Luyện thi học sinh giỏi như thế nào để học sinh không bị biến thành “gà chọi”

16/01/2023 06:44
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ cần không chi tiền cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi ở các cấp, mỗi năm ngân sách giảm chi hàng trăm tỷ, giảm áp lực cho giáo viên và học sinh.

Nhiều giáo viên, chuyên gia nước ngoài rất bất ngờ với việc thi học sinh giỏi ở ta, ở bậc trung học cơ sở những kỳ thi học sinh giỏi với mức độ đề thi tương đương lớp 12 hoặc cao hơn nhưng vẫn có nhiều học sinh đạt điểm tuyệt đối.

Họ càng bất ngờ hơn với kiểu luyện thi học sinh giỏi ở ta khác xa với nhiều nước khác trên thế giới.

Nhiều áp lực mang tên kỳ thi học sinh giỏi - Ảnh minh họa trên laodong.vn

Nhiều áp lực mang tên kỳ thi học sinh giỏi - Ảnh minh họa trên laodong.vn

Luyện thi học sinh giỏi hơn cả luyện gà “chọi”

Việc luyện thi học sinh giỏi hay gọi là bồi dưỡng học sinh giỏi ở ta hiện nay đang được biến tướng, được nhiều người đánh giá còn hơn cả việc luyện “gà chọi”.

Giáo viên bắt đầu từ tháng 8 (đầu mỗi năm học) hoặc có thể sớm hơn, giáo viên bắt đầu tìm “gà” để bắt đầu giai đoạn quyết liệt, luyện để thi học sinh giỏi từ thời gian đó đến khoảng tháng 2-3 năm sau mới bắt đầu dự thi cấp huyện/tỉnh.

Có giáo viên dạy tất cả các ngày trong tuần, tối đến phải học online, giải quyết bài tập,…

Nhà trường giao chỉ tiêu cho giáo viên, giáo viên tạo áp lực cho học sinh và quá trình luyện “gà chọi” gây nhiều vất vả cho cả thầy trò và gia đình.

Nhiều học sinh vì áp lực của trường, của gia đình ngoài việc luyện ở trường còn phải luyện thêm ở các trung tâm dạy thêm, gia sư tốn rất nhiều kinh phí, thời gian, sức khỏe.

Giai đoạn hiện nay sau khi học sinh vừa thi cuối kỳ mệt nhoài chuẩn bị được nghỉ Tết nguyên đán nhưng cũng là lúc chuẩn bị thi học sinh giỏi nên nhiều giáo viên cũng tận dụng thời gian này để kéo học sinh học bồi dưỡng học sinh giỏi.

Một kỳ thi học sinh giỏi ở bậc trung học cơ sở không có quá nhiều ý nghĩa, học sinh đạt cũng không được cộng điểm vào kỳ tuyển sinh lớp 10 nhưng do chỉ tiêu, áp lực nên việc thi học sinh giỏi giống với việc luyện “gà chọi” vô cùng vất vả áp lực cho cả thầy và trò, không giống nhiều nước khác trên thế giới.

Bất ngờ với cách luyện thi học sinh giỏi ở nước ngoài

Với cách luyện thi học sinh giỏi ở ta hiện nay đang vắt kiệt sức của học sinh và giáo viên, gây ra nhiều hệ lụy về lâu dài.

Bất ngờ hơn với cách bồi dưỡng học sinh giỏi ở một số nước mà người viết tìm hiểu như Mỹ, Úc,…vẫn có thi học sinh giỏi nhưng việc thi học sinh giỏi là hoàn toàn tự nguyện, không có việc luyện gà chọi, không có việc bồi dưỡng học sinh giỏi nhiều tháng chỉ để đi thi.

Hoàn toàn không có việc luyện thi học sinh giỏi, học sinh học với giáo viên được giáo viên gợi ý tham dự các kỳ thi, học sinh tự nguyện đăng ký, tự bồi dưỡng và chỉ trao đổi giáo viên khi không nắm rõ vấn đề, không có việc bồi dưỡng.

Việc thi đạt kết quả học sinh giỏi không theo chỉ tiêu, thành tích, giải thưởng chỉ mang tính chất tượng trưng.

Những học sinh tiêu biểu, đam mê môn nào đăng ký thi môn đó, hoàn toàn không có việc giống kiểu luyện “gà chọi” như ở ta.

Như vậy, học sinh giỏi ở ta và nước ngoài hoàn toàn khác xa nhau, những học sinh giỏi ở một số nước do thực sự đam mê, yêu thích và có khả năng tự học và kiên trì, chịu cạnh tranh cao độ, dưỡng sức để có thể trở thành một nhân tài có thể cống hiến lâu dài cho xã hội.

Việc bồi dưỡng ở nước ta cũng xuất phát điểm ban đầu là những học sinh giỏi đam mê, yêu thích, tuy nhiên sau đó qua quá trình rèn luyện cật lực biến thành “gà chọi” trong lò luyện, chỉ biết một mục tiêu duy nhất đi thi đoạt giải và có thể có nhiều hệ lụy đi kèm.

Vì sao giáo viên sẳn sàng dùng thời gian dài để bồi dưỡng học sinh giỏi?

Việc bồi dưỡng học sinh giỏi ở ta giống như việc luyện “gà chọi” cũng có phần đúng, giáo viên “bắt” học sinh từ sớm, bồi dưỡng suốt thời gian dài.

