Lao động Việt Nam chỉ "vàng" về số lượng mà chưa "vàng" về chất lượng

15/06/2020 13:56
Đỗ Thơm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 15/6, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - đoàn Thái Bình đã dành sự quan tâm thảo luận đến vấn đề giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - đoàn Thái Bình. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - đoàn Thái Bình. Ảnh: Quochoi.vn

Không có lao động tay nghề cao là cản trở để vượt lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo đại biểu, trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tác động của cuộc cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế.

"Việt Nam là quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu, rộng và nền kinh tế có độ mở cao, nhưng nhiều chuyên gia đánh giá lao động Việt Nam chỉ vàng về số lượng mà chưa vàng về chất lượng, thiếu hụt kỹ năng lao động, chưa linh hoạt về chuyên môn, đa phần phải qua đào tạo lại đang là rào cản lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài và phục hồi kinh tế trong nước", đại biểu nói.

Đại biểu nêu, dự báo từ nay đến hết năm, thị trường lao động đang cần khoảng 60.000 lao động kỹ thuật để đón đầu các dự án đầu tư mới khi Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ kiềm chế tốt đại dịch COVID-19.

Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng trong khi lao động phổ thông dễ dàng tuyển đủ thì lao động kỹ thuật rất khó tuyển dụng.

Chúng ta kỳ vọng nhiều vào làn sóng đầu tư chất lượng cao, nhưng 80% doanh nghiệp trong và ngoài nước được khảo sát cho biết họ rất khó trong việc tìm lao động chất lượng.

Không có lao động tay nghề cao là cản trở lớn trong việc vượt lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều năm gần đây, Việt Nam có nhiều học sinh, sinh viên đạt thứ hạng cao trong các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới. Tuy nhiên, thành tích đó không phải là phổ biến.

Năm 2019, Việt Nam đã tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, yếu tố kỹ năng đã tăng 4 bậc, trong đó điểm chất lượng đào tạo nghề nghiệp tăng 13 bậc .

Tuy nhiên, xét toàn diện thị trường lao động của Việt Nam vẫn tồn tại những bất cập.

Quy mô lực lượng lao động hiện nay đạt khoảng 55 triệu người, nhưng lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ khoảng 24%, quy mô tuyển sinh chưa tương xứng với năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường.

Việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn.

Cơ cấu ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý, chất lượng đào tạo của một số cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực của doanh nghiệp.

Thêm vào đó hiện nay đang có xu hướng ngược, lo người đi học nghề nhiều.

Các chính sách đặt hàng đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp còn đang rất thấp so với nhu cầu năng nhân lực tăng nhanh.

Cho đến nay, ngân sách phân bổ cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề, nhất là kinh phí đào tạo nghề chất lượng cao và hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo.

Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm ưu tiên nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp, trong khi doanh nghiệp chưa đủ động lực để đầu tư vào lĩnh vực này.

Mức năng suất lao động của Việt Nam thì đang xếp cuối trong các nước khu vực Đông Nam Á.

Theo đại biểu, muốn nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, Việt Nam buộc phải tăng năng suất lao động, coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia và hội nhập toàn cầu thắng lợi.

Ngay từ bây giờ, cần huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tăng cường gắn kết 3 nhà: Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp.

Khi nhà doanh nghiệp và nhà trường có cùng mục tiêu, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường là tất yếu.

"Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia tích cực và luôn song hành cùng nhà trường trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, để làm sao trong tương lai, nhà doanh nghiệp phải là người đầu tư chính, đồng thời dự báo, xác định nhu cầu của mình một cách rõ ràng, cùng tham gia thiết kế chương trình đào tạo.

Như vậy, nhà trường sẽ chủ động trong công tác tuyển sinh, đổi mới chương trình đào tạo sát với nhu cầu của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động;

Tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của thị trường lao động, bảo đảm đồng bộ với các loại thị trường khác trong nền kinh tế thị trường.

Đây là nền tảng, điều kiện cốt lõi đảm bảo cho người lao động có việc làm bền vững, đảm bảo an sinh xã hội", đại biểu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần tăng cường định hướng cho giáo dục nghề nghiệp, nội dung hướng nghiệp phải đưa ngay vào chương trình giáo dục phổ thông.

Đẩy mạnh phân luồng, thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và học theo chương trình 9+.

Thực hiện tự chủ toàn diện, chuyển đổi hoạt động của các cơ sở công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, tiếp tục thí điểm đào tạo cho sinh viên của các trường nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao và cấp bằng của nước ngoài.

Đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là giải pháp tạm thời trong thời dịch mà còn là chủ trương nhất quán lâu dài để đẩy mạnh việc đào tạo nâng cao kỹ năng nghề;

Đào tạo chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp cho người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo cơ chế doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác đào tạo và cấp văn bằng chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp cho người lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang. Ảnh: Quochoi.vn

Cần biên soạn sách giáo khoa chương trình khung theo 2 nhóm: kiến thức giảng dạy trực tiếp và online

Cũng phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Thị Thu Trang - đoàn Quảng Ngãi cho biết, theo dự báo về xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, quá trình chuyển đổi số sẽ được ưu tiên phát triển toàn cầu.

Do đó, để chuẩn bị tiếp cận hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 năm 2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia đến năm 2025 có mục tiêu nghiên cứu tạo ra các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo và dạy nghề.

Đồng thời, hiện nay cử tri cũng đang phản ánh nội dung sách giáo khoa và chương trình hiện tại còn quá tải.

Cường độ đi học của học sinh còn nhiều, hạn chế thời gian sinh hoạt, vui chơi để phát triển toàn diện về phẩm chất, thể chất, kiến thức kỹ năng sống.

Phụ huynh phải mất rất nhiều thời gian cho việc đưa đón con đi học, tăng chi phí cho gia đình và xã hội.

Vì vậy, đại biểu đồng tình với giải pháp về nghiên cứu, hoàn thiện quy chế công nghệ đào tạo trực tuyến, trang thiết bị, phương thức đánh giá chất lượng để có thể phát triển ổn định.

"Tôi đề nghị trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu biên soạn sách giáo khoa chương trình khung theo 2 nhóm gồm kiến thức giảng dạy trực tiếp và nhóm kiến thức có thể giảng dạy từ xa (online).

Tăng cường đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, tập huấn đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để thích ứng với đổi mới, nhằm thúc đẩy nền giáo dục đào tạo phát triển", đại biểu nói.

Đỗ Thơm