Lãnh đạo trường nghề chỉ ra những ngành cần được đầu tư trọng tâm, trọng điểm

14/04/2025 06:36
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Việt Nam cần có chiến lược dài hạn để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và công nghệ, ...

Ngày 18/3/2025, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 51/NQ-CP Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12 tháng 8 năm 2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hội nhập quốc tế”.

Trong đó, tại nhiệm vụ “Tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo” của Nghị quyết 51 có nêu: "Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập ở một số ngành, nghề, lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế nhằm tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mặc dù là một hệ thống đóng góp lượng lớn nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động, thế nhưng hiện việc đầu tư trọng tâm, trọng điểm đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lại chưa được đẩy mạnh.

Mức đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế và chưa đồng đều

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội bày tỏ, giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến nhất định trong việc đầu tư phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, thể hiện qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng, cập nhật chương trình đào tạo và tăng cường liên kết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, mức độ đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp vẫn còn hạn chế.

Có thể thấy, ngân sách dành cho lĩnh vực này chưa tương xứng với vai trò quan trọng của nó. Phần lớn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là những trường công lập vẫn đang gặp khó khăn về trang thiết bị thực hành, điều kiện giảng dạy và khả năng tiếp cận công nghệ mới.

Theo thầy Khánh, mặc dù có sự quan tâm từ Chính phủ, thế nhưng việc phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp vẫn gặp một số thách thức.

Screenshot-24-900x506.png
Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Website Nhà trường.

Thứ nhất, ngân sách còn hạn chế. Hiện nay, vấn đề đầu tư công cho giáo dục nghề nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng ngân sách giáo dục. Nhiều trường nghề gặp khó khăn trong việc nâng cấp trang thiết bị, xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại và phát triển chương trình đào tạo tiên tiến.

Thứ hai, cơ chế quản lý chưa đồng bộ. Việc đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp còn dàn trải, chưa tập trung vào các ngành nghề trọng điểm hoặc phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế. Một số địa phương đầu tư chưa hiệu quả do thiếu định hướng rõ ràng.

Thứ ba, sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Hiện dù đã có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào giáo dục nghề nghiệp, thế nhưng trên thực tế, mối liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp vẫn chưa thực sự sâu rộng, dẫn đến việc đào tạo không sát với nhu cầu thực tế của thị trường.

Thứ tư, khả năng thu hút đầu tư tư nhân còn yếu. Hợp tác công - tư trong giáo dục nghề nghiệp chưa được đẩy mạnh, do đó nguồn lực đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, trong khi các doanh nghiệp chưa thực sự coi giáo dục nghề nghiệp là một lĩnh vực đầu tư chiến lược.

Thầy Khánh thông tin thêm, so với các nước phát triển trong khu vực như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, … mức độ đầu tư của Việt Nam vào giáo dục nghề nghiệp vẫn còn thấp.

Ở các quốc gia này, Chính phủ thường dành một tỷ lệ lớn ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp, đầu tư mạnh vào công nghệ, trang thiết bị và phương pháp đào tạo tiên tiến. Không những vậy, họ còn có chương trình đào tạo gắn liền với doanh nghiệp, giúp sinh viên có cơ hội thực tập và làm việc ngay từ khi sinh viên trường nghề chưa tốt nghiệp; Hệ thống giáo dục nghề nghiệp linh hoạt, đáp ứng nhanh chóng với nhu cầu lao động của từng ngành nghề.

Trong khi đó, tại Việt Nam, dù đã có những bước tiến nhất định, nhưng mức độ đầu tư chưa đủ để tạo ra sự bứt phá về chất lượng đào tạo. Điều này khiến tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có chứng chỉ còn thấp, kỹ năng của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Chính vì vậy, thầy Khánh cho rằng, để giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam có thể bứt phá, cần giải quyết những rào cản như việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến nguồn lực đầu tư chưa đủ để nâng cao chất lượng đào tạo.

