Theo các hãng thông tấn khu vực và quốc tế, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày16/5/2018 tuyên bố:
Ông sẵn sàng cùng Trung Quốc và Việt Nam, hai đối thủ chính trong tranh chấp, hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên Biển Đông với điều kiện là không gặp “phiền hà” và mọi sự phải “công bằng và cân xứng”.
Vậy thì, điều kiện không gặp “phiền hà” và mọi sự phải “công bằng và cân xứng” mà ông Duterte nhắc đến trong tuyên bố của mình có hàm ý gì?
Thiết nghĩ đó là vấn đề cần được nghiên cứu, đánh giá… nhất là trong tình hình Biển Đông đang tồn tại những loại tranh chấp phức tạp, xuất phát từ những động cơ và nhận thức khác nhau, không chỉ về mặt pháp lý, chính trị, quân sự, kinh tế, mà còn cả về kiến thức địa lý, địa chất, địa mạo.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN). |
Để cùng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trao đổi làm sáng tỏ những vấn đề được đặt ra nói trên, chúng tôi xin được nêu ra 10 nội dung (Tòa soạn chia làm 4 kỳ) đề dẫn chủ yếu như sau:
Thứ nhất, bất cứ một thỏa thuận nào có liên quan đến lãnh thổ, chủ quyền quốc gia đều phải tuân thủ đúng nguyên tắc và thủ tục pháp lý và đảm bảo sự bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Nếu không thì sẽ phải “gặp phiền hà” bởi sự phủ quyết của Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và bởi sự phản kháng của người dân nước họ.
Chính vì vậy, bên cạnh những tuyên bố của Tổng thống Duterte trong thời gian tham dự Diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường” tại Bắc Kinh, ông Santa Romana, một quan chức ngoại giao Philippines lại tuyên bố rằng:
Sự tham dự của ông Duterte tại hội nghị thượng đỉnh về Con đường Tơ lụa lần này không thể coi là Philippines đã “từ bỏ” các yêu sách ở Biển Đông.
Thứ hai, năm 2005, Tổng thống Philippines Gloria Arroyo đã ký một thỏa thuận thăm dò dầu khí với Trung Quốc và Việt Nam trên khắp khu vực.
Nhưng thỏa thuận này không triển khai đến đầu đến đũa, khiến bà Arroyo sau đó tuyên bố “không thể tin vào người Trung Quốc”.
Tuy vậy, Philippines hiện nay vẫn tiếp tục hưởng ứng chủ trương này bằng những ngôn từ và lập luận “gây bão” trong dư luận.
Chẳng hạn, Tổng thống Duterte, trong phát biểu tại thành phố Marawi ngày 28/2/2018 (theo CNN Philippines) đã nêu lên khái niệm “đồng sở hữu” và giải thích rằng cả hai nước Philippines và Trung Quốc đều có quyền sở hữu ngang nhau tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, kể cả nguồn tài nguyên tồn tại ở đấy:
“Nó giống như 2 (nước) chúng ta đồng sở hữu. Điều đó tốt hơn nhiều so với chiến tranh".
Philippines có từ bỏ Phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế về Biển Đông không? |
Tuy nhiên, liệu khái niệm “đồng sở hữu” do ông Duterte nêu lên có làm thỏa mãn tham vọng được che đậy bởi chủ trương “hợp tác cùng thăm dò khai thác” do Trung Quốc kiên trì đề xuất và đang tìm mọi cách thực hiện trong hầu hết Biển Đông không?
Theo chúng tôi, nếu đây đúng là lập trường chính thức của Nhà nước Philippines, thì có thể nói rằng Philippines đã từ bỏ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ, chí ít là một nửa các quyền và lợi ích hợp pháp trong các vùng biển và thềm lục địa được xác lập theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Điều này sẽ tạo tiền đề cho Trung Quốc tiếp tục gây sức ép đối với các quốc gia ven biển khác xung quanh Biển Đông để được quyền “cùng thăm dò, khai thác” tài nguyên thiên nhiên trong các vùng biển, thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia này.
Như vậy, Trung Quốc đã thành công trong kế hoạch biến không thành có, biến vùng không có tranh chấp thành vùng tranh chấp, để từng bước khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông.
Tuy nhiên, khi đề cập đến giải pháp này, ông Rodrigo Duterte nhấn mạnh rằng "đồng sở hữu" sẽ được thực hiện ở trong vùng biển tranh chấp, chứ không phải trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines được xác lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Bởi vì, Hiến pháp Philippines năm 1987 nói rằng, các tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa là của riêng của Philippines.
