Học viên Vừ Thị Dê (22 tuổi) chỉ đi học lớp 1 xong vì điều kiện nên ở nhà, cuối cùng mù chữ… lấy chồng, sinh con, cuộc sống vất vả khiến Dê không có thời gian theo học. Có lớp xóa mù, Dê quyết tâm theo học, dù phải địu theo con nhỏ, Dê vẫn lên lớp đều đặn. Có những lúc đang cặm cụi viết, con khóc, Dê phải bỏ dở bài học đứng dậy dỗ con. Dê là một trong những học viên chăm chỉ nhất của lớp xóa mù ở Pá Khoang.
Vừ Thị Dê phải địu cả con đi học xóa mù. Ảnh: LC |
Được đi học xóa mù, sau 3 tháng, Dê đã có thể viết được tên mình, viết được đoạn văn dài và biết những con tính đơn giản trong phạm vi 100.
Học viên Sùng A Tủa ( sinh năm 1973) lên ông rồi nhưng học viên này vẫn chưa biết viết. Ông Tủa cho biết, lúc đầu cũng muốn đi học luôn, song ngại vì lớn tuổi nên không muốn đi.
Sau thấy mình cũng nên đi để động viên con cháu, rồi biết thêm cái chữ để còn biết tính toán, ghi tên cho mình.
Dù mới 50 tuổi nhưng, học viên Sùng A Tủa đã quá già so với tuổi, phải mang kính lão để đi học.
Thầy giáo của lớp là Thiếu tá Hờ A Thành (Đồn biên phòng Mường Lèo). Thầy giáo Thành vừa giảng tiếng phổ thông, vừa giải thích bằng tiếng Mông. Bài học vì thế cũng đã được truyền đạt nhanh hơn.
Thầy giáo Hờ A Thành chỉ bài cho học viên Sùng A Tủa. Ảnh: LC |
Thầy giáo Hờ A Thành cho biết, ban đầu, chỉ có 34 người ở Pá Khoang đăng kí theo học, nhưng khi thấy mọi người đến lớp, người ở nhà không thể ngồi yên liền tới xin thầy giáo được đi học.
Thêm người là thêm việc, thêm vất vả, thế nhưng Thầy Thành đã không từ chối mà nhận lời ngay. Đi học rồi mới thấy, đến lớp không chỉ vui vì được học chữ, mà còn vì những câu chuyện của thầy giáo Thành.
Thầy Thành bảo, mình giảng cho học viên những bài học gần gũi, những chuyện ở Sốp Cộp, ở Mường Lèo này… những tấm gương vươn lên của chính người Mông.
Người Mông học chữ, là giàu bằng tri thức ở Sốp Cộp ở Mường Lèo chứ không đâu xa.
"Bà con lâu ngày không tiếp xúc với chữ nên dạy cho họ khó khăn vô cùng. Từ mặt chữ cái ghép thành vần, đọc thành câu đã khó. Lại còn dạy tính toán, nhiều khi với họ là cả một cuộc thử thách lớn", thầy Thành cho biết.
Dù là ngày mùa, biên giới lạnh lẽo nhưng học viên lớp xóa mù vẫn đến đông đủ. Ảnh: LC |
Cũng là người dân tộc Mông, sinh ở bản Long Ke (xã Huổi 1, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) nên Thiếu tá Hờ A Thành rất thấu hiểu cái khổ, cái vất vả của người Mông.
Chính vì vậy bên cạnh việc dạy lớp xóa mù trên lớp, trong mắt người dân ở Pá Khoang, bộ đội Thành rất gần gũi.
Có việc gì quan trọng đều lên trạm nhờ biên phòng, nhờ bộ đội Thành và anh em trong đồn đến giúp.
Cứ nhà ai neo người, nhà ai cần, thầy giáo Thành lại chủ động đến giúp. Bài học “3 bám, 4 cùng” nay trở thành công việc cụ thể. Thương thầy giáo tối lên lớp, ban ngày còn lên nương giúp cho bà con, thế nên lớp học lúc nào cũng đủ sĩ số.
Biết được cái chữ, cuộc đời các học viên sẽ bước sang một trang mới. Ảnh: LC |
Đang mùa thu sắn, thời tiết Pá Khoang về đêm cũng lạnh buốt, có đêm lạnh dưới 4 độ nhưng học viên vẫn đến lớp đầy đủ.
Khi lớp học đã tan, bên chén trà nóng giữa đêm biên giới, Thiếu tá Hờ A Thành kể về hành trình đặc biệt của mình từ khi khoác lên mình trang phục màu xanh của bộ đội.
Thuở nhỏ, nhà đông anh em nên 12 tuổi, Hờ A Thành mới được cha dẫn đi bộ 25 cây số đường rừng về Trường Nội trú thiếu nhi dân tộc (ở thị trấn Sông Mã) bắt đầu học lớp vỡ lòng.
Đến tuổi 24, thì chàng thanh niên Hờ A Thành mới tốt nghiệp cấp ba. Anh vẫn muốn học nữa, nhưng nhìn gia cảnh nhà mình, anh đành gác lại ước mơ giúp bố mẹ sửa lại mái bếp, trồng thêm ngô sắn, nuôi thêm con lợn.
Tới khi 26 tuổi, thay vì lấy vợ sinh con, Hờ A Thành mới có điều kiện thực hiện ước mơ và xung phong nhập ngũ. Sau đó Hờ A Thành được biên chế vào lực lượng Bộ đội biên phòng Sơn La.
Những bài học đơn giản, những tấm gương bình dị được Thiếu tá Hờ A Thành truyền tải một cách sáng tạo đến với học viên. Ảnh: LC |
Nhanh nhẹn, lại có năng khiếu, có trình độ văn hóa, Binh nhất Hờ A Thành được Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Sơn La cử đi học Trường Trung cấp Truyền hình tại tỉnh Hà Tây (cũ).
Chuyện 24 tuổi mới hết lớp 12 làm nhiều người bất ngờ, đến khi 42 tuổi, Thiếu tá Hờ A Thành lại bắt đầu hành trình chinh phục tấm bằng cử nhân khiến mọi người cảm phục.
Năm 2016, anh theo học tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (đào tạo tại thành phố Sơn La), tuy nhiên, khi chỉ còn 1 năm nữa tốt nghiệp, anh chuyển công tác về Đồn Biên phòng Mường Lèo - cách thành phố Sơn La gần 200 cây số.
Các học viên của lớp học xóa mù chữ của thầu giáp Hờ A Thành. Ảnh: LC |
Đã có người tưởng Thiếu tá Hờ A Thành sẽ bỏ cuộc, nhưng anh đã không làm vậy. Cứ 4 giờ sáng thứ 7, trời mưa cũng như trời nắng, rét mướt hay nóng đổ lửa, anh đi xe máy từ xã Púng Bánh ra thành phố Sơn La và sáng thứ 2 cũng khung giờ đấy quay trở lại đồn tiếp tục công tác.
Ở tuổi 46, Thiếu tá Hờ A Thành nhận tấm bằng cử nhân loại Giỏi.
Thiếu tá Hờ A Thành nhận công tác tại Đồn Biên phòng Mường Lèo đúng dịp đơn vị đang triển khai các lớp học xóa mù cho bà con người Mông trên địa bàn.
Bản biên giới xa xôi và đường đi lại là những con đường đất đỏ, chỉ một cơn mưa đã trở thành dòng sông bùn, thế nhưng, chưa khi nào thầy giáo Thành nản lòng, dù không ít lần thầy giáo Thành bị lạc vì đi trong đêm.