Bệnh tật không ngăn nổi bước chân các em thơ tới lớp

24/11/2011 14:34
Nguyễn Thơm
(GDVN) - Gặp các em trong lớp học này, vẻ mệt mỏi và sự đau đớn vì bệnh tật đã hoàn toàn tan biến…
“Cô ơi cho con đi học với ạ!”, “Cô ơi, con xong rồi cô dẫn con xuống lớp học đi ạ!”... Những câu nói hồn nhiên, ánh mắt sáng lên niềm vui mỗi khi được gọi đi học của các em trong BV Nhi khiến những tình nguyện viên chúng tôi không sao nén được xúc động.
Được sự cho phép từ phía lãnh đạo bệnh viện và dưới sự hướng dẫn của các chị bên phòng công tác xã hội, những tình nguyện viên chúng tôi đã đến từng phòng của các khoa điều trị để đón các em đến với lớp học Hy vọng. Khi nghe chúng tôi nói đến được đi học, em nào em nấy vui hẳn lên, cười tươi như hoa. Các em lon ton chạy ra lấy cặp sách, chào bố mẹ và đi theo chúng tôi. Một số em dù mới vừa truyền xong nhưng cũng vội vàng giục bố mẹ đưa đi học kẻo muộn giờ. Chỉ có một số em không thể xuống học được vì chưa làm xong các thủ tục. Các em nói với chúng tôi: “Ngày mai con nhất định sẽ đi học cô ạ!”. Ánh mắt thoáng tiếc nuối và một nỗi buồn.
Lớp học là sự góp mặt của hơn 20 bông hoa xinh đang ở những độ tuổi khác nhau, đến từ những nơi khác nhau; mỗi em đang phải chống chọi với những nỗi đau của bệnh tật... nhưng tất cả các em đều khát khao được đi học. Đó mới chính là niềm ước ao, niềm hạnh phúc mà các em mong muốn sau bao ngày xa trường, xa lớp.
Nếu như gặp mặt các em ở trong các phòng bệnh, chúng tôi chỉ thấy vẻ mệt mỏi và sự đau đớn các em đang phải gánh chịu thì trong lớp học này, tất cả những cái đó đã hoàn toàn tan biến. Lớp học đã thắp lên niềm vui, là liều thuốc tinh thần cho các em giúp các em quên đi nỗi đau bệnh tật và bớt buồn chán khi suốt ngày phải đối diện vơi 4 bức tường trắng toát của căn phòng sặc mùi thuốc men.
Những buổi học đầu tiên các em rất háo hức với những tiết dạy Tiếng Anh của cô giáo Vũ Thị Minh Thường, cô Ngô Anh Thơ. Các em được các cô dạy cho cách chào hỏi trong tiếng anh, học chữ cái tiếng anh, học cách giới thiệu tên và được học đếm số qua bài hát đếm trong Tiếng anh. 
Đặc biệt, những học sinh ở lớp học tỏ ra rất thích thú với cách dạy thú vị qua màn ảo thuật của giáo viên dạy Vẽ - bác Hoàng Văn Quảng (Trưởng phòng hành chính Bệnh viện Nhi TW).
Em Đinh Văn Tuần, 11 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, hiện đang điều trị ở Khoa Thận tiết niệu là một cậu bé tỏ ra khá chững chạc. Khi được tôi hỏi, em đã không ngại ngần chia sẻ: “Em mới đến BV được 21 ngày. Khi nghe các bạn kể về lớp học này, em đã rất vui và bảo mẹ đăng kí cho em được đi học. Em rất thích được đi học và cũng thích cách dạy học của các thầy cô lắm ạ!”. Em cũng chia sẻ thêm khi được hỏi về sở thích của mình: “ Em rất thích xem phim hoạt hình và cũng rất thích hát”.
Lớp học với những học sinh đặc biệt
Mỗi em học sinh trong lớp học đều là những em bé rất ngoan hiền và cũng rất ham học. Đi học là một nhu cầu thiết thực với các em. Mặc dù ốm đau, bệnh tật nhưng cũng không hề gì, bởi lẽ trong lòng các em luôn cháy lên một khát khao được học hành như những đứa trẻ bình thường khác.

