Liên tiếp học sinh quyên sinh, hồi chuông báo động trong giới trẻ

27/12/2019 07:00
Cao Nguyên
(GDVN) - Gia đình và nhà trường hãy quan tâm hơn đến các em học sinh để tránh những chuyện đau lòng xảy ra.

Học sinh tìm đến cái chết với nhiều lí do khác nhau thể hiện sự bất ổn về mặt tâm lí. Gia đình và nhà trường hãy quan tâm hơn đến các em để tránh những chuyện đau lòng xảy ra.

Ám ảnh học sinh tự tử

Ngày 19/12/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin “Xảy ra nhiều trường hợp học sinh ở Sài Gòn quyên sinh ở nhà”. [1]

Nội dung bài báo cho biết, chỉ trong thời gian ngắn (tháng 12), trên địa bàn quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra hai trường hợp học sinh tự tử.

Cụ thể, một cựu học sinh lớp 12 của Trường Trung học phổ thông Lê Trọng Tấn đã tự tử trước đó do mắc bệnh về thần kinh. Cùng với đó, một nam sinh lớp 11B1 của Trường Trung học phổ thông Tân Bình (quận Tân Phú) cũng đã tự tử tại nhà vì “lí do gia đình”.

Cùng ngày 19/12/2019, Báo điện tử Dân trí có bài viết “Bình Dương: Nữ sinh lớp 11 nhảy cầu tự vẫn”. [2]

Ám ảnh học sinh tự tử (Ảnh minh họa: VTV)
Ám ảnh học sinh tự tử (Ảnh minh họa: VTV)

Theo đó, ngày 18/12/2019, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương phát hiện nữ sinh V.T.H.D, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông Trịnh Hoài Đức, Thuận An, Bình Dương gieo mình xuống sông Sài Gòn tự tử.

Được biết, trước đó em D. có nhiều biểu hiện bất thường, tỏ ra buồn chán và căng thẳng. Phía nhà trường thông tin, trước ngày xảy ra sự việc, nữ sinh này đã bỏ thi không lý do. 

Tiếp đến, ngày 24/12/2019, Báo Thanh Niên đưa tin: “Lớp trưởng lớp 12 chuyên toán được phát hiện tử vong ở hồ Trung Chỉ”. [3]

Theo bài báo, nam sinh N.Đ.C (17 tuổi, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà), lớp trưởng lớp chuyên Toán, Trường chuyên Lê Quý Đôn vừa được phát hiện tử vong ở hồ Trung Chỉ (phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), nghi do tự tử.

Trước đó, người dân phát hiện C. chới với dưới hồ nhưng không kịp cứu. Em C. để lại trên bờ 1 bộ quần áo học sinh, điện thoại, 1 chai rượu và 1 vỉ thuốc.

Cha mẹ, thầy cô hãy quan tâm hơn đến các em

Thời gian gần đây, việc học sinh trung học phổ thông (tuổi 16 đến 18) tìm đến cái chết bởi nhiều lí do khác nhau khiến người ở lại bàng hoàng, đau xót.

Các em chối bỏ cuộc sống khi tuổi đời còn quá trẻ, để lại nỗi đau đớn khôn nguôi cho gia đình, người thân và thầy cô.

Một học sinh lớp 8 nhảy sông tự vẫn, nghi bị mẹ la mắng vì làm bài thi không tốt
Một học sinh lớp 8 nhảy sông tự vẫn, nghi bị mẹ la mắng vì làm bài thi không tốt

Nhiều năm liền làm công tác chủ nhiệm cấp 3, chúng tôi nhận thấy, đa phần học sinh tự tử đều tỏ ra bất ổn về tâm lí.

Độ tuổi thanh niên ở học sinh cấp ba thường có những khủng hoảng về tâm lí, trong khi các em không chịu chia sẻ với cha mẹ, thầy cô.

Trong khi đó, lứa tuổi này thường có cái tôi rất lớn, muốn dám làm dám chịu mọi việc mà không cần nghĩ tới hậu quả là gì.

Thượng tuần tháng 8/2019, một nữ sinh là cựu học sinh lớp 12 của chúng tôi (quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng uống thuốc sâu tự tử trước thời điểm chuẩn bị nhập học một trường đại học tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tìm hiểu lí do chúng tôi được biết, gia đình nữ sinh thường không cho em đi chơi với bạn bè, kể cả những lúc sinh nhật, ngoại khóa vì sợ không kiểm soát được con cái.

Cho rằng mình bị quản thúc trong gia đình ngột ngạt, thiếu tự do, em tìm đến cái chết trong tận cùng của sự đau đớn.

Ở thành phố, cha mẹ thường rất bận rộn nên ít khi trò chuyện, quan tâm đến tâm tư tình cảm của con cái. Nhiều bậc phụ huynh chỉ suy nghĩ đơn giản, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn là đã hoàn thành nghĩa vụ, mọi chuyện còn lại đã có nhà trường lo hoặc các em cứ thế mà lớn lên.

Cha mẹ đi làm cả ngày (có khi cả tuần mới về nhà), thế nhưng, thời đại công nghệ thông tin, các thành viên trong gia đình thường dán mắt vào điện thoại, máy tính bảng, laptop mà quên đi việc trò chuyện với nhau.

Ở trường, thầy cô dạy xong là tranh thủ làm thêm để kiếm sống nên cũng không có nhiều thời gian quan tâm đến những bất thường tâm lí ở các em.

Giá mà thầy cô chịu khó tìm hiểu thêm qua bạn bè của những học sinh có biểu hiện tâm lí bất thường, hoặc quan tâm đến tâm trạng của của các em trên facebook thì mọi chuyện sẽ khác.

Bên cạnh đó, học sinh cấp ba rất nhiều em đã biết yêu và quyết bảo vệ tình yêu đến cùng, kể cả dám chết nếu có sự ngăn cản từ người lớn.

5 gánh nặng đè bẹp học trò thời nay
5 gánh nặng đè bẹp học trò thời nay

Cách đây vài năm, một nữ sinh lớp 12 nhắn tin “dọa” chúng tôi là em sẽ tự tử vì gia đình ngăn cản tình yêu với một nam sinh viên.

Trao đổi với nữ sinh, chúng tôi được biết, các em đã yêu nhau từ thời còn học sinh cấp 2. Cả hai em quyết tâm sẽ lấy nhau sau khi nam sinh ra trường có công ăn việc làm ổn định vì tình yêu quá sâu đậm.

Thế nhưng, cha mẹ nữ sinh không chấp nhận nam sinh kia chỉ vì những vết xăm lộ nhiều trên cơ thể. Và thế là, con cái có thuyết phục thế nào cha mẹ cũng không nghe, cho dù nữ sinh khẳng định bạn trai hiền lành, tốt tính.

Bất đắc dĩ, chúng tôi phải trở thành một nhà tâm lí, nhà thương thuyết khi quyết tâm trò chuyện với phụ huynh của nữ sinh ở cuộc họp cuối năm.

Chúng tôi cũng không quên dặn em, ngoài thầy chủ nhiệm, cần phải lôi kéo anh em, họ hàng làm “đồng minh” để góp thêm một tiếng nói với cha mẹ.

Chúng tôi cũng khẳng định, khi các em thành niên, việc các em muốn kết hôn là hoàn toàn tự nguyện mà không ai có thể ngăn cản được vì đúng pháp luật.

Cũng may, em có nhiều “đồng minh” nên cuối cùng cha mẹ cũng gật đầu chấp nhận mối quan hệ này, dù trong lòng không mấy vui vẻ. Và chúng tôi đã thở phào nhẹ nhõm, bởi không còn nghe học sinh dọa tự tử vì tình.

Tuy vậy, không phải học sinh nào gặp rắc rối về tâm lí cũng có thể trò chuyện với thầy cô nên mới xảy ra nhiều vụ học sinh tự tử đau đớn.

Ngoài ra, áp lực trong việc học và cha mẹ quá kì vọng vào thành tích của con cái cũng khiến các em khủng hoảng về tâm lí.

Có thể nhận thấy, học sinh phổ thông từ nông thôn đến thành thị, các em phải học tập quá nhiều. Học cả ngày ở trường chưa hết, các em phải đi học thêm vì những lí do khác nhau, nhất là học sinh cuối cấp phải vượt qua các kì thi quan trọng.

Lịch học tập dày đặc như thế, cộng với áp lực thành tích từ gia đình, nhà trường khiến các em rơi vào trầm cảm và dẫn đến hành vi quyên sinh để giải tỏa căng thẳng cho bản thân.

Một trường tư thục có tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều năm qua cũng đều có học sinh tự tử vì lịch học kín mít, không còn thời gian vui chơi giải trí, nhất là học sinh lớp 12.

Một đồng nghiệp làm công tác quản nhiệm ở ngôi trường này trò chuyện với chúng tôi, học sinh phải học bài và hoàn thành bài tập từ lúc 6 giờ 30 đến 23 giờ. Buổi tối các em ngủ chưa đầy 7 tiếng khiến cơ thể mệt nhoài, bơ phờ vì chỉ biết học là học.

Cá biệt, ngày thứ 7 học sinh chỉ học một buổi sáng, nhưng nhiều em còn phải học thêm ở ngoài với thầy cô đến 15 giờ mới được về nhà.

Như thế, việc học sinh tìm đến cái chết bởi gia đình thiếu quan tâm đến con cái, thầy cô còn thờ ơ với các em và chương trình học ở trường hiện nay còn quá nặng.

Hơn hết, gia đình và nhà trường hãy quan tâm hơn đến các em để không còn những chuyện đau lòng xảy ra như thế nữa.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/xay-ra-nhieu-truong-hop-hoc-sinh-o-sai-gon-quyen-sinh-o-nha-post205492.gd

[2] //dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/binh-duong-nu-sinh-lop-11-nhay-cau-tu-van-20191219101156732.htm

[3] //thanhnien.vn/thoi-su/lop-truong-lop-12-chuyen-toan-duoc-phat-hien-tu-vong-o-ho-trung-chi-1163104.html

Cao Nguyên