Luật sư nói cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hành sự vô pháp vụ ông Quế

15/10/2016 07:57
Ngọc Quang
(GDVN) - Tại phiên sơ thẩm vụ ông Hoàng Xuân Quế kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, luật sư đã chỉ rõ hành vi vi phạm pháp luật của ông Đinh Văn Sơn-Hiệu trưởng ĐH Thương mại.

Tại phiên tòa hành chính sơ thẩm xét xử vụ ông Hoàng Xuân Quế (Đại học Kinh tế Quốc dân) khởi kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành QĐ 4674, thu hồi bằng Tiến sĩ của ông.

Luật sư Trần Hồng Phúc (Công ty TNHH và Thực hành Luật Nguyễn Chiến) đã đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục để minh chứng rằng ông Quế nhiều khả năng bị trù dập và cho rằng đã có dấu hiệu cấu kết giữa người tố cáo và người giải quyết tố cáo để thu hồi bằng được Luận án Tiến sĩ của ông Quế. Thậm chí, bất chấp cả luật pháp.

Luật sư Trần Hồng Phúc nói, một trong những bằng chứng tiêu biểu cho sự “vô pháp” tại Bộ GD&ĐT, đó là việc ông Phạm Vũ Luận khi giữ chức Bộ trưởng đã chỉ đạo Hội đồng chức danh giáo sư ngành kinh tế xác minh luận án Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.

Dựa trên cơ sở báo cáo của Hội đồng này, Bộ GD&ĐT đã ban hành kết luận 1254 ngày 4/10/2013 về việc xác minh nội dung đơn tố cáo, và dựa trên kết luận 1254 để ban hành quyết định 4674 ngày 11/10/2013 thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.

Phiên tòa sơ thẩm ông Hoàng Xuân Quế kiện Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. ảnh: HM.
Phiên tòa sơ thẩm ông Hoàng Xuân Quế kiện Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. ảnh: HM.

Theo Luật sư Phúc, Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế học chỉ có nhiệm vụ quyền hạn liên quan đến công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công việc của Hội đồng chức danh giáo sư ngành.

Vì vậy, việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi đó là ông Phạm Vũ Luận giao nhiệm vụ xác minh luận án Tiến sĩ cho Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế học là sai.

Theo quy định tại Điều 15 của Quy chế Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, các hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở ban hành kèm theo Quyết định số 3932/QĐ-BGDĐT ngày 02/6/2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, thì Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế học không có thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ xác minh, đánh giá chất lượng cũng như đưa ra kết luận và đề xuất đối với 01 bản luận án tiến sĩ đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT công nhận, cấp bằng Tiến sĩ.

Luật sư nói cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hành sự vô pháp vụ ông Quế ảnh 2

Nguyên Bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận bị kiện vì quyết định số 4674

Thực thi nhiệm vụ được giao, Hội đồng chức danh giáo sư ngành kinh tế do ông Đinh Văn Sơn (Hiệu trưởng Trường Đại học Thương Mại) đứng đầu đã ban hành 02 quyết định để thành lập Hội đồng xác minh luận án Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế (Quyết định 01 ngày 08/7/2013 và Quyết định 01 ngày 10/7/2013)?     

Quá trình giải quyết vụ án, nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không đưa ra được tài liệu chứng cứ chứng minh là chỉ có duy nhất 01 hội đồng được thành lập theo quyết định số 01 ngày 10/7/2013.

Tới tận ngày 7/10/2016, tại phiên tòa, Luật sư Trần Hồng Phúc đã chỉ ra sai phạm này và sau 02 ngày nghỉ cuối tuần (thứ Bảy và Chủ nhật), chiều thứ hai (10/10) phía luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mới xuất trình bổ sung 01 bản photocopy văn bản đính chính của Hội đồng chức danh giáo sư ngành kinh tế học về việc này cho Hội đồng xét xử là không thể chấp nhận.

Việc ông Đinh Văn Sơn tự ý ban hành Quyết định thành lập hội đồng 01/QĐ-HĐCDGSNKTH ngày 10/7/2013 để xác minh luận án Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là trái thẩm quyền, trái với quy định tại khoản 2 Điều 19 Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, các Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở ban hành kèm theo Quyết định số 3932/QĐ-BGDĐT ngày 02/6/2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT do không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế học.

Ngày 28/6/2013, TS.Mai Thanh Quế có văn bản gửi tới Bộ GD&ĐT, khẳng định việc đồng ý cho phép ông Hoàng Xuân Quế sử dụng một số kết quả nghiên cứu đã công bố trong luận án của mình.

Ông Mai Thanh Quế viết: “Tôi nghĩ rằng, khoa học là mênh mông và quá trình nghiên cứu cũng mang tính kế thừa và có thể tương đồng về quan điểm.

Còn nếu luận án của anh Hoàng Xuân Quế có vi phạm quy chế của Bộ GD&ĐT thì thẩm quyền xử lý thế nào là tùy thuộc Bộ. Cá nhân tôi không có ý kiến gì về bản luận án của anh Hoàng Xuân Quế.

Tôi biết anh Hoàng Xuân Quế là người rất tâm huyết với nghề dạy học vốn rất gian nan vất vả. Luận án viết cách đây đã 10 năm. Do vậy, nếu có sơ xuất gì, với tư cách là đồng nghiệp, tôi xin kính đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét và tạo điều kiện giúp đỡ anh Hoàng Xuân Quế”.

Mặc dù, cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có công văn gửi ông Đinh Văn Sơn, yêu cầu Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế học xác minh luận án Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế xem có hành vi sao chép không?

Tuy nhiên, ông Sơn đã tự thành lập 01 hội đồng xác minh luận án theo ý chí của riêng cá nhân ông Sơn (vấn đề này dựa trên quan điểm và sự thừa nhận của luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại phiên tòa).

Khi đối chiếu danh sách thành viên trong Hội đồng xác minh luận án Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế do Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế học thành lập thì chỉ có duy nhất ông Đinh Văn Sơn là thành viên của Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế học; 6/7 thành viên còn lại là do ông Sơn tự ý đưa vào?!

Do vậy, biên bản họp ngày 17/7/2013 của Hội đồng này không có giá trị pháp lý, trái với quy định tại khoản 1 Điều 16 của Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, các Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở là “Cuộc họp của Hội đồng Chức danh giáo sư ngành phải có ít nhất 3/4 tổng số thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư ngành tham dự”.

Ông Đinh Văn Sơn sử dụng con dấu tùy tiện

Tại phiên tòa, Luật sư Trần Hồng Phúc đã đưa ra bằng chứng tiêu biểu cho sự “vô pháp”, đó là Quyết định số 01 ngày 10/7/2013 của Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế học và Biên bản họp Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế ngày 17/7/2013 báo cáo kết quả xác minh của Hội đồng này.

Tất cả các văn bản này đều sử dụng con dấu của Trường Đại học Thương mại để đóng?!

Để đảm bảo thông tin khách quan, đa chiều, chúng tôi đã liên hệ với ông Đinh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, đặt lịch làm việc, mong muốn làm rõ những vấn đề luật sư đã nêu tại phiên tòa.

Tuy nhiên, ông Sơn từ chối tiếp phóng viên với lý do bận nhiều việc.

Ông Đinh Văn Sơn thừa nhận sử dụng con dấu của Đại học Thương mại đóng vào văn bản của Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế, và nói: “Hội đồng chức danh Giáo sư ngành kinh tế không có con dấu, cho nên là tất cả các quyết định, thông báo thì mình đều sử dụng con dấu của Đại học Thương mại để đảm bảo tư cách pháp nhân”?!

Việc sử dụng con dấu của Trường Đại học Thương mại để đóng dấu lên văn bản của Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế học là vi phạm pháp luật.

Vấn đề này được quy định tại khoản 3 và 4 Điều 6 Nghị định 58/2001/NĐ-CP ngày 24/8/2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 31/NĐ-CP ngày 01/4/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58 về quản lý và sử dụng con dấu).

Đáng lẽ ra, là người đứng đầu Bộ GD&ĐT khi đó là ông Phạm Vũ Luận phải chấn chỉnh, yêu cầu hủy bỏ các văn bản trái luật này; đồng thời yêu cầu ông Sơn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ông Phạm Vũ Luận đã không làm thế, mà lại còn sử dụng những tài liệu sai trái này để làm căn cứ ra quyết định thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.

