Lãnh đạo ĐH Vinh, Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM dự kiến điểm chuẩn năm 2023

01/08/2023 06:39
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo các trường đại học, các khối ngành kinh tế, tài chính ngân hàng, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thông tin đang nhận được nhiều hồ sơ xét tuyển của các thí sinh.

Hiện, các trường đại học đã công bố điểm sàn xét tuyển đại học. Dự kiến, điểm chuẩn đại học và kết quả xét tuyển sẽ được các trường công bố vào ngày 22/8.

Theo ghi nhận, điểm sàn xét tuyển đại học theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 có nhiều biến động, có ngành ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào lên đến 24,5.

Dự kiến điểm chuẩn năm 2023 không có nhiều biến động

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết, Năm 2023, Trường Đại học Vinh tuyển sinh 5000 chỉ tiêu cho 51 ngành đào tạo, trong đó có 1360 chỉ tiêu của 14 ngành đào tạo giáo viên.

Nhà trường đã triển khai xét tuyển sớm (tuyển thẳng, xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc trung học phổ thông, xét theo kết quả thi đánh giá tư duy và năng lực, ...) và công nhận đủ điều kiện trúng tuyển cho hơn 1500 thí sinh.

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các ngành theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Trường Đại học Vinh giữ nguyên như năm 2022. Ảnh minh họa: NTCC

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các ngành theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Trường Đại học Vinh giữ nguyên như năm 2022. Ảnh minh họa: NTCC

Tuy nhiên, các thí sinh đủ điều kiện xét tuyển sớm cần thực hiện việc đăng kí trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đủ điều kiện trúng tuyển chính thức. Đối với các ngành đào tạo giáo viên, Nhà trường không triển khai xét tuyển sớm.

“Năm 2023, phổ điểm theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc trung học phổ thông của Trường Đại học Vinh được nâng lên từ 1 đến 3 điểm.

Đối với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông, nhà trường đánh giá điểm thi sẽ không có biến động nhiều hơn so với năm 2022 nên mức điểm ngưỡng đầu vào của các ngành theo phương thức này đang giữ nguyên như năm 2022.

Đối với Trường Đại học Vinh, khi xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã có sự phân tích phổ điểm, vì thế theo tôi dự đoán, điểm chuẩn năm nay sẽ không biến động nhiều so với năm 2022”, Phó Giáo sư Trần Bá Tiến thông tin.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh chia sẻ: Theo nhu cầu xã hội, cũng giống như các trường đại học khác, khối ngành Kinh tế, Ngoại ngữ, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật đang có số lượng người học quan tâm nhiều nhất.

Trong khi đó, khối các ngành Nông lâm nghiệp và thủy sản ít người quan tâm, mặc dù nhu cầu việc làm của khối ngành này rất cao.

Đối với các ngành đào tạo giáo viên, nhờ những tác động tích cực của Nghị định 116/2020/NĐ-CP nên những năm gần đây nhu cầu người học cao, chất lượng tuyển sinh ngày càng tăng.

Hàng năm, nhà trường cũng đánh giá nhu cầu xã hội dựa trên kết quả tuyển sinh và dữ liệu về nhu cầu việc làm đối với các ngành đang tuyển sinh. Trên cơ sở đó, nhà trường sẽ xem xét việc tạm thời dừng tuyển sinh một số ngành tuyển sinh không hiệu quả, để dành nguồn lực cho việc mở các ngành mới, có nhu cầu việc làm tốt hơn.

Đến nay, trường có một số ngành đang tạm dừng tuyển sinh như: ngành Toán học, ngành Vật lý, ngành Hóa học, ngành Văn học, Sử học và Sư phạm Tiếng Pháp.

Nói về công tác tuyển sinh và đào tạo nhóm ngành sư phạm, Phó Giáo sư Trần Bá Tiến cho biết, Trường Đại học Vinh là nơi đào tạo sư phạm có uy tín trong cả nước.

Từ năm 2017, nhà trường đã cải tiến chương trình đào tạo sư phạm theo hướng tiếp cận năng lực, tiệm cận chuẩn Quốc tế dựa trên nguyên lí phát triển chương trình của Hiệp hội CDIO Quốc tế.

