Trong cuốn sách “Lợi thế của con người trong cuộc cách mạng 4.0” tác giả Greg Orme đã chỉ ra những khía cạnh mà con người có thể đào sâu phát triển để không bị vứt bỏ lại phía sau trong “cuộc chiến” với AI- trí tuệ nhân tạo trong cuộc cách mạng 4.0.
AI đang thở vào sau cổ của bạn rồi!
“Lợi thế của con người trong cuộc cách mạng 4.0” là tác phẩm đạt giải thưởng ‘Cuốn sách kinh tế hay nhất năm 2020 tại Anh quốc. Ở phần một của cuốn sách, tác giả Orme đã chỉ cho độc giả thấy được tốc độ phát triển của trí tuệ nhân tạo, và cách nó trở thành thách thức với trí tuệ con người như hiện nay.
Không chỉ là những chiếc máy tính được cập nhật đầy đủ dữ liệu, có khả năng tính toán để đánh bại các nhà vô địch về cờ vua trên thế giới; đó còn là loại trí tuệ nhân tạo có thể tự cập nhật, học hỏi và tiến bộ sau vài giờ đồng hồ như Alpha Go.
“Lợi thế của con người trong cuộc cách mạng 4.0” là tác phẩm đạt giải thưởng ‘Cuốn sách kinh tế hay nhất năm 2020 tại Anh quốc. |
Các lập trình viên không dạy Alpha Go cách chơi game, mà họ dạy nó học cách chơi game như thế nào. Và kết quả là Alpha Go đã thắng nhà vô địch cờ vây thế giới Lee Sedol với chiến thắng áp đảo 4:1 trong trò chơi đươc coi là đỉnh cao trí tuệ với số bước đi có thể lớn hơn cả lượng nguyên tử trong vũ trụ này. AI đã rất lớn mạnh, đang cạnh tranh mạnh mẽ với con người; và nó sẽ còn lớn mạnh nữa.
Ngày nay, không chỉ có các chủ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang có xu hướng tìm mua các loại máy móc mới, thay thế cho lực lượng nhân sự làm các công việc có tính chất lặp đi lặp lại; mà rất nhiều hãng luật hàng đầu hiện nay đã tận dụng AI để thực hiện các công việc phức tạp hơn như hoạt động thẩm định trước phiên tòa chính; điều mà trước kia được thực hiện bởi nhiều nhóm nhân viên. Hãng thông tấn Bloomberg hiện đã sử dụng AI để viết các bản tin kinh tế, thể thao… không hề khác biệt so với các phóng viên thông thường.
Đưa ra những thông tin này, tác giả Orme không chỉ nhằm mục đích cảnh báo cho con người về sự phát triển và cạnh tranh của trí tuệ nhân tạo; mà ông còn gửi gắm đến độc giả thông điệp: để có thể “sống sót” trong thế giới của trí tuệ nhân tạo, con người cần phải biết tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, tạo ra sự khác biệt, chứ không phải là cạnh tranh với nó.
Thực tế, dù bạn là ai, trong tương lai rất gần, bạn sẽ luôn phải tương tác với AI trong hầu hết mọi khoảnh khắc của cuộc sống. AI tìm kiếm con đường ít tắc nhất cho bạn đi làm, gợi ý những thông tin phù hợp với bạn, dùng ma-nơ-canh ảo để chọn size quần áo phù hợp với bạn…Thậm chí khi ứng tuyển một công việc mới, sau khi vượt qua các bài kiểm tra của AI bạn mới được tiếp cận những nhà tuyển dụng thực sự…
Lợi thế của con người trong cuộc cách mạng 4.0
Trong phần 2 của cuốn sách, tác giả Orme đã chỉ ra cách thức giúp mỗi người có thể xây dựng được lợi thế trong thời đại bùng nổ của trí tuệ nhân tạo. Lợi thế đó được xây dựng dựa trên nền tảng nhóm 4 kỹ năng- gọi là 4 chữ C bao gồm: khả năng nhận thức (consciousness), trí tò mò (curiosity), khả năng sáng tạo (creativity) và kỹ năng hợp tác (collaboration).
