Lấy ý kiến tăng định mức tiết dạy của hiệu trưởng, hiệu phó thêm 2 tiết/tuần

30/07/2024 06:50
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhìn từ thực tế công việc, chúng tôi thấy rằng nên duy trì định mức giảng dạy của hiệu trưởng (02 tiết), phó hiệu trưởng (04 tiết) như hiện nay là phù hợp hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học.

Điều đáng chú ý phần khảo sát ý kiến trên Temis, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục dự kiến định mức giảng dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông sẽ tăng thêm 02 tiết/ tuần so với hiện nay.

Lý do của việc tăng định mức giảng dạy theo lý giải của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục là “đảm bảo cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy đủ số tiết của môn học cho 01 lớp”. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế công việc, nếu tăng định mức giảng dạy như vậy sẽ là một áp lực không nhỏ cho các thành viên trong ban giám hiệu nhà trường.

Đặc biệt là với những thầy cô đang đảm nhận vai trò phó hiệu trưởng chuyên môn ở các trường Trung học cơ sở bởi khi thực hiện chương trình 2018, khối lượng công việc hàng tuần của phó hiệu trưởng chuyên môn đang khá vất vả.

gdvn-moc-tra-1830.jpg
Ảnh minh họa.

Định mức và giảng dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hiện nay ra sao?

Theo quy định hiện hành, để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thì định mức giảng dạy của hiệu trưởng là 02 tiết/ tuần và phó hiệu trưởng trường phổ thông dạy 4 tiết/tuần.

Tuy nhiên, trong thực tế những thầy cô đang làm quản lý ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có phần dễ thực hiện hơn vì họ chỉ học 1 (những thầy cô học đại học) hoặc 2 chuyên ngành (đối với nhà giáo học cao đẳng sư phạm).

Ra trường, những thầy cô này dạy 1 chuyên ngành nên khi được bổ nhiệm làm quản lý thì việc dạy 2 hay 4 tiết của 1 môn học cũng không quá khó khăn.

Tuy nhiên, đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường tiểu học phần nhiều là những thầy cô học cao đẳng, hoặc đại học sư phạm tiểu học nên việc giảng dạy có phần khó thực hiện hơn vì dạy các môn chuyên (tiếng Anh, Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục) thì không dạy được.

Dạy Toán và Tiếng Việt thì số tiết nhiều và đây là những môn quan trọng nên các môn này giáo viên chủ nhiệm giảng dạy.

Vì thế, nếu có dạy thì chủ yếu là dạy môn Đạo đức hoặc bây giờ là môn Hoạt động trải nghiệm nhưng thực tế ở các trường thì hiệu trưởng và phó hiệu trưởng ít dạy, phần nhiều là họ vẫn tự phân công số tiết và thực hiện đúng hồ sơ sổ sách hành chính nhưng giáo viên chủ nhiệm sẽ “dạy thay”.

Đối với cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông thì việc giảng dạy thuận lợi hơn nhưng thông thường hiệu trưởng và phó hiệu trưởng dạy lớp nào là học sinh lớp ấy…khổ vì luôn có giáo viên khác dạy thay.

Việc hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng phải nhờ giáo viên khác dạy thay không phải là do họ cố tình hay một lý do nào khác mà phần lớn là công việc quản lý của họ nhiều khi phải họp hành liên miên.

Có khi là lãnh đạo địa phương (huyện, xã) triệu tập; có khi Phòng, Sở điều động họp, tham gia vào đoàn thanh, kiểm tra chuyên môn; phổ cập; đánh giá ngoài; làm giám khảo hội thi; tập huấn…thì bắt buộc họ phải tham gia. Tất nhiên, thời khóa biểu trên lớp phải nhờ người khác dạy thay.

Vì thế, một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông thường lựa chọn các môn không liên quan đến thi cử, như Giáo dục công dân; Hướng nghiệp… hoặc dạy những môn đúng chuyên ngành thì chọn lớp đầu cấp để không ảnh hưởng lớn đến học sinh và hiệu quả giảng dạy.

