Loại bỏ văn mẫu cần bắt đầu từ "dạy theo mẫu", "giáo án mẫu"

28/08/2021 07:13
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Văn mẫu không chỉ tạo ra sự thụ động ở các em học sinh mà còn làm cho giáo viên dạy văn ‘lười’ vận động chất xám trong quá trình giảng dạy", cô Huyền cho hay.

Học sinh chán học, phụ huynh coi thường môn Ngữ văn

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục phổ thông.

Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu năm học mới các trường Trung học phổ thông phải thực hiện giáo dục với mục tiêu học thật, thi thật. Riêng đối với môn Ngữ văn, phải chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu.

Thạc sĩ Trần Thị Thanh Huyền, Trưởng bộ môn Ngữ văn, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Khánh Hòa. (Ảnh NVCC)

Thạc sĩ Trần Thị Thanh Huyền, Trưởng bộ môn Ngữ văn, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Khánh Hòa. (Ảnh NVCC)

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Thạc sĩ Trần Thị Thanh Huyền, Trưởng bộ môn Ngữ văn, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Khánh Hòa cho biết:

“Là một người yêu văn, dạy văn tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của Bộ trưởng. Văn mẫu là sản phẩm sai lầm của hệ thống giáo dục chạy theo chỉ tiêu thành tích và học với mục đích chỉ để qua các kỳ thi. Đó là một trong những lí do khiến học sinh ngày càng chán học môn Ngữ văn và phụ huynh coi thường môn học này”.

Thực tế, đã có những giáo viên sững sờ khi nhìn thấy các nội dung trong bài làm văn của nhiều học sinh không hề liên quan đến nhau. Thậm chí có học sinh còn lấy nội dung của bài này để làm một bài văn khác. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi học sinh bị phụ thuộc nhiều vào văn mẫu, ép bản thân mình học thuộc, học vẹt để có thể đối phó qua các bài kiểm tra, các kỳ thi trong nhà trường.

Nhiều giáo viên chấm thi môn Ngữ văn đã dở khóc, dở cười khi chứng kiến những bài phân tích cùng một đoạn thơ trong một bài, khổ đầu phân tích rành mạch, nhiều ý tứ nhưng khổ thứ hai thì không có một chữ nào mà để trống giấy trắng. Về cơ bản là các em bị phụ thuộc vào văn mẫu, dẫn đến học tủ nên nếu trúng tủ kỳ thi có thể đạt điểm số cao nhưng hiệu quả trong việc học gần như không có.

Theo cô Trần Thị Thanh Huyền, văn mẫu không chỉ triệt tiêu sự sáng tạo của học sinh mà còn làm giảm nhiệt huyết, tình yêu nghề, thậm chí thui chột về chuyên môn của các thầy cô giáo.

“Văn mẫu không chỉ tạo ra sự thụ động ở các em học sinh mà còn làm cho giáo viên dạy văn ‘lười’ vận động chất xám trong quá trình giảng dạy. Nhiều thầy cô dạy văn phụ thuộc vào văn mẫu và mất dần khả năng sáng tạo.

Nhiều giáo viên dạy văn luôn theo một mô-típ được sao chép từ văn mẫu, được sử dụng từ năm này qua năm khác. Nhiều nơi, nhiều trường và nhiều giáo viên còn cho rằng học sinh phải viết đúng nguyên vẹn bài của mình đã đưa ra. Thậm chí, kể cả đúng nhưng khác với bài mẫu của giáo viên cũng không được điểm cao. Mà ý văn của giáo viên đó là ở đâu ra? Ở văn mẫu. Như vậy thì còn đâu tư duy sáng tạo trong văn học?”, cô Huyền chia sẻ.

Theo cô Trần Thị Thanh Huyền, hiện nay cũng rất nhiều giáo viên dạy văn khuyến khích học sinh sáng tạo và vẫn được điểm cao dù không giống văn mẫu. Tuy nhiên điều đó khá hiếm vì học sinh không được dạy phải tư duy độc lập và sáng tạo như thế nào trong môn Ngữ văn.

“Phụ thuộc và sử dụng văn mẫu trong quá trình dạy và học môn Ngữ văn khiến tình yêu đối với môn học này mất đi. Đáng ngại hơn là khả năng tư duy độc lập về ngôn ngữ, kỹ năng nói và viết của học sinh hiện nay rất yếu. Việc phát triển ký năng giao tiếp, viết, nói cho học sinh là vô cùng cần thiết, đó là yếu tố cơ bản để các em có thể diễn đạt tốt, thành công trong học tập, xã hội và tương lai”, cô Huyền nhận định.

