Nhật ký Lớp học Hy vọng:

Háo hức, vui mừng ngày đầu đến Lớp học Hy vọng

22/11/2011 06:38
Kim Ngân
(GDVN) - Vượt qua nỗi đau, các bệnh nhân nhí tại BV Nhi TƯ vẫn háo hức đến lớp học “Hy vọng” với nụ cười, ánh mắt tràn trề khao khát khỏi bệnh, được đến trường.

“Mai có đi học không cô?”

Với niềm khao khát được đến lớp, mặc dù chỉ tranh thủ thời gian điều trị ở trên khoa, nhưng các bé luôn miệng giục bố mẹ dẫn xuống Lớp học Hy vọng để học tiếng Anh và học vẽ. Chưa đến giờ vào lớp, nhưng bố mẹ và các em đã đến chật cửa với nụ cười tươi rói, háo hức hiển hiện trên khuôn mặt xanh xao, gầy rộc.

Buổi sáng các em được học tiếng Anh, ban đầu nhiều em còn khá bỡ ngỡ, ngại ngùng, nhưng sau đó hăng hái phát biểu và đồng thanh đọc theo cô giáo.

Vừa truyền nước trên tay trái, vừa nắn nót viết từng chữ “Good morning”; “Hi” miệng luôn cười có chút ngại ngùng, Vũ Văn Hưởng (12 tuổi) hiện đang điều trị tại khoa Tiêu hóa thì thầm: “Em thích đi học lắm. Em ước nhanh khỏi bệnh và học thật giỏi”

Theo mẹ của Hưởng thì hai mẹ con từ Hưng Yên lên đây từ hôm thứ 4 tuần trước. Hưởng đã xét nghiệm mấy lần nhưng chưa xác định được bệnh gì. Mấy hôm trước nghe bảo sẽ được đi học, Hưởng thích lắm.

“Đến trưa nay cháu cứ luôn miệng hào hứng kể về giờ học tiếng Anh. Nhờ có lớp học mà cháu vui lên bao nhiêu, tôi chẳng biết nói gì hơn. Chừng nào cháu còn ở đây, thì vẫn tham gia lớp học”, mẹ của Hưởng chia sẻ.

Em Vũ Văn Hưởng (11 tuổi) vừa truyền nước, vừa cố gắng nắn nót viết từng chữ 

Không chỉ có Hưởng, em Nguyễn Đình Hậu (lớp 4, tiểu học Hùng Cường, Hưng Yên) mắc căn bệnh viêm đa khớp, đã điều trị ở bệnh viên này hơn 1 năm nay. Mặc dù, nhìn bề ngoài Hậu khá ít nói, nhưng nếu hỏi về ước mơ của em, Hậu khoe nhanh sau này muốn trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho mọi người.

Chốc chốc lại đứng lên ngóng con từ ngoài cửa, mẹ của Hậu nở nụ cười nhìn con trai. Cô cho biết: “Cả nhà trông vào hơn 3 sào ruộng ở quê, chẳng đủ ăn. Mỗi lần đi hai mẹ con đi viện, hai vợ chồng chạy vạy khắp nơi họ hàng, làng xóm để vay tiền”.

Đã hơn một năm nay, cứ khi nào Hậu sốt 39 – 40 độ, cả nhà lại tức tốc đưa em lên đây chữa trị. Mỗi lần lên đây, hai mẹ con phải ở lại một tuần, tiền thuốc men, tiền nằm viện và tiền ăn cũng ngót nghét 2 triệu.

Được biết, Hậu rất ham học, thích đến trường. Mặc dù chân đau do viêm đa khớp, nhưng Hậu vẫn đạp xe gần 2 cây số đến trường để học. Nghe thấy sẽ được đi học cùng các bạn ở viện, Hậu vui lắm, cứ nằng nặc đòi mẹ cho đi sớm.

Còn em Vương Đình Long (11 tuổi, lớp 6 trường THCS Thượng Đình, huyện Phúc Bình, Thái Nguyên) rất thích vẽ, trong giờ học vẽ Long hăng hái giơ tay trả lời câu hỏi của thầy giáo. Long kể sáng nay không đi học được môn tiếng Anh vì phải đi khám bệnh đến 5 – 7 lần nhưng vẫn chưa phát hiện bệnh gì.

Mặc dù tay cầm bút của em thâm tím, sưng vù vì phải lấy máu nhiều lần, nhưng em vẫn nắn nót, chăm chú vẽ bông hoa hồng tặng mẹ. Long nói: “Em không đau tay, không thấy mệt mà chỉ thấy khó cử động tay vì có nhiều kim tiêm vào thôi”.

Kết thúc buổi học đầu tiên, trước khi rời lớp, các em đều hỏi: “Mai có đi học không cô?”. Cầm tay bố mẹ trở về phòng bệnh, vừa tung tăng trên đường, vừa cười tươi, ánh mắt tràn trề niềm tin của bọn trẻ khi kể về giờ học ở trên lớp hôm nay.

Bé Quỳnh Anh (7 tuổi) hăng hái giơ tay đọc bài trong giờ học tiếng Anh

Những trái tim cho đi yêu thương

Động lòng trước hoàn cảnh của các em, cảm phục trước ý chí đấu tranh giành sự sống, đến trường của những “người học trò đặc biệt” trong bệnh viện, “cô giáo” Vũ Minh Thường dạy tiếng Anh không kìm được xúc động nói:

“Khi bắt đầu dạy mình vừa hồi hộp vừa hạnh phúc vì nhìn thấy các em rất gầy gò, tay phải chằng chịt vết kim lấy máu, truyền nước nhưng vẫn đến lớp. Mình lo vì các em phải chịu đau, ngồi còn khó, không biết viết và học như thế nào nữa”.

Thường nhận dạy tình nguyện tại lớp học này chỉ với mong muốn duy nhất là các em nhanh khỏi bệnh và hi vọng mỗi ngày đến lớp sẽ là một ngày tràn ngập niềm vui, tiếng cười, sẽ tiếp thêm động lực để các em chống chọi với căn bệnh đang mang trong người.

Chia sẻ về ấn tượng buổi học đầu tiên, Thường tâm sự: “Các em nói rất nhỏ, nên mình luôn luôn cố ghé tai để nghe các em nói. Nhiều em đều có thể trạng yếu, nên mình chốc chốc lại hỏi các em có mệt không. Các em rất ngoan, chăm chú nghe và rất thích thú”.

Không những chỉ có tấm lòng đồng cảm của Thường, còn có rất nhiều các bạn sinh viên tình nguyện, người thầy dạy nhạc, dạy vẽ… đến với các em trong lớp học Hy vọng.

Thầy giáo đặc biệt Hoàng Văn Quảng cũng đang điều trị bệnh ung thư

Bác Hoàng Văn Quảng (Trưởng phòng Hành chính BV Nhi TW), mặc dù bác bị bệnh và đang điều trị ung thư tại bệnh viện K, Bạch Mai, nhưng vẫn mang đến cho trẻ những tiếng cười qua màn ảo thuật thú vị, qua tiết học vẽ bổ ích. Bác kể câu chuyện về bộ tóc giả đang đội trên đầu, vì bác biết ở lớp có 7 em phải cắt tóc để điều trị bệnh Bạch cầu ở khoa Ung bướu để đồng cảm, để sẻ chia với các em.

Buổi học đầu tiên đã tan, nụ cười trên môi của em Hưởng, của bé Long, của bé Quỳnh Anh…và hàng chục em khác đang chống trọi với căn bệnh tại bệnh viện Nhi Trung ương sẽ không bao giờ tắt. Bởi ở đây các em vẫn được đến trường hàng ngày như câu nói: “Các em không đến được với lớp học, chúng tôi sẽ mang lớp học đến bên giường bệnh cho các em” (GS. TS Nguyễn Thanh Liêm - Nhà báo Nguyễn Tiến Bình).

Kim Ngân