Luật sư Trần Hồng Phúc khẳng định, sử dụng con dấu của Đại học Thương mại đóng lên văn bản của Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Kinh tế là vi phạm pháp luật. ảnh: NQ.
Luật sư Trần Hồng Phúc khẳng định, sử dụng con dấu của Đại học Thương mại đóng lên văn bản của Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Kinh tế là vi phạm pháp luật. ảnh: NQ.

Luật sư Phúc khẳng định, hành vi vi phạm pháp luật này của ông Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nghành kinh tế (Đinh Văn Sơn) cần phải được các cơ quan chức năng xử lý, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật!

Tại Điều 13 Nghị định số 58  ngày 24/8/2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu quy định: “Người nào có hành vi vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính  hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Bộ GD&ĐT từng bị yêu cầu xin lỗi công khai

Tại phiên tòa, phản bác lại quan điểm của Bộ GD&ĐT khi nói về “tính không khách quan” khi ông Quế đi xin lại các quyển luận án từ các thành viên trong hội đồng chấm luận án cũng như từ giáo viên hướng dẫn.

Ngày 19/9/2013, TS.Dương Thu Hương gửi văn bản tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nói rõ: “Tôi là phản biện kín, và đây là lĩnh vực thuộc chuyên môn sâu của tôi( tôi nguyên là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,..) nên tôi đã đọc rất ký bản luận án này và đã có nhận xét, đánh giá tốt về chất lượng luận án. Bản nhận xét phản biện kín tôi đã gửi cho Bộ GD&ĐT, đề nghị Bộ xem lại bản nhận xét này.

Tôi là Giáo viên hướng dẫn 1 của Nghiên cứu sinh Mai Thanh Quế vừa bảo vệ trước đó mấy tháng. Sau đó lại được bộ đề nghị phản biện kín luận án của Nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế.

Khi đọc kỹ bản luận án của anh Hoàng Xuân Quế để phản biện, tôi không thấy có sự trùng lặp, sao chép giữa hai luận án vì đề tài của hai luận án đi hai hướng khác nhau của chính sách tiền tệ…”.

Ông Quế và Luật sư Trần Hồng phúc nói rằng: Khi bộ GD&ĐT yêu cầu giải trình, ông Quế một mặt yêu cầu bộ lấy tài liệu gốc của ông đang lưu tại Bộ để đối chiếu.

Đồng thời tìm đến Giáo viên hướng dẫn cũng như các thành viên trong hội đồng để xin lại các quyển luận án mà ông đã nộp khi bảo vệ. Để đảm bảo khách quan, ông Quế không đi một mình mà phải đi cùng một người nữa.

Vì kho tài liệu của các thầy như một thư viện thu nhỏ, nên việc tìm kiếm rất mất thời gian. Tìm một hôm chưa thấy thì hôm sau đến tìm lại là chuyện hết sức bình thường.

Nếu ông Quế có gì mờ ám, cố tình bịa ra một cuốn luận án khác như hàm ý của Bộ thì ông phải dấu kín việc này chỉ để một mình ông biết thôi chứ đi hai người làm gì? Và phải tìm thấy cuốn luận án ngay lần đầu tiên, chứ tại sao phải đến lần thứ hai?

Nhưng cũng có thầy thì ông Quế không phải tìm mà sau khi điện thoại, thầy đã lấy sẵn và đưa cho ông Quế khi ông Quế đến, đó là TS Nguyễn Quốc Việt, PGS.TS Lê Văn Hưng.

Đây là chi tiết khách quan, trung thực, nhưng phía Bộ GD&ĐT lại cố tình lờ đi không nhắc đến?!

Ngay tại phiên tòa, Luật sư Trần Hồng Phúc đã lấy biên bản làm việc giữa đại diện A83 với các thầy, cô cũng như của ông Lê Thanh Huy (con trai của PGS.TS Lê Đình Hợp) để minh chứng cho việc làm gian dối của Bộ GD&ĐT.

Luật sư Phúc đặt ra câu hỏi: “Một văn bản làm việc của cơ quan công an mà Bộ còn gian dối vậy thì thử hỏi những việc khác sẽ như thế nào?”.

Cũng vì gian dối của Bộ GD&ĐT mà ông Lê Thanh Huy đã rất bức xúc khi đọc được kết luận 1254, đoạn viết có liên quan đến ông.