Thay đổi tư duy dạy và học

Cô Trần Thị Thanh Huyền cho rằng để xóa bỏ văn mẫu thành công trước hết phải bắt đầu từ chương trình học và sách giáo khoa môn Ngữ văn.

“Tinh thần đổi mới giáo dục của chúng ta đang hướng tới phát huy năng lực người học, hy vọng với định hướng đó sẽ đáp ứng được vấn đề tự học, sáng tạo và loại bỏ văn mẫu trong việc dạy, học môn Ngữ văn.

Thay đổi chương trình, sách giáo khoa thì nội dung phải giảm bớt tính hàn lâm, tăng tính thực hành, trải nghiệm để tạo sự vận động chất xám, tăng khả năng tiếp thu, sáng tạo của học sinh.

Ngoài ra, cần có những hướng dẫn thiết thực, cụ thể, bám sát vào chương trình để giáo viên thực hiện thành công chương trình giáo dục mới. Chính các giáo viên phải chủ động, sáng tạo, bỏ những suy nghĩ thu động về văn mẫu, giáo án “mua”, sao chép lại giáo án mẫu. Có như vậy mới tăng thêm nhiệt huyết, tâm huyết và tình yêu với nghề giáo dạy văn”, cô Huyền bày tỏ.

Việc đổi mới cách kiểm tra, đánh giá ở tất cả các cấp học cũng như thay đổi nhận thức của phụ huynh xã hội về điểm số, về môn chính, môn phụ cũng được cô Thanh Huyền chú trọng.

Nhiều người cho rằng môn Ngữ văn là môn học thuộc, môn học của từ ngữ mà không xem trọng môn học, đặc biệt là những học sinh theo khối tự nhiên. Tuy nhiên, điều mà các học sinh hướng đến là sự phát triển những kiến thức về diễn đạt, về trình bày và xa hơn là về giao tiếp, tất cả phần lớn là những điều mà môn Ngữ văn mang lại.

Lấy ví dụ từ bản thân mình cô Thanh Huyền cho hay: “Bản thân tôi có hai con, một bạn chuẩn bị vào lớp 10, một bạn lên lớp 8. Lâu nay tôi luôn dạy các cháu viết theo suy nghĩ của mình và nói không với văn mẫu.

Thực tế các bạn làm được và làm sáng tạo. Vì thế tôi cho rằng, nếu giáo viên biết cách dạy, định hướng tốt, phụ huynh không quá quan trọng điểm số học sinh sẽ làm tốt bài của mình mà không cần văn mẫu”.

Cũng theo cô Trần Thị Thanh Huyền, việc quan niệm về điểm số trong học tập là chạy theo thành tích và ngay cả việc sử dụng văn mẫu cũng chính là hành động “tiếp sức” cho cuộc đua đó.

Nhiều học sinh chủ động tư duy để sáng tạo được những bài văn hay nhưng chỉ vì định hướng theo đúng yêu cầu thụ động của giáo viên dẫn tới điểm kém. Thêm vào đó, quan niệm về điểm số của phụ huynh, xã hội khiến các em học sinh không dám sáng tạo ngoài bài mẫu của cô giáo. Đó là một điều trái ngược hoàn toàn với tư duy của môn Ngữ văn trong nhà trường.

Văn học là môn học giúp các em hoàn thiện hơn về những kiến thức xã hội trong cuộc sống, biết điều hay lẽ phải, biết giao tiếp, ứng xử. Chính vì vậy, việc dựa dẫm, nhờ vả vào văn mẫu quá nhiều sẽ khiến những kiến thức để phát triển tư duy xã hội trong môn học này bị thui chột, sáo rỗng. Học sinh sẽ như thế nào nếu ngay cả viết, nói và trình bày đều nhờ vào khuôn mẫu?

“Để loại bỏ được hoàn toàn việc sử dụng văn mẫu cần sự phối hợp từ học sinh, giáo viên, phụ huynh và xã hội về sự chủ động, sáng tạo và bỏ hết những tư duy về chỉ tiêu thành tích, điểm số. Phải như vậy thì cuộc đấu tranh để văn mẫu không tồn tại trong hệ thống giáo dục mới có hiệu quả”, cô Huyền khẳng định.

Cao Kim Anh