Một dự đoán hiếm hoi về thảm cảnh thất nghiệp trong tương lai

27/08/2016 06:34
PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh
(GDVN) - Không phải ai cũng phù hợp để học Đại học và tấm bằng Đại học không phải là con đường duy nhất hay tốt nhất để có được chỗ đứng vững chắc trong cuộc đời.

LTS: Thất nghiệp không phải hiện tượng xa lạ, hiếm gặp. Nếu thất nghiệp do suy thoái kinh tế, những người có tay nghề phải chấp nhận không có việc là điều dễ hiểu.

Đằng này, khi nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, nhu cầu nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp, công ty là có thực.

Theo con số mới được Bộ Lao động thương binh và xã hội công bố, tính quý II/2016 số thất nghiệp tăng 16.400 người so với quý I năm 2016. 

Nhìn nhận điều này, PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh - Giảng viên trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội dự đoán tỷ lệ thất nghiệp trong thời gian tới khó giảm bền vững. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến này.  

Thất nghiệp ở Việt Nam đã trở thành mối lo thường trực cho mọi gia đình, ở mọi vùng miền.
 
Theo báo cáo của Bộ Lao động thương binh và xã hội, số thất nghiệp quý I/2016 là 1,12 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,23%.

Điều đáng lo ngại là số lượng thất nghiệp chủ yếu tập trung ở người trẻ, với 48% số người thất nghiệp ở độ tuổi từ 15 đến 24, chiếm 6,47% trong tổng số người ở lứa tuổi này, cao gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp ở những người trên 25 tuổi.
 
Tỷ lệ này đặc biệt cao ở khu vực thành thị với 9,51%, tức là cứ 10 thanh niên trong lực lượng lao động ở khu vực thành thị thì có gần 1 người thất nghiệp.
 
Đến quý II/2016 số thất nghiệp tăng 16.400 người so với quý I năm 2016.

Đáng chú ý, trong số những người bị thất nghiệp có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật, cụ thể có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.
 
Khi con số này được công bố, đa phần dư luận xã hội, gia đình đổ lỗi cho Nhà trường đã không trang bị đầy đủ kỹ năng cho sinh viên.
 
Một số khác thì phê phán Bộ GD&ĐT đã mở quá nhiều trường Đại học, Cao đẳng khiến cho tỷ lệ cung vượt quá cầu.

Khi nào thảm cảnh thất nghiệp mới được giải quyết? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Khi nào thảm cảnh thất nghiệp mới được giải quyết? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Rõ ràng, thời kỳ hội nhập, chúng ta thường dùng từ “thị trường lao động” trong khi trên thị trường hàng hóa, dịch vụ, các nhà sản xuất luôn phải có chiến lược kinh doanh dài hạn.
 
Đó là việc nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường, lên kế hoạch sản xuất, quảng bá để đảm bảo được thị trường chấp nhận nhưng thực tế các nhà sản xuất của thị trường lao động của ta lại đang “thả nổi” sản phẩm của mình.
 
Trong khi, ở các nước phát triển, học sinh bắt đầu được hướng nghiệp ngay từ khi hoàn thành bậc Trung học cơ sở để các em quyết định chọn học nghề hay học tiếp lên Đại học, ở Việt Nam thì sao?
 
Ở nước ta, tấm bằng Đại học là ước mơ của mọi gia đình, bất kể ngành nghề gì. Chính vì vậy, đa phần sinh viên đến khi tốt nghiệp vẫn chưa biết mình nên làm gì, thậm chí phó mặc cho số phận đưa đẩy.

Một dự đoán hiếm hoi về thảm cảnh thất nghiệp trong tương lai ảnh 2

Vẫn còn gần 500.000 lao động có trình độ đang thất nghiệp

(GDVN) - Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, trong quý 2/2016, cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp.

Đó chính là những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên ra trường làm trái nghề thậm chí phải giấu tấm bằng cử nhân để đi làm công nhân.
 
Cũng giống như các thị trường khác, khi sản phẩm không tiêu thụ được bên cạnh yếu tố thời điểm thì nguyên nhân chủ yếu là do chiến lược kinh doanh sai lầm. Cụ thể ở thị trường lao động chính là thiếu hụt hướng nghiệp đúng đắn.
 
Trong khi chờ đợi Bộ GD&ĐT cải cách giáo dục thì các gia đình nên tìm hiểu và định hướng nghề nghiệp cho con cái mình để “cứu” thế hệ trẻ của chúng ta.
 
Từ thực tiễn hướng nghiệp ở các nước tiên tiến và lý thuyết kinh doanh, khi hướng nghiệp cho con, gia đình cần lưu ý một số điểm sau:
 
Thứ nhất, các bậc cha mẹ nắm được khả năng của con mình. Bởi lẽ, hiện nay có rất nhiều phụ huynh do quá “mê tín” bằng cấp nên đã ép con phải học Đại học, bất cứ trường nào. Thậm chí, phụ huynh còn ép con học theo ý muốn của chính mình.
 
Các bậc cha mẹ hãy nhớ rằng: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, mỗi người sinh ra được tự nhiên “phú” cho những khả năng khác nhau và ai cũng chỉ có thể hạnh phúc, thành đạt khi làm nghề phù hợp với sở trường của bản thân.
 
Và không phải ai cũng phù hợp đề học Đại học và tấm bằng Đại học không phải là con đường duy nhất hay tốt nhất để có được chỗ đững vững chắc trong cuộc đời.
 
Bởi thực tế theo Tổng cục Dạy nghề, trong khi năm 2015 có hàng loạt cử nhân, Thạc sĩ thất nghiệp, thì 70% học sinh học nghề tốt nghiệp có việc làm, thậm chí ở nhiều trường nghề trên 90% học viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp với mức lương khởi điểm từ 3tr -9tr. [1]
 
Do đó, bố mẹ nên cho con trải nghiệm nhiều như làm việc nhà, quan sát con trong thời gian nghỉ hè….để nhận ra thiên hướng, khả năng, sở thích của con.
 
Từ độ tuổi 15-16, phụ huynh có thể cho làm thử bài test về tính cách để có thêm gợi ý về nghề nghiệp mà con nên theo đuổi.
 
Phụ huynh có thể tham khảo trang http://www.humanmetrics.com/cgi-win/jtypes2.asp hoặc trang webfixi.vn.
 
Thứ hai, gia đình và chính bản thân người học cần tìm hiểu nhu cầu lao động của xã hội không chỉ hiện tại mà cả xu thế sau này.

Một dự đoán hiếm hoi về thảm cảnh thất nghiệp trong tương lai ảnh 3

Trăm nghề, nghĩ kỹ chọn lấy một

(GDVN) - Dũng cảm chọn lấy một nghề để theo đuổi, sống chết với nó là quyết định rất khó khăn với nhiều bạn trẻ nhưng có khi đó lại là quyết định đúng đắn nhất!

 
Tâm lý “bầy đàn” của Việt Nam quá nặng cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Bởi nếu những năm 70-80 học Y – Dược là “mốt” thì từ năm 1990 đến năm 2000, cả xã hội đổ xô đi học Quản trị kinh doanh, Kinh tế hoặc Ngân hàng.
 
Điều này dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, ra trường thất nghiệp ồ ạt.
Cho nên, các bậc phụ huynh nên tham khảo những ngành nghề đang thịnh hành trên thế giới để định hướng cho con cái và các bạn trẻ cũng cần chủ động tìm hiểu để có trách nhiệm với tương lai của mình hơn.
 
Thứ ba, hiện nay các yếu tố như truyền thống gia đình, các mối quan hệ cũng có thể được tính đến vì con cái sẽ thuận lợi khi bắt đầu khởi nghiệp nhưng các phụ huynh vẫn nên tham khảo và tôn trọng sở thích của con.
 
Bởi khi được tự chọn, tự quyết định tương lai trong phạm vi khả năng của mình thì các bạn trẻ sẽ có hứng thú học hành và có nhiều cơ hội thành công hơn.
 
Chỉ khi nào gia đình và người học chủ động quan tâm đến hướng nghiệp một cách tỉnh táo thì thảm cảnh thất nghiệp mới có thể được giải quyết, giảm bớt sự lãng phí cho cả gia đình và xã hội.

Theo quy luật hàng năm cho thấy, quý II và quý III là “mùa” sinh viên ra trường nên tỷ lệ tốt nghiệp thường cao, đến quý IV sẽ có xu hướng giảm. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế không khả quan như hiện nay và lượng sinh viên không có định hướng nghề nghiệp đúng đắn thì tỷ lệ thất nghiệp trong thời gian tới khó giảm bền vững. 

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/306872/3-thang-dau-nam-225-000-cu-nhan-that-nghiep.html

PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh