Mới đây, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức; trong đó có chứng chỉ liên quan đến chức danh nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo.
Với đề xuất hiện nay của Bộ Nội vụ trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ thì không phải là sẽ bỏ hết quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên mà là điều chỉnh giảm số lượng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên.
Trước thông tin này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương – Chủ tịch Hội đồng đại học Đại học Huế cho rằng, bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên là hợp lý và có thể nói là hơi muộn nhưng muộn còn hơn tiếp tục gây vất vả cho nhiều đối tượng từ tuyển dụng, thi tuyển nâng ngạch, bổ nhiệm,..
“Chứng chỉ đã và đang gây lãng phí và tốn kém rất lớn cả về thời gian và tiền bạc”, Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh.
Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương – Chủ tịch Hội đồng đại học Đại học Huế (ảnh: Thầy Chương cung cấp) |
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng đại học Đại học Huế, việc bỏ chứng chỉ chỉ được thực hiện nếu lãnh đạo đầu ngành thật sự quyết tâm, thấu hiểu và có những bộ phận tham mưu tốt, vì việc này được lợi cho các đối tượng cung cấp chứng chỉ và có nhu cầu chứng chỉ để làm đẹp các hồ sơ mà nếu không có nó cũng không ảnh hưởng đến chất lượng công việc, nhưng lại thiệt hại cho chính những người không có nhu cầu vẫn phải học.
Bởi lẽ, hiện nay tất cả các ngành nghề, chương trình đào tạo bắt buộc phải xây dựng và công bố luôn chuẩn đầu ra làm thước đo chương trình, ngành nghề đào tạo, đồng thời người học phải đạt chuẩn đầu ra mới được tốt nghiệp.
Các chuẩn đầu ra và nội dung các chương trình đào tạo đã có nội hàm cơ bản các chứng chỉ cần học nên việc học lại, học bồi dưỡng thêm để có các chứng chỉ thật sự không cần thiết nếu các chương trình đào tạo các chứng chỉ chưa được đối sánh về những nội dung bắt buộc phải học so với với nội dung đã học trong các chương trình đào tạo từ trung cấp, cao đẳng, đại học.
Hầu hết chuẩn đầu ra cũng đã yêu cầu cả chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học, thậm chí nhiều cơ sở đạo tạo đã công bố chuẩn đầu ra này rất cao và cao hơn rất nhiều so với các điều kiện tuyển dụng nên chắc chắn các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nghề nghiệp không mấy có tác dụng thêm cho công việc.
Ảnh kỳ thi nâng ngạch cụm 2 tại Đại học Huế năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh: thầy Chương cung cấp) |
Thầy Chương nêu kinh nghiệm ở các nước, luôn có các trung tâm đào tạo ngắn hạn rất lớn và thể hiện đúng vai trò các trung tâm giúp học tập suốt đời để ai cũng có thể đến học, kể cả giáo sư hay tiến sĩ miễn có nhu cầu thật sự và gắn với công việc đang đảm nhận.
Các trung tâm này thường nằm trong các trường đại học hay các viện nghiên cứu và người học cũng được cấp các chứng chỉ sau khi học xong 1 khoá nhưng đó là những khoá học thật sự giúp ích cho công việc đang đảm nhận hơn là các chứng chỉ rất chung chung và đại trà như của ta hiện nay.
Nhiều trung tâm đào tạo ngắn hạn thu học phí 1 khoá học rất cao nhưng vẫn có rất nhiều người tham gia học kể cả giáo sư, hay người có trình độ cao vì nó thực sự bổ ích cho công việc hiện tại. Ví dụ, đối với sư phạm đó là tiếp cận một phương pháp đánh giá người học mới, đó là phương pháp đào tạo trực tuyến, đó là phương pháp giảng dạy rất mới,…mà những phương pháp này về có thể áp dụng ngay vào lớp học, môn học.
Hay trong các ngành nghề khác cũng tương tự mà chỉ có người đang làm trong nghề nghiệp đó mới biết được là có cần phải đi học không và người giảng dạy các lớp này cũng có uy tín và năng lực, tay nghề rất cao. Các trung tâm này thường lúc nào cũng rất đông người dự học và rất chất lượng vì học phí do chính người học bỏ ra.
Quay lại vấn đề chuẩn đầu ra các ngành học, chương trình đào tạo của các trường đại học hay cao đẳng, trung cấp của ta hiện nay, Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương nhận thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn cả ở cấp quản lý và cấp thực hiện là các cơ sở đào tạo.
“Qua nhiều năm làm quản lý đào tạo và qua tham gia nhiều đoàn kiểm định các chương trình đào tạo, tôi nhận thấy việc công bố chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo với đạt chuẩn đầu ra đã công bố vẫn còn một khoảng cách rất lớn mà nguyên nhân là do cơ quan quản lý chưa có các công cụ thanh tra, kiểm tra, giám sát đến chuẩn đầu ra; các cơ sở đào tạo công bố chuẩn đầu ra nhưng chưa có các biện pháp đo đếm cụ thể để đảm bảo người học đạt được chuẩn đầu ra như công bố, thậm chí nhiều chương trình đào tạo khi thiết kế chưa có mối quan hệ giữa môn học, chuẩn đầu ra môn học và chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, phương pháp kiểm tra, đánh giá không gắn với chuẩn đầu ra.
Người học còn rất mơ hồ về chuẩn đầu ra khi vào học cho đến khi ra trường nhưng cũng rất ít phàn nàn, kêu ca về việc mình chưa đạt chuẩn đầu ra như nhà trường đã công bố mặc dù phải nộp học phí để học và đích cuối cùng là đạt chuẩn đầu ra, năng lực để đáp ứng nhu cầu thế giới việc làm đa dạng, phong phú", thầy Chương chia sẻ.
Bên cạnh đó, ngoại trừ các doanh nghiệp, hầu hết các cơ quan tuyển dụng hiện nay vẫn nặng về hồ sơ bằng cấp, các chứng chỉ hơn là đánh giá năng lực người xin việc thông qua các buổi sát hạch trực tiếp, sát công việc sẽ tuyển dụng.
Một vấn đề nữa cũng đáng quan tâm hiện nay là cùng 1 ngành nghề đào tạo nhưng mỗi cơ sở đào tạo lại có chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo khác nhau khá lớn, nhất là trong 5-7 năm trở lại đây khi Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ chương trình khung, nên mạnh trường nào xây dựng chương trình cho trường đó nên việc liên thông và công nhận tín chỉ lẫn nhau lại các khó khăn, chuẩn đầu ra cũng khác nhau.
Nhìn nhận từ những vướng mắc đó, thầy Chương kiến nghị một số giải pháp. Đó là, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ ngành liên quan và các hiệp hội nghề nghiệp, các trung tâm kiểm định cần có các công cụ đủ mạnh và khả thi để đánh giá, giám sát được chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo, để khi người học đã tốt nghiệp ngành nghề đó là yên tâm vào công việc mà không cần quá nhiều chứng chỉ đi kèm vào hồ sơ.
Cần triển khai đồng bộ và sớm khung trình độ quốc gia đến được các cơ sở đào tạo để mỗi chương trình đào tạo của cả nước phải có một chuẩn chung về cơ bản, tránh mỗi trường làm một kiểu và không kiểm soát được giữa công bố và thực hiện, việc công nhận bằng cấp, công nhận tín chỉ gặp nhiều khó khăn.
Cơ quan sử dụng lao động cần dựa vào năng lực của đội ngũ lao động phù hợp với công việc hiện tại hơn là dựa vào bằng cấp và các chứng chỉ không thực chất.
Người học cần nắm chắc và bám sát chuẩn đầu ra để học và đề xuất với nhà trường thực hiện đúng cam kết chuẩn đầu ra, thể hiện được quyền lợi của người học vào vấn đề này..
Cuối cùng, theo Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương, cần xem lại các trung tâm giáo dục thường xuyên ở các tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo cần hướng đến đúng chức năng và nhiệm vụ là hỗ trợ cho việc học tập suốt đời bằng các chương trình, khoá học thật sự hữu ích cho các đối tượng lao động nhằm giúp cải tiến liên tục về ngành nghề, nâng cao hiệu quả công việc hiện tại, tăng năng suất lao động hơn là chú trọng vào học và cấp các chứng chỉ thật sự không có nhiều tác dụng trong công việc và gây lãng phí cho xã hội.