Gặp Mang Thạch theo lời giới thiệu của một giáo viên cũ “cậu bé này giỏi giang, giàu ý chí và nghị lực lắm”, tôi có chút tò mò về lời giới thiệu ấy.
Bởi có dịp lên thôn Suối Máu, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận khá nhiều lần, hình ảnh những cậu thanh niên chiều chiều ngồi bên quán, bên bàn nhậu đã luôn ám ảnh tôi.
Gặp em tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn hạt giống Tân Lộc Phát đóng tại xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Em hiện đang làm nhân viên phòng nghiên cứu hạt giống. Một phòng quan trọng bậc nhất của công ty. Tôi có chút bất ngờ. Bởi, mấy năm trước em đã học và tốt nghiệp khoa Giáo dục công dân Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
Nói về chuyện này, em cho biết “con ra trường về địa phương nhưng không xin được việc. Trong thời gian ở nhà xin đi làm cây xanh để có thu nhập giúp gia đình. Dù buồn vì làm không đúng chuyên môn nhưng con vẫn luôn cố gắng hết mình”.
Mang Thạch - cậu học sinh người Rai đầy nghị lực. Ảnh do tác giả cung cấp |
Nói về Mang Thạch, ông Vũ Quốc Trưởng - Giám đốc chi nhánh của công ty cho biết:
“Mang Thạch trưởng thành từ công nhân. Em làm việc rất chịu khó, có trách nhiệm và phù hợp với công việc.
Từ công nhân được công ty cất nhắc dần lên Tổ trưởng tổ sản xuất quản lý 15-20 công nhân. Tổ của Thạch phụ trách luôn đạt năng suất cao. Công ty đã chuyển em qua bộ phận nghiên cứu”.
Ngoài giờ làm, Thạch còn tham gia lớp học Anh văn buổi tối với ước mơ sẽ giao tiếp tự tin với người nước ngoài.
Nhớ về thời còn đi học, Thạch cho biết mình thích học từ nhỏ nhưng thời ấy đi học khá vất vả, khó khăn.
Em sẽ học giỏi để sau này xây được ngôi nhà khang trang, mơ ước |
Ngay từ lúc nhỏ, em đã phải sống tự lập vì ba mẹ đi làm xa cả tuần mới về nhà. Em ở nhà với chị gái cũng còn nhỏ. Cái ăn luôn thiếu thốn, bữa đói, bữa no.
Thạch cho biết mình phải tự lập hoàn toàn từ việc nấu ăn đến chăm lo cho bản thân và tự đến trường đi học.
Trường học thời ấy xập xệ không đủ chỗ, luôn phải học ghép với các anh chị lớn tuổi.
Khi vào cấp 2, buổi đến trường, buổi theo mẹ lên rẫy làm cỏ bỏ phân. Bạn bè trong thôn cũng dần nghỉ học hết để phụ gia đình đi làm, có bạn lại rong chơi. Riêng Thạch vẫn cần mẫn đến trường mỗi ngày.
Khi em vào học cấp 3 nhà cách trường khá xa, Thạch vẫn một mình đạp xe tới lớp mà không nghỉ một ngày nào. Em ham học đến độ nhiều hôm nhịn ăn sáng để lấy tiền mua thêm sách vở, sách tham khảo tự học.
Dù không biết học thêm là gì, em vẫn luôn là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Em cho biết động lực để cố gắng học vì thấy ba không biết chữ, mẹ chỉ được học tới lớp 2.
Dù ba mẹ lao động cật lực nhưng cuộc sống vẫn vất vả, nghèo khổ. Em lo cho tương lai mình nên phải quyết tâm học thật giỏi.
Ngày em thi đại học với số điểm 22 đã làm không ít người bất ngờ. Người dân xóm em ở cũng tự hào vì trong thôn đã có người đỗ đại học. Nghẹt nỗi, giấy báo về muộn, em không thể vào trường Đại học Luật như mơ ước mà rẽ sang nghề giáo.
Dù học cao đẳng thì cả thôn em ở cũng chỉ duy nhất là Mang Thạch.
Vì thời đó, trẻ con chưa ham học như bây giờ, đặc biệt là những đứa trẻ thôn dân tộc của em.
Cả thôn đếm trên đầu ngón tay mới có vài em đi học cấp 2, lên cấp 3 gần như vắng bóng.
Công việc hằng ngày chỉ là lên rẫy trồng khoai, tỉa bắp. Hết mùa vào rừng đào măng, chặt củi, bắt rắn, bẫy chim…
Nhờ lấy công việc học tập, rèn luyện làm đầu nên giờ em đã có một việc làm mơ ước và thu nhập khá ổn định.
Cùng với một gia đình nhỏ hạnh phúc, đầm ấm. khá nhiều thanh niên cùng trang lứa quanh vùng phải mơ ước, ngưỡng mộ.
Mang Thạch muốn nhắn gửi tới tất cả các bạn trẻ, đặc biệt những học sinh người Rai đừng lơ là việc học.
Học sẽ cho chúng ta nhiều thứ, học sẽ cải tạo cuộc sống. Bây giờ điều kiện sống tốt hơn, việc học tập của trẻ em dân tộc cũng được quan tâm nhiều hơn nên đừng dễ dàng từ bỏ.