Ngày 30/11/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: "Hiệu trưởng các trường cân nhắc chọn sách giáo khoa".
Bài viết dẫn lời lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nói về việc lựa chọn sách giáo khoa tiểu học cho thời gian tới.
Đáng chú ý, lãnh đạo Sở giải thích, luật Giáo dục sửa đổi cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định cho địa phương, nhưng đến 1/7/2020 mới có hiệu lực.
Trong khi đó, việc lựa chọn sách cho năm học tới phải thực hiện trước tháng 3 để kịp cho công tác tập huấn.
Trong thời gian này, ngành giáo dục vẫn thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, trong đó quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa.
Giáo viên, phụ huynh và học sinh là những người có tiếng nói quan trọng nhất cho sự lựa chọn này.
Sau đó, Hiệu trưởng dựa trên những ý kiến này để quyết định chọn lựa bộ sách nào cho phù hợp với tình hình của đơn vị.
Nếu những người có trách nhiệm vội vàng trong việc lựa chọn sách giáo khoa thì học sinh sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất. (Ảnh minh hoạ: TTXVN) |
Tuy nhiên, giáo viên chúng tôi cảm thấy rất băn khoăn với việc lựa chọn sách giáo khoa khá vội vàng này.
Thứ nhất, trong vòng 3 tháng (từ tháng 12 đến hết tháng 2), giáo viên khó có thể chọn lựa được một bộ sách hoàn hảo cho học sinh lớp 1.
Điều đáng nói, thời gian này là Tết Nguyên đán, ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh được nghỉ khoảng 2 tuần. Trong khoảng thời gian eo hẹp, việc lựa chọn sách giáo khoa khó tránh khỏi kiểu "cưỡi ngựa xem hoa".
Như chúng ta đã biết, việc lựa chọn sách giáo khoa chủ yếu dựa trên 2 tiêu chí cơ bản, đó là hình thức và nội dung của sách.
Có thể nhận thấy, lựa chọn hình thức sách là khâu tương đối dễ dàng. Bởi sách lớp 1 cần nhất là kênh hình và kênh chữ hài hòa, đảm bảo mĩ thuật để thu hút học sinh.
Với công nghệ hiện đại như ngày nay, đặc biệt là sự cạnh tranh giữa các nhà xuất bản, chắc chắn những bộ sách ra đời sẽ đảm bảo chất lượng về in ấn, trình bày.
Thế nhưng, về nội dung kiến thức là phần cực kì phức tạp, thầy cô khó có thể xem xét một sớm một chiều để đưa ra nhận xét, đánh giá.
Để đưa ra những nhận xét chính xác và khách quan nhất về sách, thầy cô phải thực hiện nghiêm cẩn hàng loạt thao tác rà soát như:
Đọc hết nội dung sách để xem bài học được thiết kế nhất quán hay chồng chéo nhau, lặp lại.
Đọc kĩ nội dung từng bài học để kiểm chứng các khái niệm, định nghĩa, số liệu, sự kiện… được chính xác, cập nhật mới nhất.
Ai mua sách giáo khoa mới cho giáo viên? |
Đảm bảo nội dung bài học không gây quá tải, phù hợp với tâm lí lứa tuổi học sinh.
Nội dung của từng bài học có thể tích hợp liên môn với những đơn vị kiến thức của bộ môn nào.
Nội dung sách có khuyến khích tư duy độc lập, sáng tạo cho học sinh hay không.
Và cuối cùng, kiến thức ấy giúp giáo viên dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh thế nào.
Cũng có khi qua thực tiễn giảng dạy, thầy cô mới nhận ra những bất cập của sách mà trước đó mình chưa nghĩ đến.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có hàng loạt bài phản ánh về những bất cập của sách Công nghệ giáo dục – Tiếng Việt 1 của Giáo sư Hồ Ngọc Đại (đã được thực nghiệm trên 40 năm), là một minh chứng sống.
Thứ hai, trong khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy thì phụ huynh sẽ lựa chọn sách cho con bằng cách nào, trong khi trên tay phụ huynh chưa hề có sách giáo khoa mới. Hay phụ huynh phải mua tất cả các bộ sách đã được phê duyệt để tìm hiểu?
Và có phải tất cả phụ huynh đều am hiểu nội dung chương trình, quan điểm tác giả, phương pháp sư phạm hay không?
Giả sử, đa phần phụ huynh không đồng tình với một cuốn/bộ sách nào đó, thì những người có trách nhiệm sẽ lắng nghe, tiếp thu thế nào? Hay chúng ta chỉ làm hình thức, làm cho có (vì mọi sự đã rồi)?
Chương trình sách giáo khoa mới học hỏi nhiều kinh nghiệm các nước phát triển |
Thứ ba, học sinh chưa được học bộ sách mới thì làm sao các em biết được hay dở? Lứa tuổi chỉ mới lên sáu, các em có đủ khả năng để góp ý cho sách hay không?
Có chăng, học sinh chỉ có thể bày tỏ sách đẹp - xấu, dày - mỏng… chứ nội dung sách thì góp ý kiểu gì, trong khi vào lớp 1 các em mới được học chữ.
Không lẽ học sinh cũng phải chịu một phần trách nhiệm (nếu sách chưa chuẩn) vì các em có quyền lựa chọn sách giáo khoa?
Thứ tư, có phải trường nào giáo viên, phụ huynh và học sinh cũng có quyền quyết định việc chọn sách hay không? Điều nghi vấn này hoàn toàn hợp lí, bởi có thể họ bị áp đặt từ Hiệu trưởng.
Ai dám đảm bảo rằng, Hiệu trưởng sẽ công tâm, khách quan, bởi có khi họ cũng bị chi phối từ cấp trên để cùng thực hiện một lợi ích nào đó.
Chúng ta đã từng nghe dư luận xã hội than phiền kiến thức trong sách giáo khoa ở tất cả các cấp học nặng nề, hàn lâm, gây quá tải cho học sinh.
Đối với học sinh lớp 1, nếu lựa chọn bộ sách chưa/không phù hợp với các em thì sẽ gây ra hậu quả khôn lường.
Bởi đây là lứa tuổi đầu đời cắp sách đến trường, những bất cập về sách chắc chắn sẽ tác động nhiều đến tâm lí học sinh.
Các em có thể chán học do kiến thức quá tải, hoặc thiếu hứng thú vì nội dung bài học đơn điệu chẳng hạn.
Nếu những người có trách nhiệm vội vàng trong việc lựa chọn sách giáo khoa thì học sinh sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất? Chịu trách nhiệm thế nào?
Giáo viên chúng tôi trăn trở lắm thay…
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hieu-truong-cac-truong-can-nhac-chon-sach-giao-khoa-post204954.gd