Trẻ mồ côi, thất học vẫn là thực trạng nhức nhối của các tỉnh, thành duyên hải. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2014 cả nước có hơn 1 triệu trẻ em đang mù chữ (phần lớn trong số đó đều đến từ các vùng duyên hải).
Xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nơi có tới 42% hộ nghèo và đón hàng chục cơn bão mỗi năm, nhưng ở đây có những câu chuyện người dân còn nhắc tới nhiều hơn cả bão, cả những mất mát, đó là tình trạng trẻ em hoàn cảnh khó khăn bị mù chữ.
Cô giáo Nguyễn Thị Thông, năm nay 69 tuổi có đến 35 năm cống hiến cho ngành giáo dục, đến năm 2001 cô về hưu, trở về cuộc sống đời thời, những tưởng cô sẽ nghỉ ngơi bởi cạnh cô còn có một người chị gái mù lòa.
Lớp học tình thường của cô giáo Thông tại quê. Ảnh TTXVN |
Nhưng không, hàng ngày chứng kiến những cảnh trẻ em thất học vì hoàn cảnh, vì tật nguyền trong suy nghĩ của cô làm sao phải giúp được những đứa trẻ này để cho chúng có đầy đủ quyền lợi của một đứa trẻ.
Với suy nghĩ đó, lớp học đầu tiên nằm ngay trong khoảng sân, trước ngõ nhà cô Thông ra đời, lúc đầu lớp không có bảng cô tháo cánh cửa làm bảng, học sinh thiếu thứ gì là cô chạy tới các trường học xung quanh để mượn, còn thiếu thì cô trích một phần lương hưu của mình để mua cho các em.
Với cô, còn sức khỏe ngày nào thì còn dạy học, nghỉ hưu chỉ là kết thúc một công việc để bắt đầu một công việc mới.
Chứng kiến hoàn cảnh của cô giáo Nguyễn Thị Thông, thầy Văn Như Cương cho biết, một nhà giáo với những chiến công thầm lặng như cô Thông cần được tuyên dương nhiều hơn nữa, nhất là dóng góp của cô Thông trong nhiều năm qua đã giúp cho hàng trăm em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được tới trường, được học văn hóa.
Nói về việc làm của cô giáo Nguyễn Thị Thông, nhà giáo Văn Như Cương cũng không khỏi xúc động: “Một cô giáo về hưu gần 70 tuổi, nhưng không tiếc sức mình chăm lo sự nghiệp học hành của con em và kể cả cho người lớn tuổi chưa biết chữ.
Nền giáo dục của chúng ta có thể có những mảng tối mà chúng ta chưa bằng lòng, nhưng cũng có rất nhiều điểm sáng mà cô Nguyễn Thị Thông là những điểm sáng như thế.
Cô giáo Nguyễn Thị Thông trao đổi với phóng viên. Ảnh Xuân Trung |
Nếu nền giáo dục của chúng ta có nhiều người như cô Nguyễn Thị Thông, ắt rằng chúng ta sẽ có nền giáo dục tiên tiến, con em của chúng ra sẽ xứng đáng với những phong trào đổi mới” PGS. Văn Như Cương nói.
Có một lần thầy Văn Như Cương hỏi cô Thông rằng: Thường tuổi nghỉ hưu nhiều người chỉ mong muốn được nghỉ, đi chơi, đi du lịch, chăm sóc nhà cửa, con cái. Những người có sức khỏe thì hăng hái lao động để kiếm thêm thu nhập hàng tháng.
Nhưng điều gì đã khiến cô về hưu và vẫn đồng lương hưu đó, bỏ hết sức lực của mình để xây dựng lớp học cho trẻ em và cả những người lớn tuổi trong xã?
Trả lời câu hỏi này, cô Nguyễn Thị Thông chỉ nói một điều, khi đã được Đảng và Nhà nước cho đi học, được đào tạo bài bản thì việc nghỉ hưu cũng chỉ là kết thúc một công việc để mở ra một công việc mới.
Năm 2002 bằng đồng lương hưu của mình, cô đã mở ra lớp học tình thường cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, có trẻ em khuyết tật và những trẻ thích chơi hơn học.
Đối tượng “học sinh” của cô còn có thêm những người lớn tuổi khác trong xã. Lí do vì trước kia những người này được sinh ra trong gia đình đông anh chị em, không được đi học đầy đủ, cộng với hoàn cảnh gia đình nên không được đi học.
Nhiều người lớn trong xã không biết chữ nên đi ra ngoài giao dịch cũng rất khó khăn, với tất cả hoàn cảnh đó cô Thông quyết định làm một việc ý nghĩa để mong quê hương được tốt đẹp hơn.
Năm 2007 cô Thông không may bị gãy tay, nhưng cô vẫn bảo nếu nghỉ dạy thì lớp học tình thương của mình sẽ tan dã, như thế bao nhiêu đứa trẻ lại thất học.
Gần 15 năm dạy học miễn phí, cô Thông đã giúp rất nhiều em nhỏ được hòa nhập cộng đồng và học lên cao, trong đó có những em đậu đại học. Chính cô Thông cũng là người xây dựng quỹ khuyến học cho xã Ngư Lộc lên đến gần 3 tỷ đồng.
Chia sẻ thêm, cô Nguyễn Thị Thông cho biết, trong quá trình dạy học cho lớp học tình thương, cô cứ ngỡ những học sinh nghèo sẽ không học tốt bằng những bạn có điều kiện, nhưng không hẳn như vậy, với ý chí và nghị lực các em vượt khó để vươn lên.
Năm 2002 đến 2005 cô Thông đã dạy hoàn thành cho 28 học sinh, sau đó các em tiếp tục được vào các ngôi trường để học lên.
Năm 2015 lớp của cô Thông có 2 học sinh khuyết tật, việc dạy học sinh bình thường đã khó, trong khi cô cũng phải kiêm luôn giáo viên khuyết tật cho các em khác. Cô Thông tâm sự, để dạy được những đối tượng học sinh khuyết tật thì người dạy phải như người bà, người mẹ để truyền tình cảm cho các em.
“Có những ngày dạy học, học sinh bị động kinh đang học thì trợn mắt lên, tôi sợ quá không biết làm gì bèn chạy khắp làng. Khi tỉnh dậy cậu học sinh đó thấy tôi sợ hãi bèn động viên cô “lần sau em lên động kinh cô đừng sợ” cô Thông tâm sự.
Trao đổi thêm với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thị Thông cho biết, trong thời gian gần đây những em có hoàn cảnh khó khăn, những em khuyết tật khi biết được việc làm của cô đều bày tỏ mong muốn được là học trò của cô Thông.
Chính những hoàn cảnh đó khiến cô luôn suy nghĩ khi nào mắt còn sáng, còn sức khỏe và còn đi lại được thì vẫn dạy học.
“Nếu tôi có một điều ước lúc này, tôi chỉ ước có sức khỏe được ổn định để được tiếp tục làm những điều thiện trên quê hương mình” cô Nguyễn Thị Thông chia sẻ.
Với những việc làm của mình, ngày 30/11/2014, cô Nguyễn Thị Thông vinh dự được chọn là 1 trong 3 giáo viên tiêu biểu của cả nước được Chủ tịch nước gửi thư khen vì những thành tích, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Cuối năm 2015 một lần nữa cô vinh dự được lựa chọn là cá nhân tiêu biểu đại diện dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 9.