Em Trần Thị Kim Anh , 9 tuổi, quê ở Mĩ Đức – Hà Tây là một cô bé có khuôn mặt rất đáng yêu và dễ thương. Em đã điều trị ở đây được 4 năm rồi. Khoảng thời gian em nằm viện khá lâu nên em rất nhớ trường, nhớ lớp. Vì thế, em rất muốn được đi học. Kim Anh đã không ngần ngại nói về ước mơ giản dị mà chân chính của mình với chúng tôi: “ Sau này lớn em muốn trở thành một cô giáo dạy Toán để dạy học cho các em học sinh”.
Các em không được may mắn lành lặn, khỏe mạnh như những bạn bè cùng trang lứa khác nhưng trong trái tim bé bỏng của các em vẫn luôn dạt dào tình yêu và niềm tin vào cuộc sống này. Các em vẫn luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong xã hội.
Nhìn những dáng người gầy, bé nhỏ, khuôn mặt xanh xao của các em, những người chứng kiến không khỏi chạnh lòng. Có những em đã học đến lớp 7, lớp 8 mà trông cứ như học sinh cấp 1. Những học sinh trong lớp học vừa ngồi học vừa phải truyền nước, có những em tay chi chít những mũi tiêm và có những em đang học bị ngất, lên cơn động kinh, bị co giật là chuyện rất hay xảy ra... nhưng các em đã vượt lên nỗi đau của bệnh tật để đến với lớp học cho thỏa nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn bè. 
Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với cậu bé Vũ Văn Hưởng, 12 tuổi, hiện đang điều trị tại khoa tiêu hóa. Em vừa ngồi học vừa phải truyền, dù đau nhưng em vẫn luôn vui vẻ và ghi chép bài đầy đủ, không để thiếu chữ nào.

Em cùng mẹ là chị Nguyễn Thị Côi từ Hưng Yên mới ra Hà Nội được gần một tuần nhưng khi biết tới lớp học Hy vọng em cảm thấy rất hào hứng và sẵn sàng cho những buổi học rồi.

Mẹ của em đã rất xúc động khi kể về đứa con trai hiền lành, chăm học của mình. Gia đình chị vốn thuần nông nên thu nhập khá thấp, vợ chồng chị phải cố gắng tích cóp, tiết kiệm tiền để chữa bệnh cho con. Theo lời chị thì em Hưởng đã lên lớp 7 nhưng vì ốm đau, bệnh tật nên em chưa được học buổi nào. Chị Côi cũng mong em mau khỏi bệnh để có thể tiếp tục đi học.
Các em học sinh trong lớp học ai cũng chăm ngoan và rất chú tâm nghe thầy cô giáo giảng bài. Các em cũng rất hăng say phát biểu mỗi khi các thầy cô đặt câu hỏi. Những em bé vừa nhe giảng vừa cắm cúi, hì hục chép bài. Những nét chữ được các em nắn nót chứa đựng đầy tình yêu và lòng ham học.
Qua các buổi học, các em học sinh đến lớp ngày một đông hơn và danh sách đăng kí đi học cũng ngày một dài ra. Có lúc số lượng học sinh đến lớp đông quá, chúng tôi phải bố trí sắp bàn ghế để có chỗ cho các em ngồi học. Đó là một điều đáng mừng đối với những người luôn hết lòng vì lớp học này. Sự ham học hỏi và muốn có thêm nhiều bạn mới như một điều tất yếu đưa các em đến với lớp học Hi vọng.
Mặc dù lớp học chỉ nhận những em từ 6 tuổi trở lên nhưng có rất nhiều em bé còn nhỏ, chưa đủ tuổi vẫn rất muốn đi học.

