Chia sẻ của lãnh đạo cơ sở GDĐH khi được định hướng thành đại học quốc gia, vùng

20/12/2023 06:36
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo đánh giá, dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia căn cứ tiềm lực, uy tín gắn với vai trò, sứ mạng trong hệ thống.

Tại dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng tới năm 2030, phát triển thêm 3 đại học quốc gia trên cơ sở Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách Khoa Hà Nội và phát triển thêm 4 đại học vùng trên cơ sở Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Cần Thơ.

Ngay sau khi có dự thảo, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ghi nhận ý kiến một số cơ sở giáo dục đại học trong lộ trình định hướng trở thành đại học quốc gia, đại học vùng.

Nỗ lực thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế cho biết, dự thảo đã sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo hướng cơ bản giữ ổn định về số lượng và cơ cấu, tập trung tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô của cơ sở giáo dục đại học.

Theo quan điểm của thầy Phương, dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia dựa trên căn cứ tiềm lực, uy tín gắn với vai trò, sứ mạng trong hệ thống giáo dục đại học.

“Riêng về đại học quốc gia và đại học vùng, có thể thấy rằng, các đại học đa lĩnh vực tiếp tục được phát huy thế mạnh, mô hình của những năm đầu mới ra đời ở nước ta với mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp, đảm bảo chất lượng đào tạo thích ứng với một xã hội có nền kinh tế thị trường.

Với Đại học Huế, trên cơ sở là Viện Đại học Huế (năm 1957), sau nhiều thay đổi của lịch sử, gần 30 năm qua kể từ khi được tái lập, Đại học Huế đã khẳng định được vị thế là một chỉnh thể thống nhất với đầy đủ các ngành và bậc đào tạo. Đại học Huế có cơ cấu tổ chức gồm nhiều trường đại học thành viên do Chính phủ thành lập, các cơ sở giáo dục đại học thành viên được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo Luật Giáo dục đại học 2018 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Đồng thời, dựa trên các tiêu chí về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và là một đại học nằm trong vùng kinh tế trọng điểm duyên hải miền Trung. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định nội dung tạo chuyển biến về chất lượng trong giáo dục và đào tạo; đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển vùng.

Thông qua việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động, phát triển Đại học Huế trở thành đại học quốc gia”, Giám đốc Đại học Huế cho hay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế. Ảnh: website trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế. Ảnh: website trường.

Đề cập đến thông tin số lượng giáo sư, phó giáo sư tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương chia sẻ: “Ở những thành phố lớn, kinh tế xã hội phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết nối giữa giảng viên, doanh nghiệp và trường đại học giúp thu hút sinh viên, học viên tham gia học tập. Mối quan hệ này tác động, hỗ trợ lẫn nhau, đơn cử như hoạt động nghiên cứu khoa học được chuyển giao tạo nguồn thu đồng thời nâng cao trình độ của giảng viên, đóng góp cho sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học và xã hội.

Thừa Thiên Huế là 1 trong 6 tỉnh/thành phố dẫn đầu về số lượng giảng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư hàng năm. Song, chính sách thu hút, đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao ở các địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, nguồn lực để thu hút nhất tài còn khiêm tốn, chưa sát với mức thu nhập và sức hấp dẫn trên thị trường lao động. Ngoài ra, chính sách thu hút chưa đồng bộ với chính sách khác như nhà ở, cơ hội thăng tiến.

Chính vì vậy, tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại học Huế đã phối hợp xây dựng hoàn thiện đề án về cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức trình độ cao đến năm 2030 với mục tiêu thu hút, tuyển chọn, phát triển chuyên gia, nhà khoa học vào làm việc trong khu vực công. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực trụ cột như kinh tế, tài chính, pháp luật, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế”.

Cùng bàn luận về nội dung dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, Tiến sĩ Trần Thanh Trúc - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên nhận định, dự thảo rất khoa học, bài bản, chỉnh chu và gắn với định hướng lớn của Bộ Chính trị và toàn ngành giáo dục.

Căn cứ vào Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 72/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk,... thể hiện khá rõ vai trò của Trường Đại học Tây Nguyên.

“Tại dự thảo này, ban lãnh đạo nhà trường cùng cán bộ giảng viên cảm thấy rất mừng nhận được sự quan tâm khi được định hướng phát triển Trường Đại học Tây Nguyên trở thành 1 trong 5 đại học vùng.

Đồng thời, đây cũng là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị nhà trường trong việc rà soát chiến lược phát triển để có những định hướng, chuẩn bị tiền đề, điều kiện để trở thành đại học vùng, đặc biệt là hình thành các trường trong trường đại học theo chiến lược phát triển của nhà trường trước đó.

