Cô giáo Lý Thị Xoan (sinh năm 1976) là chị cả của gia đình có 5 anh chị em ở thôn Đèo Đọc, xã Đồng Lâm (huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh).
Ngay từ khi còn học phổ thông trung học, cô gái trẻ Lý Thị Xoan đã mơ ước được trở thành cô giáo dạy chữ cho trẻ nhỏ vùng cao.
Cô Xoan chia sẻ: “Hồi học cấp 3, tôi mơ ước sớm trở thành người giáo viên, được đến với các bản, làng, gặp và chia sẻ với các em nhỏ miền núi.
Trong tâm trí tôi, hình ảnh những thầy, cô giáo miền núi, ngày ngày vượt bao khó khăn vẫn đem cái chữ đến với bản làng khiến tôi thêm quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình”.
Cô giáo Lý Thị Xoan kèm cặp cho học sinh khuyết tật tại xã Kỳ Thượng (Ảnh: CTV) |
Năm 1994, tốt nghiệp Trung cấp sư phạm, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh, cô Xoan xung phong về nhận công tác tại xã vùng cao Đồng Sơn (huyện Hoành Bồ).
Đến năm 1997, cô giáo Xoan xây dựng gia đình rồi chuyển công tác theo chồng về Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Kỳ Thượng và gắn bó đến nay.
Theo cô Xoan, thời gian đầu công tác ở Đồng Sơn, rồi đến Kỳ Thượng là những năm nhiều gian khó nhất.
Mỗi lần về thăm nhà hoặc đi công tác, cô phải đi bộ cả chặng dài do đường mòn, đường rừng không đi được xe máy, mất từ 7 đến 8 giờ, nên phải mang theo cơm nắm để ăn trưa.
Cô Xoan chia sẻ: “Mình phải vượt lên mới làm gương được cho học sinh, cho bà con.
Mà bản thân có ổn định thì mới yên tâm công tác, cống hiến và thực hiện ước mơ hồi nhỏ một cách trọn vẹn nhất”.
Cô giáo Vuông không nhỏ bé ở Huổi Thủng 2 |
Ngoài giờ lên lớp, vào những ngày cuối tuần hoặc tranh thủ thời gian rảnh rỗi, cô giáo Xoan lại cùng chồng trồng keo, cấy thêm lúa nương, lúa nước để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Là tổ trưởng chuyên môn, với bề dày kinh nghiệm dạy lớp 1, cô Xoan luôn tận tình giúp đỡ các đồng nghiệp trẻ.
Trước đây, học sinh lớp 1 gần như không biết nói tiếng Kinh, như cô còn nhiều lúc phải “đánh vật” với lũ trẻ, huống chi các cô giáo dưới xuôi lên.
Thương các đồng nghiệp xa nhà, trong điều kiện thiếu thốn, cô Xoan luôn hỗ trợ, chia sẻ.
Cô luôn cố gắng tìm tòi, linh hoạt các phương pháp dạy học, sao cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và không chán học.
Để không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, năm 2016, cô Xoan đã hoàn thành chương trình đại học.
Năm 2017, huyện Hoành Bồ triển khai thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, cô giáo Xoan tham gia dạy từ đó cho đến giờ.
Hiện nay, học viên của cô đã đến chương trình lớp 3, biết đọc bài, tính toán, ký tên, biết đọc thông tin ở mọi nơi, nhắn tin trên điện thoại.
Cô giáo Lý Thị Xoan dạy xóa mù chữ cho người dân (Ảnh: CTV) |
Tối tối, cô lại kiên trì với từng học viên để nắn sửa từ cách cầm bút, dạy đánh vần, dạy ngắt câu và tranh thủ tuyên truyền đến bà con những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Qua đó, từng bước góp phần xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, giúp cho xã Kỳ Thượng hoàn thành tốt tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới.
Theo cô giáo Bùi Thị Nghì, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Kỳ Thượng, mặc dù không có bề dày thành tích, nhưng cô Xoan là một giáo viên có nhiều cố gắng đóng góp cho nhà trường, cho địa phương.
Được biết, con trai lớn của cô giáo Xoan (cháu Bàn Tùng Linh) đang học ngành Quản lý văn hóa năm thứ 4 tại Trường Đại học Hạ Long.
Con gái nhỏ là Bàn Thị Vân Anh đang học lớp 9 tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Hoành Bồ.
Nhắc đến hai con, cô không giấu được niềm tự hào: “Dù chưa phải là những đứa con, những học trò xuất sắc, nhưng các con rất chăm ngoan, với tôi thế là đủ - đủ bình yên ở mảnh đất vùng cao này”.