Chuyện hằng năm, giáo viên nhiều nơi buộc phải ủng hộ ngày lương cho rất nhiều cuộc vận động.
Giáo viên buộc phải đóng góp rất nhiều khoản tự nguyện. (Ảnh minh họa trên Vietnamnet.vn) |
Phần lớn các thầy cô đều bức xúc, bất bình vì đồng lương của mình đã thấp, ngoài khoản lương không có thêm một khoản thu nhập nào nữa (trừ một bộ phận nhỏ giáo viên dạy thêm).
Giáo viên hiểu, có những khoản buộc phải đóng bằng một ngày lương như ủng hộ bão lụt.Thế nhưng ở nhiều địa phương lại tự “đẻ” thêm khá nhiều cuộc vận động.
Nào là hỗ trợ hộ nghèo, tiếp bước cho em đến trường, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, quỹ phụ nữ nghèo, vì trẻ thơ, quỹ “ngân hàng bò”, quỹ hội chữ thập đỏ, quỹ khuyến học...
Công văn của cấp trên chuyển về, yêu cầu là ủng hộ tự nguyện nhưng thực chất đó chính là kiểu ủng hộ bắt buộc (không đóng sẽ không yên thân).
Có nơi, kế toán trừ hẳn vào lương để giáo viên khỏi phải nộp.
Nhiều người thắc mắc, sao có chuyện vô lý như thế, gọi là tự nguyện ủng hộ ai muốn đóng thì đóng, đóng nhiều hay ít thì tùy vào điều kiện hoàn cảnh gia đình họ.
Nhưng hỏi thì lãnh đạo trường nào cũng chỉ biết trả lời: “Công văn cấp trên quy định sao thì cứ làm thế thôi”.
Cuộc vận động nào mới phải trừ một ngày lương?
Trừ ngày lương thì mỗi địa phương một khác. Có nơi một năm trừ tới 7 ngày lương của giáo viên. Nơi ít hơn cũng là 4 ngày.
Chúng tôi đã tìm hiểu Nghị định 94/2014/ NĐ-CP Quy định về việc thành lập và quản lý quỹ phòng, chống thiên tai của Chính phủ.
Điều 5 khoản 2 quy định khá rõ: “ Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp như sau:
a) Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp;
b) Người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng;
c) Người lao động khác, trừ các đối tượng đã được quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, đóng 15.000 đồng/người/năm.
3. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện cho Quỹ”.
Tìm hiểu các công văn, văn bản quy định trừ một ngày lương của người lao động, chúng tôi được Thư viện Pháp Luật trả lời ngoài việc người lao động phải đóng góp một ngày lương cho Quỹ phòng, chống thiên tai và đây là quy định mang tính bắt buộc. Còn các khoản đóng góp tự nguyện khác, người lao động phải có ý kiến với cơ quan.
|
Nghĩa là tất cả những cuộc vận động khác ngoài Quỹ phòng, chống thiên tai thì chỉ đóng đúng trên tinh thần tự nguyện, ai muốn đóng nhiều ít thì tùy.
Lãnh đạo các địa phương có quyền quy định người lao động buộc phải ủng hộ các cuộc vận động khác bằng một ngày lương không?
Theo quy định ấy, nhiều địa phương hiện nay, đang lấy quyền của mình ép người lao động phải trừ nhiều ngày lương trong năm là trái với quy định của Nghị định 94/2014/ NĐ-CP.
Ví như những cuộc vận động vì người nghèo, tiếp bước cho em đến trường, vì trẻ thơ, phụ nữ nghèo…chỉ nên phát động và khuyến khích người lao động tham gia.
Nếu họ không đồng ý mà trừ lương của họ là vi phạm pháp luật.
Có lẽ hiểu rõ điều này nên các công văn, văn bản gửi về các trường học luôn có câu ủng hộ tự nguyện 1 ngày lương. Tự nguyện gì mà quy định mức đóng như thế? Tự nguyện gì mà đơn vị nào nộp chậm sẽ bị điểm danh, bị xét thi đua?
Năm nào cũng trừ quỹ vì người nghèo, vì trẻ thơ, tiếp bước đến trường…nhưng người đóng như chúng tôi có bao giờ biết được thu được bao nhiêu tiền? Chi như thế nào?
Người nghèo, người gặp khó khăn trong cuộc sống họ cần nhiều hơn vài chục ký gạo, cân đường, hộp sữa, thùng mì tôm, chai nước tương và vài ba trăm ngàn đồng.
Những vật chất này chỉ đỡ bữa trong ít ngày mà không thể cải thiện được đời sống của họ.
Cái họ cần hơn chính là được chính quyền hỗ trợ công ăn việc làm hay việc xây dựng và phát triển một số mô hình sản xuất có hiệu quả.
Có thế họ mới có thể giảm nghèo bền vững. Nhưng hiện nay, gần như nơi nào cũng vậy, người ta cứ ra lệnh để thu tiền (đây là cách làm nhanh nhất) rồi mua quà, tặng học bổng…cho các hộ nghèo để trong những bản báo cáo sẽ có những dòng thành tích giúp đỡ hộ nghèo vươn lên vượt khó thật hoành tráng.
Đồng lương còm chia năm xẻ bảy
Không chỉ đóng nhiều loại quỹ tại cơ quan, về nhà khu phố lại gõ của xin ủng hộ cũng là những loại quỹ ấy. Theo lý giải của một số cán bộ khu phố:
“Biết các thầy cô đã đóng trên trường rồi, nhưng trên giao chỉ tiêu theo hộ gia đình mà không thu gia đình các thầy cô sẽ khó đạt chỉ tiêu”.
Thế là đồng lương còm bị chia năm xẻ bảy. Nhiều gia đình, thầy cô giáo lâm vào cảnh khó khăn nên lương vào ngày trước ngày sau nợ đòi. Nào trả nợ ngân hàng, trả tiền vay mượn khi thiếu ăn, thiếu tiền đóng học cho con.
Cứ thế quanh năm ngày tháng chẳng bao giờ dứt nợ.