Ngay lập tức, ông Lê Thanh Huy đã có văn bản yêu cầu Bộ trưởng bộ GD&ĐT khi đó là ông Phạm Vũ Luận phải công khai xin lỗi và đính chính, nếu không anh sẽ kiện ra Tòa về tội vu khống và xúc phạm người khác.

Trong văn bản này, ông Huy nói: “Tôi thấy mọi việc là bình thường, trung thực, không có gì gian dối, không khách quan ở đây cả. Tại sao Bộ GD & ĐT lại suy diễn một cách hồ đồ để quy chụp như vậy? Tôi không là PGS, không là Tiến sỹ, thạc sỹ nhưng không bao giờ gắp lửa bỏ tay người như vậy”!

Ngày 10/10/2013, ông Lê Thanh Huy (con trai PGS.TS Lê Đình Hợp) gửi văn bản yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi đó là ông Phạm Vũ Luận phải xin lỗi công khai và đính chính. ảnh: NQ.
Ngày 10/10/2013, ông Lê Thanh Huy (con trai PGS.TS Lê Đình Hợp) gửi văn bản yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi đó là ông Phạm Vũ Luận phải xin lỗi công khai và đính chính. ảnh: NQ.
Ông Lê Thanh Huy cho biết rất bức xúc vì sự suy diễn hồ đồ trong kết luận 1254 ngày 4/10/2013 của Bộ GD&ĐT. ảnh: NQ.
Ông Lê Thanh Huy cho biết rất bức xúc vì sự suy diễn hồ đồ trong kết luận 1254 ngày 4/10/2013 của Bộ GD&ĐT. ảnh: NQ.

Khi được hỏi về quyển luận án Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế tại thư viện Quốc gia tại sao lại thiếu những tài đính kèm (bắt buộc phải nộp theo quy định), tại sao thiếu chữ ký cam đoan của ông Quế?

Luật sư đại diện Bộ GD&ĐT trả lời: “Theo quy định thì không yêu cầu phải ký vào bản cam đoan mà chỉ cần lời cam đoan của nghiên cứu sinh in trên trang đầu là được. Còn các tài liệu kèm theo quyển luận án của ông Quế thì không phải mất mà được gỡ ra lưu giữ ở một nơi khác tại thư viện Quốc gia còn luận án của ông Quế được mang ra phục vụ bạn đọc…”.

Luật sư Trần Hông Phúc đã ngay lập tức phản bác lại, cho rằng phía Bộ GD&ĐT đã ngụy biện, gian dối. Minh chứng được đưa ra đó chính là biên bản làm việc (năm 2013) giữa đại diện của chính bộ GD&ĐT với đại diện của thư viện Quốc gia.

Tại văn bản này ghi rõ: Luận án của ông Quế không còn những tài liệu đính kèm, còn trên quyển luận án của ông Mai Thanh Quế thì vẫn còn nguyên những tài liệu đính kèm vào quyển luận án theo đúng quy định. Tại sao ông Mai Thanh Quế bảo vệ trước ông Hoàng Xuân Quế 9 tháng vẫn còn tài liệu đính kèm, mà của ông Hoàng Xuân Quế thì biến mất?

Còn về chữ ký cam đoan, đã viết cam đoan thì phải ký tươi và ghi rõ họ, tên, thậm chí còn phải ghi cả số chứng minh thư để xác nhận và khẳng định đó là sản phẩm của mình. Nếu có gì sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nên trả lời từ phía Bộ GD&ĐT chỉ là loanh quanh, ngụy biện!

Với những bằng chứng cụ thể, thuyết phục không thể chối cãi mà phía người khởi kiện đưa ra và phía Bộ không trả lời được. Luật sư đại diện Bộ GD&ĐT trả lời loanh nên rất nhiều lần bị chủ tọa phiên tòa ngắt lời, yêu cầu trả lời thẳng vào vấn đề, nhưng phía Bộ GD&ĐT chỉ lặp đi lặp lại điệp khúc: Chúng tôi làm đúng quy định?!

Qua những phân tích trên, Luật sư Trần Hồng Phúc nói rằng, rất mong Bộ GD&ĐT sẽ có cách hành xử trung thực, khách quan và văn minh. Đông đảo dư luận đang trông chờ vào sự phán quyết công tâm, khách quan của cơ quan pháp luật.

Ngọc Quang