Bé Kiều Thị Hải Minh, quê ở Hà Nam, mắc bệnh hội chứng thận hư đã 10 tháng nay và mới nhập viện Nhi được 2 tháng. Mẹ của em là chị Trần Thị Định cho hay em đã 4 lần phải nhập viện, hết bệnh viện tỉnh rồi đến BV Nhi TW. Bị bệnh thận nên chi phí thuốc men và truyền dịch nên khá tốn kém. Chị bảo một tháng gần đây, ngày nào cháu cũng phải truyền 2 chai đạm, lợi tiểu, chưa kể thuốc mem tính bình quân mỗi ngày cũng phải mất hơn 2 triệu đồng. Nhà lại nghèo, thu nhập chỉ dựa vào mấy sào ruộng ít ỏi và tiền làm thuê của chồng nhưng gia đình chị vẫn cố gắng cắn răng chịu đựng với mong muốn con gái có thể khỏe mạnh. Chị rưng rưng nước mắt khi kể đến đứa con gái tội nghiệp của mình. 
Tuy mới chỉ 5 tuổi nhưng bé rất muốn đi học. Với bệnh thận của em thì việc chạy nhảy là phải kiêng kị nhưng em rất hiếu động, ham học nên cứ nằng nặc xin mẹ cho đi học. Nhắc đến đây, vẻ mặt chị rạng ngời hạnh phúc: “Cháu còn bé chưa đủ tuổi đi học nhưng nghe các anh chị cùng phòng đi học về kể chuyện nên rất thích thú. Thế là kể từ hôm đó cư níu áo mẹ đòi đưa đi học. Tôi đã bảo là con chưa đủ tuổi đi học nhưng cháu không nghe. Thấy các anh chị đi học thế là đi theo. Các cô trong lớp học thấy cháu ham học nên cũng chấp nhận. Đi học về là cháu cứ tíu ta tíu tít kể đủ mọi chuyện trên lớp cho mẹ nghe. Tôi cũng thấy vui cho cháu”.
Cũng giống bé Minh, bé Phan Nguyễn Huyền Trang, quê Thái Bình đã hơn 6 tuổi nhưng vẫn chưa được đi học lớp 1. Nghe mẹ cháu là chị Nguyễn Thị Huế chia sẻ thì cháu hiện đang điều trị ở khoa ung bướu. Từ lúc 3 tuổi cháu đã bị hạch nhưng đi khám bệnh ở quê thì bác sĩ bảo là hạch lành, không sao cả. Chị cũng thấy an tâm và cho cháu uống thuốc. Nhưng qua thời gian thì hạch đã chuyển thành u ác. Tới bệnh viện lớn khám, chị giật mình khi bác sĩ cho kết quả chẩn đoán cháu bị lao hạch. Chị cho biết, cháu đã điều trị ở đây được 4 tháng rồi.

Chị Huế cũng rất lấy làm cảm động trước sự ham học của con mình, “ Cháu nó thích được đi học lắm cô ạ. Mẹ bảo ngủ đi chiều mà đi học nhưng cháu nó không ngủ, cứ mong ngóng nhanh nhanh để đi học thôi. Bình thường khi bị các cô y tá tiêm cháu cứ giãy nãy kêu đau. Nhưng giờ cứ đến lúc tiêm tôi chỉ cần dọa không tiêm thì không cho đi học nữa. Thế là cháu ngoan ngoãn nghe lời”.
Mặc dù các em đang phải chịu sự giày vò của những căn bệnh quái ác, phải trải qua nỗi đau quá lớn trong suốt những năm tháng tuổi thơ nhưng các em đã vượt qua nỗi đau bệnh tật để niềm tin yêu cuộc sống trong những trái tim nhỏ bé không bao giờ tắt. Các em vẫn luôn khát khao nhanh khỏi bệnh để được đi học như chúng bạn. Đó mới là điều đáng quý.
Nguyễn Thơm