Từ xưa tới nay, giáo dục được xem là nền tảng cơ bản cho phát triển của đất nước, quyết định đến sự hưng thịnh của mỗi quốc gia.
Nhiều năm qua, song song với sự phát triển của đất nước ở nhiều mặt thì giáo dục - đào tạo cũng đã có những đổi mới, có thành tựu rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần được xử lý một cách bài bản có tính hệ thống, đặc biệt là tình trạng gian dối, thiếu trung thực đã diễn ra ở nhiều địa phương.
Năm học 2006-2007, ngành giáo dục đã có cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, thời gian đầu đã có những kết quả tích cực. Nhưng đáng tiếc một thời gian sau dường như tiêu cực của ngành không bị chặn đứng mà còn lan ra nhiều hơn, ẩn nấp và tinh vi hơn.
Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại có hẳn chỉ đạo "Khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục là việc làm thường xuyên, không phô trương, hình thức, là giải pháp quan trọng để tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo", nhưng thực tế là sự gian dối vẫn đang xảy ra, mà chưa có giải pháp chặn đứng một cách thật sự hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) nêu quan điểm: “Giáo dục là then chốt của mọi sự phát triển tại một quốc gia. Giáo dục nếu được thực hiện nghiêm túc thì sẽ đảm bảo được sản phẩm đầu ra tốt, tức là chất lượng nguồn nhân lực quốc gia tốt, đó là tiền đề là nền tảng quan trọng để đất nước phát triển, hưng thịnh.
Ngược lại, một đất nước sẽ dần yếu kém đi, sẽ gặp vô vàn hệ lụy nếu như giáo dục không được đầu tư, không được coi trọng thực sự, có nhiều gian dối. Gian dối dù ở ngành nào, lĩnh vực gì cũng không thể chấp nhận được, nhưng gian dối trong giáo dục thì vô cùng nguy hiểm vì nó có thể gây hậu quả nặng nề cho rất nhiều người".
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII). Ảnh: quochoi.vn |
Sau sự việc gian dối điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở nhiều địa phương năm 2018 khiến dư luận rúng động, nhiều cán bộ trong ngành giáo dục ở các địa phương như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang đã bị bắt, khởi tố và chịu án tù.
Năm 2019, ngành giáo dục lại bị một phen lao đao khi nổ ra sai phạm tày đình ở Trường Đại học Đông Đô. Theo kết luận điều tra thì trong 193 người được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 60 người đã sử dụng bằng, trong đó có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ. Vụ việc này cũng đã gây ra nhiều hệ lụy lớn cả về công tác đào tạo và công tác cán bộ ở những cơ quan, đơn vị khác nhau.
Và, mới đây là sự việc 6 học sinh lớp 6 tại huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) đọc viết chưa thành thạo cũng đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Những đứa trẻ thơ dại bị rơi vào vòng xoáy thành tích và thiếu trách nhiệm của giáo viên, của nhà trường, đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Đây không phải là vụ việc đầu tiên "học sinh ngồi nhầm lớp", vì vậy phải đặt ra những vấn đề xử lý mang tính hệ thống, ngoài trách nhiệm của giáo viên, nhà trường thì Sở Giáo dục các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hành động thế nào để giải quyết triệt để tình trạng này?
Phải đặt ra câu hỏi ấy, bởi vì khi xâu chuỗi lại có thể thấy được hệ quả của một nền giáo dục nếu vẫn cứ manh nha dối trá ngay từ khi trẻ bắt đầu vào lớp 1 thì thì chất lượng sản phẩm trong giai đoạn sau sẽ tiếp tục phải đối diện với những điều tồi tệ. Nhiều người tin rằng, một vài cá nhân gian dối, dốt nhát cũng không thể gây ra ảnh hưởng gì lớn. Có lẽ vậy! Nhưng nếu những con người ấy luồn lách, chui lọt qua nhiều cửa để trở thành cán bộ trong cơ quan nhà nước thì điều gì sẽ xảy ra?
Vậy, chất lượng nhân sự của đất nước trong tương lai sẽ như thế nào nếu nền giáo dục còn tồn tại nhiều trường hợp "ngồi nhầm lớp" tại các địa phương như Đồng Tháp thời gian qua? Rồi kết quả đạt được sau cùng sẽ là gì khi mà nhiều gia đình, nhiều lớp, nhiều trường vẫn đua nhau có thật nhiều thành tích, nhiều giải thi... thậm chí để có được cái danh hiệu "chuẩn" là cả một hành trình dài nhiều áp lực. Đạt "chuẩn" rồi lại phải căng sức, phải đối diện với nhiều áp lực khác để... "giữ chuẩn".
Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, suy cho cùng, tất cả những tồn tại của hiện tượng "ngồi nhầm lớp" hay bằng giả, chứng chỉ giả (thậm chí bằng thật nhưng kiến thức giả) đều là hệ quả của căn bệnh thành tích, bệnh sính bằng cấp đã xảy ra nhiều năm trong xã hội và nguy hiểm là lại xảy ra trong chính ngành giáo dục, với sự tham gia của chính các thầy, cô.
"Trường hợp của mấy cháu bé ở tỉnh Đồng Tháp là rất đau xót, bởi vì bây giờ đưa các cháu trở lại tiểu học cũng sẽ có ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý của gia đình và chính các cháu. Việc thứ hai là như vậy thì kết quả điểm học tập, điểm thi của những cháu này trong suốt mấy năm qua cũng phải xem lại, vì đọc và viết còn không lưu loát thì nói gì tới chuyện học môn Văn và những môn khác.
Như vậy là giáo viên thiếu trung thực, đây lại là một chuyện vô cùng xấu xí nữa. Thầy cô giáo được ví như máy cái, giữ vị trí then chốt trong giáo dục, đào tạo con người mà lại qua loa, gian dối gây ra hậu quả như thế thì phải xử lý nghiêm khắc chứ không thể chỉ nhắc nhở, khiển trách rồi cho qua", bà An chia sẻ.
Không phủ nhận sự quan trọng của bằng cấp, tuy nhiên đối với bà Bùi Thị An, bằng cấp chỉ là một khía cạnh chứ không thể coi là then chốt khi đánh giá.
“Nếu bằng cấp thật, học thật thì vô cùng cần thiết. Bằng cấp thật để thể hiện chứng chỉ, mức độ mà con người đạt đến trong lí thuyết cũng như thực hành.
Tuy nhiên giai đoạn vừa qua, có nhiều hệ quả đáng tiếc để lại bởi chúng ta chạy đua theo bệnh thành tích, lợi ích cục bộ của từng trường mà ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra của giáo dục. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nhân lực của quốc gia.
Những vụ lùm xùm gần đây về việc cấp bằng giả của Trường Đại học Đông Đô hay những cán bộ sử dụng bằng cấp giả trong bộ máy nhà nước đã từng bị phát hiện trước kia là hệ quả của một xã hội sính bằng cấp, quá coi trọng hình thức mà quên mất năng lực căn bản của mỗi con người còn được đánh giá bằng thực lực”, bà An nhấn mạnh.
Học sinh lớp 6 không thể nào lại chỉ có kiến thức và khả năng của học sinh lớp 1 nếu nhận được sự quan tâm dạy dỗ thực sự của giáo viên và nhà trường. Nhìn rộng hơn, không thể tồn tại những cán bộ sử dụng bằng cấp giả nếu có sự tuyển chọn, giám sát, quy hoach rõ ràng, minh bạch và công khai.
“Tri thức giả, bằng cấp giả và bằng thật nhưng trình độ giả cũng chỉ là sự phô diễn hình thức, không bao giờ đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Bằng cấp thật được đào tạo bài bản kết hợp với những việc làm, hoạt động cụ thể mới cho ra kết quả tốt nhất.
Bằng cấp chỉ là một kênh đánh giá mà thôi, tri thức thật sự và phẩm hạnh của con người mới là điều quan trọng. Đối với ngành giáo dục đâu chỉ dạy học trò kiến thức là xong, mà cái quan trọng không kém đó là phải dạy cho trẻ từ tấm bé đã phải tôn trọng sự thật, hành xử trung thực, nghĩ và làm thật, có như thế thì xã hội mới phát triển lên được, đất nước mới có nguồn nhân lực mạnh", bà An nói.