Bốn kỹ năng này được tác giả chọn lọc cẩn thận từ rất nhiều nghiên cứu về những kỹ năng cần thiết của con người trong thế kỷ 21, cũng như từ trải nghiệm của cá nhân. Trong đó khả năng nhận thức là kỹ năng quan trọng nhất, cánh cửa dẫn đến các kỹ năng còn lại.
Khi nhận thức được việc bản thân có thể tạo ảnh hưởng đối với thế giới, đồng thời nhận ra được những ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ, mỗi người mới có thể lên kế hoạch để đầu tư nhiều thời gian, năng lượng của mình vào việc khám phá, sáng tạo và hợp tác.
Trong khi đó, trí tò mò và khả năng sáng tạo sẽ là kỹ năng giúp con người trở nên khác biệt và không thể bị thay thế bởi máy móc. Thực tế, AI đang chứng tỏ sự vượt trội của mình trong các kỹ năng phân tích, tối ưu hóa, lặp lại, đề cử; nhưng việc đặt câu hỏi và ra quyết định, chăm sóc, sáng tạo, truyền cảm hứng thì lợi thế vẫn nghiêng về con người, đặc biệt là việc sáng tạo và truyền cảm hứng.
Tác giả Orme viết: “Con người chúng ta có nhiều siêu năng lực có thể kể đến như sự khéo léo, hiểu biết xã hội, kỹ năng cảm xúc, tính sáng tạo, tưu duy phản biện, hợp tác… Con người cũng tốt hơn nhiều ở khoản nhìn xa trông rộng. Và AI hiệu quả nhưng không hề thông minh”.
Đáng nói hơn nữa, trong 4 chương thuộc phần hai của cuốn sách, tác giả không chỉ chỉ ra lợi thế của con người so với trí tuệ nhân tạo, mà ông còn đưa ra 8 bài tập thực tiễn- được đặt tên là “Bước nhảy”- để mỗi người có thể phát triển 4 kỹ năng quan trọng kể trên cho bản thân.
Đặc biệt, ông giúp mỗi người phá bỏ định kiến: “sáng tạo” là khái niệm chỉ dành cho người làm nghệ thuật, hoặc chỉ bậc thiên tài mới có óc sáng tạo. Theo Orme ai cũng có khả năng sáng tạo và nhờ vào AI, mỗi người đều có thể thúc đẩy khả năng sáng tạo của mình, đưa nó lên tầm cao mới.
“Lợi thế của con người trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0” là cuốn sách phù hợp với tất cả những ai muốn thành công, hoặc muốn người thân, con cái của mình thành công trong một thế giới mà trí tuệ nhân tạo đang ngày càng lớn mạnh và mở rộng tầm ảnh hưởng. Cuốn sách cũng phù hợp với các nhà giáo dục đang xây dựng các định hướng đào tạo hay ngày ngày rèn luyện những khả năng tốt nhất cho các học viên của mình.
“Lợi thế của con người trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0” nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ các chuyên gia, doanh nhân nổi tiếng trên thế giới. Nhận xét về cuốn sách, Brian K. Bacon, Tổng giám đốc điều hành thuộc nhóm lãnh đạo Oxford viết: “’Lợi thế của con người trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0’ là một công cụ định hướng quyền năng cho những người đang tìm kiếm một chiếc la bàn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Tác giả cuốn sách Greg Orme là Giám đốc Trung tâm doanh nghiệp sáng tạo tại Trường kinh doanh London; đồng thời là một tác giả, diễn giả nổi tiếng. Các công trình nghiên cứu và chia sẻ của ông tập trung tìm hiểu cách thức con người và các tổ chức phát triển trong một thế giới có tốc độ thay đổi chóng mặt như hiện nay- thông qua việc phát triển các hành vi và văn hóa củng cố sáng tạo, đổi mới và tinh thần kinh doanh.