Thông tin trên vừa được đưa ra tại buổi làm việc về “thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục Đại học” giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội với Đại học Đà Nẵng và Đại học Duy Tân ngày 11/4.
Nhà nước xếp hạng đại học sẽ gây “dị nghị”
Tại buổi làm việc, GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, sau thời điểm Luật giáo dục đại học có hiệu lực, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành hệ thống văn bản dưới luật nhằm cụ thể hóa và áp dụng các quy phạm pháp luật vào thực tế, góp phần dần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục đại học.
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Đại học Đà Nẵng về những vướng mắc, bất cập trong Luật giáo dục. Ảnh: TT |
Sự ra đời của Luật giáo dục Đại học và các văn bản hướng dẫn thi hành mang nhiều ý nghĩa tích cực, song thực tiễn áp dụng cho thấy một vài quy định đến nay không còn phù hợp với thực tiễn, đòi hỏi cần có điều chỉnh kịp thời.
Kỳ vọng vào một sự đổi mới hiệu quả(GDVN) - Hy vọng rằng nền giáo dục Việt Nam sẽ có được những quyết sách hợp lý, để phát triển nhân văn và hiệu quả, đáp ứng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. |
Cụ thể, luật giáo dục Đại học quy định Chính phủ thực hiện công nhận kết quả xếp hạng đại học là chưa phù hợp với xu thế của thế giới và có thể sẽ tạo ra sự nghi vấn của dư luận xã hội về sự trung thực của kết quả xếp hạng.
Trên thực tế, xếp hạng là một công cụ để tạo thêm động lực cạnh tranh giữa các trường, cung cấp cho xã hội một kênh thông tin tham khảo, không nhất thiết phải là một công cụ quản lý về giáo dục của Nhà nước.
“Vì vậy, nhà nước nên đóng vai trò quản lý chung ở tầm vĩ mô. Kết quả xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học nên độc lập với cơ quan nhà nước.
Như vậy, sẽ phù hợp hơn để sử dụng kết quả đó như một công cụ tăng cường trách nhiệm từ phía nhà trường và hướng các trường đi theo trọng tâm mà nhà nước muốn” đại diện Đại học Đà Nẵng kiến nghị.
Ngoài bất cập về công nhận kết quả xếp hạng đại học, từ một số vấn đề bất cập khác xuất hiện trong quá trình triển khai, Đại học Đà Nẵng đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật giáo dục đại học cũng như một số văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc Chính phủ thực hiện công nhận kết quả xếp hạng đại học sẽ tạo ra sự “dị nghị” không đáng có.
Vẫn còn nhiều vướng mắc khi thực hiện Luật giáo dục
Báo cáo với Đoàn giám sát Quốc hội, Đại học Đà Nẵng cho hay, hiện nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở giáo dục đại học còn quá khiêm tốn.
Trường Đại học Duy Tân cũng đưa ra nhiều kiến nghị, sửa đổi Luật giáo dục với đoàn giám sát Quốc hội. Ảnh: TT |
Cơ chế phân bổ ngân sách vẫn mang tính bình quân giữa các trường, chưa gắn với các tiêu chí phản ánh chất lượng và kết quả đầu ra của quá trình đào tạo.
Trường được giao cơ chế tự chủ nhưng Luật còn vướng như “mạng nhện”(GDVN) - Mặc dù được giao quyền tự chủ nhưng nhiều trường đại học vẫn bị trói buộc bởi nhiều văn bản luật chưa theo kịp hoặc "chỏi" nhau. |
Chính sách học phí, lộ trình tăng học phí trong thời gian qua đã được thực hiện theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP (năm học 2015-2016 đến năm học 2020 – 2021).
Tuy nhiên, việc thực hiện nghị định này vẫn còn nhiều hạn chế về việc phân loại nhóm ngành, mức học phí vẫn còn thấp, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành và các loại hình đào tạo, bậc đào tạo.
Việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân khác, hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ giáo dục Đại học theo nhu cầu của các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn hạn chế do chưa có quy định cụ thể.
Có trường dù được tự chủ về tài chính nhưng việc chi tiêu vẫn phải tuân thủ theo quy định hiện hành của Nhà nước. Trong đó, có nhiều quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn – vị đại diện này cho hay.
Ngoài ra, khi nhà nước điều chỉnh các quy định về tiền lương (nâng mức lương tối thiểu) thì khoản chênh lệch này sẽ do các cơ sở giáo dục đại học tự bảo đảm từ nguồn thu sự nghiệp.
Như vậy, mỗi khi có cải cách tiền lương, các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải cắt giảm nguồn tài chính dành cho hoạt động đào tạo để tăng lương, điều đó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Tại đại học Duy Tân, Tiến sĩ Võ Thanh Hải – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân đưa ra một vướng mắc tại khoản 3 điều 17 của Luật giáo dục đại học 2012 quy định thành viên hội đồng quản trị tại các trường tư thục.
Trong đó, thành phần phải có đại diện cơ quan quản lý địa phương nơi cơ sở giáo dục đại học có trụ sở.
Tuy nhiên, khi trường đưa danh sách ban quản trị trình thành phố thì chính quyền cho rằng thành phố không cần thiết phải tham gia vì đã có đầy đủ thành viên.
Thực tế hiện nay trong thành phần hội đồng quản trị nhà trường hiện nay cũng không có đại diện chính quyền địa phương.
Theo thầy Hải, chủ trương chung của Trường là phải làm theo Luật, nếu luật có thiếu sót thì phải kiến nghị sửa đổi chứ. Do đó, nhà trường kiến nghị với Đoàn giám sát quốc hội xem xét lại vấn đề này.
Ông Triệu Thế Hùng - Uỷ viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Luật giáo dục được xây dựng và thông qua đã gần 5 năm (2012) nhưng các văn bản mang tính chất cốt lõi vẫn chưa hoàn thiện.
Ví dụ như: tự chủ đại học chỉ mới dừng lại ở mức thí điểm, phân tầng xếp loại các trường đại học cũng chưa rõ ràng vẫn còn phụ thuộc vào kiểm định…
“Gần đây, chúng tôi nhận được Bộ hồ sơ của Chính phủ là sẽ sửa Luật giáo dục đại học. Cụ thể là tờ trình số 88 Bộ giá dục trình Chính phủ. Khi đọc tờ trình đó thì chúng tôi thấy có khá nhiều vấn đề chưa được đề cập đến” ông Hùng nói.
Do đó, Quốc hội muốn nắm rõ những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện Luật giáo dục đại học để điều chỉnh cho hợp lý.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về những bất cập trong Luật giáo dục đại học cũng như những chính sách về tự chủ đại học, đại học Vùng... trong các số tiếp theo.