Phụ huynh nhận lại tiền trên giấy
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, phụ huynh Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển (Huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội) bức xúc trước phụ huynh bị người lạ xưng là ban đại diện cha mẹ học sinh của trường chặn trước phòng nộp hồ sơ tuyển sinh lớp 6 yêu cầu ủng hộ nhà trường tối thiểu 1 triệu đồng.
Đáng nói, ngoài việc phụ huynh bị chặn vòi ủng hộ 1 triệu đồng để trường làm nhà để xe, ngay buổi họp phụ huynh đầu tiên phụ huynh cũng ngỡ ngàng trước sự ra mắt của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp do nhà trường dựng sẵn.
“Để hợp thức hóa khoản tiền phụ huynh ủng hộ tối thiểu 1 triệu đồng nộp ngày 22/7, đến ngày 19/8 ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường đã mở cuộc họp với toàn thể phụ huynh. Họ yêu cầu phụ huynh ký vào biên bản đã nhận lại tiền.
Thực tế, phụ huynh chỉ nhận tiền trên giấy, tất cả số tiền phụ huynh ủng hộ trước đó sẽ do người trong ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra làm mạnh thường quân ủng hộ nhà trường.
Phụ huynh trường Văn Điển tố hiệu trưởng và ban phụ huynh mập mờ chi tiêu |
Tương tự số tiền phụ huynh trong lớp đóng góp cũng được làm theo cách đó, tiền của phụ huynh nhưng đứng tên trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra tặng trường”, một phụ huynh có con học lớp 6 nói.
Theo lời giáo viên chủ nhiệm công bố trong buổi họp phụ huynh đầu tiên, nhà trường đã lựa chọn những phụ huynh tích cực tham gia ban đại diện cha mẹ học sinh. Lý giải điều này để ban phụ huynh lớp có thể hoạt động ngay khi năm học mới bắt đầu.
Một phụ huynh có con học lớp 6 Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển đến nay vẫn không khỏi thắc mắc: “Ban đại diện cha mẹ học sinh phải do phụ huynh trong lớp bầu ra. Như thế mới đảm bảo ban phụ huynh được bầu ra làm vì lớp, vì các con.
Phụ huynh lớp làm được điều đó chứ đâu cần nhà trường làm hộ. Vậy mục đích của ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm trong việc này là gì? Có phải sinh ra ban đại diện cha mẹ học sinh làm cánh tay nối dài cho trường?
Sẽ không có gì để nói nếu như ban đại diện cha mẹ học sinh do trường dựng lên làm một cách công khai, minh bạch, mục đích chung vì học sinh, nhưng không từ khâu kêu gọi đóng góp đến mua sắm thiết bị họ đều khá mập mờ”.
Phản ánh bức xúc trước việc giáo viên chủ nhiệm vừa giới thiệu ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp đã yêu cầu phụ huynh đóng góp mỗi người 1,5 triệu đồng để mua điều hòa, thiết bị. Ngoài ra, còn 800 ngàn đồng tiền quỹ lớp học kỳ 1.
Phụ huynh cũng gửi phóng viên bảng chi tiêu do ban phụ huynh lớp gửi đến từng phụ huynh trong đó có khoản mua 2 điều hòa giá 20,6 triệu đồng; máy chiếu 15,62 triệu đồng; tủ 3,5 triệu đồng; sơn tường lớp 1,2 triệu đồng; bảng viết nhỏ 300 ngàn đồng; rèm cửa 7,62 triệu đồng; tiền photo, vệ sinh 215 ngàn đồng…
Tổng số tiền chi lên đến 50,4 triệu đồng, trong khi đó tổng số tiền phụ huynh đóng góp 38,3 triệu đồng. Như vậy quỹ lớp bị âm hơn 12 triệu đồng.
Chưa hết học kỳ 1, phụ huynh đã méo mặt chạy theo ban phụ huynh lớp và ban phụ huynh trường. Ảnh: NVCC. |
Như vậy, chỉ đầu năm học mới phụ huynh đã đóng góp và chi hết hơn 50 triệu đồng. Ngày 26/11, trưởng ban phụ huynh lớp tiếp tục yêu cầu phụ huynh đóng tạm 500 ngàn đồng.
Phụ huynh trường Văn Điển cũng đặt nghi vấn, điều hòa, máy chiếu mua theo giá máy mới, nhưng nhìn như máy cũ.
“Bằng mắt thường có thể thấy điều hòa mới có logo rõ ràng, nhưng điều hòa lớp lắp rất mờ, cũ. Việc báo giá cũng cao hơn nhiều so với giá thị trường”, một phụ huynh lớp 6 đặt vấn đề.
Không chỉ vấn đề thu chi đầu năm học tại Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển, vấn đề khiến phụ huynh mất niềm tin và thất vọng đó là việc con họ bị ép đến các lớp học thêm do giáo viên của trường thuê cơ sở bên ngoài tổ chức dạy thêm.
Phụ huynh cũng giật mình khi con không đi học thêm được giáo viên phân biệt đối xử như cho điểm kém, bất ngờ chấm vở… và có những hành vi, lời nói phản giáo dục, làm hoen ố hình ảnh người thầy đáng kính chỉ vì không đi học thêm.
Được biết, năm học 2019-2020, Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển có 11 lớp 6, mỗi lớp bình quân 45 học sinh. Nếu tính bình quân như phụ huynh nói đồng đều mỗi phụ huynh 1,5 triệu đồng đóng tiền mua điều hòa, máy chiếu… chỉ riêng khối 6 đã lên đến trên 700 triệu đồng.
Ban phụ huynh thu tiền phụ huynh ủng hộ 1 triệu đồng/học sinh làm nhà xe, sau đó lại nói mua bạt che sân, thực tế bạt che sân đã có từ khai giảng năm học 2018-2019. Ảnh: FB Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển. |
Huyện Thanh Trì một mình một kiểu
Để làm rõ những nội dung phụ huynh bức xúc tại Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển một cách khách quan, Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều lần liên hệ với cô Trương Thị Quý Hoa, Hiệu trưởng nhà trường để lịch làm việc.
Phóng viên cũng liên hệ với bà Nguyễn Thị Tuyết Lê, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì để có câu trả lời về trách nhiệm quản lý trường trên địa bàn.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường yêu cầu phóng viên phải được sự giới thiệu của Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì mới có thể làm việc. Là người đứng đầu nhà trường, nhiều lần phóng viên đề nghị cô Trương Thị Quý Hoa thông tin một cách khách quan, kịp thời để phụ huynh yên tâm. Nhưng đáng tiếc cô Hoa viện lý do vì quy chế phát ngôn của huyện để từ chối trả lời.
Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Lê, với vai trò là người đứng đầu ngành giáo dục huyện, nhưng cũng không hiểu vì lý do gì không thể lên tiếng, đặc biệt đây là vấn đề khiến phụ huynh mất niềm tin vào ngành giáo dục tại địa phương.
Vấn đề phụ huynh bức xúc phản ánh ngành mình quản lý, nhưng thời gian dài bà Nguyễn Thị Tuyết Lê vẫn im lặng. Ảnh: Cổng thông tin huyện Thanh Trì. |
Nhiều lần phóng viên cũng liên hệ làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì để được cấp “giấy phép” làm việc với nhà trường.
Phóng viên nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì và ông Đặng Tiến Quỳnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì đều từ chối cho phóng viên được làm việc với nhà trường với lý do theo quy định phát ngôn của huyện Thanh Trì.
Ngày 16/12, văn bản số 2545 của Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam do ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì ký.
Nội dung văn bản của Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì một lần nữa gây khó, cản trở phóng viên được tiếp cận sự thật tại Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển về nội dung phụ huynh phản ánh.
Văn bản Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì nêu: “Tiếp nhận nội dung phản ánh của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì đã giao Thanh tra huyện thành lập đoàn thanh tra các nội dung theo kế hoạch của huyện và các nội dung do cơ quan báo chí phản ánh.
Sau khi có kết luận thanh tra, Ủy ban nhân dân huyện sẽ cung cấp thông tin đối với phản ánh của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam theo quy định của Luật Báo chí”.
Ông Đặng Đức Quỳnh cho biết, Ủy ban nhân dân huyện không có quy định, chỉ đạo gì trái luật. Nhưng báo chí muốn làm việc với trường phải có "giấy phép". Ảnh: Vũ Phương. |
Thắc mắc trước việc cấm cửa báo chí không được tiếp cận sự thật của Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì, ông Đặng Đức Quỳnh cho rằng, thanh tra huyện khi có kết luận sẽ trả lời báo chí.
Vậy câu hỏi đặt ra, trường hợp kết luận thanh tra của Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì về vụ việc xảy ra tại Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển không đảm bảo tính khách quan, thuyết phục hoặc bao che cho sai phạm nếu báo chí không được tiếp cận sự thật?
Trả lời câu hỏi này, ông Đặng Đức Quỳnh cho rằng, khi đó báo chí có quyền phản ánh theo Luật Báo chí.
Trong khi tại nhiều quận, huyện của Thành phố Hà Nội có những thông tin phụ huynh, người dân phản ánh vụ việc tương tự, nhà trường cũng như Phòng Giáo dục và Đào tạo đều cung cấp thông tin cho báo chí một cách kịp thời.
Không hiểu vì lý do gì, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì lại có quy định oái oăm như vậy, báo chí muốn làm việc với trường phải được phép của huyện. Còn lãnh đạo huyện Thanh Trì lại cho rằng trường thuộc quản lý của huyện nên lãnh đạo huyện sẽ phát ngôn.