Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014 - bà Hồ Hương Nam năm nay đã 83 tuổi, nhưng gặp bà cái cảm giác tuổi tác dường như biến mất. Sau khi nghỉ công tác giảng dạy bà vẫn cần mẫn 17 năm qua dạy học miễn phí cho trẻ em khuyết tật, thiệt thòi trong cuộc sống tại Hà Nội.
Bà giáo già “dở hơi”
Trò chuyện với bà Nam trong một buổi chiều khi mùa xuân sắp về, bà kể, với lớp “đặc biệt” của bà hiện đang có 16 học sinh, những em câm, điếc được ưu tiên ngồi bàn đầu. Bà giáo già vẫn bảo, chuyện bà dạy học được nhiều người biết tới cũng là do thông tin của nhà báo, chứ cách đây hơn 10 bà đi dạy có ai biết bà là ai, vẫn lẳng lặng làm như thế.
Hàng ngày lớp tình thương của bà Nam hoạt động từ 8h30 đến 10h30 sáng. Ảnh Phương Thảo |
Bà Hồ Hương Nam cho biết, sau nghỉ hưu bà bắt đầu dạy cho trẻ thiệt thòi từ năm 1997. Cơ duyên bén với nghề dạy học của bà giáo già bắt đầu từ sự kiện năm 1954 khi bà ra Bắc tập kết. Quê bà ở Thừa Thiên Huế, năm 1955 bắt đầu đi dạy học, trường đầu tiên bà dạy là trường Tiểu học Ba Đồn ở Quảng Bình.
Theo thời gian của lịch sử, năm 1958 bà tiếp tục được tập kết ra Hà Nội. Tại Hà Nội thời điểm đó bà dạy ở nhiều trường học khác nhau, các trường bà gắn bó thường xuyên như: Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, Giảng Võ, Mạc Đĩnh Chi, trường cuối trước khi bà về hưu là trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám.
Người đời và con cháu vẫn còn thắc mắc đến bây giờ, vì sao tuổi cao, sức khỏe dần yếu mà bà không ở nhà, không nghỉ ngơi để con cháu phụng dưỡng? Bà Nam tâm sự rằng, dường như máu nghề trong người vẫn đang chảy và không thể bỏ được, vẫn còn tiếc.
Bà tâm sự về nguyên nhân bà mở lớp học miễn phí nhiều năm qua, lúc nghỉ hưu, bà được phường Yên Phụ phân công đi làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, trẻ em. Qua quá trình đi sâu vào từng gia đình, từng hoàn cảnh bà Nam mới nhận ra nhiều trẻ thiệt thòi có cuộc sống éo le, cần được giúp đỡ.
Ngày nào bà cũng cầm tay uốn từng nét chữ cho học trò đặc biệt của mình. ảnh PT |
Thấy được từng hoàn cảnh các em khuyết tật như vậy, trong suy nghĩ của bà là nghĩ ngay tới chuyện phải làm được điều gì để cho các cháu đến trường.
Cho đến bây giờ khi nhắc lại quá khứ vận động bố mẹ của những trẻ khuyết tật, bà Nam vẫn còn cảm giác sợ. Bà bảo: “Ngày đầu tiên khi tôi đến nhà phụ huynh, xin lỗi chứ họ chửi tôi ghê lắm, họ còn bảo tôi là đồ dở hơi. Nhiều người còn đuổi khéo rằng bà đi về đi để nhà tôi ăn cơm. Tôi bình thường thì lòng tự trọng của nhà giáo ghê lắm, nhưng không hiểu sao lúc đó nền được tính” bà Nam kể.
Những lần sau khi đến những nhà có trẻ gặp hoàn cảnh khó khăn, những trẻ thiệt thòi khuyết tật, gặp nhiều người cũng khuyên bà là đừng đụng vào nỗi đau của những gia đình có trẻ khuyết tật nữa, bởi trẻ lành lạnh còn không ăn ai huống chi là khuyết tật, đi học làm sao được?
Không nản trí, bà giáo già Hồ Hương Nam luôn nghĩ rằng, dù thế nào cũng sẽ giúp những đứa trẻ như thế bằng chúng bằng bạn. Lâu dần thành quen, bà Nam quyết định bám vào những gia đình như vậy, đến nỗi bà bỏ nhà để “lê la” ở những gia đình có trẻ khuyết tật, họ nhặt rau, nấu cơm bà Nam cũng ở bên cạnh giúp. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” bà đã được một số gia đình tin tưởng giao con của họ cho bà Nam dạy thí điểm bước đầu.
“Không có cái gì khó, biết họ đau khổ thì mình phải lồng cái đau khổ của người ta vào người mình” bà Nam tâm sự.
Và cặm cụi dở từng trang vở học trò để chấm điểm. |
Người dân thì suy nghĩ bà Nam là dở hơi, nhưng thời gian đầu những cán bộ ở phường chưa hiểu, chưa nhận thức được việc làm tình người của bà thì đều cho bà Nam là người lẩm cẩm.
Những ánh mắt của người đời nhìn bà như vậy, nhưng bà Nam vẫn khắc ghi câu nói của Hồ Chủ Tịch “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”. Khi bà vận động được hai cháu ra lớp, đây cũng là hai trẻ được gia đình cho ra học thử xem có tiến bộ không.
Bà Nam khi biết tin sẽ có trẻ đi học lớp của mình thì vui lắm, nhưng bên cạnh đó cũng có nỗi lo, có học sinh rồi thì lấy đâu ra địa điểm học. Bà Nam liều mình đến với khu dân cư, nói khó với họ: “Các ông các bà cứ cho tôi lẩm cẩm đi, rồi cho tôi mượn trụ sở phường ta tôi dạy các cháu. Cán bộ cơ sở họ cũng cho mượn, rồi tôi bắt đầu dạy hai cháu đầu tiên, qua 1 tháng dạy (theo hợp đồng) phụ huynh thấy con họ tiến bộ hẳn.
Biết về chào hỏi, đi thưa về gửi, biết viết chữ O. Thành công bước đầu và sĩ số lớp cứ vậy được cộng thêm, đến thời điểm này có 16 cháu theo học” bà Nam cho biết.
Nỗi lo của bà giáo già
Đời mình chưa khi nào phải đi vận động học sinh tới trường, vì trước kia trường bà Nam từng dạy qua chủ yếu là ở thành thị. Nhưng lần này, khi đã về hưu máu nghề của bà vẫn còn và quyết giúp đỡ trẻ khuyết tật học chữ. Thời gian đầu khi lớp chưa đông, bà vừa dạy vừa đi vận động, vận động thêm được 6 cháu thì trụ sở lớp học bị lấy để phục vụ cho việc xây nhà văn hóa.
Với những đóng góp của bà, năm học 2013 bà được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng quà nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. |
Lại đi tìm chỗ học mới, lần này là địa điểm sát với nhà trẻ phường, bà chỉ kê một tấm ván làm bàn, ghế thì bố mẹ mang theo cho con. Lớp học chưa được 1 năm thì trường tiểu học gần đó quyết định lấy để xây thêm. Và lúc này không còn địa điểm nào làm lớp học nữa.
Trong lúc khó khăn đó, bằng lòng yêu thương trẻ đã thôi bà Hồ Hương Nam lên Phòng GD&ĐT Q. Tây Hồ để nhờ giúp đỡ lần nữa. Lên đến nơi, bà hổn hển: “Tôi bây giờ lực bất tòng tâm, với trách nhiệm một nhà giáo tôi đã dạy cho các cháu khuyết tật được hơn 2 năm rồi, bây giờ không có địa điểm học. Bây giờ các anh tạo điều kiện cho tôi,thực ra tiếng nói của các anh bằng 10 lần tiếng nói của tôi”.
Phó Thủ tướng: Sắp xếp trường nghề công lập cho tiết kiệm, thiết thực
(GDVN) - Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong Hội nghị triển khai công tác lao động, người có công năm 2015 của Bộ LĐ-TB&XH, ngày 22/1.
Từ đó, sau khi được chỉ đạo thì cô giáo Trần Thị Vân Anh – Hiệu trưởng Trường THCS An Dương đã bố trí cho bà một phòng học nhỏ, khang trang hơn với đầy đủ tiện nghi như bảng, bàn ghế, quạt mát…, đó là thời điểm năm 2002.
Cho tới bây giờ, khi có hơn 10 năm đứng lớp giúp các trẻ khuyết tật biết chữ thì bà Nam không bao giờ nghĩ mình có được số lượng học sinh đông đến vậy. Hiện tại với 16 trẻ khuyết tật, mỗi em một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, do đó việc dạy chung một lớp với lượng kiến thức chung là rất khó.
Bà Nam sắp xếp chỗ ngồi cho từng đối tượng khuyết tật như; bàn đầu là câm điếc, bàn thứ 2 là tự kỷ, dãy bên phải lớp là bệnh đao, bên trái là thiểu năng trí tuệ, bàn cuối liên quan tới vận động…
Có những em dạy hôm trước với phép tính 2+1=3 thì hôm sau kiểm tra lại và ra phép tính 1+1 bằng mấy, em vẫn trả lời là 3. Những em này chậm phát triển nên bà Nam có cách là phát cho mỗi em bộ que tính, cho tới giờ các em đã hiểu và biết cách tính.
Với những đóng góp của bà Hồ Hương Nam cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là công sức của bà khi đã không quản ngại gian khó để rìu dắt trẻ khuyết tật biết chữ, năm 2014 bà đã được UBND TP. Hà Nội phong tặng danh hiệu công dân Thủ đô ưu tú. Với bà Nam, những phần thưởng (Huân chương lao động hạng ba, phần thưởng Kova, Công dân Thủ đô ưu tú) mà bà có được phải trả bằng công sức, bằng mồ hôi và nước mắt.
Nói về những phần thưởng của mình, bà giáo già Hồ Hương Nam vẫn thấy giật mình, bởi theo bà những việc bà làm hàng ngày chỉ là trách nhiệm.
“Phần thưởng lớn nhất của đời tôi có lẽ là tình cảm của phụ huynh và học sinh dành cho mình, tôi chỉ nghĩ điều đó chứ không nghĩ điều gì. Nhưng giờ có sự quan tâm thì tôi nghĩ những phần thường vừa qua đó là sự đãi ngộ của Đảng, đó là sự ghi ấn trong cuộc đời tôi, vì trong 83 năm làm người của tôi đây là điều vinh dự nhất” bà Nam xúc động nói.
Tâm sự thêm, bà Nam lo rằng tuổi bà đã cao, trái gió trở trời chưa biết lúc nào, nhỡ may bà bị làm sao thì lớp học của bà ai sẽ là người tiếp dục? “Cứ nghĩ tới câu dạy học tới bao giờ là tôi lại thấy rợn người. Mình tuổi cao thế này chưa biết ra đi lúc nào, cũng sẽ phải tới ngày đó, nhưng nếu còn sức khỏe thì tôi vẫn tiếp tục dạy học, còn sống ngày nào tôi sẽ làm tròn theo cái tâm cho tới nơi tới chốn, làm sao để khi mình nằm một chỗ mình không ân hận” bà giáo Hồ Hương Nam nói chắc nịch.