Lãnh đạo Sở xem 0,58 điểm/môn đỗ lớp 10 là bình thường mới đáng lo

24/08/2020 06:38
Nhật Duy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một khi lấy điểm đầu vào quá thấp, không chỉ gây ra sự nghi ngại cho dư luận xã hội mà điều cốt lõi là không làm động lực cho học sinh trung học cơ sở phấn đấu.

Sau khi các tỉnh Thanh Hóa công bố điểm chuẩn tuyển sinh 10 trong năm nay thì chúng ta thấy sự chênh lệch điểm thi khá lớn giữa các trường trung học phổ thông với nhau.

Đây cũng là điều dễ hiểu vì học sinh khu vực thành thị được phụ huynh đầu tư từ khi còn học tiểu học và điều kiện học tập của các em đủ đầy hơn rất nhiều những học sinh vùng khó khăn.

Chính vì thế, việc nâng chất lượng ở những trường tiểu học, trung học cơ sở ở khu vực miền núi là điều cần thiết và đòi hỏi sự kiên trì của những người làm công tác giáo dục cũng như sự đồng nhất giữa các chính sách giáo dục hiện nay.

Nhiều trường Trung học phổ thông có điểm chuẩn lớp 10 khá thấp (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Nhiều trường Trung học phổ thông có điểm chuẩn lớp 10 khá thấp

(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Có nên tuyển sinh 10 theo chỉ tiêu được giao?

Những ngày qua, sự việc trường Trung học phổ thông Lang Chánh (Thanh Hóa) đã trở thành đề tài được báo chí đề cập nhiều bởi điểm chuẩn tuyển sinh 10 của trường chỉ lấy có 0,58 điểm/ môn.

Lí giải vấn đề này, thầy Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Lang Chánh là huyện miền núi, học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc. Các em dự thi và thoát điểm liệt để đi học là điều rất quý giá”.

Những chia sẻ của thầy Trần Văn Hòa khiến chúng ta phần nào cảm thông cho sự khó khăn của một trường trung học phổ thông miền núi.

Thầy Trần Văn Hòa trả lời phỏng vấn VTV, ảnh chụp màn hình.

Thầy Trần Văn Hòa trả lời phỏng vấn VTV, ảnh chụp màn hình.

Nhưng nếu đây là học sinh tiểu học hay trung học cơ sở thì còn có thể hiểu được bởi 2 cấp học này nằm trong lộ trình phổ cập giáo dục, còn đối với học sinh trung học phổ thông thì lại hoàn toàn khác bởi mục tiêu của cấp học này đã là định hướng nghề nghiệp cho học trò.

Vậy nên, việc học sinh tham dự kỳ thi mà chỉ 0,58 điểm là ung dung vào lớp 10 và lãnh đạo Sở giáo dục xem đây là chuyện bình thường, “là điều rất quý giá” thì thực sự rất đáng lo ngại.

Bởi nếu lãnh đạo ngành giáo dục địa phương cứ mặc định chất lượng giáo dục miền núi thấp, không có những giải pháp căn cơ cho việc tuyển sinh đầu vào lớp 10 thì chất lượng giáo dục sẽ khó có thể cải thiện trong những năm tiếp theo.

Nhất là khi nhìn lại điểm chuẩn đầu vào lớp 10 của Trung học phổ thông Lang Chánh trong 3 năm gần đây thật đáng lo ngại cho nhà trường.

Điểm chuẩn đầu vào năm học 2018-2019 là 4,5 điểm (0,90 điểm/môn); năm học 2019-2020 là 8,3 điểm (1,66 điểm/môn) và năm học 2020-2021 là 2,9 điểm (0,58 điểm/ môn).

Và không chỉ riêng gì trường Trung học phổ thông Lang Chánh mà đa phần các trường trung học phổ thông thuộc khu vực miền núi đều có điểm chuẩn tương đối thấp.

Ngay cả đối với huyện Nga Sơn không phải là miền núi thì trường Trung học phổ thông Ba Đình lấy điểm chuẩn là 6,30 điểm và trường Trung học phổ thông Nga Sơn cũng chỉ lấy điểm chuẩn là 6,70 trong năm nay.

Giáo dục Thanh Hóa nhiều niềm vui nhưng cũng nhiều trăn trở

Nhiều năm qua, ngành giáo dục Thanh Hóa có rất nhiều thành tích đáng tự hào, đó là năm nào cũng có học sinh Trung học phổ thông đạt danh hiệu giỏi quốc gia với số lượng nhiều và giải cao.

Không chỉ có học sinh giỏi quốc gia mà Thanh Hóa cũng là địa phương thường xuyên có học sinh giỏi quốc tế.

Hàng năm, sau mỗi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia thì địa phương này cũng là tỉnh có nhiều thủ khoa, á khoa ở các trường đại học. Tỉ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông luôn nằm ở tốp đầu.

Nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo, nhiều điều trăn trở khi các trường trung học phổ thông ở khu vực miền núi dù điểm tốt nghiệp khá cao nhưng chất lượng đầu vào lại quá thấp.

Điểm chuẩn lớp 10 ở nhiều trường trung học phổ thông thấp không chỉ trong kỳ thi tuyển sinh 10 vừa qua mà nhiều năm nay thì một số trường ở Thanh Hóa vẫn lấy đầu vào ở mức trên dưới 1,0 điểm/ môn…

Một khi lấy điểm đầu vào quá thấp như vậy không chỉ gây ra sự nghi ngại cho dư luận xã hội mà điều cốt lõi là không làm động lực cho học sinh Trung học cơ sở phấn đấu.

Hơn nữa, khoảng cách điểm chuẩn đầu vào giữa các trường miền núi với các trường ở thành phố, thị xã, các huyện miền xuôi ngày càng xa nhau…

Học sinh có học lực yếu nên định hướng các em vào trường nghề

Học sinh miền núi chịu nhiều thiệt thòi và vất vả, giáo viên miền xuôi lên miền núi công tác cũng gặp rất nhiều những gian nan, nhiều thầy cô phải xa nhà đằng đẳng nhiều tháng trời…

Dạy học sinh miền xuôi đã vất vả thì dạy học sinh miền núi còn vất vả nhiều hơn khi mà thầy cô ngoài giảng dạy thì liên tục phải đi vận động học trò đến trường.

Tuy nhiên theo người viết, đối với bậc trung học phổ thông thì ngành giáo dục Thanh Hóa không nên lấy điểm đầu vào quá thấp như lâu nay. Vì thấp quá sẽ khó đào tạo thành những học sinh có chất lượng.

Thay vì hướng học sinh vào học văn hóa cấp trung học phổ thông thì các nhà trường trung học cơ sở nên định hướng những em có học lực trung bình, yếu chọn học nghề sẽ thiết thực hơn.

Nếu chỉ đào tạo cho đủ chỉ tiêu mà chất lượng quá thấp thì sẽ khổ cả thầy lẫn trò vì mất nền tảng, kiến thức, phẩm chất, năng lực được hình thành theo một quá trình từ thấp đến cao.

Thầy cô, nhà trường nào có thể đào tạo những học trò 0,58 điểm/ môn thành những học sinh giỏi văn hóa ở cấp trung học phổ thông, đại học?

Trong khi, ngành giáo dục đã chủ trương phân luồng học sinh, các trường nghề mở khắp các huyện để tuyển học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở về đào tạo.

Vì thế, thầy cô, nhà trường hãy định hướng cho từng đối tượng học trò có những bước đi vững vàng để vào đời, đừng để các em bước những bước đi chông chênh, mò mẫm….

Nhật Duy