Một lớp hơn 60% học sinh xuất sắc có bất thường?

26/06/2024 06:44
Phan tuyết
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hạn chế tình trạng loạn khen, ngành giáo dục địa phương cũng cần có những cuộc thanh kiểm tra công tác thi đua khen thưởng ở các trường học trên địa bàn.

Đồng nghiệp đang công tác tại trường tiểu học tại một tỉnh miền núi Tây Nguyên mới chuyển cho người viết một danh sách học sinh đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc và Học sinh Tiêu biểu năm học 2023-2024 của trường nơi người này công tác. Có rất nhiều con số qua bảng thống kê này khiến người viết không khỏi băn khoăn.

Hơn 60% học sinh xuất sắc một lớp có là bất thường?

Theo đó, toàn trường này có khoảng 1.200 học sinh nhưng có tới 735 học sinh (chiếm 60.5%) được khen thưởng các danh hiệu học tập (Học sinh Xuất sắc, Học sinh Tiêu biểu, Học sinh vượt trội…).

Đáng chú ý nhất là có những lớp có 41/48 học sinh được khen (chiếm 85.5%). Trong đó, có 31 học sinh đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc (chiếm 64.5%) và 10 học sinh đạt Học sinh Tiêu biểu (chiếm 21%).

gdvn-bảng học sinh xuất sắc.jpg
Hình ảnh giáo viên cung cấp.

Ngoài ra, còn nhiều lớp học trong trường có số học sinh khen thưởng đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc trên 20 em/lớp.

Nhiều giáo viên băn khoăn

Cá nhân người viết khi xem danh sách khen thưởng này, tôi thật sự thấy ‘choáng” và vô cùng bất ngờ vì số lượng học sinh được khen thưởng đặc biệt là khen về danh hiệu Học sinh Xuất sắc trong một lớp học bình thường lại có thể nhiều đến như vậy.

Tôi “choáng” vì nơi mà đồng nghiệp của tôi giảng dạy là vùng miền núi vùng Tây Nguyên, nơi đây vẫn đang thiếu thốn về nhiều mặt. Thế mà, kết quả học tập của các em lại cao đến bất ngờ.

Là một giáo viên tiểu học, cá nhân tôi thấy việc học sinh được khen thưởng theo quy định của Thông tư 27/2020 là không hề dễ. Rất nhiều câu hỏi được tôi đặt ra như: “Học sinh nơi đó giỏi đến thế sao?”; “Giáo viên nơi ấy dạy thế nào mà trong một lớp lại có nhiều học sinh xuất sắc đến vậy?”…

Có thắc mắc trên bởi vì nơi tôi giảng dạy là một thị xã đang phát triển, đời sống của người dân không quá khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp khang trang, học sinh có đủ điều kiện thuận lợi trong học tập nhưng kết quả thua xa so với trường ở trên.

Bản thân tôi được nhà trường đánh giá là giáo viên có chuyên môn vững vàng. Được nhiều đồng nghiệp, các thầy cô trong trường và phụ huynh trong lớp nhận xét là một giáo viên có tâm với nghề, luôn giảng dạy nhiệt tình và tận tuỵ với học sinh.

Vậy mà, kết quả khen thưởng lớp tôi chủ nhiệm cuối năm cũng chỉ được 2 học sinh đạt thành tích Học sinh Xuất sắc, 2 học sinh đạt danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện.

Các lớp của đồng nghiệp tôi trong trường cũng vậy, lớp nhiều nhất cũng chỉ 4 học sinh đạt Học sinh Xuất sắc và 2 Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện.

Theo Thông tư 27/2020, học sinh có dễ dàng được khen thưởng Học sinh Xuất sắc và Học sinh Tiêu biểu không?

Nếu như trước đây, học sinh tiểu học được đánh giá Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT đã xảy ra tình trạng “mưa giấy khen”. Chính vì thế, Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ra đời với các quy định được đánh giá siết chặt rất nhiều. Cụ thể:

Điểm a, Khoản 1, Điều 13, Thông tư 27/2020 quy định khen thưởng cuối năm học như sau:

Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc;

Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.

Để học sinh hoàn thành xuất sắc phải đáp ứng các yêu cầu là có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên;

Hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên;

Cụ thể, học sinh phải được xếp mức tốt ở tất cả các môn học (10 đến 12 môn) và 13 năng lực phẩm chất. Để xếp được 13 năng lực phẩm chất mức tốt cũng không hề dễ dàng gì.

Có 5 phẩm chất (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và 8 năng lực cốt lõi gồm năng lực chung và năng lực đặc thù. Trong năng lực cốt lõi thì có 3 năng lực: Tự chủ và tự học; Giao tiếp và hợp tác; Giải quyết vấn đề và sáng tạo để một học sinh tiểu học đạt mức tốt là vô cùng khó.

Thế nên, có những học sinh học rất tốt tất cả các môn học nhưng hạn chế về giao tiếp cũng không đủ điều kiện được khen thưởng. Bởi, chỉ cần một trong 13 năng lực phẩm chất xếp H (hoàn thành) thì phần khen thưởng vẫn không đạt.

Hơn 60% học sinh một lớp đạt học sinh xuất sắc có là bất thường?

Trong quá trình giảng dạy và giáo dục học sinh, bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp của mình đều nhận thấy, kỹ năng “Giao tiếp và hợp tác”; “Giải quyết vấn đề và sáng tạo” của học sinh tiểu học có nhiều điểm hạn chế. Nếu xét toàn lớp, số lượng học sinh đạt tốt những năng lực này không nhiều, kể cả những học sinh có lực học tốt.

Bởi thế, trong khi đánh giá và nhận xét học sinh, giáo viên vẫn luôn có sự nương tay. Chúng tôi thường nói với nhau, nếu đánh giá thẳng tay theo quy định thì một lớp chỉ chừng vài em đạt các danh hiệu khen thưởng là nhiều.

Bởi thế, một lớp học ở vùng Tây Nguyên của đồng nghiệp tôi có tới 85% (ít thì cũng 60%) học sinh đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc và Học sinh Tiêu biểu khiến người trong ngành như tôi trăn trở, băn khoăn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan tuyết