LTS: Phản ánh thực tế nhiều chuyên viên Sở, Phòng Giáo dục khi sắp về hưu lại xin về trường dạy, thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng việc này đang gây khó khăn cho sự phát triển giáo dục của mỗi địa phương.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Những năm gần đây, có một nghịch lí là nhiều chuyên viên Sở, Phòng làm việc đến lúc gần về hưu thì thường xin chuyển về các đơn vị trường gần nhà để công tác.
Phần lớn họ lấy lí do là lớn tuổi đi lại khó khăn, làm việc chậm để được chuyển về gần nhà. Nhưng, thực chất đây là những toan tính của phần lớn các chuyên viên.
Bởi nếu là chuyên viên thường họ phụ trách một mảng chuyên môn và tất nhiên là phải bao quát một địa bàn rộng. Công việc có phần vất vả hơn.
Cán bộ bỗng nhiên từ quan làm dân ở trường học, thường có lý do khách quan. Ảnh minh họa từ Đại đoàn kết |
Nhưng, khi họ về trường thì phần lớn họ được bố trí làm phó Hiệu trưởng ngoài giờ, phó Giám đốc Trung tâm giáo dục cộng đồng - những chức danh mà gần như không có việc.
Hoặc, cùng lắm thì họ được Ban Giám hiệu xếp đảm nhận giảng dạy một số tiết nhất định cho có việc.
Có một ông thầy học chuyên ngành Toán đã nhiều năm là phó Phòng Giáo dục, sau đó xin về dạy lớp.
Lúc đầu Ban Giám hiệu bố trí cho dạy Toán nhưng dạy học sinh phản đối nhiều quá vì thầy đã quên kiến thức gần hết.
Giấc mơ biên chế và chuyện "không thể lý giải" |
Thấy không ổn, Ban Giám hiệu chiếu cố cho dạy mỗi tuần vài tiết môn Giáo dục Công dân nhưng rồi cũng kham nổi công việc.
Bởi thầy dạy lớp nào là lớp đó học sinh và phụ huynh phản đối…
Phải nói rằng phần lớn các chuyên viên các cấp Sở, Phòng khi về dạy lớp là dạy không được. Bởi vì các thầy cô này đã không dạy lớp quá lâu.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Vì sao họ lại xin về công tác ở các điểm trường?
Có một thực tế mà ai cũng biết đó là về trường thì họ được khôi phục lại các loại phụ cấp như phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp. Hai khoản này cũng tương đương 2/3 với số lương cơ bản của họ.
Điều này cũng đồng nghĩa họ công tác một thời gian ngắn nữa là về hưu thì ắt số lương hưu của họ cũng được tính cao hơn rất nhiều so với họ đảm nhận một chức vụ chuyên viên ở Sở hay Phòng giáo dục.
Bởi nếu ở ngạch chuyên viên thì những người này chỉ có phụ cấp công vụ 25% (nơi có, nơi không) và không được hưởng phụ cấp thâm niên của nhà giáo.
Hiện tượng lãnh đạo xin về làm “dân” không còn là hiếm ở ngành giáo dục. Có phải đây là lí do sức khỏe hay là những “toan tính” cho riêng mình của các vị chuyên viên?
Phần nhiều khi các vị này về trường nào thì các thành viên Ban giám hiệu nhà trường rất ngại.
Nhưng, họ vẫn phải nhận những người này về làm “cấp dưới” của mình và mỗi tháng phải chi trả hàng chục triệu đồng tiền lương nhưng hiệu quả công việc gần như không có, thậm chí nhiều người mỗi tuần vào uống cà phê vài lần rồi về…
Đây là một sự lãng phí đang tồn tại trong ngành giáo dục.
Ngoài hiện tượng các chuyên viên xin về trường thì còn một số cán bộ quản lí khi không đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm lại cũng là một hiện tượng nan giải cho các Ban Giám hiệu.
Thường, khi những người ở vị trí thấp được bố trí ở vị trí công tác cao hơn thì họ thường làm việc hiệu quả và có trách nhiệm với công việc.
Nhưng, những người từ vị trí cao do năng lực hạn chế hoặc vấn đề tuổi tác mà họ được điều chuyển về làm ở vị trí thấp hơn thì phần lớn họ không kham nổi công việc, hoặc làm nhưng không hiệu quả và làm việc với một tâm thế bất cần, chán nản.
Họ đã quen với việc chỉ đạo cấp dưới, nay bị người khác “chỉ đạo” mình nên làm cho họ khó chịu.
Nơi tôi công tác có một giáo viên nguyên trước đây là phó Hiệu trưởng gần 20 năm nhưng vẫn không thể nào phát triển lên được bởi năng lực hạn chế.
Tuy nhiên, vì có người anh ruột là một quan chức của ngành giáo dục. Vì thế, ông thầy này cũng tại vị ở vị trí đó đến ngày ông anh về nghỉ hưu.
Khi không còn chỗ dựa và uy tín quản lí của vị phó này không phát huy được thì cũng là lúc cấp trên muốn thay đổi người khác đảm nhận vị trí quản lí đó.
Ngặt một nỗi bây giờ bố trí vị phó Hiệu trưởng đó đi đâu. Tuổi hưu thì còn cả gần chục năm nữa mới về… nên Phòng Giáo dục bố trí làm ở Trung tâm giáo dục cộng đồng (chức vụ này mỗi xã có một người).
Thế là ông thầy đó sang đảm nhận vị trí công tác mới. Công việc ở trung tâm cũng chẳng có gì nên càng nhàn rỗi hơn.
Nghịch lý cán bộ chưa bao giờ đứng lớp lại trực tiếp chỉ đạo chuyên môn |
Tuy nhiên, mấy năm gần đây ngành có chủ trương là không đứng lớp thì không được nhận phụ cấp đứng lớp 30% (cấp Trung học cơ sở).
Vì vậy, ông thầy này xin Ban Giám hiệu dạy một lớp để được nhận chế độ phụ cấp này.
Khổ nỗi đã nhiều năm không đứng lớp mà lại quen thói chỉ đạo nên khi thầy đi dạy thì bị cả Ban Giám hiệu mới, Tổ trưởng triển khai công việc chuyên môn và dự giờ góp ý.
Cho nên, ông thầy này thường có những hành động chống đối và khó chịu với Ban Giám hiệu mới và tổ chuyên môn.
Chỉ khổ học sinh lớp ông thầy đó đảm nhận, năm nào tỉ lệ học sinh yếu kém cũng cao. Bởi thi học kì thì thi chung cả khối và bài thi có nhiều giáo viên chấm.
Hiện nay, chính phủ đang thể hiện quyết tâm tinh giản biên chế để giảm gánh nặng ngân sách.
Vì thế, trước hiện tượng nhiều cán bộ của ngành giáo dục không còn động lực phấn đấu hoặc làm việc trong tâm thế “chờ hưu” đầy toan tính thì chúng ta cũng cần mạnh dạn tinh giảm những đối tượng này.
Vừa nâng cao hiệu quả công việc, tránh tình trạng khó xử cho các Ban Giám hiệu mà lại giảm được gánh nặng ngân sách cho mỗi đơn vị mỗi năm hàng trăm triệu đồng/ người (chờ hưu).
Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn, cách hành văn của riêng tác giả.