Hiến pháp nước này cấm "khai thác chung" trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Không ai được phép làm trái Hiến pháp, kể cả vị nguyện thủ quốc gia, dù có phát biểu như thế nào đi chăng nữa.
Để minh họa cho nhận xét này, chúng tôi xin đề cập đến phát biểu của Ngoại trưởng Philippines, Alan Peter Cayetano, đầu tháng Hai năm nay cho biết, Philippines và Trung Quốc đang tích cực theo đuổi các cuộc “thăm dò chung” trong các “vùng biển tranh chấp” ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Philippines lưu ý, 2 nước đã đạt được thỏa thuận trong cuộc họp song phương của họ về Biển Đông... (theo Philippines Daily Inquirer ngày 1/3):
“Manila và Bắc Kinh sẽ nghiên cứu riêng về các quy định pháp lý về “thăm dò chung”, trước khi cùng nhau đưa ra một khuôn khổ thống nhất… việc này hoàn toàn tuân thủ Hiến pháp và chịu sự giám sát của Tòa án tối cao Philippines”.
Philippines đồng ý "khai thác chung" ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ thắng |
Như vậy, khái niệm “đồng sở hữu” không được ông Ngoại trưởng nhắc đến trong tuyên bố của mình và phạm vi áp dụng “cùng thăm dò khai thác” trong vùng biển tranh chấp cụ thể là ở đâu.
Ngoài ra, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, Harry Roque, ngay sau phát biểu của ông Rodrgio Duterte, đã lập tức lên tiếng “cải chính” rằng bất kỳ giao dịch nào về năng lượng ở Biển Đông với Trung Quốc sẽ chỉ là những thỏa thuận thương mại.
Các giao dịch đó sẽ được ký kết với các công ty Trung Quốc, không phải với Chính phủ Trung Quốc.
“Chúng tôi có thể đang tiến hành một thỏa thuận với một công ty sở hữu tư nhân Trung Quốc, chứ không phải với công ty nhà nước Trung Quốc”, ông Harry Roque nói.
Thứ ba, các thỏa thuận thương mại có thể chỉ là với các công ty tư nhân, nhưng vấn đề là chúng sẽ được tiến hành trong phạm vi cụ thể nào?
Chúng sẽ phải tuân thủ pháp luật của nước nào, ai cấp phép, ai có quyền giám sát, kiểm tra và xử lý mọi tranh chấp dân sự, hình sự xảy ra giữa các tự nhiên nhân và pháp nhân tham gia thực hiện các thỏa thuận đó?...
Vì vậy, không thể nói là không có liên quan gì đến cơ quan quản lý nhà nước, không liên quan gì đến vấn đề chủ quyền quốc gia.
Nhất là hiện nay đang có những tranh chấp phức tạp liên quan đến việc giải thích, áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tranh chấp về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với các đảo, quần đảo, các thực thể địa lý ở giữa Biển Đông.
Cụ thể, phạm vi triển khai các thỏa thuận thương mại có thể có liên quan đến 2 phạm vi biển thuộc quy chế pháp lý khác nhau:
1. Có thể phạm vi triển khai các thỏa thuận đó lại nằm ở trong vùng biển, thềm lục địa của các quốc gia khác được xác lập theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ở xung quanh Biển Đông.
Về điểm này, chúng tôi xin lưu ý, các quốc gia ven biển ở xung quanh Biển Đông đã vận dụng quy định của UNCLOS 1982 để thiết lập và công bố hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa hay ven bờ quốc gia quần đảo.
Về cơ bản, hệ thống đường cơ sở đã được công bố đều phù hợp với quy định của UNLOCS 1982.
Trừ hệ thống đường cơ sở do Trung Quốc thiết lập và công bố năm 1998 ở quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa, bằng cách đã cố tình vận dụng phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở quốc gia quần đảo cho quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Nếu căn cứ vào hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải đã được công bố phù hợp với UNCLOS 1982, quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo có quyền xác định phạm vi lãnh hải rộng không quá 12 hải lý.
Vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở và thềm lục địa có chiều rộng 200 hải lý, nếu bờ ngoài của rìa lục địa nằm cách đường cơ sở không đến 200 hải lý;
Hay thềm lục địa tối đa không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở, nếu bờ ngoài của rìa lục địa kéo dài ra ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở…
Trong phạm vi vùng đặc quyền và thềm lục địa đó, tất các các thực thể địa lý là những bãi cạn, bãi ngầm, đều là bộ phận cấu thành; không quốc gia nào có quyền “chiếm hữu”, biến chúng thành “lãnh thổ” của mình .
Quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình.
Các quyền chủ quyền này có tính chất đặc quyền, nghĩa là các quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó.
Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố công khai nào… (Điều 77: Các quyền của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa).
Từ đó, chúng ta có thể khẳng định rằng các thực thể địa lý là những bãi cạn, không phải là đảo theo đúng định nghĩa của Điều 121, UNCLOS 1982, nằm trong phạm vi biển rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở của các nước xung quanh Biển Đông là những bộ phận cấu thành của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia đó.
Bởi vì, chúng không “phụ thuộc vào sự chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố công khai nào”.
2. Cũng có thể khu vực “cùng khai thác” lại nằm trong vùng “biển quốc tế”(UNCLOS 1982 gọi là “Biển cả” - “High Sea”) vùng biển nằm ngoài quyền tài phán của quốc gia ven biển.
Ông Rodrigo Duterte cảnh báo Trung Quốc khả năng vũ khí "cướp cò" ở Biển Đông |
Trong trường hợp thứ 2, bất kỳ hoạt động nào tại đây đều phải được điều chỉnh bởi một chế độ pháp lý riêng được quy định chặt chẽ tại Phần VII: Biển cả và Phần XI: Vùng, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Nếu “hợp tác thăm dò, khai thác” trong phạm vi này, cả Trung Quốc và Philippines đều đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà họ là những thành viên chính thức và họ đều vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển khác.
Tại sao chúng tôi có thể có nhận định như vậy?
Bởi vì, căn cứ và UNCLOS 1982 và đặc biệt là nội dung Phán quyết Tòa Trong tài 12/7/2016, đã cung cấp cho chúng ta những căn cứ để tính hiệu lực xác định phạm vi các vùng biển của các thực thể địa lý nằm trong quần đảo Trường Sa.
Theo đó, các đảo nằm trong quần đảo này, xét từ nguyên thủy chúng đều là những đảo quá bé nhỏ, không thích hợp cho đời sống cộng đồng dân cư và không có đời sống kinh tế riêng, cho nên chúng chỉ có vùng lãnh hải tối đa rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở của mỗi đảo đó.
Chúng không có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS 1982.
Vì vậy, ngoài phạm vi lãnh hải 12 hải lý, chỉ có thể là “Biển cả” (“vùng biển quốc tế”) và “vùng” đáy biển và lòng đất ở dưới nằm ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia ven biển, là di sản chung của nhân loại, được điều chỉnh bởi các quy định tại Phần VII: Biển cả và Phần XI: Vùng, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 như đã trình bày nói trên.
Tất nhiên, để xác định cụ thể các phạm vi này là điều không dễ dàng, nó đòi hỏi sự hợp tác nghiên cứu, tính toán một cách khoa học, khách quan và cầu thị của các quốc gia và tổ chức quốc tế liên quan.
Vì vậy, luật sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Luật Biển và Các vấn đề hàng hải của Trường Đại học Philippines đã phát biểu trên phương tiện truyền thông xã hội rằng:
Việc Chính phủ Philippines dự định thực hiện giao dịch bao gồm cả khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) ở Biển Đông, mà Trung Quốc muốn cùng thăm dò là đã ưu ái cho nước láng giềng “quá nhiều và quá sớm” (“giving too much, too soon”).
Luật sư Jay Batongbacal cho rằng, việc Chính phủ Philippines sẵn sàng cùng thăm dò ở khu vực Bãi Cỏ Rong là tạo tiền lệ để Trung Quốc tiếp tục đòi liên doanh ở các vùng lãnh thổ không tranh chấp khác của Philippines.
Chánh án Tòa án tối cao Antonio Carpio đã đồng tình với quan điểm của Luật sư Jay Batongbacal về việc liên doanh được dự tự kiến này và cho rằng, việc chính phủ mời chào Trung Quốc “na ná” với việc coi một nửa Biển Đông là của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm thành phố Bacolod, ông Antonio Carpio đã khẳng định rằng:
“Chắc chắn không còn cách nào khác là nếu chiếu theo Hiến pháp thì Chính phủ Philippines đã biếu cho Trung Quốc một nửa vùng đặc quyền kinh tế, vì đã tạo cho Trung Quốc đồng sở hữu ở đó.
Nếu các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đảm bảo rằng hợp đồng ký với Chính phủ Philippines phải tuân thủ luật pháp của Philippines thì không có vấn đề gì.
Chẳng hạn, tại khu vực Malampaya, một doanh nghiệp nước ngoài, công ty Shell, đã tiến hành khai thác khí đốt trên cơ sở phải tuân theo luật pháp của Philippines.
Vấn đề là nếu thỏa thuận thăm dò ở khu vực Reed Bank theo hình thức “đồng sở hữu” là chúng ta đã chuyển nhượng cho Trung Quốc một nửa khu vực.
Điều này không thể được, vì đó là vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Chúng ta không thể chuyển nhượng quyền chủ quyền của chúng ta được, thậm chí Tổng thống cũng không thể chuyển nhượng quyền chủ quyền thuộc vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta”.
Ông Chánh án Tòa án tối cao Philippines lưu ý, Tòa Trọng tài quốc tế ngày 12/7/2016 đã ra phán quyết rằng vùng đặc quyền kinh tế phía Tây Palawan là thuộc về Philippines.
Thẩm phán Antonio Carpio nói: "Chúng ta có quyền chủ quyền trong việc khai thác mọi tài nguyên dầu khí, khoáng sản và hải sản ở đó”.
Tài liệu tham khảo:
1. Giáo trình Luật quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nhà xuất bản Công an Nhân dân Hà Nội 2008.
2. http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121203/giai-quyet-tranh-chap-bang-thuong-luong-va-luat-phap-quoc-te.aspx Truy cập ngày 21/02/2012
3. Nguyễn Hồng Thao, Tòa án công lý quốc tế, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2000.
4. Vu Duong Ninh (ed.), Bien gioi tren dat lien Viet Nam-Trung Quoc [China‐Vietnam Land boundary], Hanoi (Cong An Nhan Dan ed. 2011).
5. Tôn Sinh Thành, QUAN HỆ BIỆN CHỨNG GIỮA CÔNG TÁC BIÊN GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN (Nghiên cứu Biển Đông,17/03/201)
6. Nguyễn Bá Diến, ÁP DỤNG CÁC NGUYÊN TẮC VỀ THỤ ĐẮC LÃNH THỔ TRONG LUẬT QUỐC TẾ GIẢI QUYẾT HÒA BÌNH CÁC TRANH CHẤP Ở BIỂN ĐÔNG ( Nghiên cứu Biển Đông,15/03/2010 )
7. AFP, Tokyo ngày 21/4/1995. Ngày 20/4/1995, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười đã phát biểu chính thức tại Tokyo rằng: "Quan điểm của Việt Nam là giữ gìn hiện trạng để duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp thay vì là sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực."
8. TS Trần Công Trục: “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, năm 2012.
9. TS Đặng Đình Quý: “Tìm kiếm giải pháp vì hòa bình và công lý ở Biển Đông”,NXB Thế giới, Hà Nội, năm 2015.
10. Hoàng Việt, PHÂN TÍCH CÁC YÊU SÁCH VỀ "ĐƯỜNG LƯỠI BÒ" THEO LUẬT QUỐC TẾ ( Nghiên cứu Biển Đông ,25/02/2010 )
11. Nguyễn Minh Ngọc, QUAN HỆ VIỆT NAM - CAMPUCHIA VÀ VẤN ĐỀ PHÂN ĐỊNH BIÊN GIỚI BIỂN TẠI VỊNH THÁI LAN ( Nghiên cứu Biển Đông, 21/02/2010 )
12. GS Vũ Hải Âu “Tình hình tranh chấp hiện nay ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Tạp chí lịch sử quân sự, Hà Nội , số 6-30 1988.
13. Luật ga Lưu Văn Lợi, “Cuộc tranh chấp Việt – Trung về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” NXB Công an Nhân dân, Hà nội, 1995.
14. M. Clagett Brice, (Bản dịch) “Những yêu sách đối kháng của Việt nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư chính và Thanh Long trong Biển Đông”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.
15. Minh Nghĩa, “Pháp luật quốc tế đối với vấn đề thiết lập chủ quyền lãnh thổ trên các lãnh thổ vô chủ”, Tạp chí Lịch sử Quân sự, Hà Nội, số 6-30, 1988.