Tự chủ đại học là một chủ trương lớn được thể hiện trong nhiều nghị quyết của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019 được xây dựng trên tinh thần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, thể chế hóa chủ trương tự chủ đại học của Đảng, Nhà nước.
Như vậy có thể khẳng định tự chủ đại học sẽ là điểm bản lề giữ vai trò mấu chốt trong cải cách và phát triển giáo dục đại học của nước ta trong thời gian tới.
Thậm chí tại Hội thảo Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập ngày 20/10/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định: “Tự chủ đại học gần như là đường một chiều, là con đường chúng ta phải đi. Không có tự chủ đại học sẽ không có những trường đại học mạnh, không có đại học mạnh thì không có lực lượng nhân lực tốt, đất nước sẽ không phát triển được”.
Tự chủ đại học đã được luật hóa, sao Tổng Liên đoàn còn “ngăn sông cấm chợ? |
Mặc dù thời điểm triển khai tự chủ đại học đã có sự chuẩn bị trong nhiều năm qua với các thử nghiệm và xây dựng hành lang pháp lý nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và khó khăn khi thực hiện tự chủ.
Một trong vướng mắc lớn đó là hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước chưa được đồng bộ. Ví dụ như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Viên chức… chưa phù hợp với nội dung Chính phủ cho phép trường tự chủ.
Ngoài ra, con đường tiến tới tự chủ của các trường không bằng phẳng và đơn giản bởi dù các cấp cao nhất đều đã thúc đẩy chủ trương tự chủ đại học nhưng đang bị “ngáng chân” ở cấp trung gian khiến các trường gặp khó khăn trong quá trình triển khai.
Liên quan đến những rào cản trong quá trình thực hiện tự chủ đại học, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng: “Luật là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất mà Luật đã định rồi thì các văn bản dưới Luật không thể trái được”.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Trong khi trước đó như thông tin Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, ngày 16/10/2019, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ trong đó có một số nội dung đi trái với chủ trương tự chủ đại học; cũng như trái với quy định trong Luật số 34/2018/QH14.
Cụ thể, Luật số 34/2018/QH14 quy định hội đồng trường của trường đại học công lập "quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật".
Tổng liên đoàn đang vô hiệu hóa chủ trương, pháp luật về tự chủ đại học? |
Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 6, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ qui định Tập thể thường trực Đoàn chủ tịch “phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn...”.
Khi Luật số 34/2018/QH14 quy định, hội đồng trường của trường đại học công lập "quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định;".
Tuy nhiên, Điều 27, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ lại cho Tổng liên đoàn thẩm quyền "công nhận chức vụ phó hiệu trưởng trường đại học".
Và Luật số 34/2018/QH14 quy định, Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học công lập quy định về hội đồng trường bao gồm nội dung "thủ tục hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng trường đại học, việc quyết định chức danh quản lý khác của trường đại học trong quy trình bổ nhiệm nhân sự;".
Nhưng Khoản 4, Điều 6, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ lại qui định nhân sự hiệu trưởng phải được Tổng Liên đoàn giới thiệu để bầu; Khoản 4, Điều 6, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ lại qui định Thường trực Đoàn Chủ tịch quyết định công nhận Thư ký hội đồng trường, điều mà Luật số 34/2018/QH14 không hề quy định....