Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật bị rút ngắn thời gian đào tạo nên không chuyên sâu

29/08/2023 06:32
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Cần xem xét lại chế độ phụ cấp cho giáo viên dạy lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi sáp nhập.

Thực tế hiện nay, công tác tuyển sinh vào đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thuận lợi hơn, đặc biệt là đối với các khối ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin. Tuy nhiên, đối với các khối ngành đặc thù, truyền thống như văn hóa nghệ thuật vẫn tồn tại một số bất cập.

Nỗi lo thiếu nguồn nhân lực nghệ thuật truyền thống của địa phương

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về tình hình tuyển sinh năm nay của trường, thầy Chung Quốc Toản – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk cho hay, công tác tuyển sinh năm nay của trường đã thuận lợi nhiều hơn so với những năm trước. Đến thời điểm hiện tại, trường đã tuyển sinh đạt 80% chỉ tiêu được giao.

Đặc biệt, ngành Múa dân gian dân tộc của trường những năm trước đều khó tuyển sinh nhưng năm nay đã thuận lợi hơn.

Theo thầy Toản, để tuyển sinh thuận lợi, các nhà trường phải đưa được đầy đủ thông tin, lợi ích đến với người học. Đặc thù của khu vực Tây Nguyên là nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy, có rất nhiều chính sách của nhà nước hỗ trợ cho người học.

Tuy nhiên, khả năng tiếp cận thông tin của các em ở vùng khó còn hạn chế, vậy nên, thầy và nhà trường đã đi tư vấn tuyển sinh trực tiếp tại các hộ dân, bản làng ở vùng sâu vùng xa để có thể tiếp cận được nhiều em có tài năng, có năng khiếu tham gia vào học văn hóa nghệ thuật hơn.

Học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk (Ảnh: Website nhà trường).

Học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk (Ảnh: Website nhà trường).

Hơn nữa, thực hiện chủ trương của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội là tăng cường tính tự chủ trong xây dựng chương trình học, trường đã có những thay đổi trong chương trình đào tạo để phù hợp hơn với sự phát triển của địa phương cũng như xu thế của xã hội.

Là một trong những đơn vị đào tạo văn hóa nghệ thuật của khu vực Tây Nguyên, trường đã đưa Âm nhạc dân gian Tây Nguyên thành một môn học chính khóa trong tất cả các ngành học. Từ đó, các em sau khi ra trường đi làm sẽ có cơ hội việc làm rộng mở hơn, vừa có thể làm những công việc hiện đại, vừa có thể chọn làm những lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống của địa phương.

Bên cạnh đó, khi tham gia học tại trường, người học sẽ được trang bị được kiến thức, kỹ năng giúp các em có đủ khả năng học lên bậc cao hơn nếu có nhu cầu.

Với đặc thù của địa phương hiện nay, hầu như các bạn học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đều có việc làm như kết hợp nghệ thuật với du lịch, qua đó quảng bá văn hóa truyền thống của địa bàn với khách trong nước và nước ngoài.

Mặt khác, thầy Toản cho biết thêm, việc tuyển sinh hệ trung cấp của trường cũng thuận lợi hơn tuyển sinh cao đẳng, ví dụ có 100 em vào trường thì chỉ có 20 em là đăng ký học cao đẳng. Bởi, kinh tế của người dân trên địa bàn còn khó khăn nên vấn đề liên quan đến học phí là rất quan trọng, trong khi đó, sau cấp trung học cơ sở nếu học sinh lựa chọn vào học trường trung cấp nghề sẽ được miễn giảm học phí.

Hơn nữa, thường các em theo định hướng nghệ thuật sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ lựa chọn vào các học viện, trường đại học nhiều hơn thay vì vào cao đẳng.

Ngoài ra, về cơ sở vật chất, các trang thiết bị dạy và học của khoa do được đầu tư từ lâu, xây dựng manh mún nên hiện tại chưa đạt chất lượng.

Cùng bàn về thực trạng tuyển sinh khối ngành văn hóa nghệ thuật tại các hệ trung cấp, cao đẳng, thầy Nguyễn Văn Cần – Trưởng khoa Văn hóa nghệ thuật (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) cho hay, công tác tuyển sinh của trường năm nay được thuận lợi hơn những năm trước. Đến thời điểm hiện tại, khoa đã tuyển sinh được 2 lớp cao đẳng và đang tuyển sinh thêm 3 lớp trung cấp nữa.

