Hi vọng những bất cập về lương giáo viên sẽ được giải quyết sau ngày 01/7/2024

17/03/2024 06:42
NGUYỄN THẾ TRUNG
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Chúng ta không thể tồn tại mãi tình trạng số tiết từng cấp học được quy định giáo viên dạy bằng nhau nhưng lương lại trả theo năm công tác.

Hàng chục năm qua, lương, phụ cấp của giáo viên không được trả theo năng lực mà trả theo năm công tác, nếu có thành tích cao thì sau 5 năm được tăng lương trước hạn 1 lần từ 6-12 tháng (tùy theo thành tích). Nếu không có thành tích đặc biệt, không bị kỉ luật thì 3 năm tăng một bậc lương với hệ số 0,33 và từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm được thêm 1% phụ cấp thâm niên.

Chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT ra đời cũng không giải quyết được bất cập này. Bởi lẽ, nó chỉ cải thiện được những giáo viên hạng II, hệ số lương 2,67-3,99 nếu được chuyển sang hạng II mới sẽ được hưởng lương bậc 1, hệ số 4,0.

Tuy nhiên, chỉ thực sự có thay đổi đối với những giáo viên từ hệ số 2,67-3,66, còn những thầy cô đang hưởng lương hệ số 3,99 lên 4,0 chỉ chênh lệch với lương cũ chưa 20 ngàn đồng (sau khi đã trừ bảo hiểm).

Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT quy định bổ nhiệm, xếp lương giáo viên hướng dẫn những giáo viên đang ở hạng II cũ ở các bậc lương ở bậc lương từ 3,33; 3,66 và 3,99 nếu đủ điều kiện sẽ được chuyển sang hạng II mới với hệ số 4,0.

Xét cho cùng, khi chưa có chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT cũng bất cập vì trả lương theo năm; khi có chùm Thông tư Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT và kể cả khi Bộ ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi cũng chỉ lợi cho một bộ phận giáo viên.

tang-luong-co-so-thong-tu-10-6399.jpg
Ảnh minh họa

Nghịch lý lương quản lý nhà trường thấp hơn giáo viên dạy lớp

Thông thường, trong các cơ quan, doanh nghiệp, những người đảm nhận chức vụ cao sẽ có mức lương cao hơn những người có chức vụ thấp và đương nhiên là phải cao hơn những người không đảm nhận chức vụ.

Tuy nhiên, nghịch lý ở nhiều trường học những năm qua cũng như hiện nay là có nhiều hiệu trưởng; phó hiệu trưởng; tổ trưởng chuyên môn đang có mức lương thấp hơn rất nhiều so với giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ vì kém năm công tác.

Trong khi, theo hướng dẫn hiện hành, ngoài công việc quản lý, hiệu trưởng phải dạy 2 tiết; phó hiệu trưởng dạy 4 tiết; tổ trưởng chuyên môn được giảm trừ 3 tiết theo định mức giảng dạy.

Một giáo viên đang công tác tại một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ, bản thân cô là tổ trưởng chuyên môn của một trường loại I. Trong tổ, có 13 giáo viên thì cô là người có tổng thu nhập thấp nhất.

Trước đây, khi Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT chưa có, cô đang hưởng lương bậc 6, hệ số 3,99. Khi Thông tư này ra đời, cô được nâng lên hệ số 4,0 (chênh lệch gần 20 ngàn đồng) nhưng phải học thêm nhiều loại chứng chỉ bằng kinh phí tự túc.

Ở địa phương cô đang công tác, sở giáo dục hướng dẫn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; tổ trưởng; tổ phó chuyên môn phải dạy đủ tiết quy định. Cô dạy cấp Trung học cơ sở nên mỗi tuần thực dạy 16 tiết, cộng với 3 tiết kiêm nhiệm.

Trong khi, nhiều giáo viên trong tổ vì thiếu lớp nên chỉ dạy bằng một nửa hoặc 2/3 định mức theo quy định. Nhưng, những giáo viên trong tổ có người hơn cô mỗi tháng đến hơn 5 triệu đồng lương và phụ cấp. Vì thế, dạy nhiều hơn, trách nhiệm nhiều hơn, công việc nhiều hơn nhưng lương chưa bằng 2/3 của một số giáo viên lớn tuổi.

