Trường tư "than" bộn bề khó khăn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục nói gì?

18/12/2022 06:48
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Hiện nay hai khối tư thục và công lập đều được bình đẳng như nhau về chương trình, đội ngũ, cơ sở vật chất” .

Tại hội nghị nhà đầu tư và hội đồng trường của các cơ sở giáo dục đại học tư thục diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/12, lãnh đạo nhiều trường đại học tư thục cho biết gặp nhiều khó khăn và bất bình đẳng với trường công.

Trường tư không thể cạnh tranh với trường công được?

Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Võ Khắc Thường – Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết cho biết nhà trường cũng như nhiều trường tư thục ở tỉnh lẻ gặp nhiều khó khăn như quy định về đất đai, về đội ngũ giảng viên. Theo ông Trường có sự phân biệt quá rõ ràng giữa trường công và trường tư.

Còn Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà- hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Bắc cho rằng đối với việc mở ngành, các trường đại học công lập đương nhiên được giao trách nhiệm đào tạo từng lĩnh vực chuyên sâu rồi. Do vậy ông kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên hạn chế trường công mở những ngành không thuộc lĩnh vực chuyên sâu của mình, chỉ tập trung đào tạo những ngành được bộ, cơ quan chủ quản giao.

Hội nghị nhà đầu tư và hội đồng trường của các cơ sở giáo dục đại học tư thục diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/12 có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn tham dự

Hội nghị nhà đầu tư và hội đồng trường của các cơ sở giáo dục đại học tư thục diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/12 có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn tham dự

“Một số trường công mở những ngành không liên quan gì đến lĩnh vực được giao nhiệm vụ, điều đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các trường đại học ngoài công lập. Trường ngoài công lập chúng tôi mở những ngành thuộc lĩnh vực mà chúng tôi có lợi thế. Trong khi đó trường công được hưởng nhiều lợi thế về thương hiệu, tài sản, nguồn lực. Do vậy, nếu cạnh tranh thì trường tư không thể cạnh tranh với trường công được. Đây là điều gây khó khăn cho sự phát triển của hệ thống các trường ngoài công lập”, ông Hoà chia sẻ

Trong khi đó, Tiến sĩ Hồ Đắc Lộc – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh thì cho biết việc triển khai các quy định ở mỗi trường có thể khác nhau, tạo nên những khó khăn khác nhau tuy nhiên đối với các quy chế chung thì không gây ảnh hưởng đến hoạt động của trường mình.

“Quan hệ giữa nhà đầu tư và hội đồng trường thì đã được quy định trong luật. Vấn đề là chúng ta thể chế hoá được các quy định trong luật vào nội quy, quy chế cụ thể của nhà trường ở các mặt. Khi đó, hoạt động sẽ không theo một cá nhân nào mà theo một luật nhất định trong trường. Tất nhiên mỗi năm chúng tôi đều có điều chỉnh các quy định sao cho hiệu quả, dân chủ”, ông Lộc chia sẻ.

Lãnh đạo một trường đại học tư thục phát biểu tại hội nghị này

Lãnh đạo một trường đại học tư thục phát biểu tại hội nghị này

Bên cạnh đó, ông Lộc cho rằng “nhiều trường luôn kêu gọi công bằng giữa trường công như trường tư, nhưng trong hoạt động chúng ta luôn muốn được ưu đãi và muốn có bộ luật riêng. Tôi cho rằng điều này rất khó. Công hay tư chỉ là quan điểm của nhà đầu tư, còn thực tế trách nhiệm xã hội của các trường đều giống nhau. Thậm chí, trên thế giới trách nhiệm, vị thế xã hội của nhiều trường tư thục có thể lớn hơn. Tôi nghĩ với sự đổi mới của tự chủ đại học và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì hệ thống trường tư chắc chắn sẽ phát triển”, Tiến sĩ Lộc nói.

Nếu trường công làm tốt rồi không cạnh tranh được thì không nên thành lập trường

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ, giáo dục đại học có thể do trường tư thục hay trường công lập thực hiện nhưng đây là dịch vụ công. Đã là dịch vụ công thì có những đặc điểm, đặc thù dịch vụ công.

Ngoài ra, hoạt động này không giống dịch vụ thông thường, người học hay xã hội nhận chi trả cho dịch vụ này nhưng giá trị nhận được không thấy ngay lập tức, mà phải đợi sau nhiều năm. Vì vậy, nhà nước phải có chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người học, và đương nhiên cũng phải đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, nhà nước, tư nhân cũng như phát triển cho nhóm này để có được sự phát triển hài hòa nhất… Nhưng đây là một việc rất khó.

Đối với vấn đề bình đẳng giữa trường công và trường tư thục, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định, đã là dịch vụ công thì nguyên tắc bình đẳng giữa các nhà đầu tư, bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học là chuyện phải làm.

Đồng thời, công bằng với người học, công bằng về khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục đại học, công bằng trong các hoạt động và người học được tham gia. Nguyên tắc bình đẳng, công bằng cực kỳ quan trọng trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Vì vậy bình đẳng, công bằng và chất lượng là yếu tố hết sức quan trọng.

Giáo dục đại học đặc biệt ở chỗ không phải đo đếm ngay được mà phải qua thời gian mới đánh giá được. Do vậy, giáo dục đại học phải kiểm soát đầu vào thông qua điều kiện đảm bảo chất lượng, đội ngũ, chương trình, cơ sở vật chất...

Theo Thứ trưởng Sơn, hiện nay khối tư thục và công lập đều được bình đẳng như nhau về chương trình, đội ngũ, cơ sở vật chất. Đặc biệt về mặt chuyên môn, trong lĩnh vực mà Bộ được giao không có sự phân biệt, trường tư hay từng câu đều giống nhau việc mở ngành, duy trì chương trình đào tạo, tuyển sinh…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khẳng định không có sự bất bình đẳng giữa đại học công và tư về chuyên môn

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khẳng định không có sự bất bình đẳng giữa đại học công và tư về chuyên môn

“Có ý kiến hạn chế mở ngành của trường công, làm như vậy thì chúng ta vi phạm quy tắc bình đẳng. Ở đây chúng ta phải nhấn mạnh lợi ích của người học. Người học được quyền lựa chọn dịch vụ nào tốt và phù hợp với điều kiện của mình”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Đối với chất lượng phát triển, Thứ trưởng Sơn khẳng định khối trường tư thục có đặc thù riêng so với trường công. Nhà nước khuyến khích đầu tư trường tư thục vì cho rằng, trường tư có tính năng động, tự chủ cao, sẽ làm tốt hơn nhà nước ở một số lĩnh vực... nhưng không bắt ép đầu tư.

Các nhà đầu tư từng trường tư thục cũng cần phải xem định hướng phát triển như thế nào, phân khúc nào, ở địa điểm nào... Nếu trường công làm tốt rồi, trường tư ở đó làm tốt rồi nhưng không cạnh tranh được thì không nên thành lập trường. Nếu có lợi ích, có hiệu quả, cạnh tranh được thì thực hiện. Nhưng điểm mấu chốt là phải lấy chất lượng làm kim chỉ nam.

Nói về vấn đề chất lượng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, thời điểm năm 2011-2012, các trường đại học tăng nhanh, quy mô phát triển sinh viên cả nước tăng đột biến. Nhưng đến năm 2017-2018 thì giảm rất mạnh, cho đến vài năm gần đây thì mới tăng trở lại.

Nguyên nhân của sự sụt giảm người học là do chất lượng giảm, người học không tin tưởng, xã hội không tin tưởng dẫn đến không lựa chọn học đại học. Khi chất lượng khẳng định được, người học sẽ lựa chọn và tin tưởng đây là con đường đứng đắn.

“Trong đợt 1 tuyển sinh năm nay có 52 trường tuyển sinh kém, dưới 30% chỉ tiêu, trong có đến 27 trường tư thục. Tuy nhiên, trong có 6 trường có quy mô tuyển sinh lớn nhất lại thuộc về các trường tư thục. Điều đó cho thấy, hệ thống của chúng ta ngày càng đa dạng, các trường tư thục có cơ hội nếu có chiến lược, năng lực thì phát triển rất tốt, nhưng cũng có trường không làm được. Từ đó khẳng định, muốn tăng số lượng, thì phải tăng chất lượng” Thứ trưởng nói.

Thêm vào đó, về vấn đề quan hệ, vai trò giữa nhà đầu tư, hội đồng trường… Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, các trường chưa có phản ánh nhiều về khó khăn. Do vậy, ông mong muốn, trong các văn bản sắp tới, các trường sẽ nêu rõ những khó khăn: giữa vai trò, thầm quyền nhà đầu tư với hội đồng trường…

“Hiện nay rất nhiều trường làm tốt nhưng cũng có nhiều trường lúng túng. Luật thì đã có, nhưng chưa chắc đã đầy đủ để các trường hiểu, nhất quán. Đề nghị các trường nêu rõ hơn nữa, những trường đã và đang làm tốt, cần thảo luận để cùng làm tốt hơn”, Thứ trưởng Sơn đề nghị.

Vấn đề hội đồng trường, Thứ trưởng cho rằng khi đã quyết định hiệu trưởng thì phải trao quyền cho họ, không can thiệp trực tiếp, nếu làm không đúng thì có cơ chế để thay thế. Đây là quan điểm chung của cả trường tư thục và công lập.

Lê Phương