Để đạt được kết quả tốt như vậy, theo thầy Cần, khoa đã tích cực chủ động trong công tác tuyển sinh như kết hợp với các nền tảng mạng xã hội để có thể truyền tải thông tin chương trình tốt nhất có thể đến với người học.

Học sinh, sinh viên khoa Văn hóa nghệ thuật, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn trong giờ học (Ảnh: Website nhà trường).

Học sinh, sinh viên khoa Văn hóa nghệ thuật, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn trong giờ học (Ảnh: Website nhà trường).

Ngoài ra, khoa nhận được thêm thuận lợi do trường cũng thực hiện liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn để tất cả các khoa có thể gia tăng số lượng học sinh sau trung học cơ sở vào trường lựa chọn vừa học chương trình văn hóa vừa học chương trình hệ trung cấp.

Trong các ngành mà khoa đào tạo, Hội họa và Thanh nhạc là hai ngành tuyển sinh được tốt nhất do cơ hội việc làm rộng mở hơn bởi sự phát triển du lịch của địa phương, các công việc như trang trí, thiết kế homestay, khách sạn, biểu diễn tại nhà hàng, khu du lịch,…đang cần nhiều nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, có một số ngành dù xã hội có nhu cầu nhưng lại khó tuyển sinh như organ, guitar,… phần vì người học phải được đầu tư nhạc cụ trong khi kinh tế người dân trên địa bàn còn khó khăn, phần vì chương trình học về nhạc cụ tương đối khó nên nhiều em ngại học, một số em khi vào học rồi lại nghỉ học giữa chừng.

Tuy nhiên, các ngành về nghệ thuật truyền thống của khoa như Nghệ thuật Tuồng, Ca kịch Bài Chòi hiện nay đã dừng tuyển sinh do đã 3 năm không tuyển được người học.

Theo thầy Cần, việc không tiếp tục đào tạo những ngành nghệ thuật truyền thống tất yếu sẽ ảnh hưởng đến việc mai một nguồn nhân lực này để giữ gìn nền văn hóa nghệ thuật truyền thống của địa phương.

Vậy nên, Nhà hát truyền thống trên địa bàn dự định liên kết với trường để mở đào tạo lại ngành nghệ thuật truyền thống nhưng việc mở lại ngành đã dừng tuyển sinh là rất khó khăn.

Về cơ sở vật chất, ký túc xá của nhà trường, thầy Cẩn bày tỏ, từ sau khi sáp nhập, khoa được nhà trường và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định quan tâm đầu tư cơ sở vật chất mới, đạt chuẩn; được đầu tư bài bản cả âm thanh, ánh sáng, sân khấu biểu diễn, nhạc cụ,…

Mặt khác, chia sẻ về khó khăn chung của các trường trung cấp, cao đẳng hiện nay, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk cho hay, trước kia, các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hệ trung cấp được đào tạo từ 4 năm đến 6 năm. Tuy nhiên, là từ khi trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, chương trình học bị rút ngắn thời gian đào tạo chỉ còn 3 năm nên không được chuyên sâu bằng trước kia.

Bên cạnh đó, việc sáp nhập một cách cơ học của các trường trung cấp, cao đẳng đào tạo văn hóa nghệ thuật với các trường nghề đang đào tạo lĩnh vực khác hiện nay là việc làm rất sai lầm bởi đào tạo văn hóa nghệ thuật vốn không thể giống như các ngành nghề khác. Điều này đang gây khó khăn trong việc tuyển sinh, đào tạo cho khối ngành văn hóa nghệ thuật của nhiều trường cao đẳng, trung cấp hiện nay sau khi sáp nhập.

Trưởng khoa Văn hóa nghệ thuật (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) cũng bày tỏ về khó khăn sau khi khoa được sáp nhập vào trường.

Theo thầy Cẩn, các Bộ có liên quan như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính cần xem xét lại chế độ phụ cấp cho giáo viên dạy lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Trước kia, theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ, nhà giáo công tác tại trường năng khiếu nghệ thuật được hưởng mức phụ cấp 50% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, trở thành một khoa nên các giáo viên của khoa Văn hóa nghệ thuật (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) không còn được hưởng phụ cấp này nữa.

Ngoài ra, cần có sự lưu tâm hơn khi thực hiện việc sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đối với khối trường trung cấp, cao đẳng đào tạo văn hóa nghệ thuật như sắp xếp các nhóm nghề làm sao cho phù hợp để thuận tiện hơn trong công tác đào tạo, giảng dạy, gìn giữ những văn hóa nghệ thuật truyền thống không bị mai một.

Khánh An