Mở đường cho tự chủ

26/01/2020 07:18
Hồng Thủy
(GDVN) - Chúng ta đã và đang thiếu những cơ chế phù hợp, đồng bộ để những đại học quyết tâm trở thành đại học đẳng cấp quốc tế có thể dễ dàng tự vận động thành công.

(Tiếp theo phần 2, "Hãy đi, sẽ đến")

Ngày 2/11/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/2005/ NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 chỉ đạo rõ các vấn đề lớn:

“Chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính.

Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Bảo đảm vai trò kiểm tra, giám sát của cộng đồng; quản lý nhà nước tập trung vào việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển”.

Ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ra Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, Trung ương chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ nói chung, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ nói riêng chuyển đổi quản lý theo mô hình doanh nghiệp; xóa bỏ cơ chế bộ/ngành chủ quản; đảm bảo Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất trường đại học; bỏ chế độ công chức và thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn; được thuê giám đốc điều hành...

Tầm nhìn của Trung ương, Chính phủ về tự chủ đại học là rất sáng suốt và bắt kịp xu thế thời đại. Thực tiễn sự phát triển của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) là một minh chứng điển hình cho sự đúng đắn và bức thiết của tự chủ đại học.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn thiếu một hành lang pháp lý đồng bộ, cơ chế minh bạch để bảo vệ, phát triển và nhân rộng mô hình này. Ngược lại, còn có thể tạo ra những rủi ro có thể làm phá sản việc thực hiện tự chủ.

Ngày 15/11/2019, Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông (ORDI), Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam phối hợp với Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) tổ chức hội thảo khoa học: Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập
Ngày 15/11/2019, Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông (ORDI), Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam phối hợp với Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) tổ chức hội thảo khoa học: Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập

Tự chủ cần nhất là cơ chế

Giáo sư Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng TDTU chia sẻ, vì có xuất phát điểm là một đại học dân lập, TDTU ngay từ đầu đã bắt buộc phải tự lo cho mình mọi thứ kinh phí: đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang bị, thiết bị, phòng thí nghiệm, chi trả lương cho bộ máy, chi thường xuyên khác, phát triển nhân sự... do Ngân sách nhà nước hay Công đoàn không thể chi các khoản nói trên cho một trường dân lập.

Cơ chế tự chủ tài chính có tính đương nhiên từ những ngày đầu buộc Trường một mặt phải tìm mọi cách để tự tồn tại; và phát triển bền vững để tồn tại; không thể ỷ lại vào đâu, vào nguồn nào!

Một mặt buộc Nhà trường phải hoạt động thành công, vì thất bại có nghĩa là phá sản và phải đóng cửa.

Thông tin về một đại học công lập hoàn toàn tự túc tài chính từ khi thành lập đến nay và rất thành công đã đến Chính phủ và Nhà trường đã vinh dự được lựa chọn báo cáo điển hình trước Hội nghị giao ban của Chính phủ về kinh nghiệm xây dựng và quản lý thành công trường đại học công lập theo mô hình tự chủ, hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước vào tháng 08/2014.

Ngày 23/09/2017, Đại học Tôn Đức Thắng vinh dự đón tiếp Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến thăm và dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trường
Ngày 23/09/2017, Đại học Tôn Đức Thắng vinh dự đón tiếp Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến thăm và dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trường

Đây là minh chứng thực tiễn để Chính phủ quyết định ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014, về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập cả nước, cho các đại học công khác làm tự chủ theo.

Tuy nhiên, không có đầu tư ban đầu của nhà nước không phải là điều gian nan nhất. Điều gian nan nhất mà Giáo sư Lê Vinh Danh và Nhà trường hằng nhớ và hằng phải nỗ lực khắc phục, đó chính là sự bất cập của cơ chế.

Chúng ta đã và đang thiếu những cơ chế phù hợp, đồng bộ để những đại học quyết tâm trở thành đại học đẳng cấp quốc tế có thể dễ dàng tự vận động một cách thành công.

Chính vì thế, quá trình đi lên của Đại học Tôn Đức Thắng là một quá trình mày mò; tìm kiếm cơ chế và đi xin từng cơ chế.

Nếu chúng ta có những luật lệ hoặc chính sách đủ tốt như các nước hiện đại, các văn bản pháp qui tương đối đồng bộ; không can thiệp vào vấn đề tự chủ tài chính-tài sản, bộ máy, nhân sự và chuyên môn của đại học, chắc hẳn TDTU không mất sức quá nhiều.

TDTU có thể đi xa hơn và thậm chí nhiều đại học khác cũng có thể làm thành công như thế.

Cơ chế đã làm cho người ta ngại làm việc, ngại đụng chạm, không dám nghĩ cái mới vì lo sợ rủi ro cho bản thân. Lâu dần rồi khiến cho mọi người chỉ biết cầu an và không dám làm gì mới.

Khi mà cơ chế khiến những người đứng đầu đại học trở nên như vậy, đại học đấy không thể có tương lai. Mặc dù lỗi không hoàn toàn ở người đứng đầu này.

Giáo sư Lê Vinh Danh giới thiệu với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân những nét chính về quá trình hình thành, phát triển và mục tiêu trở thành đại học tinh hoa của Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Giáo sư Lê Vinh Danh giới thiệu với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân những nét chính về quá trình hình thành, phát triển và mục tiêu trở thành đại học tinh hoa của Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Cần một nghị định riêng cho những đơn vị đầu tàu

Từ thực tiễn quá trình tự chủ với mục tiêu trở thành đại học tinh hoa của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Giáo sư Lê Vinh Danh chia sẻ kinh nghiệm, muốn được quốc tế công nhận, xếp hạng thì đại học phải hoạt động, ứng xử và quản trị theo thông lệ của đại học đẳng cấp quốc tế.

Chúng ta không thể làm theo kiểu của mình, mà mong được quốc tế công nhận; bởi hơn bất cứ cái gì khác, học thuật và quản trị ngày nay là phạm trù được quốc tế hóa rộng rãi nhất, nhanh nhất.

Một quốc gia muốn hội nhập quốc tế, muốn trở thành một phần có giá trị của toàn cầu, trước hết hệ thống giáo dục nói chung và các đại học nói riêng của quốc gia đó phải hội nhập hoàn toàn.

Hệ thống đại học không phát triển, không hội nhập; quốc gia đó không thể phát triển, không thể hội nhập tốt.

Làm việc nhóm là một kỹ năng quan trọng được Trường Đại học Tôn Đức Thắng đặc biệt quan tâm
Làm việc nhóm là một kỹ năng quan trọng được Trường Đại học Tôn Đức Thắng đặc biệt quan tâm

Hội nhập là thế nào? Việc đầu tiên là suy nghĩ như họ suy nghĩ; lựa chọn mục tiêu như họ đã và đang chọn; tổ chức đại học của mình theo kiểu của họ; quản trị đại học bằng hoặc tốt hơn họ; cái gì họ đang có và đang làm tốt, mình cũng phải có và làm đúng như họ từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn.

Cái gì tốt họ có mà mình chưa có, thì phải cố gắng để có cho bằng được; vì họ xây dựng đại học theo tinh thần khoa học Châu Âu hơn 1000 năm nay; trong khi chúng ta chỉ bắt đầu làm điều này chưa tới 100 năm.

Chúng ta hiện chỉ là học trò của họ; và điều tốt nhất có thể làm, là phải trở thành học trò giỏi đến giỏi nhất của họ trước khi nghĩ đến chuyện trò có thể vượt qua thầy; bởi chúng ta chỉ mới học vỡ lòng về xây dựng đại học.

Vì sao ông Đặng Ngọc Tùng vừa nghỉ, Đại học Tôn Đức Thắng liền bị đòi nộp 30%?
Vì sao ông Đặng Ngọc Tùng vừa nghỉ, Đại học Tôn Đức Thắng liền bị đòi nộp 30%?

Đừng nên nghĩ đến chuyện “đặc thù”, “riêng có” hay “tiếp thu có chọn lọc”; kể cả “đi tắt đón đầu” trong giáo dục đại học.

Có một số lĩnh vực hẹp có thể đi tắt, đón đầu. Nhưng trong khoa học, chưa có được nền tảng vững mà nghĩ đến đi tắt, đón đầu thì chỉ là chuyện viễn tưởng, nói để cho vui.

Khi đã xây dựng được môi trường học thuật theo thông lệ quốc tế; đại học rất dễ dàng hội nhập vì giữa trường này với các trường quốc tế khác thì: về giáo dục (chương trình, giáo trình, kiểm định, triển khai, đánh giá đầu ra...), khoa học công nghệ và quốc tế hóa... sự khác biệt hầu như không còn.

Việc được họ thừa nhận và hợp tác sẽ rất dễ dàng. Cách thức mà TDTU đã làm hoàn toàn có thể được vận dụng thành công ở tất cả các đại học khác một khi thỏa mãn được 2 điều kiện còn lại.

Đó là: "Tự chủ đại học và năng lực lẫn tâm huyết của người đứng đầu". Năng lực và tâm huyết của người đứng đầu thì là chuyện hên xui; có lúc này, lúc khác.

Điều kiện này không thể sao chép hay học tập hoàn toàn được; nhưng chắc chắn là đa số qui trình, cách làm, số đầu việc cụ thể là có thể kế thừa, học tập nhau.

Một góc không gian học tập của sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Một góc không gian học tập của sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Thực tiễn của TDTU chính là tiền đề để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP về tự chủ đại học. Tuy nhiên, cho đến nay, các bộ luật khác vẫn chưa kịp thay đổi theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương.

Vô hình trung việc này đang tạo ra lực cản không hề nhỏ cho các trường đại học thí điểm tự chủ, kể cả trường hợp đã tự chủ thành công và đang phát triển tốt như TDTU. Thậm chí đang tạo ra rủi ro cho mô hình.

Vì vậy, thiết nghĩ đã đến lúc Chính phủ nên ban hành một nghị định riêng về Trường Đại học Tôn Đức Thắng, thay thế cho Quyết định số 158/QĐTTg ngày 29/01/2015, tạo hành lang pháp lý an toàn, đầy đủ, minh bạch để TDTU phát triển thành một đại học công lập tinh hoa đẳng cấp quốc tế trong những năm tới, không ngừng củng cố và gia tăng tài sản cho Nhà nước.

Đó chính là tinh thần của Chính phủ kiến tạo, là giải pháp thiết thực và hiệu quả trong việc thể chế hóa tầm nhìn sáng suốt của Trung ương trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017.

Hồng Thủy