Làm từ thiện, đừng nghĩ rằng đang bố thí

30/10/2020 10:04
Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hãy chia sẻ với mất mát khó khăn của đồng bào những vùng còn nhiều khó khăn bằng tâm thiện lành.

Hướng đến miền Trung, khúc ruột thân thương trên dải đất hình chữ S đang oằn mình chống bão, nhiều cá nhân, tổ chức, đoàn thể đang chung tay góp sức ủng hộ để đồng bào vượt qua khó khăn.

Thế nhưng câu chuyện “của cho không bằng cách cho” đáng buồn năm nào cũng lặp lại khiến nhiều việc làm tốt đẹp bị lấm lem, méo mó.

Từ thiện hay bố thí?

Là người đồng hành cùng các công tác từ thiện lâu năm, chị Võ Thị Hải (Thành phố Vinh, Nghệ An) chia sẻ: “Khi nhận được một bọc quần áo từ thiện, tôi giặt rất sạch, là phẳng, thơm tho và chia túi gọn gàng. Ngay cả quần áo trẻ em, tôi cũng cần xếp gọn và chia theo lứa tuổi. Vì mình nghĩ nếu không xếp như thế thì quần áo hay đồ dùng nếu không đúng người, đúng mục đích sẽ trở nên lãng phí.

Điều đáng buồn nhất là rất nhiều người không nghĩ như mình. Họ nghĩ mang đồ đi từ thiện giống như họ dọn nhà. Những đồ không còn khả năng sử dụng vẫn mang đi tặng. Thậm chí mang đi từ thiện bà con vùng cao trời rét lạnh căm mà không ít lần tôi loại bỏ những bộ đồ bơi, những bộ đồ hai mảnh mỏng như lá lúa”.

Quần áo chất đống do người dân không có nhu cầu nhận. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.

Quần áo chất đống do người dân không có nhu cầu nhận. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.

Những hình ảnh phản cảm như túi đồ mốc meo, hôi hám; quần áo bị rách; những đôi giày, đôi dép không thể tiếp tục sử dụng không còn xa lạ đối với những đoàn từ thiện chân chính. Họ đã quen dần với việc dọn những “đống rác” được gắn mác xa xỉ “đồ từ thiện”.

Chính vì họ cần nên phải gửi đến những người thiếu thốn đúng cái họ cần. Phải biết cái nào họ cần và mong muốn được nhận trong hoàn cảnh mưa lũ, rét mướt.

Chúng ta không thể tặng một bộ đồ bơi, bộ chiếc áo đi vũ trường cho đồng bào dân tộc vùng sâu đang rét cóng.

Cũng không thể tặng một đôi giày gót nhọn cho đồng bào miền Trung đang chống lũ lụt. Cái mà miền Trung lũ lụt cần tìm những đôi ủng lành lặn hơn nghìn đôi giày nhọn gót. Hãy dùng chính cái tâm thiện lành để đặt hết vào công tác thiện nguyện.

“Của cho không bằng cách cho”, ông bà xưa đã dạy như vậy. Từ thiện khác hoàn toàn với việc bố thí. Những con người mất trắng nhà cửa, tài sản, thiếu thốn, túng quẫn rất cần sự giúp đỡ, nhưng họ cũng là những người dễ tổn thương, hãy giúp họ bằng tấm lòng chân thành.

Làm từ thiện cũng bị “ném đá”

Mới đây, ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt với số tiền góp được lên đến nhiều tỷ đồng. Điểm xuất phát đầu tiên là ủng hộ từ cá nhân cô, tuy nhiên sau khi cô phát tâm thì cũng có nhiều cá nhân, tổ chức ủng hộ và muốn cùng chia sẻ với đồng bào miền Trung đang oằn mình chống bão.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu những hành động đẹp của ca sĩ Thủy Tiên và vô số người nổi tiếng khác trước đó như hoa hậu H’hen Niê, danh hài Hoài Linh, nghệ sỹ Trấn Thành… bị đưa ra so sánh, thậm chí nhiều người còn dè bỉu, nghi ngờ việc làm tốt của họ.

Từ bao giờ con người ta làm việc tốt, làm việc giúp người, kêu gọi được quỹ nhiều hơn, theo đó nhiều người, vùng miền được trợ giúp hơn lại trở thành nhân vật bị soi mói, chỉ trích, thành kiến như vậy?

Thậm chí không ít người nổi tiếng bị tẩy chay, ảnh hưởng đến sự nghiệp chỉ vì những lần thương đời, thương người của họ.

Bữa ăn “ngon” nhất của Thủy Tiên sau nhiều ngày lênh đênh cùng bà con vùng lũ. (Ảnh: giaoducthoidai.vn)

Bữa ăn “ngon” nhất của Thủy Tiên sau nhiều ngày lênh đênh cùng bà con vùng lũ. (Ảnh: giaoducthoidai.vn)

Từ bao giờ làm việc tốt, làm từ thiện, làm bằng chính cái tâm lại là con dao hai lưỡi. Nổi tiếng làm thiện nguyện đồng nghĩa với đánh bóng, làm màu? Tại sao không nhìn bằng con mắt của những người bao dung, vì nếu bạn không làm được thì cũng đừng nghi ngờ lòng tốt. Đừng hẹp hòi đến mức ngay cả lòng tốt của người khác cũng bị rỉa rói, làm cho méo mó cũng bị méo mó.

Sự vô tâm, vô tình thậm chí vô nhân tính của một bộ phận cá nhân trong xã hội, cộng đồng mạng đã bóp nghẹt những lòng tốt đang được lan tỏa, ủng hộ.

Từ khi nào, việc thực hiện chính lòng tốt của mình đúng cách, đúng người cần nhưng lại phải thỏa mãn được sự soi mói, chỉ trích, thách đố của những người ngoài cuộc, những “anh hùng bàn phím”.

Người nổi tiếng cũng là một con người bình thường. Họ sử dụng sự nổi tiếng của mình lan tỏa yêu thương, lòng tốt và nhận được nhiều sự đồng hành của nhiều người trong quá trình làm từ thiện. Vậy tại sao lại gán cho họ hai chữ “làm màu”?

Bởi chỉ có hành động ngay lúc khó khăn, giúp người cần giúp mới chính là từ thiện.

Chắc một phần phản cảm của xã hội hay cộng đồng mạng xuất phát từ những “con sâu” trong muôn vàn bông hoa khoe sắc, nhưng xin đừng vì như thế mà chúng ta nhìn nhận đánh đồng người nổi tiếng đi làm việc thiện với con mắt khắt khe, cay nghiệt.

Nghĩ tốt là bản thân mình tốt, làm tốt tức là những người khác đều có thể cùng mình mà tốt lên. Việc tốt, việc từ thiện, đúng người, đúng thời điểm, sức lan tỏa lớn thì đó là việc tử tế. Một người làm được việc tử tế thì bản thân họ từ suy nghĩ đến hành động phải tử tế.

Hãy nhìn bằng một ánh nhìn bao dung, như vốn dĩ việc từ thiện đơn thuần chỉ có thế.

Kim Anh