Năm 2021, nhà trường thực hiện đánh giá, tổng kết chu kì thứ nhất và tiếp tục cải tiến chu kì thứ 2. Vì thế, ngay cả khi chưa có Nghị định 116 thì chất lượng đào tạo sư phạm của trường vẫn rất tốt.

Từ khi có Nghị định 116, nhu cầu học của khối ngành đào tạo giáo viên tăng lên, nhờ đó điểm đầu vào của các ngành bắt đầu tăng lên, cá biệt có những ngành tăng lên rất cao, chênh lệch điểm chuẩn đầu vào so với năm trước đó lên đến 6 điểm.

Hiện tại, Nhà trường có 14 ngành đào tạo giáo viên và cơ bản đáp ứng được nhu cầu giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện nay, Nhà trường đang trình Bộ xin phép được mở các ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý. Trong những năm tới, Nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực để đủ điều kiện xin mở thêm các ngành Sư phạm khác như: Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Công nghệ.

Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng cao so với năm 2022

Chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023, nhà trường tuyển sinh 34 ngành, với 6610 chỉ tiêu.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho biết, số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm của trường tăng 30% so với năm 2022. Ảnh: NTCC

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho biết, số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm của trường tăng 30% so với năm 2022. Ảnh: NTCC

Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm theo phương thức xét học bạ trung học phổ thông và xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh vào các ngành tại UEF tăng hơn 30% so với năm 2022.

Tất cả thí sinh đạt kết quả xét tuyển sớm, nhà trường đã tải dữ liệu liệu lên cổng xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu thí sinh quyết định chọn Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cần để nguyện vọng 1, mã trường UEF và nộp lệ phí đăng ký xét tuyển (31/7-6/8), xác nhận nhập học đợt 1 (22/8 - 6/9/2023) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Với phổ điểm năm nay, nhiều chuyên gia tuyển sinh nhận định mức điểm chuẩn sẽ tương đồng như năm 2022, có thể giảm 0,5-1 điểm tùy ngành.

Riêng tại Trường Đại học Kinh tế _ Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường đã công bố điểm sàn các ngành dao động từ 16 - 19 điểm, theo phổ điểm năm nay điểm chuẩn không quá khác biệt năm 2022, có thể điểm chuẩn trúng tuyển tăng từ 1 đến 4 điểm so với điểm sàn tùy theo từng ngành.

Nếu thí sinh đã trúng tuyển có điều kiện và xác định được ngành học rồi chỉ cần dùng kết quả xét tuyển sớm để đăng ký nguyện vọng 1 vào UEF là an tâm, vì tại trường, các phương thức xét tuyển khác nhau nhưng khi học sinh viên không có bất cứ sự khác biệt gì, tất cả thí sinh đều có cơ hội nhận học bổng 25%, 30%, 40%, 50%, 100%, đều được tham gia kiểm tra và học lớp Tiếng Anh trải nghiệm hoàn toàn miễn phí, được hưởng ưu đãi miễn lệ phí nhập học 3.000.000 dành cho 1000 thí sinh hoàn thành thủ tục nhập học sớm”, thầy Nguyên thông tin.

Nhóm ngành kinh tế, tài chính vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh. Ảnh: NTCC

Nhóm ngành kinh tế, tài chính vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh. Ảnh: NTCC

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, năm 2023, hầu hết các ngành của trường, thí sinh đều nộp hồ sơ tăng từ 20 _40% tùy ngành so với năm 2022, trong đó nhóm ngành Quản trị kinh doanh, Kinh doanh Quốc tế, Kinh doanh thương mại, Logicstic và quản lý chuỗi cung ứng, Marketing, Digital Marketing, Tài chính ngân hàng hàng, Kế toán, Du lịch, Nhà hàng, Khách sạn, Quan hệ công chúng, Công nghệ thông tin, Công nghệ truyền thông, Thương mại điện tử... thu hút thí sinh quan tâm nhiều hơn.

“Nhóm ngành Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu, Tài chính quốc tế, Tâm lý học ...thí sinh quan tâm ít hơn, thí sinh băn khoăn nhiều khi lựa chọn, có lẽ đây là những ngành khá đặc thù, chưa phổ biến trong thị trường lao động nên thí sinh còn lo lắng về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, mặc dù đây là những nhóm ngành có nhu cầu nhân lực ngày càng tăng...”, thầy Nguyên cho hay.

Phạm Minh