Hiện, trường tập trung hoàn thiện đề án báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sáp nhập Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk; thực hiện đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phấn đấu Khoa Y dược trở thành Trường Y dược trực thuộc Trường Đại học Tây Nguyên”.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên. Ảnh: website trường.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên. Ảnh: website trường.

Thầy Trúc cho hay, với hơn 46 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Tây Nguyên khẳng định được vai trò, vị thế cũng như nhiệm vụ chính trị của trường đối với vùng và người dân Tây Nguyên. Cụ thể là đào tạo và đóng góp nguồn nhân lực chất lượng; nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ cho cộng đồng khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung cũng như trên cả nước. Thông qua quy hoạch này thể hiện rõ kỳ vọng phát triển vùng, địa phương trong thời gian tới.

Cũng theo Tiến sĩ Trần Thanh Trúc, cùng với sự phát triển của giáo dục đại học cùng với cơ chế thị trường, để “giữ chân” và phát triển đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ Trường Đại học Tây Nguyên cùng với một số cơ sở đại học gặp rất nhiều khó khăn do môi trường làm việc và đặc biệt là thu nhập.

“Tuy nhiên, nhà trường luôn cố gắng nỗ lực, đảm bảo được quá trình hoạt động chuyên môn của thầy, cô được duy trì. Đồng thời, tạo điều kiện để giảng viên ngoài làm việc về chuyên môn còn có thể tham gia nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học theo hướng chuyên môn nghề nghiệp để cải thiện thêm thu nhập, gắn bó hơn với trường.

Bên cạnh đó, nhà trường có chính sách thu hút giảng viên trình độ tiến sĩ. Kết quả trong 3 năm vừa qua, trường thu hút được 5 tiến sĩ, đồng thời, trường cũng nghiên cứu tìm ra giải pháp để giữ chân, phát triển và thu hút được đội ngũ giảng viên chất lượng cao, chuyên môn giỏi.

Mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành chính sách ưu đãi thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột. Điều này tác động tích cực đến nguồn nhân lực của trường hiện nay, song đặt ra yêu cầu thực tiễn là các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cần tăng cường, nâng cao năng lực đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực xã hội.”, Tiến sĩ Thanh Trúc nói.

Phấn đấu đạt chuẩn cơ sở vật chất trong bối cảnh cạnh tranh

Từ thực tế hiện nay các trường đại học chủ yếu tập trung ở thành phố lớn trong khi diện tích đất để xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm,... có hạn. Bày tỏ quan điểm về nội dung này, thầy Trúc nhận định: “Để đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực cần dựa trên nhiều yếu tố như giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất,... Trong điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng như hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học chủ động tìm giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người học bằng cách liên kết với các doanh nghiệp, tạo môi trường thực hành thực tập cho sinh viên.

Do cơ chế cạnh tranh, nếu các trường đào tạo không tốt, không đảm bảo chất lượng ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, “sản phẩm” đầu ra. Nhận thức được điều đó, trường đã nỗ lực rất nhiều”.

Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Đại học Huế cho rằng, cơ sở vật chất là yếu tố đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học. Sự thiếu hụt hoặc không đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất là thách thức lớn, hạn chế việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.

Sự cạnh tranh về chất lượng đào tạo hiện đang là một xu thế tất yếu của các trường đại học. Do đó, một cơ sở giáo dục đại học có vật chất tiên tiến, hiện đại cũng là một trong những tiêu chí lựa chọn hàng đầu của sinh viên”.

Tại Luật Giáo dục đại học 2018 có nêu: “Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương, nội dung này khẳng định vai trò, vị trí của đại học quốc gia, đại học vùng trong chiến lược phát triển quốc gia.

Giám đốc Đại học Huế nhấn mạnh: “Mô hình đại học quốc gia hay đại học vùng ban đầu rất mới mẻ nhưng với chủ trương, chính sách đúng đắn, nhất quán và sự chỉ đạo thường xuyên của Đảng, Chính phủ cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp của Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương và sự phát huy nội lực, các đại học quốc gia, đại học vùng đã phát triển không ngừng, từng bước khẳng định vị trí nòng cốt, đầu tàu trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Để quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng mong đợi của tất cả các bên liên quan là một vấn đề khó, đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để đảm bảo sự hài hòa, mang tính khả thi và hiệu quả nhất?”.

Với việc thành lập thêm đại học quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu rất kỹ, ngoài yếu tố đa ngành, đa lĩnh vực, theo tôi cần xét đến các yếu tố như bề dày truyền thống, sự lớn mạnh của đội ngũ và địa bàn nơi mà trường đại học “đứng chân”. Đặc biệt là phải căn cứ và thực hiện đúng tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ về định hướng phát triển các đại học, trường đại học”.

Thảo Ly