Trong khi, hằng tháng ngoài việc dạy đủ tiết theo định mức thì tổ trưởng chuyên môn phải tham gia họp hành liên miên; xây dựng các kế hoạch và chủ trì các cuộc họp của tổ; kiểm tra hồ sơ sổ sách của giáo viên; kiểm tra chuyên đề nội bộ trong tổ…

Một phó hiệu trưởng cũng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho biết, bản thân người này công tác ở một trường loại II. Mỗi tuần phải dạy theo định mức 4 tiết; phụ trách chuyên môn; ngoài giờ; phổ cập của toàn trường và làm chủ tịch công đoàn nhưng lương đang thua nhiều giáo viên trong trường chỉ dạy mỗi tuần khoảng trên dưới 15 tiết.

Vẫn biết, chế độ lương, phụ cấp đang được thực hiện theo hướng dẫn chung và khi tự nguyện công tác trong ngành phải tuân thủ theo quy định chung nhưng rõ ràng với chính sách lương hiện hành đang xảy ra rất nhiều bất cập.

Tất nhiên, sẽ có những so sánh giữa giáo viên này với giáo viên khác và cũng rất khó đòi hỏi những cán bộ quản lý, những giáo viên cốt cán trong các nhà trường phấn đấu và đưa ra những sáng kiến, giải pháp tiêu biểu cho công việc mình đang đảm nhận. Bởi một số thầy cô quan niệm, phấn đấu, cố gắng, nhiệt huyết trong công việc hay làm tàng tàng thì cũng đều 3 năm tăng một bậc lương như nhau.

Trả lương theo vị trí việc làm có giải quyết được những bất cập hiện nay?

Ngày 5/3 vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024. Một trong những nội dung mà đội ngũ nhà giáo đang rất quan tâm là Chính phủ giao Bộ Nội vụ hoàn thiện Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Chính phủ lưu ý, Bộ Nội vụ chủ động xây dựng, ban hành các văn bản quy định và thực hiện các công việc cụ thể được giao để triển khai chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024 theo đúng kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ quy định.

Theo đó, sau ngày 01/7/2024 thì việc cải cách tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm:

Bảng lương 01: Bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.

Bảng lương 02: Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

Bảng lương 03: Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); Bảng lương 04: Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; Bảng lương 05: Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).

Với chính sách lương mới tới đây, nhiều thầy cô đang hy vọng “giáo viên sẽ sống được bằng lương” như lời một Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nói từ hơn 10 năm trước. Bên cạnh đó, những nhà giáo đang đảm nhận chức vụ; những giáo viên tích cực, có năng lực thực sự trong các nhà trường cũng được đãi ngộ tương xứng để làm động lực cho họ phấn đấu, cống hiến.

Với cách trả lương như hiện nay, những giáo viên mới vào ngành (dưới 9 năm công tác) đang chịu nhiều thiệt thòi nhất (mức lương dao động 5- 7 triệu đồng) - trong khi họ là những đối tượng cần được ưu đãi trong bối cảnh nhiều giáo viên nghỉ việc trong những năm qua.

Tuy nhiên, những giáo viên từ năm thứ 10 lại có mức lương tương đồng với những giáo viên gần 20 năm công tác (chỉ thua mấy % phụ cấp thâm niên còn hệ số lương đều 4,0). Bên cạnh đó, nhiều thầy cô đang là hiệu trưởng; phó hiệu trưởng; tổ trưởng chuyên môn chỉ bằng 2/3 lương giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ.

Có những trường hợp giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ chỉ dạy mỗi tuần trên dưới 10 tiết nhưng lương đang cao hơn những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn dạy đủ tiết mỗi tháng trên dưới 5 triệu đồng.

Vì thế, giáo viên rất mong muốn sau ngày 01/7 tới đây, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu để hạn chế những bất cập về chính sách tiền lương hiện nay. Chúng ta không thể tồn tại mãi tình trạng số tiết từng cấp học được quy định giáo viên dạy bằng nhau nhưng lương lại trả theo năm công tác.

Phần nhiều những quản lý, những tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường là những nhân tố tích cực mới được cơ cấu, đề bạt. Đặc biệt, trong những năm vừa qua, họ đang chịu rất nhiều áp lực để quản lý và điều hành nhà trường, tổ chuyên môn của mình khi Bộ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với rất nhiều điểm mới, phức tạp.

Thế nhưng, thu nhập hàng tháng của nhiều thầy cô này lại đang thấp hơn nhiều so với những đồng nghiệp không kiêm nhiệm chức vụ trong trường, trong tổ chuyên môn của mình quản lý thì rõ ràng đó là một nghịch lý cần được tháo gỡ sau ngày 01/7/2024 tới đây.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN THẾ TRUNG