Kết quả khảo sát
Khảo sát nhu cầu học thêm của 667 học sinh 3 khối lớp 10, 11 và 12 một trường trung học phổ thông (xin không nêu tên trường) ở địa bàn quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi thu thập được kết quả như sau:
Học sinh có tham gia học thêm chiếm 81%, thỉnh thoảng đi học thêm 3,9% và không đi học thêm là 15,1%.
Học sinh thường học thêm 2 môn cùng một chỗ (chủ yếu ở trung tâm) để tiết kiệm thời gian và thuận tiện hơn trong việc đi lại. Môn học thêm nhiều nhất là Toán, kế đến là tiếng Anh, Hóa, Lí và môn Ngữ văn (đa phần học sinh lớp 12).
Thời gian học trung bình 6 tiếng/tuần cho 2 môn. Học sinh thường học vào các buổi chiều tối trong tuần (từ 17 giờ 30 đến 19 giờ) với học phí khoảng 800.000 đồng/2 môn.
Riêng học sinh lớp 12, học sinh học thêm cả ngày chủ nhật theo tổ hợp (Toán-Lí-Hóa, Toán-Hóa-Sinh, Toán-Ngữ văn-tiếng Anh) để lấy điểm thi trung học phổ thông quốc gia xét tuyển vào các trường đại học. Số lượng học sinh lớp 12 đi học thêm nhiều nhất so với học sinh khối 10, 11.
Thí sinh làm thủ tục dự thi quốc gia. (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Baobinhphuoc.com.vn) |
Lí do đi học thêm
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến học sinh đi học thêm.
Thứ nhất, học sinh muốn đạt điểm cao trong các kì kiểm tra, kì thi. Nếu bị điểm thấp, các em sẽ bị gia đình la rầy, dẫn đến áp lực thêm trong học tập.
Thứ hai, nhiều học sinh thiếu phương pháp học tập hiệu quả, trong khi các em không thể nhờ gia đình hay bạn bè trợ giúp.
Thứ ba, kiến thức được học ở trường quá nhiều, giáo viên lại cho thêm bài tập nên học sinh không thể làm hết bài theo yêu cầu của thầy cô.
Thứ tư, một số giáo viên giảng bài còn khó hiểu, thậm chí giảng không kĩ, làm cho học sinh khó tiếp thu bài.
Thứ năm, học sinh còn rảnh thời gian nên đi học thêm theo phong trào, để được gặp bạn bè vui chơi, tán gẫu.
Thứ sáu, học sinh cuối cấp mong muốn đạt điểm cao ở kì thi tốt nghiệp để xét tuyển vào trường đại hoc yêu thích.
Thứ bảy, học sinh đi học thêm bởi giáo viên bộ môn “gợi ý”, các em không thể không đi vì nể và có phần sợ thầy cô.
Một số tác hại
Cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, ai cấm, cấm ai? |
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, học sinh đang lạm dụng học thêm sau giờ học chính khóa.
Việc này khiến các em ỷ lại vào giáo viên, dẫn đến thiếu tự giác trong học tập, nghiên cứu.
Sau giờ học thêm, học sinh thường dán mắt vào điện thoại để lướt Facebook, chơi games… vì bài tập đã được thầy cô dạy cả rồi.
Bên cạnh đó, học thêm nhiều khiến học sinh căng thẳng, áp lực ảnh hưởng đến sức khoẻ. Sau một ngày dài học tập, các em phải học thêm ít nhất 90 phút/môn (1 môn học 2 buổi). Nhiều em về nhà chỉ ăn uống qua quýt rồi vùi đầu vào ngủ vì quá mệt mỏi.
Cùng với đó, học thêm không những làm cho học sinh không có thời gian nghỉ ngơi mà còn tạo thêm gánh nặng về tiền bạc cho gia đình (không phải phụ huynh nào cũng khá giả).
Ngoài ra, vì dành nhiều thời gian cho việc học tập, nên học sinh không có điều kiện gần gũi với gia đình, người thân khiến tình cảm giữa các thành viên bị phai nhạt.
Đã có một số vụ việc học sinh tự tử vì quá áp lực về học tập, trong khi cha mẹ, người thân thiếu chia sẻ với con em.
Đặc biệt, rất nhiều học sinh hiện nay bị bệnh béo phì là do các em không có thời gian rèn luyện thể dục thể thao, thiếu vận động vì lịch học kín mít.
Hạn chế học thêm bằng cách nào?
Trước hết, học sinh phải chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài trên lớp, hăng say phát biểu xây dựng bài để khắc sâu kiến thức bài học.
Một thực tế dễ nhận thấy, khi còn tiểu học, trung học cơ sở, học sinh rất ham phát biểu, nhưng lên đến trung học phổ thông các em lại rất lười.
Học sinh phải nắm thật chắc lí thuyết thì mới có thể vận dụng để làm bài tập. Cho nên, trong học tập các em phải học bài thật kĩ, sau đó phải tự tìm hiểu, tự làm bài thì mới nhớ lâu.
Nếu có nhu cầu học thêm, các em phải lựa chọn môn học thực sự cần thiết để củng cố, nâng cao kiến thức, không học đại trà.
Ngày nay, học sinh có thể tự học qua mạng, bởi ở đó có nhiều nguồn tài liệu tham khảo, kể cả video bài giảng của các thầy cô, chuyên gia. Tất nhiên, các em phải biết cách chọn lựa kênh tham khảo hợp lí, có thể nhờ sự trợ giúp của thầy cô bộ môn.
Các em cũng có thể cùng nhau học nhóm để làm những bài tập khó, giảng cho nhau những điều chưa hiểu, bởi “học thầy không tày học bạn”.
Và khi đã chủ động trong học tập, chắc chắn học sinh sẽ tiến bộ, lúc đó các em sẽ cảm thấy ham học và không còn áp lực nữa.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không nên quá kì vọng vào con cái để bắt ép con em phải đạt điểm cao trong học tập.
Mỗi em có một năng khiếu, mức độ tiếp thu bài cũng khác nhau nên điểm số của con có thể thấp, đó là điều phải chấp nhận.
Thực tế cho thấy, học sinh có thể đạt điểm cao nhờ đi học thêm, bởi giáo viên ôn tập kĩ, ra đề sát. Nhưng sau kì thi tốt nghiệp, điểm số của rất nhiều em lại rất thấp so với điểm kiểm tra, điểm học bạ.
Vậy, học sinh đi học thêm để có kiến thức hay lấy điểm số? Chắc chắn phụ huynh đã có câu trả lời cho mình.
Ngoài ra, kiến thức trong sách giáo khoa của các cấp học hiện nay còn nặng, thậm chí hàn lâm, xa rời với thực tiễn khiến học sinh khó tiếp thu hết.
Nếu chương trình sách giáo khoa mới sắp tới khắc phục được những hạn chế này thì chắc chắn học sinh không còn phải nhọc nhằn lo học thêm như hiện nay nữa.