Không những vậy, một số chương trình giáo dục nghề nghiệp còn nặng lý thuyết, chưa theo kịp sự thay đổi của công nghệ và nhu cầu thị trường. Đội ngũ giáo viên nghề chưa được đào tạo và cập nhật kiến thức, kỹ năng thường xuyên, dẫn đến khoảng cách giữa đào tạo và thực tế sản xuất. Nhiều phụ huynh và học sinh vẫn có xu hướng chọn đại học thay vì học nghề, dẫn đến việc giáo dục nghề nghiệp chưa thu hút được nhiều học viên giỏi.

Nhìn từ thực trạng nguồn lực tài chính tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam và tại các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Thạc sỹ Nguyễn Quang Khải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang cho hay, nguồn đầu tư chính cho hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ yếu vẫn là từ ngân sách nhà nước.

Điều này đã khiến mức thu nhập của giảng viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đủ hấp dẫn nên khó thu hút người có chuyên môn và tay nghề cao về giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đặc biệt, nguồn tài chính đầu tư cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các địa phương vẫn chưa mang tính ổn định, dài hạn gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điều này đã dẫn tới cơ sở vật chất lạc hậu, thiếu đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ hiện đại.

Hơn nữa, mức đầu tư này còn hạn chế và phân bổ chưa đồng đều giữa các địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thầy Khải cũng cho rằng, những khó khăn, hạn chế trong việc phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp tựu trung là do sự phân bổ nguồn lực chưa hợp lý. Trên thực tế, các ngành nghề kỹ thuật mới, ngành nghề công nghệ cao đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội chưa được quan tâm đầu tư mạnh.

Không những vậy, sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong đầu tư nâng cao chất lượng ngành nghề hiện có và phát triển chương trình đào tạo ngành nghề mới trong giáo dục nghề nghiệp chưa mạnh và chưa nhiều. Cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp chưa hiệu quả nên chưa tiếp cận được mục tiêu.

Đối sánh với tình hình một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, thầy Khải thông tin, trong khi Singapore đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp theo mô hình “Nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ cho người học và doanh nghiệp tham gia đào tạo”; Hàn Quốc có chính sách hỗ trợ học phí, đầu tư lớn vào công nghệ và đổi mới chương trình; Thái Lan mạnh dạn xã hội hóa và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào việc thiết kế và cung cấp chương trình đào tạo thì Việt Nam lại rất hạn chế về mức đầu tư này.

Bởi, chúng ta vẫn đang thiếu chiến lược tổng thể, chưa tạo được liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà trường (cơ sở giáo dục nghề nghiệp) như các nước tiên tiến trong khu vực. Sự liên kết giữa “3 nhà” mạnh hay yếu, chặt hay không còn tùy thuộc vào nhận thức và sự nỗ lực của mỗi nhà trường - cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Mặt khác, theo thầy Khải, rào cản lớn nhất khiến giáo dục nghề nghiệp chưa thể tạo đột phá về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao chủ yếu do tâm lý xã hội còn coi trọng bằng cấp. Giáo dục nghề nghiệp chưa được xem là lựa chọn hấp dẫn, nhiều học sinh và phụ huynh vẫn ưu tiên đại học.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo chậm đổi mới, chưa bắt kịp xu hướng công nghệ mới, chuyển đổi số, và các ngành nghề mới. Chất lượng đội ngũ giảng viên chưa cao, còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa được cập nhật kiến thức, kỹ năng mới làm hài lòng doanh nghiệp và người học. Liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa mạnh. Doanh nghiệp chưa thực sự gắn bó với giáo dục nghề nghiệp, dẫn đến còn có khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế.

Ngoài ra, việc tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong mỗi cơ sở đào tạo nghề còn ít nhiều mang tính hình thức. Do đó khó đánh giá, xếp hạng chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tạo động lực cạnh tranh và cải tiến kịp thời.

Cần ưu tiên những ngành nghề trọng tâm, trọng điểm nào?

Để công tác đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp thực sự hiệu quả, thầy Khánh cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư một số ngành nghề trọng tâm, trọng điểm nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số như ngành Công nghệ thông tin và chuyển đổi số bao gồm lập trình, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và điện toán đám mây. Đây là lĩnh vực then chốt giúp tăng cường năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đáp ứng nhu cầu nhân lực số trong nền kinh tế số.