Nhiều người đặt câu hỏi vì lý do gì giáo viên có thể bỏ công sức lớn để bồi dưỡng học sinh giỏi, luyện, ép học sinh thành “gà chọi”?

Thực tế có 2 nguyên nhân chính đó là chỉ tiêu mà cấp trên giao, mỗi năm mỗi trường phải có bao nhiêu học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện/tỉnh, nếu trường không có sẽ bị cắt hoặc trừ điểm thi đua.

Bên cạnh đó, vì giao chỉ tiêu nên nhiều địa phương, trường ban hành quy chế khen thưởng, chế độ cho giáo viên bồi dưỡng khá cao,…nên một số giáo viên cũng lao vào bồi dưỡng cật lực, biến học sinh thành “gà chọi”.

Nhiều nơi, giáo viên bồi dưỡng đạt giải thì được khen thưởng, được nâng lương trước hạn, tuyên dương,…vô hình trung tạo những áp lực lên nhà trường, giáo viên và cả học sinh.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên bồi dưỡng rất cật lực, vất vả nhưng do không đạt yếu tố “may mắn” trong kỳ thi, nên nếu học sinh thi không đạt thì dù vất vả nhưng không có chế độ, không được ai quan tâm, khiến học cảm thấy bị “bỏ rơi”, hụt hẫng.

Nên giáo viên khi được giao bồi dưỡng học sinh giỏi luôn phải cố gắng hết sức, tạo ra áp lực cho mình và cho cả học sinh.

Từ chỉ tiêu đó, các trường sẽ giao chỉ tiêu cho tổ bộ môn và cho giáo viên, từ đó quá trình luyện “gà chọi” xuất hiện.

Nó cũng là nguyên nhân khiến một số trường xuất hiện trường chuyên, lớp chọn để dễ luyện "gà chọi".

Những hệ lụy do biến học sinh thành “gà chọi”

Mặt nổi sau kỳ thi học sinh giỏi là thành tích của trường, giáo viên bồi dưỡng và học sinh, tuy nhiên phía sau ánh hào quang là chuỗi ngày vất vả, gian khổ của cả thầy và trò.

Học sinh sau khi thi học sinh giỏi quá vất vả, các em không đạt thì chán nản, thất vọng, các em đạt thì cũng không nhận được lợi gì nhiều nhưng lại quá vất vả, áp lực.

Học sinh phải học vô cùng vất vả, áp lực, học sinh do được lựa chọn 1 môn thi học sinh giỏi thì chỉ bồi dưỡng cật lực môn trên, bỏ qua nhiều môn khác và bỏ cả việc tham gia các hoạt động rèn luyện sức khỏe, thể thao, phong trào.

Đã có học sinh bồi dưỡng học sinh giỏi nhưng thi điểm kém các môn còn lại thậm chí bị điểm liệt các môn thi tuyển sinh 10, tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhiều em vì áp lực thi học sinh giỏi, hoặc áp lực do thi trượt, nảy sinh quan điểm tiêu cực, mất phương hướng, bi quan,…

Có em, sau khi đạt học sinh giỏi nhưng gần như không ứng dụng gì vào công việc và cuộc sống, mất đi nhiều thứ khiến các em chán nản.

Nhiều em sau khi thi học sinh giỏi được hỏi nếu được chọn lại, các em sẽ không bao giờ thi học sinh giỏi, lợi ít nhưng tác dụng phụ lại rất nhiều.

Có em bị ám ảnh lâu dài bởi kỳ thi học sinh giỏi.

Giải pháp nào thi học sinh giỏi phù hợp?

Theo người viết, việc thi học sinh giỏi các cấp vẫn rất cần thiết để phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, tạo sân chơi cho các em.

Tuy nhiên, việc bồi dưỡng và dự thi nên được thay đổi để hướng tới không còn việc giống như luyện “gà chọi” vất vả, áp lực cho cả thầy và trò.

Theo đó, việc thi học sinh giỏi được tổ chức như sau, sau quá trình học, học sinh dưới sự gợi ý của giáo viên và tự nguyện đăng ký để bồi dưỡng học sinh giỏi, có thể lựa chọn môn văn hóa hoặc năng khiếu tùy theo đam mê, sở thích.

Học sinh tự bồi dưỡng và dự thi, không có việc giáo viên bồi dưỡng, giáo viên chỉ gợi ý, giúp đỡ học sinh trong quá trình bồi dưỡng và đương nhiên cũng sẽ không chi khen thưởng và chi tiền tăng giờ do bồi dưỡng cho giáo viên.

Chỉ cần không chi tiền cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi ở các cấp, mỗi năm ngân sách giảm chi hàng trăm tỷ, giảm áp lực cho giáo viên và học sinh.

Không giao chỉ tiêu cho các trường, cho giáo viên trong việc thi học sinh giỏi, học sinh đạt chỉ được tặng giấy khen, khen thưởng tượng trưng không nên tổ chức khen thưởng rình rang, không nên gây mặc cảm cho các em không đạt.

Nó chỉ nên là sân chơi, cạnh tranh lành mạnh cho học sinh mà không phải biến thành môi trường “gà chọi” như hiện nay khiến giáo viên và học sinh kiệt sức.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi