Cuối năm, khi đào rừng miền biên thùy đã hé nở những cánh hoa đầu tiên báo hiệu mùa xuân mới lại đến. Những ngày này, ở Sóc Hà, bà con các dân tộc vùng biên cương cũng chuẩn bị tết bận rộn lắm.
Trong không khí ấy, có một người lính cũng bận rộn không kém, nhưng anh không bận rộn chuẩn bị tết mà anh bận rộn để chuẩn bị kế hoạch, chuẩn bị giáo án cho một lớp học đặc biệt, lớp học xóa mù chữ nơi biên cương.
Người lính, thầy giáo quân hàm xanh ấy chính là Thượng úy Chu Thanh Xuân, Đội trưởng đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng Sóc Giang ( Hà Quảng, Cao Bằng).
Ngày cuối năm, biên cương chìm trong sương mù giá lạnh, vừa tan tầm, khi mà mọi người chuẩn bị nghỉ trưa, lúc đó Thượng úy Chu Thanh Xuân lại tất bật vượt đèo lên lớp trên Lũng Rài.
Đường lên lớp của thầy giáo Chu Thanh Xuân. (Ảnh: LC) |
Lũng Rài, là một xóm nằm trên địa bàn hẻo lánh của xã Sóc Hà, cả xóm có 21 hộ, 102 nhân khẩu và 100% dân tộc Dao, Lớp học xóa mù của Thượng úy Chu Thanh Xuân có 27 học viên chủ yếu là phụ nữ và người cao tuổi.
Buổi tối, Thượng úy Xuân lại cùng thầy giáo Tiểu học Sóc Giang đến với lớp học tương tự ở Lũng Củm. Xóm Lũng Củm có 39 hộ, 181 nhân khẩu; xóm Lũng Rài có 21 hộ, 102 nhân khẩu và 100% dân tộc Dao. Tính cả xóm Lũng Củm, lớp học có 46 học viên độ tuổi từ 15 - 60 tuổi.
Theo chia sẻ của lãnh đạo đồn Biên phòng Sóc Giang, theo kế hoạch, lớp học sẽ hoàn thành chương trình trong năm 2019, sau đó kiểm tra đánh giá kết quả học tập của các học viên.
Lớp học do các cán bộ của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Sóc Giang cùng một số giáo viên của Trường Tiểu học Sóc Giang trực tiếp giảng dạy.
Do đặc thù 2 xóm còn nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, số lượng người mù chữ còn cao nên công tác mở lớp xóa mù chữ cho các đối tượng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một việc làm cần thiết giúp cho họ có kiến thức, biết đọc, biết viết nâng cao dân trí.
Việc khai giảng lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn với mục đích xóa mù chữ cho các học viên mù chữ và tái mù chữ, nhằm giảm thiểu số dân không biết chữ đến biết đọc, biết viết, biết tính toán và hiểu thêm về kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp trong cộng đồng để vận dụng vào trong cuộc sống lao động sản xuất.
Qua đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác phổ cập giáo dục, chống mù chữ, về trách nhiệm phải học để biết chữ và quyền được biết chữ của mỗi người dân.
Chia sẻ về lớp học, Thượng úy Chu Thanh Xuân cho biết: “Tuy phải bắt đầu lại từ đầu nhưng mọi người rất nhiệt tình học.
Thời gian học tập theo đề nghị của dân thì học từ 11h đến 13h trưa và một lớp trên Lũng Củm sẽ học thời gian tối 19h đến 21h.
Đặc thù lớp học là học viên lớn tuổi. Độ tuổi trung bình của các lớp này vào khoảng 25 tuổi trong độ tuổi lao động, đặc biệt có một số chị em là chưa từng cầm bút bao giờ, chưa từng thấy mặt chữ bao giờ.
Việc giảng dạy cho các học viên cũng gặp khá nhiều khó khăn vì trưa đi học, chiều đi làm nương, mai hỏi lại thì lại quên hết.
Dù bắt đầu từ những kỹ tự đầu tiên, dẫu còn khó khăn nhưng những lớp học xóa mù đang mở ra một tương lai tươi sáng cho vùng đất khó. (Ảnh: LC) |
Các học viên đến không đều nên nhiều lúc hôm nào cũng như buổi mới bắt đầu. Tuy nhiên, dù các bác các chị lớn tuổi nhưng mọi người rất hiếu học, muốn biết cái chữ nên cũng có động lực để đứng lớp”.
Thầy giáo Xuân cũng cho biết, với đặc thù là các học viên lớn tuổi nên các lớp học xóa mù chữ không tránh khỏi việc e dè khi đi học.
Tuy vậy là người hoạt động trong công tác vận động quần chúng nhiều năm, đồng thời cũng là người dân tộc Dao nên Thượng úy Xuân cũng có những thuận lợi nhất định.
Theo đó, bằng những lời ân cần thăm hỏi, động viên các học viên tại các lớp học đặc biệt, Thượng úy Xuân đã giúp đồng bào mạnh dạn hơn, thậm chí sau một số buổi học chính những học viên ấy lại rất tích cực phát biểu, xây dựng bài.
Với những từ ngữ khó giải thích, thầy giáo lại giải thích bằng ngôn ngữ của người Dao nên mọi việc được Thượng úy Xuân đánh giá là "tạm thuận lợi bước đầu".
Có lẽ, ở nơi đồng bào còn nhiều khó khăn thì cái đói, cái nghèo cứ át đi tầm quan trọng của con chữ.
Đến khi cuộc sống đang dần đổi thay thì lại vướng sự mặc cảm ngại ngùng của những người không biết đến con chữ.
Những người dân ở Lũng Củm, Lũng Rài đang bắt đầu hành trình mới, hành trình học chữ để đổi thay nâng cao cuộc sống cho chính bản thân mình. Đóng góp vào hành trình ấy có những người thầy tâm huyết như thầy giáo Chu Thanh Xuân.
Với bộ đội biên phòng, "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào địa phương là anh em ruột thịt" không chỉ là lời hứa mà đã trở thành phương châm để hành động, thành niềm hạnh phúc của anh cùng đồng đội.
Những người lính cùng dân địa phương đã chan hòa cùng nhau sống, xây dựng, bảo vệ biên giới.
Xóm Lũng Củm đang ngày càng đổi thay, xóa nghèo. |
Và không phải ngẫu nhiên người dân các xã: Trường Hà, Sóc Hà và Nà Sác của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng gọi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Sóc Giang bằng cái tên thân mật “Bộ đội Sóc Giang”.
Đồng bào nơi đây quý mến các anh bởi “Bộ đội Sóc Giang” luôn đồng cảm, sẻ chia và giúp đỡ địa phương bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả…
Nhiều năm nay, miền biên cương Sóc Hà (Hà Quảng, Cao Bằng) đã có nhiều thay da đổi thịt, người dân vùng biên giới này đời sống đã khấm khá hơn.
Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng người dân không còn lo cái đói, cái rét như trước nữa.
Sự thay đổi đáng kể đó có một phần không nhỏ của những người lính biên phòng, thầy giáo mang quân hàm xanh như Thượng úy Chu Thanh Xuân.