Bên cạnh đó, các ngành liên quan đến cơ khí, robot công nghiệp, điều khiển tự động, điện công nghiệp và điện tử công nghiệp cần được đầu tư mạnh mẽ để phục vụ ngành sản xuất hiện đại và công nghiệp 4.0.

Hơn nữa, cần quan tâm đến những ngành liên quan đến lĩnh vực Công nghệ chế biến và sản xuất thông minh như công nghệ thực phẩm, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Đây là những lĩnh vực giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam; Logistics và quản lý chuỗi cung ứng nhằm hỗ trợ tối ưu hóa hệ thống phân phối, xuất nhập khẩu và thương mại điện tử trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; Du lịch, nhà hàng, khách sạn nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, những ngành thuộc lĩnh vực Y tế và chăm sóc sức khỏe như điều dưỡng, xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, y học cổ truyền đang có nhu cầu cao cũng cần đầu tư về trang thiết bị đào tạo hiện đại.

Việc đầu tư trọng điểm vào các ngành nghề trên là cần thiết bởi đây là những ngành nghề đang có nhu cầu cao về nhân lực chất lượng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.

Thầy Khải cũng cho rằng, để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số, cần đầu tư những ngành, nghề nào trong giáo dục nghề nghiệp cần được ưu tiên đầu tư trọng tâm, trọng điểm như Công nghệ thông tin và truyền thông (Quản trị mạng, lập trình, an ninh mạng, phân tích dữ liệu, AI...); Cơ khí - Cơ điện tử - Tự động hóa (Công nghệ công nghiệp cao, robot công nghiệp, điện - điện tử công nghiệp, điều khiển tự động...); Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Công nghệ thực phẩm - Nông nghiệp công nghệ cao) và Truyền thông đa phương tiện (Thiết kế đồ họa, thiết kế sản phẩm, làm phim, âm thanh, truyền thông số...).

Việc đầu tư vào các ngành, nghề nêu trên trên là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đổi mới công nghệ; tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia; góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội số.

Cần có chiến lược dài hạn để gắn đào tạo giáo dục nghề nghiệp với nghiên cứu khoa học và công nghệ

Cũng theo thầy Khánh, để tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thầy Khánh bày tỏ, cần khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác với doanh nghiệp, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế để phát triển sản phẩm công nghệ, sáng kiến mới.

Bên cạnh đó, cần tăng cường mô hình đào tạo kết hợp lý thuyết và thực hành thực tế, tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận công nghệ hiện đại; Tích hợp chuyển đổi số vào giáo dục nghề nghiệp như ứng dụng AI, dữ liệu lớn, và công nghệ thực tế ảo để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Đồng thời, phải có cơ chế tài trợ và khuyến khích nghiên cứu như xây dựng quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo dành riêng cho giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào giáo dục thông qua mô hình đào tạo kép, hỗ trợ học bổng, tài trợ thiết bị và tham gia thiết kế chương trình đào tạo sát với thực tế. Mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các trường nghề tiên tiến trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và nâng cao chất lượng đào tạo.

Đồng thời, phải xây dựng chính sách tài chính minh bạch, linh hoạt, ưu tiên đầu tư theo hướng tập trung vào ngành nghề mũi nhọn, khuyến khích mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Theo thầy Khánh, để tránh tình trạng đầu tư dàn trải bằng cách tập trung vào các ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao, có tiềm năng phát triển bền vững và phù hợp với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách và các nguồn lực đầu tư nhằm đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong triển khai các dự án giáo dục nghề nghiệp.

Tóm lại, Việt Nam cần có chiến lược dài hạn để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và công nghệ, nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên số.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang, để tạo đột phá và chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong giáo dục nghề nghiệp, cần triển khai một hệ thống chính sách đồng bộ, tập trung vào một số nội dung quan trọng.

CĐ TG.jpg
Trường Cao đẳng Tiền Giang. Ảnh: NTCC.

Thứ nhất là, chính sách về phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tay nghề cao. Cụ thể, cần tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng giảng viên theo chuẩn quốc tế; có cơ chế đãi ngộ, thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nghệ nhân, người có tay nghề cao tham gia giảng dạy tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho giảng viên thông qua hợp tác với các doanh nghiệp.

