các thầy cô đang công tác ở nhà thì mỗi dịp Tết, lễ đều nhận được những lá thư động viên của Ban giám hiệu nhà trường.
Đó là một sự chia sẻ, động viên to lớn trong những ngày tháng học tập xa quê”, một giảng viên đề án 911 cho hay.
Thầy Trang cũng chia sẻ thêm về chế độ đãi ngộ cho học viên đề án 89 thì trước mắt chỉ mới có thể lo học phí và sinh hoạt phí cho học viên.
“Chế độ lương hiện nay thì cũng là một vấn đề bởi nó bị kiểm soát các quy định chung, không thể tùy tiện tăng giảm.
Nhưng cũng tùy theo từng trường Đại học để có cơ chế, đãi ngộ riêng như: ưu tiên bố trí các đề tài nghiên cứu khoa học…
Trường Đại học thì nó cũng khác các cơ sở giáo dục phổ thông, khác với viên chức bình thường nên sẽ có nhiều phương án đãi ngộ, đảm bảo đời sống cho các giảng viên khi đi học trở về”, thầy Trang cho biết.