Tăng định mức giảng dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có thực sự cần thiết?

450877673_3684548565090730_5424759264327311855_n.jpg
Nội dung câu hỏi trên Temis

Theo dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học, chúng tôi vẫn thấy quy định hiệu trưởng trường phổ thông dạy 2 tiết/ tuần; phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/ tuần như hiện nay.

Tuy nhiên, khi thực hiện phần khảo sát ý kiến trên phần mềm Temis, chúng tôi lại thấy dự kiến tăng thêm 2 tiết cho các vị trí này.

Cụ thể, tại câu 20 có nội dung khảo sát như sau:

a. Theo quy định hiện hành, để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, thì Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết (hiệu trưởng dạy 02 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 04 tiết/tuần).

b. Dự thảo Thông tư dự kiến tăng định mức tiết dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng mỗi vị trí 02 tiết (hiệu trưởng 04 tiết/tuần, phó hiệu trưởng 06 tiết/tuần). Lí do: Với quy định dạy này đảm bảo cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy đủ số tiết của môn học cho 01 lớp”.

Nếu như “dự kiến” này thành hiện thực thì đây sẽ là áp lực không hề nhỏ cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường phổ thông trong bối cảnh ngành giáo dục đang triển khai chương trình 2018.

Chẳng hạn, đối với cấp Trung học cơ sở hiện nay, mỗi giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ đang dạy 19 tiết/ tuần. Nhưng, phó hiệu trưởng phải dạy 6 tiết/ tuần là quá nặng vì những trường loại II, loại III thì chỉ có 1 phó hiệu trưởng.

Đương nhiên, vị này phải dạy theo định mức; phụ trách chuyên môn, ngoài giờ, phổ cập. Một số phó hiệu trưởng còn kiêm thêm chức danh chủ tịch Công đoàn.

Đối với trường loại I, phó hiệu trưởng chuyên môn thường chỉ phụ trách mảng chuyên môn và dạy theo định mức nhưng trường lớn cũng đồng nghĩa giáo viên nhiều, lớp học nhiều nên công việc cũng tăng theo.

Bên cạnh đó, phần nhiều phó hiệu trưởng chuyên môn trường loại I lại hay được Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo điều động tham gia các hoạt động chuyên môn như: thanh tra; kiểm tra; giám khảo hội thi…

Vì thế, phó hiệu trưởng dạy 6 tiết/ tuần là điều không thực sự phù hợp. Bởi hiện nay, khi Bộ triển khai chương trình 2018 thì việc phân công, sắp xếp thời khóa biểu phải thực hiện từng tuần vì có nhiều môn tích hợp. Có những môn học có đến 6 phân môn như môn Nội dung giáo dục địa phương.

Vì thế, công việc của phó hiệu trưởng chuyên môn rất nặng nề khi liên tục phải tính toán số tiết, thời điểm giảng dạy của từng phân môn, chứ không đơn thuần như khi dạy chương trình 2006 hết học kỳ hoặc khi có người nghỉ mới phải thực hiện phân công và sắp lại thời khóa biểu.

Bản thân người viết bài không phải là quản lý nhà trường nhưng nhìn từ thực tế công việc thấy rằng Bộ nên duy trì định mức giảng dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng như hiện nay là phù hợp hơn cả.

Tăng thêm 02 tiết sẽ nặng mà hiệu quả giảng dạy sẽ không cao vì thực tế lãnh đạo nhà trường đang phải tham gia họp hành và thực hiện rất nhiều công việc khác khi có lệnh triệu tập của cấp trên.

Việc tăng thêm 2 tiết/ tuần cho từng vị trí quản lý nhà trường nhiều khi lại gây phiền hà cho giáo viên vì thường xuyên được hiệu trưởng, phó hiệu trưởng “nhờ” dạy thay. Học sinh cũng không muốn giáo viên dạy thay liên tục vì nó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của các em trong quá trình tiếp thu kiến thức.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN