Câu hỏi thời sự
Đi học, biết chữ, là để đọc lên, viết ra. Nhưng viết bằng tay hay bằng máy tính? Câu hỏi này chưa cần trả lời ngay.
Còn câu hỏi thời sự là: Bọn trẻ hiện đang tập viết (kể cả đang “luyện chữ” để tạo “nết người”); vậy 15 hay 20 năm nữa các cháu sẽ ứng dụng ra sao cho bõ cái công khổ luyện hôm nay?
Dù thờ ơ hay day dứt với câu hỏi, chúng ta vẫn phải xuất phát từ thực tế đất nước. Nước Việt Nam ta vẫn là nước nghèo, chưa thể so sánh với Mỹ, Anh hay Đức…, không thể quá sốt ruột khi thấy những nước này bắt đầu lộ trình thay hẳn chữ viết tay kiểu uốn lượn, mềm mại, bằng thứ chữ "giống chữ in" - để có thể viết nhanh và dễ đọc (thì giờ tập viết dôi ra sẽ dành cho kỹ năng sử dụng bàn phím). Nói khác, vẫn phải tạm để bọn trẻ nước ta tập viết như hiện nay. Vấn đề là chúng càn tập viết tới mức nào và còn kéo dài bao lâu nữa?
Dẫu sao, các bậc cha mẹ - nếu định lo xa cho con cái - bắt buộc phải tìm câu trả lời cho câu hỏi trên. Và phải có những chữ “nếu” để cân nhắc các trường hợp, vì ai mà dám chắc con cái mình sẽ làm nghề gì sau này?. Nhưng dù “nếu” gì đi nữa, thì 15 hay 20 năm tới máy tính cũng phổ biến, dễ mua và rẻ gấp 5 hay 10 lần bây giờ - nhất là khi so với ngân quỹ gia đình thời đó. Vấn đề là khi đó, con cái chúng ta (ngoài năng lực viết tay), liệu đã quen dùng cả 10 ngón tay để bắt cái bàn phím phải dốc hết năng lực hầu hạ mình hay chưa?. Xin nhớ, bọn trẻ có khả năng mau thuộc (nhanh hơn người lớn) cách dùng cả 10 ngón tay để gõ chữ. Lợi thế của tuổi trẻ là vậy. Chưa cần nói, nếu sử dụng thành thạo bàn phím, con cái chúng ta còn đủ sức tận dụng năng lực vô hạn của chiếc máy tính tương lai - tuy rất gọn nhẹ, rẻ tiền, nhưng có sức mạnh gấp bội so với những máy tốt nhất hôm nay.
Rèn cho trẻ viết chữ đẹp, cũng là rèn tính kiên nhẫn. - Ảnh minh họa |
Câu trả lời liệu đã dứt khoát?
Chưa thể biết nghề nghiệp tương lai của một học sinh tiểu học, ta vẫn có thể dùng “nếu” để quyết định con cái mình sẽ đầu tư công sức tập viết “chữ đẹp” tới mức nào…
- Nếu sau này đứa con may mắn trở thành người phải viết những bản thảo hàng trăm hoặc ngàn trang để xuất bản, thì viết tay không thể đắc dụng. Mà càng nắn nót để viết cho đẹp sẽ càng tốn thì giờ, vô bổ. Chẳng qua, đó chỉ là lao động chân tay. Nó lạm vào thì giờ tư duy sáng tạo.
- Nếu cha mẹ hy vọng đứa trẻ sẽ trở thành nhà thư pháp, sống bằng nghề (không phải nghiệp dư, hay thú vui)? Trường hợp này, càng cần sớm đánh giá nghiêm chính năng khiếu đứa con mình. Mà chỉ năng khiếu cũng vẫn không đủ, còn phải biết chắc rằng con mình có một năng lực thiên phú, thiên bẩm (trời cho) mới dám quyết định. Chữ thư pháp không chỉ đẹp, còn phải mỹ thuật, bay bổng, toát lên vẻ đẹp cao thượng… Bán chữ kiếm sống thời nay không dễ…
- Nếu khả năng viết chỉ được dùng để ghi ra mảnh giấy những việc cần làm trong ngày (lắm việc tới mức không nhớ nổi), hoặc danh sách thức ăn cần mua cho bữa tiệc sinh nhật, cho mâm cỗ ngày giỗ… (loại này, mỗi năm sài vài lần là nhiều)… Đôi khi đó chỉ là mảnh giấy cài lên cánh cửa để dặn dò đứa con vài điều phải làm… Loại chữ cho việc này cần luyện tới mức nào?
- Để viết đơn xin việc? Liệu khi đó nhà tuyển dụng có còn dựa vào chữ viết để suy ra “nết người” - như ta nghĩ hôm nay? Nếu chỉ nhờ “chữ tốt” mà trở nên thành thạo trong việc “viết đơn xin việc” thì thật… bất hạnh. Năng lực ra sao mà con người này cứ phải viết hết đơn này tới đơn khác - tới mức thành thạo?
- Xin các bậc cha mẹ cứ “nếu” tiếp, để có quyết định phù hợp cho đứa con mình.Và, cái tiêu chuẩn “đủ nét, đủ dấu và viết nhanh” (như có người đề xuất) có phù hợp cho số học sinh đông đúc tới nhiều triệu?.
Cân bằng suy xét, không nghiêng sang một cực
Không chấp nhận luyện chữ có nghĩa là… mặc kệ cho con em chúng ta viết chữ xấu (!). Sao có thể suy nghĩ thiếu cân bằng như vậy?. Thế giới muôn màu, sao cứ tự ý đề ra quy tắc cực đoan: “nếu không trắng, tức là đen” (?!).
Mục tiêu “cứng” của môn Tập Viết là thanh toán chữ xấu cho cả lớp, cả trường. Thầy cô có nghĩa vụ như vậy, không châm chước. Còn “viết đẹp” là mục tiêu “mềm”, không thể dành cho cả lớp, cả trường. Và không thuộc trách nhiệm của thầy cô.
Nói cho công bằng, việc đầu tư thêm công sức và thời gian để “luyện chữ” (ngoài thời gian quy định “tập viết” trong chính khóa) là quyền riêng tư, không ai có thể cấm đoán. Những người có năng khiếu cứ việc lập câu lạc bộ, cứ luyện, cứ thi. Và có giải. Bên cạnh nó là những câu lạc bộ Toán, Văn, Sử, Địa… Rất đáng khuyến khích.Nhưng cũng không ai được phép cưỡng ép các cháu luyện chữ, buộc các cháu phải tham gia câu lạc bộ, này hay khác.
Có một số thầy cô thừa sức luyện chữ đẹp cho học sinh lớp mình; nhưng cũng có nhiều thầy cô không đủ sức làm việc đó. Đây là việc tùy tâm, không ai dám bắt buộc các thầy cô. Nhưng tất thảy mọi thầy cô đều phải có bốn phận (trách nhiệm) dạy cho 100% học sinh lớp mình tập viết chữ không xấu - tức là đủ nét, đủ dấu, dù viết nhanh. Xin hãy cân nhắc giữa gây dựng “phong trào chữ đẹp” với “phong trào thanh toán chữ xấu”. Giá mà… làm được cả hai thì còn gì bằng. Vấn đề là nếu chỉ làm được một, thì sao? Chọn cái nào?
Cái gì làm chúng ta thật sự lo lắng
Đã có nhiều trường hợp (báo chí nêu) thầy cô động viên (bắt buộc?) cả lớp dự thi “chữ đẹp”, tới mức tháo vở, xé trang (để thay những tờ viết chưa đẹp hoặc lỡ dây bẩn)… và cháu chữ đẹp phải “tương trợ” (viết thay) cháu viết chưa đẹp… Tuy đây là hiện tượng đáng lo - triệu chứng lồ lộ của “bệnh thành tích”; nhưng còn đáng lo hơn nữa, nếu người quản lý dùng quyền lực đặt ra những kỳ thi “chữ đẹp”, từ cấp trường, cấp quận-huyện, tới tỉnh và tận trung ương - nghĩa là đã hợp pháp hóa và pháp lệnh hóa nó. Đã có cháu được giải toàn quốc về chữ đẹp (!). Luyện chữ đẹp khi đó không chỉ là phong trào - tự phát hoặc có chỉ đạo - mà đã do một triết lý - có gốc rễ rất sâu ở giới quản lý chi phối. Đây mới là mối lo thật sự.