Thứ hai là, chính sách về liên kết giữa giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Theo đó, cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kỹ năng và tổ chức đào tạo thực hành; hình thành mô hình “trường trong doanh nghiệp” hoặc “doanh nghiệp trong trường” để gắn kết đào tạo với thực tiễn sản xuất; xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo trong trường nghề, tạo môi trường khởi nghiệp, nghiên cứu ứng dụng.

Thứ ba là, chính sách về đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo thông qua việc: chuyển từ đào tạo theo nội dung sang đào tạo theo năng lực, gắn với chuẩn đầu ra theo thị trường lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ số, mô phỏng, AI... trong đào tạo và lồng ghép kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tư duy sáng tạo và năng lực đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo nghề.

Thứ tư là, chính sách về đầu tư, tài chính và khuyến khích xã hội hóa bằng việc ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, trang thiết bị tiên tiến cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm; hỗ trợ tài chính cho sinh viên học nghề, đặc biệt ở các lĩnh vực công nghệ cao, kỹ thuật chuyên sâu; khuyến khích hợp tác công - tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo nghề và nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, chuyển giao công nghệ.

Thứ năm là, chính sách về đánh giá, kiểm định và chuẩn hóa chất lượng đào tạo thông qua các việc thiết lập hệ thống đánh giá, kiểm định chất lượng độc lập, minh bạch; chuẩn hóa khung trình độ quốc gia, gắn với tiêu chuẩn nghề nghiệp và chứng chỉ quốc tế; công khai thông tin về chất lượng đào tạo, tỷ lệ có việc làm để tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo.

Thứ sáu là, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số và học tập suốt đời bằng việc phát triển nền tảng học nghề trực tuyến, học tập linh hoạt, phù hợp với xu thế học suốt đời; tích hợp công nghệ số trong quản lý, giảng dạy và đánh giá kết quả học tập và xây dựng hệ sinh thái học tập mở, kết nối liên thông giữa các bậc học với ngành nghề đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp.

Mặt khác, cần thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo nghề thông qua cơ chế: Doanh nghiệp đặt hàng đào tạo nhân lực theo nhu cầu thực tế, chia sẻ chi phí đào tạo với nhà nước hoặc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào thiết bị, phòng học, xưởng thực hành, sau đó cho thuê hoặc hợp tác khai thác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; miễn/giảm thuế, tính vào chi phí hợp lý khi quyết toán thuế cho các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ học bổng, tổ chức thực tập, tài trợ cơ sở vật chất.

Đặc biệt, cần triển khai mạnh mô hình “Doanh nghiệp và cơ sở đào tạo phối hợp xây dựng chương trình, cùng tổ chức giảng dạy, đào tạo thực tế tại nơi làm việc”.

Đồng thời, phải xác lập cơ chế tài chính linh hoạt và hiệu quả bằng việc tối ưu nguồn lực đầu tư công, kết hợp với xã hội hóa và tài chính hóa giáo dục nghề nghiệp từ việc tập trung đầu tư vào một số ngành/lĩnh vực then chốt trong giáo dục nghề nghiệp như công nghệ cao, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo... thay vì dàn trải như hiện nay.

Cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tự chủ trong việc huy động và sử dụng nguồn lực như học phí, tài trợ... gắn với trách nhiệm giải trình; Thiết lập “Quỹ phát triển giáo dục nghề nghiệp” thu hút nguồn vốn từ nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, cộng đồng xã hội tài trợ cho các chương trình đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong giáo dục nghề nghiệp.

Không những vậy, thầy Khải cho hay, việc tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng, tiếp cận công nghệ và mô hình đào tạo tiên tiến trong giáo dục nghề nghiệp như làm việc với các tổ chức như GIZ (Đức), KOICA (Hàn Quốc), JICA (Nhật Bản)... để chuyển giao mô hình đào tạo tiên tiến; thiết lập chương trình đào tạo kép, chứng chỉ quốc tế, trao đổi giảng viên - sinh viên và ưu tiên sử dụng cho các chương trình đào tạo kỹ thuật cao, đào tạo lại lao động, nâng cao năng lực giảng viên cũng cần được chú trọng.

Tường San