Ly kỳ Trưởng phòng Giáo dục tốt nghiệp đại học trước, học bổ túc phổ thông sau

21/05/2019 06:48
NHẬT DUY
(GDVN) - Mới trên 40 tuổi đời, đang là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo nên con đường quan lộ của ông Nguyễn Văn Dũng có lẽ đang còn rộng thênh thang lắm.

Xuất phát từ một người tốt nghiệp sư phạm hệ 9+3 nhưng trong quá trình công tác, ông Nguyễn Văn Dũng- Trưởng phòng Giáo dục huyện Phú Tân (Cà Mau) đã có “bộ sưu tập” bằng cấp rất đáng ngưỡng mộ.

Ông có bằng cử nhân sư phạm do Trường đại học Sư phạm Hà Nội cấp, có bằng thạc sỹ quản lý công do Trường đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cấp và cũng đã có có bằng cao cấp chính trị.

Mới trên 40 tuổi đời, đang là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo nên con đường quan lộ của ông Nguyễn Văn Dũng có lẽ đang còn rộng thênh thang lắm.

Hình ảnh có tính chất minh họa, nguồn: dangcongsan.vn.
Hình ảnh có tính chất minh họa, nguồn: dangcongsan.vn.

Chúng tôi không chỉ cảm phục ông Nguyễn Văn Dũng- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Tân ở bằng cấp nâng cao mà ông đã “rất giỏi” trong điều hành công việc của mình.

Với cương vị là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, ông đang đang phụ trách 3 cấp học là mầm non, tiểu học và trung học cơ sở với hàng ngàn giáo viên.

Hàng năm, phải cân đối ngân sách, ký duyệt hàng trăm khoản chi của ngành giáo dục trong huyện mà ông đều làm được.

Nhất là, đối với ngành giáo dục- có rất nhiều văn bản điều hành của các cấp lãnh đạo mà ông vẫn xử lý xong. Ngoài ra, còn là lãnh đạo trực tiếp hàng mấy chục hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, các cấp phó của mình và hàng chục chuyên viên của Phòng Giáo dục.

Đó là chưa nói đến chuyện ngành giáo dục liên tục đổi mới, tập huấn rồi cả chuyện ông đi học nâng cao hết văn bằng này đến văn bằng khác nữa!

Nếu học hành đàng hoàng, học bằng năng lực thì việc học của ông Nguyễn Văn Dũng thực sự là một tấm gương sáng trong ngành giáo dục. Bởi với một điểm xuất phát ban đầu như vậy mà ông đã cố gắng học lên để có được tấm bằng thạc sỹ quản lý công.

Không phục sao được khi một người được đào tạo sư phạm hệ cấp tốc 9+3 trong những năm mà địa phương này còn thiếu giáo viên mà ông đã học nâng cao lên đến chương trình đào tạo cao học.

Nhưng, thực sự là chuyện học của ông Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Tân (Cà Mau) nó ly kỳ và lắt léo đến vô cùng. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh đã dẫn lời ông Nguyễn Văn Dũng thông tin như sau:

Ly kỳ Trưởng phòng Giáo dục tốt nghiệp đại học trước, học bổ túc phổ thông sau ảnh 2Chưa tốt nghiệp phổ thông mà làm Trưởng phòng thì ai cũng lãnh đạo giáo dục được

Theo tường trình của ông Dũng với cơ quan có thẩm quyền, ông học được nửa lớp 12 thì nghỉ (năm 1993), do quá nghèo.

Năm 1996, ông tốt nghiệp Trung học sư phạm hệ 9+3.

Năm 2001, ông tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội, cũng không cần bằng cấp 3 vì điều kiện dự tuyển lúc bấy giờ là đang công tác giảng dạy và bằng Trung học sư phạm. 

Năm 2005-2006 ông học hết chương trình lớp 12 hệ bổ túc, nhưng không thi lấy bằng. Năm 2007 ông được cử học thạc sỹ quản lý công và tốt nghiệp tháng 3/2019, Trường đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh”. 

Chuyện về tấm bằng Trung học phổ thông giả thì ông Nguyễn Văn Dũng lý giải: "Năm 2007, tôi gặp lại người bạn cũ tên Khánh đang sống ở Bạc Liêu. Quá trình hỏi thăm nhau anh bảo tôi làm hồ sơ dự thi tốt nghiệp lấy bằng 12.

Tôi làm gửi anh qua đường bưu điện, nhưng đến ngày thi tôi phải đi tập huấn ở Đà Nẵng không về được. Tôi báo cho Khánh biết không dự thi.

Tuy nhiên, sau đó, cũng trong năm 2007, Khánh vẫn gửi tôi cái bằng cấp 3, bảo rằng thấy tiếc nên đã thi giùm tôi". 

Chỉ cần chừng ấy chia sẻ của ông Nguyễn Văn Dũng thì chúng ta cũng thấy có nhiều điều bất ổn trong quá trình học của vị Trưởng phòng Giáo dục.

Nếu như năm 1993 ông đang học lớp 12 phải nghỉ học vì kinh tế khó khăn thì cũng là chuyện rất bình thường.

Nhưng, tại sao năm 1996 khi đã tốt nghiệp trung cấp sư phạm hệ 9+3, năm 2001 tốt nghiệp đại học sư phạm Hà Nội mà đến năm 2005-2006 ông mới quay lại học hết chương trình lớp 12 hệ bổ túc.

Quy trình học đại học trước, học bổ túc phổ thông sau có lẽ là điều chưa từng có tiền lệ, đã thế học bổ túc nhưng lại không thi lấy bằng tốt nghiệp.

Ly kỳ Trưởng phòng Giáo dục tốt nghiệp đại học trước, học bổ túc phổ thông sau ảnh 3Khiển trách về Đảng với Trưởng phòng Giáo dục chưa tốt nghiệp phổ thông

Bởi một điều chắc chắn là lúc đó ông Dũng cũng không đến nỗi khó khăn về kinh tế, ông cũng không quá bận đến nỗi không bỏ ra 2 ngày để đi thi (lúc đó thi 4 môn).

Cả năm đi học được mà khi thi lại không tham dự thì nghĩ cũng lạ đời?

Chuyện học của ông Dũng còn lắt léo thêm là năm 2007, ông gặp người bạn bảo thi lấy bằng cấp 3 ở Bạc Liêu thì ông lại đồng ý làm hồ sơ thi?

Để rồi có sự trùng hợp ngẫu nhiên là đến ngày thi thì ông Dũng đi công tác ở Đà Nẵng nên người bạn đã “thi giùm” vì…“thấy tiếc”.

Trường hợp này rất lạ vì ông Dũng ở Cà Mau, học ở Cà Mau mà lại nộp hồ sơ thi ở Bạc Liêu?

Nếu thi thật thì chắc chắn là giám thị coi thi phải đối chiếu với ảnh mới cho vào phòng thi, bởi trước đó ông Dũng đã gửi hồ sơ thì đương nhiên phải có ảnh trong thẻ dự thi. Vậy mà người bạn lại có thể “thi giùm” được, lạ ghê?

Khi có được tấm bằng cấp 3 thì ông Dũng “đã bỏ trong tép hồ sơ văn bằng 12 năm qua, không gửi vào hồ sơ lý lịch bản thân. Cuối năm 2018, khi được tổ chức đề nghị cập nhật, bổ sung văn bằng, ông đã gửi nhầm cái bằng này”.

Việc gian dối bằng cấp của ông Nguyễn Văn Dũng thật đáng trách, nhưng đáng trách hơn là các trường đại học khi tuyển sinh, các cấp lãnh đạo địa phương cử ông Dũng đi học đã không chú trọng thẩm định kỹ hồ sơ từ lúc ban đầu.

Tài liệu tham khảo:

https://plo.vn/thoi-su/mot-truong-phong-giao-duc-ca-mau-tu-bach-ve-viec-xai-bang-gia-834637.html

NHẬT DUY