Từ 1/7, chênh lệch lương GV mới ra trường với lâu năm, giữa các bậc học ra sao?

29/06/2024 06:42
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 tăng thêm là 913,3 nghìn tỉ đồng.

Thông tin từ Bộ Nội vụ dự kiến sẽ tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng mỗi tháng lên mỗi tháng có thể thực hiện từ 1/7 tới có lẽ là phương án được đa số cán bộ, công chức, viên chức đồng tình, đây cũng là mức tăng cơ sở lớn nhất trong thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, các phương án trên là giải pháp khả thi nhất, tốt nhất trong bối cảnh chưa có đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay (chưa thực hiện các bảng lương và phụ cấp mới), có tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội, tạo hiệu ứng tốt và rất lớn trong xã hội. Phương án trên bảo đảm khả năng chi trả của ngân sách nhà nước giai đoạn 2024 - 2026.

Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 tăng thêm là 913,3 nghìn tỉ đồng. Với số tiền này, Chính phủ bảo đảm đủ nguồn để thực hiện. [1]

GDVN-minh họa.JPG
Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Thực tế, tăng mức lương cơ sở 30% thì mọi đối tượng đều tăng, có thể là phương án phù hợp nhất hiện nay khi mà việc trả lương theo vị trí việc làm phát sinh nhiều bất cập, hạn chế nhưng chưa khắc phục được.

Từ 1/7 tới, nếu tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng mỗi tháng tuy tất cả đều được tăng lương nhưng chênh lệch giữa các giáo viên mở rộng ra, chênh lệch giữa các giáo viên mới ra trường và giáo viên công tác lâu năm là khá lớn.

Chênh lệch mức lương giáo viên mầm non mới ra trường và giáo viên cuối cùng trong thang bậc lương

Giáo viên mầm non mới ra trường, nếu trúng tuyển viên chức, sau khi tập sự được bổ nhiệm giáo viên mầm non hạng III có hệ số lương 2.1 (chưa có phụ cấp thâm niên) được nhận lương 2.1 x 2,340,000 đồng + 35% phụ cấp ưu đãi (2.1 x 2,340,000 x 0.35), tổng cộng được nhận 6,633,900 đồng (chưa trừ các khoản bảo hiểm xã hội, các khoản khác).

Giáo viên mầm non hạng II lâu năm có hệ số lương 4,98, có phụ cấp thâm niên 30%, phụ cấp thâm niên vượt khung 10% được nhận tổng cộng như sau: 4.98 x 2,340,000 đồng + 35% phụ cấp ưu đãi (4.98 x 2,340,000 đồng x 0.35)+ 30% phụ cấp thâm niên (4.98 x 2,340,000 đồng x 0.3) + 10% phụ cấp thâm niên vượt khung (4.98 x 2,340,000 đồng x 0.1), tổng nhận khoảng gần 20 triệu mỗi tháng.

Giáo viên mầm non hạng II này chênh lệch với giáo viên mầm non mới được bổ nhiệm hạng III khoảng 14 triệu.

Giáo viên mầm non hạng I có hệ số lương 6,38, phụ cấp ưu đãi 35%, phụ cấp thâm niên 30%, phụ cấp thâm niên vượt khung 10% được nhận lương tổng cộng như sau: 6.38 x 2,340,000 đồng + 35% phụ cấp ưu đãi (6.38 x 2,340,000 x 0,35) + 30% phụ cấp thâm niên (6.38 x 2,340,000 x 0,3) + 10% phụ cấp thâm niên vượt khung (6.38 x 2,340,000 x 0,1), tổng thực nhận khoảng 26 triệu mỗi tháng.

Giáo viên mầm non hạng I này chênh lệch với giáo viên mầm non hạng III mới được bổ nhiệm khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng.

Chênh lệch mức lương giáo viên tiểu học mới ra trường và giáo viên cuối cùng trong thang bậc lương

Giáo viên tiểu học mới ra trường, nếu trúng tuyển viên chức, sau khi tập sự được bổ nhiệm giáo viên tiểu học hạng III có hệ số lương 2.34 (chưa có phụ cấp thâm niên) được nhận lương 2.34 x 2,340,000 đồng + 35% phụ cấp ưu đãi (2.34 x 2,340,000 x 0.35), tổng cộng được nhận 7,392,060 đồng (chưa trừ các khoản bảo hiểm xã hội, các khoản khác).

Giáo viên tiểu học hạng II lâu năm có hệ số lương 6,38, có phụ cấp thâm niên 35%, phụ cấp thâm niên vượt khung 10% được nhận tổng cộng như sau: 6.38 x 2,340,000 đồng + 35% phụ cấp ưu đãi + 35% phụ cấp thâm niên + 10% phụ cấp thâm niên vượt khung, tổng nhận khoảng gần 26 triệu mỗi tháng.

Giáo viên tiểu học hạng II này chênh lệch với giáo viên tiểu học mới được bổ nhiệm hạng III khoảng 18 triệu.

Giáo viên tiểu học hạng I có hệ số lương 6,78, phụ cấp ưu đãi 35%, phụ cấp thâm niên 30%, phụ cấp thâm niên vượt khung 10% được nhận lương tổng cộng như sau: 6.78 x 2,340,000 đồng + 35% phụ cấp ưu đãi (6.78 x 2,340,000 x 0.35) + 30% phụ cấp thâm niên (6.78 x 2,340,000 x 0.3) + 10% phụ cấp thâm niên vượt khung (6.78 x 2,340,000 x 0.1), tổng thực nhận khoảng 27,5 triệu mỗi tháng.

Giáo viên tiểu học hạng I này chênh lệch với giáo viên tiểu học hạng III mới được bổ nhiệm khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng.

Đối với giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông do hưởng lương các hạng I, II, III có hệ số lương giống như giáo viên tiểu học nhưng chỉ khác phụ cấp ưu đãi (giáo viên tiểu học 35%, giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông 30%) nên về cơ bản chênh lệch gần giống như đối với bậc tiểu học.

Tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu là điều đáng mừng đối với toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức là sự nổ lực rất lớn của Chính phủ, khi tất cả mọi người đều được tăng, những người trẻ cũng được tăng một phần.

Tuy nhiên, giáo viên trẻ với mức lương trên là còn thấp chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống, chưa đủ trang trải cuộc sống khi vật giá ngày càng tăng và chênh lệch giữa các giáo viên quá lớn khi cùng công việc như nhau, chưa tạo nhiều động lực để giáo viên trẻ phấn đấu đến với nghề giáo.

Nên thời gian tới, mong các cấp các ngành tiếp tục quan tâm nghiên cứu để trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc càng sớm càng tốt, vì trả lương theo vị trí việc làm sẽ khắc phục được tình trạng trì trệ, thiếu động lực phấn đấu của một phận viên chức.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/thoi-su/chua-co-bang-luong-moi-va-9-loai-phu-cap-theo-luong-moi-tu-17-1355749.ldo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên