Sau khi dạy xong văn bản Thần Trụ Trời trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 (tập 1, trang 13-14, bộ Chân trời sáng tạo, Nguyễn Thành Thi (Chủ biên), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), tôi nhận được câu hỏi của một em học sinh ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Vì sao sách giáo khoa viết hoa đầy đủ tên thần Trụ Trời (viết hoa hai chữ Trụ Trời) nhưng các vị thần khác thì không? Đó là các vị thần: Đếm cát; Tát bể (biển); Kể sao; Đào sông; Xây rú (núi) chỉ viết hoa một chữ.
Tên thần Trụ Trời trong sách Chân trời sáng tạo được viết hoa đầy đủ. (Ảnh: Ánh Dương) |
Nhưng tên 5 vị thần khác trong sách Chân trời sáng tạo chỉ viết hoa một chữ. (Ảnh: Ánh Dương) |
Tôi xem sách Ngữ văn 10 (tập 1, trang 26-27, bộ Cánh Diều (Lã Nhâm Thìn - Đỗ Ngọc Thống đồng Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Huế), thì nội dung sách viết "thần Trụ trời" (chỉ viết hoa chữ Trụ) và không viết hoa các vị thần: đếm cát; tát bể (biển); kể sao; đào sông; xây rú (núi).
Cách viết hoa tên các vị thần trong sách Cánh Diều khác sách Chân trời sáng tạo. (Ảnh: Ánh Dương) |
Còn sách Ngữ văn 10 (tập 1, trang 11-12, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Bùi Mạnh Hùng (Tổng Chủ biên), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), viết "thần Trụ Trời" (viết hoa hai chữ Trụ Trời) còn các vị thần đếm cát; tát bể (biển); kể sao; đào sông; xây rú (núi) thì viết thường.
Cách viết hoa các vị thần trong sách Kết nối tri thức với cuộc sống cũng khác với sách Chân trời sáng tạo và sách Cánh Diều. (Ảnh: Ánh Dương) |
Nhận thấy 3 bộ sách có 3 cách viết hoa tên các vị thần khác nhau, tôi gửi câu hỏi: "thần trụ trời chỉ viết hoa chữ Trụ hay viết hoa cả Trụ Trời" đến Thạc sĩ Ngôn ngữ học Lường Tú Tuấn, nguyên giáo viên môn Ngữ văn một trường trung học phổ thông ở tỉnh Bình Phước, thì được ông trả lời:
"Từ điển Thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng Chủ biên), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ghi thần Trụ trời (chỉ viết hoa chữ Trụ)".
Tôi đem thắc mắc này trao đổi với một giáo viên Ngữ văn có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy cấp trung học phổ thông ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, thầy giáo chia sẻ:
"Nếu xem thần trụ trời là một danh từ thì phải viết hoa cả hai chữ Trụ Trời. Tương tự, phải viết hoa ông Đếm Cát, Tát Bể (biển); Kể Sao; Đào Sông; Xây Rú (núi) để có sự thống nhất.
Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi cho rằng, chỉ nên viết hoa đầy đủ thần Trụ Trời, còn các vị thần khác như: đếm cát; tát bể (biển); kể sao; đào sông; xây rú (núi) thì viết thường, vì văn bản Thần Trụ Trời chỉ đơn thuần miêu tả công việc của các vị thần là đếm (cát); tát (bể); kể (sao); đào (ao); xây (rú)".
Cách viết hoa danh từ riêng chỉ tên người (tên thông thường) quy định trong Nghị định 154/2020/NĐ-CP, Nghị định 30/2020/NĐ-CP và Nghị quyết 351/2017/NQ-UBTVQH14 đều giống nhau: "viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết của danh từ riêng chỉ tên người".
Nếu căn cứ theo các văn bản quy phạm pháp luật như đã dẫn, cá nhân người viết cho rằng, cách viết chuẩn phải là thần Trụ Trời (viết hoa cả hai chữ Trụ Trời).
Riêng các vị thần làm công việc đếm cát; tát bể (biển); kể sao; đào sông; xây rú (núi) thì phải viết thường vì không phải danh từ riêng.
Sách Ngữ văn 10 bộ Chân trời sáng tạo, Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống viết hoa tên các vị thần khác nhau là rất đáng lo ngại. Bởi, nội dung sách giáo khoa phải đảm bảo tính chuẩn mực, khoa học, thống nhất... là những yêu cầu tối thiểu cần phải có.
Hơn nữa, khi mỗi sách viết một kiểu thì học sinh (trung học phổ thông) sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong việc thi cử, cụ thể là kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Chẳng hạn, một học sinh viết "thần Trụ trời (chỉ viết hoa chữ Trụ) trong bài thi Ngữ văn thì giám khảo dạy bộ Chân trời sáng tạo và bộ Kết nối tri thức với cuộc sống sẽ trừ lỗi chính tả vì họ cho rằng em này không viết hoa chữ Trời.
Qua bài viết này, rất mong bạn đọc (nhất là các nhà khoa học, nhà giáo chuyên ngành Ngôn ngữ học, Văn học...) đóng góp thêm ý kiến nhằm giúp các tác giả sách giáo khoa có sự thống nhất trong cách viết hoa chỉ tên các vị thần.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.