Lương cơ sở tăng, chệnh lệch thu nhập GV mầm non hạng 1 với thầy cô trẻ khá lớn

17/08/2024 06:48
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Giáo viên tiểu học có hệ số lương 2,34, được hưởng phụ cấp ưu đãi 35% là 1,916,460 đồng, hệ số lương 6,38 được hưởng phụ cấp cũng 35% là 5,225,220 đồng.

Từ 01/7, lương cơ sở được lên 2,34 triệu đồng, tăng 30% là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, cũng là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và các bộ ban ngành trong điều hành, có thể hạn chế giáo viên nghỉ việc và thu hút sinh viên sư phạm.

Tuy vậy, việc tăng lương cơ sở sẽ chưa thể khắc phục những tồn tại, bất cập về lương hiện hành, vẫn còn tình trạng làm việc cầm chừng, kém hiệu quả, đến hẹn lại lên lương, chưa tạo động lực để mọi người phấn đấu và đạt hiệu quả cao nhất.

Ảnh minh họa thuongtet-7702-5088-7355.jpg
Ảnh minh họa

Những bất cập về lương hiện hành được nêu trong Nghị quyết 27

Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 19/5/2018, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp có nêu những hạn chế, yếu kém trong chính sách tiền lương ở nước ta là:

Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.

Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương.

Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ.

Chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng, gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Đối với giáo viên, việc trả lương theo mức lương cơ sở thời gian qua tồn tại nhiều bất cập như chênh lệch giữa giáo viên quá lớn, giáo viên làm việc hiệu quả và chưa hiệu quả chưa phân biệt rõ, chưa phân biệt được thứ hạng trong hệ thống lương giáo viên (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên cùng hưởng chung một bảng lương), giáo viên lớn tuổi ngoài lương cao, các khoản phụ cấp, hỗ trợ…cũng nhận cao hơn do chi trả theo hệ số lương,…chưa đúng tính chất trợ cấp, hỗ trợ,…

Có tổ trưởng công tác 15 năm tổng thu nhập không bằng giáo viên công tác 9 năm

Hiện nay, việc trả lương theo hệ số lương, lương cơ sở còn tồn tại một số bất cập, hạn chế như:

Thứ nhất, chưa tạo động lực phấn đấu

Hiện nay, giáo viên được trả lương theo hạng, dù ở hạng nào thì cứ 3 năm được tăng lương một lần, trừ trường hợp bị kỷ luật thì bị kéo dài nâng lương hoặc một số ít có thành tích thì được nâng lương trước hạn không quá 12 tháng.

Điều này dẫn đến nhiều người giáo viên công tác “tàng tàng” chờ đến thời điểm được nâng lương, với lương cơ sở mới 2,34 triệu đồng, giáo viên công tác 30 năm có khả năng thực nhận đến khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng, nhưng nhiều người thiếu động lực phấn đấu, chưa làm tốt công việc của mình.

Thứ hai, chênh lệch lương giáo viên quá lớn

Giáo viên có thâm niên, công tác tốt, cống hiến nhiều năm trả lương cao là đúng tuy nhiên cùng công tác như nhau, cùng giảng dạy, giáo dục nhưng giáo viên trẻ chênh lệch giáo viên lớn tuổi quá cao khiến nhiều người nản lòng, khi được trả lương cao thì làm việc cầm chừng, thiếu phấn đấu.

Giáo viên mầm non mới ra trường, nếu trúng tuyển viên chức, sau khi tập sự được bổ nhiệm giáo viên mầm non hạng III có hệ số lương 2.1 (chưa có phụ cấp thâm niên) được nhận lương 2.1 x 2,340,000 đồng + 35% phụ cấp ưu đãi (2.1 x 2,340,000 x 0.35), tổng cộng được nhận 6,633,900 đồng (chưa trừ các khoản bảo hiểm xã hội, các khoản khác);

Trường hợp giáo viên mầm non có thể có thu nhập cao nhất là giáo viên mầm non hạng I có hệ số lương 6,38, phụ cấp ưu đãi 35%, phụ cấp thâm niên 30%, phụ cấp thâm niên vượt khung 10% được nhận lương tổng cộng như sau: 6.38 x 2,340,000 đồng + 35% phụ cấp ưu đãi (6.38 x 2,340,000 x 0,35) + 30% phụ cấp thâm niên (6.38 x 2,340,000 x 0,3) + 10% phụ cấp thâm niên vượt khung (6.38 x 2,340,000 x 0,1), tổng thực nhận khoảng 26 triệu mỗi tháng. Trường hợp này không nhiều giáo viên đạt được vì phải là giáo viên hạng 1, có hệ số lương cao nhất của hạng 1 (6,38), có thâm niên công tác trên 30 năm, có thành tích được nâng lương trước hạn.

Giáo viên này tổng thu nhập cao gấp hơn 4 lần giáo viên mới ra trường, chênh lệch gần 20 triệu đồng mỗi tháng. Đây là sự bất hợp lý của việc chia hạng giáo viên. Giáo viên trẻ đi làm thu nhập ở ngưỡng hơn 6 triệu đồng/tháng khó khiến họ yên tâm gắn bó với nghề.

Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hiện nay cũng có sự chênh lệch khá lớn giữa giáo viên công tác lâu năm và giáo viên mới nhận công tác khoảng 5 – 10 năm.

Sự chênh lệch thu nhập này quá lớn, trong khi giáo viên trẻ hiện nay đa số trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin, chuyên môn được đào tạo bài bản, và giáo viên trẻ thường tham gia các phong trào tốt, hỗ trợ nhà trường nhiều.

Một giáo viên sau thời gian công tác được khoảng 7-8 năm, nếu công tác tốt được bổ nhiệm tổ trưởng thì lương thực nhận khoảng 8-9 triệu đồng mỗi tháng, trong khi đó, một giáo viên khác không giữ nhiệm vụ gì, làm việc chưa hiệu quả nhưng mức lương thực nhận có thể trên 20 triệu đồng mỗi tháng, đó là hạn chế của việc chưa trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc.

Giáo viên công tác lâu năm đương nhiên sẽ được trả lương cao hơn nhưng chênh lệch quá lớn dễ khiến tâm lý làm việc cầm chừng, thiếu phấn đấu.

Thứ ba, chia hạng hiện nay còn nhiều bất cập

Thực tế, việc chia hạng hiện nay trong ngành giáo dục tồn tại quá nhiều bất cập, nhiều hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ,…thực hiện tốt nhiệm vụ nhưng chỉ vẫn được xếp ở hạng III (hạng thấp nhất), trong khi một số giáo viên không thực hiện nhiệm vụ gì, vẫn được bổ nhiệm, chuyển xếp lương hạng I, hạng II.

Bất cập này xuất phát từ quy định giáo viên hạng I cũ được chuyển sang hạng I mới, hạng II cũ chuyển sang hạng II mới chỉ cần đủ thời gian giữ hạng, không cần tiêu chuẩn khác, khiến khá nhiều người được bổ nhiệm, chuyển xếp lương “nhầm hạng”.

Rất nhiều người không có thành tích, không giữ bất kỳ nhiệm vụ nào được chuyển xếp lương có hệ số lương từ 3,33, 3,66 sang hệ số lương mới 4,0.

Chia hạng là tốt, nhưng phải đúng ý nghĩa, giáo viên đạt giữ nhiệm vụ, đạt tiêu chuẩn hạng nào được bổ nhiệm hạng đó, việc bổ nhiệm hạng thời gian qua chính là nguyên nhân lớn gây nhiều bức xúc, bất công cho giáo viên.

Thực tế có trường hợp trong cùng tổ chuyên môn, một giáo viên trúng tuyển viên chức bậc trung học cơ sở năm 2009, do khi trúng tuyển có bằng cao đẳng nên được bổ nhiệm lương có hệ số lương tương đương hạng III cũ có hệ số lương 2,1-4,89. Năm 2012, người này đã học liên thông và có bằng đại học, được bổ nhiệm tổ trưởng. Công tác 15 năm, quản lý toàn bộ tổ viên, thực hiện rất nhiều việc nhưng thu nhập thấp do chỉ xếp lương ở hạng III mới (được bổ nhiệm lương mới năm 2023), hệ số lương 3,66.

Trường hợp khác, một số giáo viên trong cùng tổ nhận công tác đầu năm 2015 khi trúng tuyển có bằng đại học nên xếp lương tương đương hạng II cũ có hệ số lương 2,34-4,98, dù chỉ 9 năm công tác ở hạng II cũ có hệ số lương 3,33 sẽ được chuyển sang hạng II mới có hệ số lương 4,0 cao hơn cả tổ trưởng, dù không giữ nhiệm vụ gì và thời gian công tác ít hơn 6-7 năm so với tổ trưởng và cũng có bằng đại học sau người tổ trưởng của mình.

Thứ tư, chi trả các loại phụ cấp chưa phù hợp

Do thực hiện theo hệ số lương, lương cơ sở nên các khoản phụ cấp hiện nay còn chưa phù hợp, cần có sự chuyển biến thay đổi trong thời gian tới.

Một phó hiệu trưởng có năng lực chuyên môn vững vàng, làm các công việc vất vả, thời gian làm việc nhiều nhưng công tác tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có thể chỉ được hưởng phụ cấp chức vụ 0,25, 0,3,…tương ứng vài trăm ngàn đồng mỗi tháng là còn thấp chưa tương xứng với tính chất mức độ, phức tạp của công việc.

Bên cạnh đó, phụ cấp hưởng theo hệ số lương và lương cơ sở nên vẫn còn chưa phù hợp, chưa tương xứng tính chất của phụ cấp, trợ cấp,…hiện hành.

Chẳng hạn, một giáo viên tiểu học mới ra trường, nếu trúng tuyển viên chức, sau khi tập sự được bổ nhiệm giáo viên tiểu học hạng III có hệ số lương 2.34 được nhận lương 2.34 x 2,340,000 đồng là 5,475,600 đồng; giáo viên tiểu học hạng II, có hệ số lương 6,38 sẽ được nhận lương 6,38 x 2,340,000 đồng là 14,929,200 đồng, chênh lệch này cũng khá lớn nhưng có thể chấp nhận được, ghi nhận quá trình công tác, thời gian cống hiến.

Nhưng chưa hợp lý ở việc trả phụ cấp theo lương, cùng công tác như nhau, giáo viên ở hạng cao, có hệ số lương cao đã nhận lương cao lại nhận phụ cấp cao.

Giáo viên tiểu học hạng III có hệ số lương 2,34, chỉ được hưởng phụ cấp ưu đãi 35% x 2,34 x 2,340,000 đồng là 1,916,460 đồng mỗi tháng, trong khi một giáo viên khác có hệ số lương 6,38 được hưởng phụ cấp cũng 35% nhưng được nhận 35% x 6,38 x 2,340,000 đồng là 5,225,220 đồng.

Cùng công tác như nhau, cùng hưởng phụ cấp 35% nhưng 2 giáo viên chênh lệch phụ cấp đến gần 3,500,000 đồng mỗi tháng là quá cao. Theo người viết nên có sự điều chỉnh theo đúng tinh thần Nghị quyết 27, lương và phụ cấp là lượng tiền phù hợp với tính chất, mức độ và hiệu quả công việc.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi